TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Giao lưu “Thơ chiến tranh và khát vọng hòa bình” cùng nhà thơ Nguyễn Duy

(PTS&TT - Văn Lang, 21/03/2021) Chiều 20/3, Viện Văn hoá – Nghệ thuật đã tổ chức buổi Giao lưu chủ đề “Thơ chiến tranh và khát vọng hòa bình” cùng nhà thơ Nguyễn Duy dành cho sinh viên ngành Văn học Ứng dụng và các bạn sinh viên yêu thích văn học tại Hội trường N2T1Trường Đại học Văn Lang. Buổi tọa đàm là cái nhìn về chiến tranh của nhà thơ Nguyễn Duy, là nơi để các nhà thơ hay những người từng trải qua chiến tranh chia sẻ cho sinh viên hiểu được chiến tranh là gì và chúng ta nên có một thái độ trong chiến tranh như thế nào cho đúng đắn khi nhìn về quá khứ, hiện tại và trong tương lai. 

Trong buổi tọa đàm, các bạn sinh viên được gặp gỡ, giao lưu với những nhà văn, nhà thơ, những người đã đi qua các trận chiến khó khăn và đầy gian khổ. Chương trình với sự tham gia chính của Nhà thơ Nguyễn Duy - Phó Viện Trưởng Viện Văn hoá - Nghệ thuật; Nhà báo Dương Trọng Dật - Viện Trưởng Viện Văn hoá - Nghệ thuật; Ts. Hồ Quốc Hùng - Phó Trưởng khoa Khoa Xã hội và Nhân văn; Ts. Nguyễn Hoài Thanh - Giảng viên Khoa Xã hội nhân văn, Trưởng Ngành Văn học Ứng dụng Trường Đại học Văn Lang.

vlu giao luu chien tranh va khat vong hoa binhNhà thơ Nguyễn Duy - Phó Viện Trưởng Viện Văn hoá – Nghệ thuật chia sẻ về một thời đại thơ ca trong cảnh chiến tranh, một thời đau thương, máu lửa của dân tộc

“Có lẽ nhiều người chỉ nghĩ rằng, chiến tranh là chỉ có bom, đạn, thù rơi máu chảy. Ngay bây giờ chúng ta sống có vẻ thanh bình như thế này nhưng chiến tranh xunh quanh vẫn cứ chực chờ. Cho nên chiến tranh là một vấn đề lớn, một vấn nạn mà lỉch sự nhân loại từ xưa đến nay luôn luôn đề cập đến bằng tất cả các phương tiện truyền thông để cho các bạn dễ hình dung như thế nào chiến tranh, như thế nào là bom rơi. Có thể các bạn đã thấy trên phim ảnh rồi nhưng tôi cũng muốn chia sẻ cho các bạn một số cảm giác ở thế hệ chúng tôi”, Ts. Hồ Quốc Hùng chia sẻ.

Nhà thơ Nguyễn Duy là người vác cả bầu thơ của mình đi khắp cả 5 châu 4 bể, cuối cùng lại dừng chân tại Trường Đại học Văn Lang để nói chuyện thơ với các bạn sinh viên yêu mến thơ ca, yêu mến văn học. Tâm sự trong buổi tọa đàm, Nhà thơ Nguyễn Duy đã kể về tuổi thơ của mình qua những bài thơ được viết từ thuở học trò:

"Đứa chơi đáo đứa nhảy vòng
tôi không chơi đáo vì không có tiền

Có tiền tôi cũng không chơi
vì tôi không muốn bạn tôi mất tiền

Tung tăng tôi ngắm tôi nhìn
con sông có bóng con thuyền thả câu”.

Không chỉ riêng với nhà thơ Nguyễn Duy mà với những nhà thơ khác cũng vậy, những bài thơ nhỏ nhặt, mới chớm hay những bài thơ về tình yêu chính là khởi điểm cho những bài thơ đầy khát vọng, gây dựng nên cả một ý thức về tình yêu, khát vọng về hòa bình.

Những bài thơ xưa nhất của Nhà thơ Nguyễn Duy cũng đã hơn 60 năm, một trong những bài thơ nổi tiếng nói về hình ảnh và khát vọng thời chiến và đạt giải thưởng chính là bài “Tre Việt Nam”. Bài thơ cũng là nơi bắt đầu mở ra con đường thơ ca, cái nhìn về chiến tranh của nhà thơ Nguyễn Duy.

vlu giao luu chien tranh va khat vong hoa binh bNhà báo Dương Trọng Dật – Viện Trưởng Viện Văn hoá – Nghệ thuật cũng tham gia và đọc thơ tại buổi tọa đàm văn học

“Tôi luôn nhớ về làng quê của mình, năm 69, tôi ngồi dưới một căn hầm ở tỉnh Hà Bắc, trên căn hầm có một khóm tre, khóm tre gai rất lớn. Đầu tôi dựa vào cái rễ cây tre đang xuyên dưới hầm và tôi nhớ đến lũy tre làng mình. Thế là tôi làm bài thơ này từ gốc lên tới ngọn, từ ngọn lên tới lá, mọi ý tứ đều xoay quanh cái cây tre, lũy tre của làng mình. Lúc đó chúng tôi đi hành quân, cứ nay làm một câu, mai làm một câu, chứ không phải làm liền một lúc mà là làm trong 2 năm hành trình.” Nhà thơ Nguyễn Duy  tâm sự.

Tại buổi giao lưu “Chiến tranh và khát vọng hoà bình” các bạn sinh viên được đắm chìm trong những lời kể, câu thơ quay ngược về thời chiến hay kỷ niệm về làng quê, con người trong những cuộc hành trình gian khó. Những hình tượng, khí chất của người lính, hình ảnh những cánh rừng xương trắng, những hố bom kinh hoàng, những nỗi khổ mà chiến tranh để lại cùng sự mất mát được Nhà thơ Nguyễn Duy vẽ lên khi đọc bài thơ “Giấc mộng trắng” của mình:

“Rừng xanh chết trắng một thời
cây giơ xương trắng lên trời mà ghê

Ve kêu trắng xác ngày hè
lau Khe Sanh trắng xuống khe Đầu Mầu”

Hay bài thơ “Đá ơi” viết ở ngày cuối cùng Việt Nam rút khỏi Campuchia được Nhà thơ Nguyễn Duy đọc lên, khắc họa hình ảnh tàn chiến:

“Ta mặc niệm trước Angkor đổ nát
đá cũng tàn hoang huống chi là kiếp người
Đá ơi
xin tạc lại đây lời cầu chúc hoà bình
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…”

Ngoài những chia sẻ trong buổi giao lưu với diễn giả, sinh viên còn được trông thấy ThS. Nguyễn Ngọc Hạnh My thể hiện phần đọc thơ với chất giọng Huế trong bộ áo dài thướt tha hay xem những tác phẩm hậu văn đặc sắc.

vlu giao luu chien tranh va khat vong hoa binh eThS. Nguyễn Ngọc Hạnh My thể hiện bài thơ với chất giọng Huế đầy trữ tình, mang mác nỗi buồn trong bộ áo dài truyền thống

vlu giao luu chien tranh va khat vong hoa binh cBuổi giao lưu với Nhà thơ Nguyễn Duy chủ đề “Thơ chiến tranh và Khát vọng hòa bình” đã để lại nhiều cảm xúc cho các đại biểu, khách mời cùng sinh viên tham dự

Buổi tọa đàm với chủ đề “ Chiến tranh và Khát vọng hòa bình” là cái nhìn về chiến tranh của nhà thơ Nguyễn Duy, là thời gian chia sẻ những câu chuyện, quá trình làm thơ khi vẫn còn đang nằm trong lò lửa chiến tranh. Chương trình diễn ra hơn hai giờ đồng hồ không chỉ đem đến cho các bạn sinh viên có thái độ, suy nghĩ về cuộc sống, về con người mới mà còn tái hiện lại cả một chặng đường của dân tộc qua thơ.

Mai Thy

Ảnh: Lee Minh Phương


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag