TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Giáo dục đại học là định mệnh

Chỉ có giáo dục mới mang lại sự phồn vinh cho xã hội, phát triển đất nước bền vững, giải phóng cho con người, nâng cao hạnh phúc cho cộng đồng, và giá trị văn hóa của nó.

 Một sự thâm thủng tri thức khổng lồ

Chỉ có giáo dục và giáo dục một cách đam mê, toàn diện, mới tạo nên nội lực và sức bật. Nội lực mà không dựa trên hiểu biết toàn cầu và từ chiều sâu của trí tuệ, thì chỉ là nội lực suông. Triết gia người Anh Francis Bacon đã nói từ đầu thế kỷ 17 rằng “Tri thức là sức mạnh”. Xã hội tri thức đã hình thành từ đó chứ không phải mới hôm nay. Toàn cầu hóa cũng đã diễn ra từ thế kỷ 15, lúc con người trỗi dậy rũ bỏ các trói buộc của thờiTrung cổ để vươn tới sự phát triển một cách tự do và mở rộng chân trời cho cá nhân, đi chinh phục thế giới, chứ không phải mãi đến sau này.

Đêm dài của chúng ta có gốc rễ sâu xa là sự yếu kém và trì trệ về trí tuệ, nghèo nàn về ý tưởng. Khi chiến tranh kết thúc, những vấn đề cũ nhất, và sâu thẳm nhất của lịch sử lại nổi lên bề mặt của cuộc sống, mà dường như chúng ta chưa chuẩn bị đối phó sau ba mươi năm chiến đấu. Câu nói của một nhà hiền triết với một vị vua bên Trung Quốc thời Hán: “Ngài đã chiếm lĩnh vương quốc trên lưng ngựa, nhưng không thể trị vì nó từ lưng ngựa được” cho thấy bản chất thực sự của vấn đề. Chúng ta “vẻ rồng, nhưng rồng không bay; vẻ cung tên, nhưng cung tên bắn không trúng đích”. Sức mạnh hôm qua trở nên vô dụng. Thế giới đã thay đổi hơn một thế kỷ rưỡi qua, kể từ tiếng súng đầu tiên của Pháp tại Đà Nẵng, nhưng những vấn đề của ta vẫn còn nguyên vẹn. Một sự thâm thủng tri thức khổng lồ hiện ra lại.

Chúng ta không thể thoát khỏi những trận “đại hồng thủy” của toàn cầu hóa trong lịch sử, ngày xưa và bây giờ. Ông cha ta đã bị nhận chìm ở thế kỷ 19, vì đã không hiểu và không muốn hiểu sức mạnh toàn cầu hóa đang tràn đến biển Đông, lại còn tự cao cho những kẻ đi chinh phục là thấp kém hơn mình. Có một sự “đứt gãy” rất lớn giữa văn hóa ta và văn hóa thế giới mà ông cha đã không nhận ra, bởi tinh thần từ chương kinh điển đã thấm quá sâu vào máu thịt. Với một tinh thần mòn mỏi khốn khổ trong cái góc văn hóa ngưng trệ hàng bao thế kỷ, ông cha ta đã không có khả năng thức tỉnh như các samurai Nhật Bản đã làm. Cây thước đo giá trị của các triều đại thống trị đều cũ kỹ, vô dụng. Rốt cục mất nước, ngai vàng bị đổ nhào, và dân tộc phải đổ quá nhiều máu để giành lại độc lập tự do. Trong khi đó người Nhật với tinh thần biết học hỏi của kẻ mạnh hơn, nhạy bén, biết “chớp thời cơ”, nhanh chóng thiết kế và chuyển đổi xã hội cũ kỹ thua kém của mình, thuê cả một đạo quân chuyên viên thượng thặng của phương Tây: Đức, Anh, Mỹ, Pháp để đẩy nhanh cuộc canh tân1, không những thoát khỏi đợt hồng thủy toàn cầu, mà còn trở thành sóng toàn cầu với sức mạnh bá chủ ở châu Á. Họ là những người cưỡi được sóng thần. Họ đã ý thức rằng, chậm chân là chết, là mất nước, bị làm nhục.

giao duc dai hoc

Không có lý do để chần chừ và sợ hãi

Khi chúng ta đã tự nguyện tham gia vào làn sóng toàn cầu hóa, chúng ta cần phải hiểu được sâu sắc cội rễ sức mạnh của nó, để thiết kế được nền tảng vững chắc của sự phát triển cho xã hội. Còn nếu chỉ làm chắp vá, trì trệ, để cuối cùng vẫn là một chiếc thuyền nan chòng chành trên đại dương giữa những ngọn sóng to, cạnh những hạm đội lạ của toàn cầu hóa? Nhiều quốc gia đã lỡ bước trong những đợt toàn cầu hóa những lần trước, nay rất quyết tâm làm lại cuộc đời, và thành công sẽ đẩy họ lên cao thành sóng toàn cầu thêm nữa, áp lực lên chúng ta càng lớn nữa.

Cái nghèo vật chất là đáng sợ, nhưng cái nghèo tinh thần, văn hóa, nghèo chất xám thế giới, còn đáng sợ hơn gấp bội. Loại nghèo này là vô hình, người nghèo có thể gây ảo tưởng mình giàu. Chính cái nghèo thứ hai đã sinh ra cái nghèo thứ nhất. Cụ Phan Châu Trinh đã hô hào xóa bỏ cái nghèo thứ hai thì mới phát triển đất nước được. Chỉ có một nền giáo dục và khoa học mở, toàn diện và sâu sắc, luôn trao đổi chất với thế giới, lấy thước đo thế giới làm chuẩn, mới có thể tạo đươc khúc quanh trong công cuộc chấn hưng đất nước.

Chúng ta phải làm giáo dục nhiều hơn, làm một cách “đam mê” và từ nhận thức sâu sắc. Không có sự đam mê, nhận thức sâu sắc, chúng ta chẳng làm được cái gì lớn lao trong giáo dục cả! Chúng ta sẽ chẳng trồng người được, chẳng có rừng đại thụ. Chỉ có giáo dục đam mê mới đem lại cho chúng ta sức mạnh của thần Prometheus. Sự đam mê học hỏi phải được tái tạo trên quy mô quốc gia, trên suốt một chiều dài lịch sử, để thành một đức tính của dân tộc, chứ không còn là một đức tính cá nhân lẻ loi nữa, để không phải chỉ có vài em học sinh được giải Olympic mà cả dân tộc phải xứng đáng với giải Olympic trước con mắt của thế giới. Ngược lại, thiếu học, chúng ta càng dễ sa ngã, đánh mất mình, lầm đường, tha hóa. Một dân tộc không ngã trong chiến đấu nhưng có thể gục ngã trong tự do của chính mình. Thực tế bao nhiêu người đã ngã. Giá đỡ văn hóa không giúp họ đứng vững được. Văn hóa chúng ta mong manh, vì nó thiếu một nền văn minh phát triển và khoa học bảo chứng. Chúng ta có những khẩu hiệu về giáo dục rất cao quý, như “Học, Học nữa, Học mãi”, hay “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, nhưng cái học của chúng ta chưa thực chất tương xứng, chưa từ chiều sâu của trí tuệ và sự khao khát của nội tâm. Chúng ta chưa hít thở “tinh thần thế giới”. Chúng ta như có một sự “sợ hãi truyền kiếp” nào đó trước thế giới, trước văn minh, văn hóa lạ.

Thế giới phương Tây là thế giới của ý tưởng. Từ thời cổ đại Hy Lạp như thế. “Trong ánh hào quang của phương Đông, đất nước của hừng đông, cá nhân lại biến mất; ánh sáng chỉ biến thành tia chớp của ý tưởng ở phương Tây, đất nước của hoàng hôn, nó đánh vào chính nó và từ đó, từ nó, khai sinh ra thế giới của nó” (Hegel). Chúng ta phải vươn lên từ vị trí hay thân phận của một dân tộc “sinh sau đẻ muộn” lên thành một dân tộc chiếm lãnh thế giới các ý tưởng. Không thể khác được, nếu chúng ta muốn tồn tại và ngẩng mặt nhìn đời. Định mệnh của chúng ta là ở chỗ đó. Sự vinh nhục của ta là ở chỗ đó. Không phải tài nguyên, dầu mỏ, than đá hay bauxite đem lại sự kính trọng và công nhận của thế giới cho chúng ta. Mà chính là trí tuệ, sự ngang bằng tri thức, khoa học, công nghệ với thế giới trong sân chơi toàn cầu. Cơ may, và con đường duy nhất để chúng ta vươn lên và tồn tại trong thế giới, là sáng tạo và đổi mới, trên cơ sở của cái đã có của thế giới, nghĩa là chúng ta phải biết hết những cái thế giới đã sáng tạo. Thế giới chỉ thuộc về chúng ta khi chúng ta hiểu biết nó, như Balzac nói. “Sự sợ hãi trước các ý tưởng (mới) là sự sợ hãi trước một họat động tự do của lý trí. Sự sợ hãi này…chính là cột đỡ của lâu đài mục nát của nền quân chủ đã gần như đưa đất nước vào chỗ diệt vong” như Maxim Gorki đã nói về nước Nga đầu thế kỷ 20. Ở Việt Nam, sự sợ hãi đó đã từng làm tiêu tan quyền lực của ngai vàng, và cũng một thời gây khó khăn tột cùng cho dân tộc trên ngưỡng cửa của một cuộc phát triển mới của đất nước.

Chúng ta không có lý do chần chừ và sợ hãi. Thời gian không đợi ta.

 Nguyễn Xuân Xanh


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag