TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Khoa Luật Trường ĐH Văn Lang tổ chức tọa đàm “Triển khai biên soạn mục từ của Bách khoa toàn thư Việt Nam”

(P.TS&TT - Văn Lang 12/11/2020) - Trong chuỗi hoạt động hướng đến Kỷ niệm 25 năm thành lập Trường, vào ngày 11/11/2020 Trường Đại học Văn Lang (với nòng cốt là khoa Luật) phối hợp với Ban Chủ nhiệm Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã tổ chức thành công Tọa đàm khoa học với chủ đề “Triển khai biên soạn mục từ của Bách khoa toàn thư Việt Nam”.

Trường Đại học Văn Lang vinh dự tiếp đón 03 vị lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tham dự tọa đàm có PGS.TS. Lại Văn Hùng, Tổng Thư ký Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Từ điển học – Bách khoa thư; PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng, Phó Tổng Thư ký chuyên trách Đề án biên soạn BKTTVN, nguyên Phó Viện trưởng Viện Từ điển học –Bách khoa thư; PGS.TS. Vũ Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Từ điển học – Bách khoa thư cùng nhiều cán bộ quản lý, nhà khoa học thuộc Viện Từ điển học – Bách khoa thư Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

vlu toa dam bkttvn aẢnh: PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang tặng hoa và quà tri ân đến 03 vị lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Tọa đàm thu hút hơn 40 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực đến từ nhiều cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý Nhà nước khu vực phía Nam; đại diện một số cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Về phía Trường Đại học Văn Lang có PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng; TS. Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng thường trực; PGS.TS. Nguyễn Văn Áng - Phó Hiệu trưởng cùng đông đảo lãnh đạo các Khoa, Trung tâm, Viện, Phòng, Ban, giảng viên nhân viên và sinh viên Khoa Luật.

vlu toa dam bkttvn bẢnh: PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng, PGS.TS. Lại Văn Hùng và PGS.TS. Bùi Anh Thủy điều hành buổi Tọa đàm (thứ tự từ trái sang phải).

Sau bài phát biểu chúc mừng và tuyên bố khai mạc Tọa đàm của PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu đại diện cho Trường Đại học Văn Lang, PGS.TS. Lại Văn Hùng - Tổng Thư ký Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã trình bày báo cáo đề dẫn. Các đại biểu tham dự Tọa đàm đã trao đổi nhiều ý kiến có ý nghĩa thiết thực đối với việc nhận thức về bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam được biên soạn lần này và những chỉ dẫn quan trọng trong việc biên soạn.

vlu toa dam bkttvn e

Được biết, ngày 28 tháng 7 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1262/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm 39 quyển, mỗi quyển sẽ có dung lượng 1500 trang, bao gồm đầy đủ các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và kỹ thuật, khoa học quốc phòng, ngoại giao, an ninh… Để tổ chức biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam, ngày 15 tháng 2 năm 2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 238/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm 16 thành viên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giữ chức Chủ tịch Hội đồng.

Muốn đánh giá nền văn hiến, trình độ văn hoá, khoa học của mỗi quốc gia có thể thông qua tiêu chí là khối lượng và chất lượng các bách khoa thư mà nước đó biên soạn, xuất bản cung cấp cho bạn đọc. Có thể nói bách khoa thư phản ánh khá chính xác nền văn minh và trình độ phát triển văn hoá, khoa học của một quốc gia, một dân tộc. Vì vậy việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam thực sự là thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. “Từ điển” chỉ có các từ và giải nghĩa các từ, đưa thông tin tối thiểu cho người đọc về từ đó. Vì thế, khi nó đưa ra một định nghĩa, thì nó sẽ bỏ qua ý nghĩa hoặc tầm quan trọng của những thuật ngữ mà độc giả vẫn còn chưa hiểu được, cùng mối quan hệ của nó với một lĩnh vực kiến thức rộng hơn. “Bách khoa thư” khắc phục hạn chế đó của từ điển, bằng cách cung cấp thông tin phong phú về nội hàm, ý nghĩa của khái niệm hay còn gọi là đơn vị tri thức.

Khác với “Từ điển”, “Bách khoa toàn thư” đi tìm sự tranh luận cho từng chủ đề ở một cấp độ sâu, đồng thời truyền tải kiến thức đã tích lũy được về chủ đề ấy. Các nhà Bách khoa thư học thường tiến hành xây dựng hai loại sách khác nhau: “Từ điển bách khoa” và “Bách khoa toàn thư”. “Từ điển bách khoa” có chức năng cung cấp một lượng thông tin lớn, chính xác, nhưng có giới hạn, đó là một tập hợp các mục từ với số lượng lớn, dung lượng nhỏ, rời rạc và tản mát, không được liên kết với nhau. Còn “Bách khoa toàn thư” dù có được biên soạn theo hình thức chủ đề hay hình thức bài mục, vẫn phải đảm bảo được chức năng chủ yếu là giáo dục, tự học, tự bồi dưỡng một cách có hệ thống, toàn diện và cơ bản.

Các công trình bách khoa đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp những tri thức cơ bản cốt yếu nhất cho người đọc. Ngoài việc đóng vai trò là công cụ đọc, học tập và nghiên cứu ra, chúng còn giúp cho mọi người hệ thống hóa được những gì đã đọc, đã học, những tri thức và tư liệu đã được nó thu thập lại một cách toàn diện và có hệ thống sẽ đáp ứng nhu cầu tự học một cách có hệ thống của mọi người. Vì thế, người ta thường ví “Bách khoa toàn thư là trường đại học không có tường bao”.

Trong lĩnh vực văn hóa, vai trò của các công trình bách khoa thể hiện trên nhiều mặt. Một mặt, các công trình bách khoa giữ gìn, làm giàu, làm đẹp vốn văn hóa dân tộc, nhất là ngôn ngữ thể hiện trong việc chuẩn ngôn ngữ viết. Mặt khác, đây là loại sách lưu giữ và cung cấp thông tin về các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, âm nhạc và các lĩnh vực khác. Ngoài ra, qua việc đọc công trình bách khoa, công chúng có thể tiếp nhận tri thức văn hóa của các dân tộc trên thế giới, góp phần nâng cao văn hóa, làm cho mọi người ngày càng hiểu nhau, xích lại gần nhau hơn, chia sẻ tâm tư, tình cảm, đồng thời cùng học tập, tiếp thu được nền văn hóa đa dạng, phong phú của các dân tộc khác để làm giàu cho văn hóa dân tộc mình.

Trong kho tàng thư tịch của Việt Nam thời Trung - Cận đại có nhiều bộ sách quý có tính bách khoa thư còn lưu truyền đến ngày nay, đề cập đến nhiều lĩnh vực như: thiên văn, vũ trụ, sinh vật, chính trị, kinh tế, địa lý, luật pháp, văn học nghệ thuật, ngoại giao, quân sự, nhân vật lịch sử…Trong đó, hai bộ “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn (cuối thế kỷ 18) và “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú (đầu thế kỷ 19) được xem là những bộ sách có tính bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam.

Những năm đầu của thế kỷ XXI, Việt Nam đã hoàn thành việc biên soạn và xuất bản Từ điển bách khoa Việt Nam, với sự tham gia của 1200 nhà khoa học. “Từ điển bách khoa Việt Nam” là bộ từ điển gồm bốn tập, mỗi tập có độ dày trên dưới 1.000 trang, khổ 19×27, gồm khoảng 40.000 mục từ thuộc 40 ngành khoa học khác nhau. Đây là bộ từ điển bách khoa đầu tiên của Việt Nam được biên soạn có tổ chức, chỉ đạo của Nhà nước, có mục đích cung cấp những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử xã hội, văn hoá, khoa học, công nghệ Việt Nam xưa và nay và những tri thức văn hoá, khoa học, kỹ thuật của thế giới.

vlu toa dam bkttvn fTS. KTS Đỗ Phú Hưng - Trưởng khoa Kiến trúc Trường ĐH Văn Lang bày tỏ mong muốn Bách khoa Toàn thư Việt Nam sẽ có phát hành ở phiên bản online để toàn dân có thể sử dụng rộng rãi hơn.

Với chủ đề triển khai biên soạn mục từ bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam, ngoài những ý kiến phân tích về mục tiêu, yêu cầu, tầm quan trọng, ý nghĩa của việc biên soạn bộ Bách khoa toàn thư, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Đề án… các đại biểu tham dự Tọa đàm đã phát biểu sôi nổi, trao đổi về những vấn đề liên quan đến việc triển khai biên soạn mục từ, như: nguyên tắc của việc phân chia quyển, mối quan hệ giữa các quyển trong bộ Bách khoa toàn thư; nguyên tắc, quy trình tập hợp các nhà khoa học tham gia biên soạn, nguyên tắc lựa chọn mục từ, sắp xếp, biên soạn mục từ… Một số ý kiến cũng đã nêu lên một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị hướng xử lý những vướng mắc, bất cập này. PGS.TS Bùi Anh Thủy, Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang, Thành viên chính Ban biên soạn chuyên ngành Luật học của bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam đã chỉ ra một trong những vướng mắc, bất cập của quá trình biên soạn là việc “mục từ trùng”.

Mục từ trùng có nhiều dạng, như: trùng về tên đầu mục từ (nội hàm sẽ khác vì nội hàm do chuyên ngành quyết định cho phù hợp). Trùng về tên mục từ: là việc một mục từ có trong ngành này nhưng lại cũng có trong bảng mục từ của ngành khác, mặc dù các ngành đều xác định đúng. Trùng về nội hàm nhưng tên của mục từ khác nhau. Tên mục từ không hoàn toàn giống nhau nhưng thực chất chỉ là một…

Thống kê của PGS.TS Bùi Anh Thủy cho thấy: Quyển 28 - Chính trị, Ngoại giao, Tổ chức có 296 mục từ trùng; Quyển 29 - Quốc phòng, có 181 mục từ trùng; Quyển 30 - Luật học có 235 mục từ trùng; Quyển 32 - Thông tin, Báo chí, Xuất bản, Bảo tàng có 225 mục từ trùng…

vlu toa dam bkttvn dPGS.TS Bùi Anh Thủy đã kiến nghị chọn cách xử lý với tình huống mục từ trùng như sau:
Thứ nhất, biết chắc chắn trùng do sơ xuất kỹ thuật của bảng mục từ trong cùng một quyển chuyên ngành (trùng hoàn toàn), ta bỏ một hoặc những mục từ trùng đó luôn;
Thứ hai, nếu trùng đương nhiên (không tránh khỏi) trong cùng một quyển mà nội hàm có khác nhau theo phân ngành, thì chỉ giữ một mục từ. Trong nội dung của mục từ này sẽ có các mục nhỏ hơn.
Thứ ba, khi có mục từ trùng trong một số quyển: Các Ban chuyên ngành cùng thảo luận và đưa ra giải pháp để Ban nào viết sẽ phù hợp hơn.
Thứ tư, sẽ có những mục từ trùng nhưng nội hàm lại là nội dung chuyên môn của các Ban chuyên ngành khác nhau. Trường hợp này, giải pháp khả dĩ là, các Ban cùng viết theo chuyên môn của mình, sau đó sẽ có Hội đồng hoặc Ban giải quyết mục từ trùng tổng hợp lại thành một mục từ hàm chứa nội dung của các quyển chuyên ngành.

Tại phần bế mạc tọa đàm, PGS.TS Lại Văn Hùng thay mặt Chủ tọa phát biểu tổng kết khoa học, ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước. PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu đã bày tỏ niềm vui, phấn khởi khi phát biểu bế mạc Tọa đàm  và trân trọng cám ơn Ban CN Đề án biên soạn bách khoa toàn thư Việt Nam đã lựa chọn Trường Đại học Văn Lang là đối tác tổ chức Tọa đàm, làm đầu mối tập trung các nhà khoa học ở phía Nam tiếp cận tham gia biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam. PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển sự hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang với Ban chủ nhiệm Đề án bách khoa toàn thư Việt Nam trong tương lai.

vlu toa dam bkttvn cẢnh: Tòa thể tọa đàm chụp ảnh lưu niệm sau khi bế mạc tọa đàm.

Tọa đàm khoa học lần này là việc làm rất ý nghĩa của Trường Đại học Văn Lang, trong việc tạo diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia đóng góp cho việc xây dựng bách khoa toàn thư Việt Nam; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi thông tin, hợp tác nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học của Trường Đại học Văn Lang với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ quan quản lý khu vực phía Nam. Tọa đàm cũng là dịp nâng cao vị thế, hình ảnh, thương hiệu Đại học Văn Lang. Đồng thời, việc tổ chức thành công Tọa đàm khoa học lần này cho thấy năng lực nghiên cứu khoa học, khả năng tổ chức nghiên cứu của Trường Đại học Văn Lang nói chung và Khoa Luật nói riêng đủ sức tham gia đóng góp vào sự nghiệp khoa học, sự nghiệp giáo dục – đào tạo của nước nhà./.

PGS.TS. Phan Quang Thịnh - Trưởng bộ môn Luật Hiến pháp - Hành chính

Ảnh: Mai Nhân


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag