TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Phim Điện ảnh – Truyền hình và giấc mơ của người trẻ

 (PTS&TT - Văn Lang, 16/03/2021)  - Trong khuôn khổ Lễ ra mắt Liên hoan phim Văn Lang lần thứ nhất năm 2021, Talkshow “Phim điện ảnh – Truyền hình và giấc mơ của người trẻ” đã diễn ra với sự tham gia của các khách mời, nghệ sĩ là các chuyên gia nổi tiếng của nền điện ảnh nước nhà.

Talkshow “Phim điện ảnh – Truyền hình và giấc mơ của người trẻ” là buổi chia sẻ của thế hệ những người làm phim đi trước với những người trẻ thế hệ sau, là những người tên tuổi gạo cội trong nghề giúp các thí sinh trẻ tiếp tục nhen nhóm ước mơ làm phim của người trẻ. Buổi trò chuyện có sự tham gia của các khách mời: Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Phan Thị Bích Hà – Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP. HCM, Trưởng Khoa Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh Trường Đại học Văn Lang; Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đào Bá Sơn – Giảng viên khoa Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh; Thạc sĩ, Họa sĩ Phan Quân Dũng – Trưởng khoa Mỹ thuật và Thiết kế; Nhà biên kịch Nguyễn Ngọc Bích; Đạo diễn, Nhà sản xuất Lý Minh Thắng

Trong suốt hơn nửa giờ đồng hồ, phần giao lưu, hỏi đáp đều xoay quanh chủ đề ““Phim điện ảnh – truyền hình và giấc mơ của người trẻ” đã đem đến những góc nhìn sâu hơn về hành trình của những người sống cùng nền nghệ thuật thứ bảy.

“Hãy bắt đầu từ chính đam mê của mình”

Giao lưu cùng thành viên các đội thi, sinh viên Lan Ngọc Nhi, ngành Diễn viên Khoa Nghệ thuật Sân khấu – Điện ảnh, thành viên Nhóm Dây thun cho biết: Nhóm có 15 thành viên cùng nhau nghĩ ra ý tưởng, cùng viết kịch bản, cùng nhau phân công công việc và chưa nhờ thêm sự hỗ trợ từ ai. “Lần đầu tiên làm phim, nhóm gặp không ít khó khăn, lo lắng. Không biết bắt đầu mọi việc từ đâu. Vào vòng trong, nhóm hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ Mentor”.

vlu talkshow phim dien anh va giac mo cua nguoi tre aCó rất nhiều trăn trở của người trẻ khi theo đuổi đam mê làm phim. Liên hoan phim Văn Lang là cơ hội học tập của các bạn. Talkshow chính là buổi học đầu tiên cho các bạn trên hành trình làm phim.

Mở đầu buổi trò chuyện, Đạo diễn, Nhà sản xuất Lý Minh Thắng chia sẻ về trải nghiệm bản thân: Anh tốt nghiệp năm 2010, đến năm 2016, anh mới có cơ hội may mắn làm tác phẩm đầu tay “Sài Gòn anh yêu em” với vai trò đạo diễn.

“Thắng luôn gặp tất cả các bạn, những người trẻ đam mê làm phim. Một lời chia sẻ là chúng ta hãy làm bất cứ điều gì là sở trường của chúng ta, thuộc về chúng ta nhất, mình hiểu về nó nhất, mình luôn luôn đau đáu, suy nghĩ quan tâm về nó nhất. Mình sẽ làm điều đó chạm sâu nhất đến miền cảm xúc. Chỉ khi mình làm cái thuộc về mình, cái mình giỏi về nó thì ta mới có năng lượng để đi sâu với nó”, Đạo diễn Lý Minh Thắng nói.

vlu talkshow phim dien anh va giac mo cua nguoi tre cĐạo diễn, Nhà sản xuất Lý Minh Thắng nhiệt trình chia sẻ về trải nghiệm làm phim khi quyết định dấn thân với nghề

Giải đáp về băn khoăn về tương lai, cơ hội làm phim với ý tưởng đột phá của các đạo diễn trẻ trong bối cảnh nền nghệ thuật nước nhà còn nhiều khuôn khổ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Phan Thị Bích Hà, Trưởng khoa Nghệ thuật, Sân khấu và Điện ảnh trường Đại học Văn Lang nhấn mạnh: “Nghệ thuật chính là sự phá cách, là sự cách tân. Tuy có niêm luật nhưng nó vẫn phá cách. Và chính vì điều đó, nó mới chính là nghệ thuật. Nếu chỉ phản ánh hiện tượng cuộc sống lên phim ảnh chẳng khác nào là photocopy mà thôi. Do đó, trong sáng tác, có những cái thiên về cuộc sống và những điều thiên về nghệ thuật. Có đạo diễn từng nói, tác phẩm nghệ thuật là nơi trú ngụ của hiện tực, cái hiện thực ấy sẽ được người nghệ sĩ biểu hiện thế nào để rồi hiện thực thứ nhất của cuộc đời trở thành hiện thực thứ hai trên màn ảnh. Do đó, hiện thực và sáng tạo chính là hai mặt của một chiếc lá”.

Sự sáng tạo giống như một con diều no gió căng lên rất cao nhưng sẽ được buộc bởi sợi dây hiện thực cắm ở mặt đất. Do đó, mọi sự phá cách đều bám vào hiện thực.

vlu talkshow phim dien anh va giac mo cua nguoi tre B Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Phan Thị Bích Hà khích lệ tinh thần sáng tạo nghệ thuật nhưng đừng quên gắn liền với hiện thực đến các bạn trẻ làm phim

Lấy dẫn chứng bộ phim Ròm, PGS.TS.NGND Phan Thị Bích Hà cho biết bộ phim Ròm đạt giải thưởng tại Busan nhưng bị cấm. Tuy nhiên, tác phẩm bị cấm do quy trình gửi phim đi do không báo cho Cục điện ảnh và bị cấm.

Do dó, “các bạn không nên quá lo lắng chuyện mình làm phim và nghĩ không biết tác phẩm này có được không. Cứ loay hoay, bạn sẽ không làm phim được. Con diều sáng tạo hãy cứ bay bổng đi nhưng phải được buộc với sợi dây hiện thực”, PGS.TS.NGND Phan Thị Bích Hà khích lệ đầy cảm hứng.

Loại bỏ đi những khó khăn về tài chính, về tư tưởng “đạo diễn, biên kịch nữ làm phim”

Song song với đam mê làm phim vấn đề tài chính để thực hiện phim cũng được không ít các bạn trẻ quan tâm. Từng đồng hành cùng đoàn làm phim từ những năm 80, Thạc sĩ, Họa sĩ Phan Quân Dũng cho biết khi mới ra trường, thầy đi làm tác phẩm phim màu đầu tiên của Việt Nam cùng đạo diễn Hải Ninh. Thời điểm ấy đặc biệt khó khăn. Trung bình một tác phẩm phim mất gần một năm.

vlu talkshow phim dien anh va giac mo cua nguoi tre fThạc sĩ, Họa sĩ Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật và Thiết kế chính là họa sĩ thiết kế của loạt phim truyện được sản xuất cuối những năm 80 đầu năm 90 như Duyên nợ, Ngõ hẹp, Một thời đã sống, Đời hát rong, Trần vàng trần bạc,… 

“Khi làm xong Biệt động Sài Gòn, có 4 tập, tôi phải ở Sài Gòn 4 năm. Tôi là người ở lâu nhất so với cả đoàn, khi ấy tôi đang ở ngoài Bắc. Nhưng hiện nay, chỉ 1 tháng đã có thể sản xuất được rất nhiều tập phim. Điều này chứng tỏ không có khó khăn. Công nghệ bây giờ giải quyết được rất nhiều. Các bạn được tiếp cận với các chuyên gia, có nhiều kỹ năng hơn để làm phim”, Thạc sĩ, Họa sĩ Phan Quân Dũng nhận định.

Liên hệ đến tài chính làm phim, Thạc sĩ, Họa sĩ Phan Quân Dũng chia sẻ: "Nếu chỉ nghĩ có tiền mới làm phim, bạn đã tự ngắt ngay con đường của mình. Hãy tư duy một điều, chúng ta hãy làm đi, hãy hết sức mình đi. Tất cả mọi cái. Tiền sẽ đến. Đã có rất nhiều tài trợ, nhiều chuyên gia đến với chương trình, tài trợ cho các đoàn phim".

Một góc nhìn khác từ Nhà biên kịch Nguyễn Ngọc Bích. Câu chuyện của chị là ở độ tuổi 34 mới bước chân vào trường Sân khấu Điện ảnh.

“Thầy Đào Bá Sơn, cô Bích Hà đã hỏi tôi về những khó khăn về biên kịch, đạo diễn nữ khi làm phim. Tôi đã trả lời: Em đến đây vì muốn trở thành biên kịch”.

vlu talkshow phim dien anh va giac mo cua nguoi tre e"Không có một độ tuổi nào được xem là chín muồi với một biên kịch. Nếu muốn, các bạn hãy bắt đầu hành trình của mình" là câu nói đầy cảm hứng gửi gắm người trẻ làm phim từ Nhà biên kịch Nguyễn Ngọc Bích

Chị cho biết có thể vì câu trả lời chân thật, năm đó chị là thí sinh được chọn.

“Muốn có câu chuyện của mình, bạn hãy bắt đầu. Từ đó bạn sẽ trưởng thành hơn. Trên chính hành trình đó bạn sẽ cần điều gì".

“Đạo diễn là ông vua của hiện trường và Nhà sản xuất là người truyền cảm hứng”

Một thắc mắc phổ biến của nhiều bạn trẻ khi làm phim chính là nhân vật đóng vai trò quan trọng trong một ê kíp. Thành viên W Team chia sẻ trăn trở: “Em có may mắn đi phụ đoàn phim, em có hỏi về cách tổ chức sản xuất một bộ phim nhưng họ không chỉ, chỉ nói “Khâu sản xuất là khâu quan trọng nhất” để vận hành. Từ đó em mang trong mình thắc mắc làm sao để có đường ray thật tốt để đoàn tàu chạy một cách trơn mà không bị ngừng lại.Về sự gắn kết trong đoàn phim, ai sẽ là người đảm nhiệm nhiệm vụ đó. Và người đó sẽ hành động, cư xử như thế nào?”

vlu talkshow phim dien anh va giac mo cua nguoi tre dNhiều câu hỏi từ các sinh viên yêu thích làm phim đã được gửi đến các khách mời. Đặc biệt là thắc mắc về tổ chức của một ê kíp làm phim

Ê kíp làm phim đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Mỗi người như một mắt xích, một toa của một con tàu dài. Sự thống nhất và gắn kết của cả một đoàn tàu phần lớn nhờ vào vai trò của nhà sản xuất và đạo diễn. Đây chính là quan điểm của các khách mời có kinh nghiệm lâu năm với nghệ thuật thứ bảy. 

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đào Bá Sơn diễn giải: "Như chúng ta biết, những năm gần đây, trong điện ảnh Việt Nam, cụm từ “Nhà sản xuất” và càng về sau này, vai trò của “Nhà sản xuất đặc biệt quan trọng”. Bên cạnh đó, người có vai trò quan trọng không kém chính là người bỏ tiền ra để làm phim – Đó chính là ông chủ thực sự. Ông chủ ấy lựa chọn đạo diễn và cùng các đạo diễn lựa chọn cộng sự của mình tạo thành ê kíp làm phim. Do đó có thể thấy, vai trò của người sản xuất đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp tác phẩm ấy có chất lượng nghệ thuật cao. Vai trò quan trọng thứ hai trong đoàn phim thường là đạo diễn. Đây là người phụ trách toàn bộ phần nghệ thuật của tác phẩm điện ảnh. Anh ta chính là cái đầu máy toàn bộ về tư tưởng và tất cả những ý tưởng của đoàn phim. Đạo diễn quan trọng là người thuyết phục được các bộ phận (người làm công tác thiết kế, những người làm công tác quay phim, diễn viên và người tin theo anh ta)".

Người đạo diễn phải trở thành cục nam châm, có sức hút đến tất cả các cộng sự của mình. “Họ sẽ quay xung quanh bạn giống như các vệ tinh, để cùng với bạn giúp đỡ cho bạn hoàn thành tác phẩm của mình. Chính bản thân đạo diễn phải có nhiều vấn đề để giữ gìn, nhiều vấn đề để suy nghĩ".

“Quá trình làm phim đối với các bạn sinh viên sẽ là vừa học vừa làm, nghề sẽ dạy nghề. Chính cách các bạn làm việc với nhau, chúng ta sẽ vỡ ra nhiều thứ trên con đường làm phim của mình”, Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đào Bá Sơn kết luận.

Talkshow đã phần nào giải đáp những thắc mắc ban đầu của sinh viên Văn Lang đam mê làm phim. Từ đó, tiếp thêm ngọn lửa cảm hứng cho các đội thi trong những vòng tiếp theo của Liên hoan phim Van Lang khi mỗi đội đã có một mentor cho mình để chỉ đường dẫn lối.

Chúc các thí sinh của Liên hoan phim Văn Lang sẽ tiếp tục hành trình gieo hạt, viết tiếp giấc mơ phim Điện ảnh – Truyền hình từ chính những tác phẩm làm phim đầu tay trong cuộc thi ngày hôm nay.

LabelCùng điểm qua “profile khủng” của các khách mời buổi talkshow:
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Phan Thị Bích Hà – Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP. HCM, Trưởng Khoa Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh Trường Đại học Văn Lang. Tác phẩm “Văn học Nghệ thuật và phim truyền Việt Nam” của Cô từng được vinh danh tại Cánh Diều Vàng 2010. Với nhiều năm đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà, PGS. TS. NGUT. Phan Thị Bích Hà cũng là giám khảo của nhiều giải thưởng điện ảnh truyền hình lớn tại Việt Nam và quốc tế.
Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đào Bá Sơn – Là chủ nhân của Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017. Thầy từng đạt 16 giải thưởng quốc gia với vai trò đạo diễn; sở hữu nhiều tác phẩm tham dự Liên hoan phim Quốc tế và là giám khảo của nhiều giải thưởng liên hoan phim quốc gia cũng như quốc tế.
Thạc sĩ, Họa sĩ Phan Quân Dũng – Trưởng khoa Mỹ thuật và Thiết kế Trường Đại học Văn Lang. Thạc sĩ, Họa sĩ Phan Quân Dũng chính là họa sĩ thiết kế của loạt phim truyện được sản xuất cuối những năm 80 đầu năm 90 như Duyên nợ, Ngõ hẹp, Một thời đã sống, Đời hát rong, Trần vàng trần bạc,… Thầy còn sở hữu nhiều tác phẩm nghệ thuật đạt giải thưởng lớn toàn quốc như Cô gái quan họ, Vươn tới đỉnh cao, Nụ hôn thập kỷ,…
Nhà biên kịch Nguyễn Ngọc Bích - Là người chắp bút cho nhiều sản phẩm điện ảnh – truyền hình nổi tiếng như “Mắt lụa”, “Sài Gòn anh yêu em”, “Lô tô”, Hạnh phúc của mẹ”, “Mẹ chồng”… Với những sản phẩm nghệ thuật chất lượng được công chúng và giới phê bình nghệ thuật đón nhận nồng nhiệt, từng đoạt nhiều giải thưởng uy tín cho hạng mục biên kịch mà gần đây nhất là giải biên kịch xuất sắc nhất Cánh Diều Vàng 2019.
Đạo diễn, Nhà sản xuất Lý Minh Thắng - Anh là đạo diễn kiêm nhà sản xuất trẻ tài năng. Từ Cánh Diều Bạc Liên hoan phim ngắn 2007 với sản phẩm “Hoa cải về trời” đến Cánh Diều Vàng 2016 với “Sài Gòn, anh yêu em” và gần đây là “Mẹ chồng”, đạo diễn, nhà sản xuất Lý Minh Thắng luôn đem đến những món ăn tinh thần thỏa mãn từ thị giác, thính giác đến cảm giác cho khán giả Việt.

Hồng Ngân
Ảnh: Khánh Thịnh – Nhật Huy


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag