(P. Tuyển sinh – Văn Lang, 09/7/2018)- Ngày 17/6/2018, khoa Tài chính – Kế toán Trường ĐH Văn Lang tổ chức tọa đàm chủ đề “Định hướng đào tạo ngành Tài chính, Kế toán trong kỷ nguyên số” với sự tham gia của nhiều chuyên viên từ các công ty và ngân hàng (tại phòng 8.4 – Cơ sở 3, P.5, Q. Gò Vấp, Tp.HCM).
Cách mạng 4.0 diễn ra trong 3 lĩnh vực chính là: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong cách mạng 4.0 là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Thing (IoT) và dữ liệu lớn - Big Data. Đây là xu thế mới của thời đại công nghệ thông tin kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể. Nói đơn giản hơn, đó là viễn cảnh các nhà máy thông minh trong đó có hệ thống máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống tự động; toàn bộ quy trình sản xuất đều được thiết lập trên hệ thống tự động để đưa ra quyết định – một viễn cảnh có vẻ sẽ đến trong tương lai gần. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội trên toàn thế giới, và Việt Nam không thể nằm ngoài tiến trình phát triển đó.
Trong cách mạng công nghệ 4.0, ngành Tài chính - Kế toán hiện nay gặp nhiều thách thức. Buổi tọa đàm do Khoa Tài chính – Kế toán tổ chức sáng ngày 17/6 giúp cập nhật nhu cầu và yêu cầu của thị trường lao động để Khoa cải tiến chương trình đào tạo.
Về phía lãnh đạo Nhà trường, Tọa đàm có sự tham dự của ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị; PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng, Uỷ viên HĐQT; TS. Nguyễn Dũng - Ủy viên HĐQT.
Ngành Tài chính - Kế toán bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 khi nhiều công nghệ mới ra đời như Fintech, Blockchain. Cơn sốt nổi lên trên toàn cầu của đồng tiền ảo Bitcoin vừa qua cũng là một trong những ứng dụng của Blockchain, khiến mọi người chú ý và hoang mang về tiền tệ trong tương lai. Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ như bán hàng, tiếp tân khách sạn, nhà hàng, rất nhiều quốc gia đã sử dụng robot thay thế con người. Trong lĩnh vực Tài chính - Kế toán, việc xử lý hồ sơ, chứng từ, phân tích tài chính, đặc biệt là giao dịch viên ngân hàng sẽ dần chuyển sang cho máy móc. Xu thế đó tác động không nhỏ đến nguồn nhân lực của xã hội.
• Fintech (Financial Technology - công nghệ trong tài chính) nhằm phục vụ người tiêu dùng để cung cấp công cụ cá nhân, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho các start up như ví điện tử - MoMo, VTC Pay, VN Pay, Pay Pal,… và đóng vai trò Bank-Office để hỗ trợ công nghệ cho các định chế tài chính và ngân hàng.
• Blockchain được coi như một cuốn sổ cái ghi lại số dư và lịch sử của tất cả tài khoản tham gia vào chuỗi giao dịch của mình. Sử dụng công nghệ này, chúng ta có thể xác nhận giao dịch mà không cần thông qua bên trung gian nào. Các ứng dụng tiềm năng của blockchain là chuyển tiền ảo như Bitcoin, thương mại, giao dịch dân sự, bầu cử, khám sức khỏe,…
Nhân lực ngành Tài chính, Kế toán trong kỷ nguyên số
Công nghệ 4.0 ảnh hưởng đến nghề nghiệp hiện đại, giúp nhà quản lý có thể điều hành một cách linh hoạt từ xa; sự dịch chuyển nhân lực trong cộng đồng các nước ASEAN; thực hư xu hướng nhân lực cấp cao ngành Tài chính - Kế toán từ Phillipine, Malaysia, Singapore sang Việt Nam… - tất cả những vấn đề đó đã được các khách mời, đồng thời cũng là những cựu sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng và Kế toán Trường ĐH Văn Lang bàn luận sôi nổi trong Tọa đàm.
Anh Lê Duy Tuấn – Phó Giám đốc Sacombank Chi nhánh Tân Bình; anh Đoàn Nguyễn Nhật Minh – Finance controller Công ty Bayer; anh Nguyễn Anh Tuấn – Kế toán trưởng Xí nghiệp nữ trang PNJ; anh Đàm Bá Tín – Giám đốc trung tâm kinh doanh Ngân hàng Vietbank; chị Nguyễn Thị Ngọc Mai – Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Nhật Nam (từ trái sang).
“Cách đây 4 năm, các công việc phân tích dữ liệu đều cần bàn tay con người, tuy nhiên, hiện tại công nghệ đã thay thế hoàn toàn các việc này. Các phần mềm kế toán hiện nay cho phép xuất báo cáo tài chính kèm bản phân tích phục vụ cho công tác quản trị. Công ty Bayer, hai năm nay đã áp dụng mô hình tập trung hóa (centralization), các nghiệp vụ liên quan đến nhập dữ liệu đều chuyển qua Manila thực hiện; tại Việt Nam bộ phận Tài chính Kế toán chỉ còn vài người làm nhiệm vụ phân tích, kiểm soát tài chính phục vụ hoạt động. Việc điều hành công ty cũng dựa trên áp dụng công nghệ quy chuẩn ra KPI, không tốn nhiều thời gian, chỉ cần các chỉ số thì ở bất cứ nơi đâu cũng có thể kiểm tra và xử lý công việc.”
Anh Đoàn Nguyễn Nhật Minh – Finance controller Công ty Bayer
“Trong lĩnh vực ngân hàng, Cách mạng 4.0 xóa bỏ rào cản vật lý, địa lý. Ví dụ, nước Nhật giảm rất nhiều vị trí giao dịch viên; ở Mỹ, vay trực tuyến tăng gấp 6 lần. Thế giới đang sẵn sàng cho công nghệ số nên sử dụng công nghệ là điều kiện bắt buộc trong lao động ngành Tài chính Ngân hàng… Công nghệ từ kỹ năng đã trở thành kiến thức bắt buộc.”
Anh Lê Duy Tuấn – Phó Giám đốc Sacombank, chi nhánh Tân Bình
“Công nghệ Mobile Banking và Internet Banking hiện nay được ứng dụng rất phổ biến tại Việt Nam. Ở khu vực doanh nghiệp, 80% các giao dịch nộp thuế, 40% giao dịch chuyển lương, thanh toán tiền hàng, tiền điện, nước đều qua Internet Banking. Đối với tiêu dùng cá nhân, các thanh toán điện, nước, nộp học phí, cước internet, bảo hiểm, điện thoại…..hầu như cũng dùng Internet Banking và Mobile Banking.”
Anh Lưu Phương Tuấn –Kế toán Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Tp.HCM
“PNJ đã đưa vào ứng dụng công nghệ phân tích Big data, bước đầu cho phép phân tích, dự báo nhu cầu và hành vi khách hàng tốt hơn; giúp doanh nghiệp tổ chức sản xuất và thiết kế các chương trình quảng bá sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đi đôi với cơ hội, nghề nghiệp Tài chính Kế toán cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Nhu cầu nhân sự cấp thấp như nhân viên nhập liệu vẫn còn duy trì, nhưng giảm mạnh nhân viên cấp 2 là nhân viên xử lý hồ sơ, chứng từ, lập sổ, báo cáo,.. đồng thời duy trì và có khả năng tăng nhu cầu đối với nhân viên cấp 3 là chuyên viên biết phân tích sâu và tư vấn tài chính.”
Anh Nguyễn Anh Tuấn –Kế toán trưởng Xí nghiệp nữ trang PNJ
“Năm 2020, thế giới dự báo tiết kiệm 20 tỷ USD khi áp dụng công nghệ. Một số vị trí việc làm sẽ bị thu hẹp, thậm chí sẽ mất đi, như các vị trí trung gian trong giao dịch do đã được tự động hóa. Bên cạnh đó, các việc làm mới lại có cơ hội mở ra hoặc phát triển mạnh như các vị trí tư vấn khách hàng, quản lý tài chính cá nhân dựa trên công nghệ, nhân lực trình độ cao biết sử dụng công nghệ mới,…”
Chị Lê Nguyễn Tú Trinh
– Biên tập viên lĩnh vực Tài chính, Đài truyền hình FBNC
“Nhu cầu dịch chuyển lao động cấp thấp ở các nước vẫn có nhưng không nhiều, bởi chi phí lao động trong nước vẫn thấp hơn thuê lao động từ nước ngoài. Tuy nhiên, so sánh nhân sự cấp trung, cấp cao của Việt Nam và các nước trong khu vực thì người Việt Nam cần cù, siêng năng nhưng thiếu tự tin, kém tiếng Anh và yếu về thể chất, khó chịu đựng áp lực, cường độ làm việc cao nên năng suất lao động thấp.”
Chị Lê Thị Hồng Ánh – Giám đốc nhân sự Công ty Novartis
“Việc dịch chuyển lao động đã và đang diễn ra trên toàn thế giới. Ở Việt Nam có rất nhiều công ty đa quốc gia đến hoạt động. Việc tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã thúc đẩy dịch chuyển lao động tại Việt Nam mạnh mẽ hơn, không chỉ nhân lực cấp cao mà cả lao động giản đơn. Người Việt Nam làm việc ở nước ngoài rất nhiều, đến các cửa hàng cửa hiệu, bạn có thể dễ dàng gặp nhân viên người Việt, những nơi khách Việt Nam đến du lịch nhiều thì ở đó các chủ cửa hàng tuyển nhân viên bán hàng người Việt để tư vấn cho khách người Việt. Ngược lại, ở Việt Nam cũng thế, các cửa hàng bán đồ Trung Quốc, Hàn Quốc đều có xu hướng tuyển lao động Trung Quốc, Hàn Quốc,…. Người Việt Nam lãnh đạo trong các tập đoàn nước ngoài tại Singapore, Hongkong, Thái Lan, Châu Âu, Nhật,… cũng rất nhiều. Do đó hãy xem dịch chuyển lao động giữa các nước là bình thường. Không có gì phải lo! Vấn đề là phải biết mình có ưu thế gì và họ có ưu thế gì. Ưu điểm của người Việt Nam là giỏi năng lực, chăm chỉ nhưng yếu ngoại ngữ và có phần ít tuân thủ kỷ luật công việc; người nước khác thì ngược lại!”
Anh Lưu Phương Tuấn –Kế toán Ngân hàng Vietcombank, Chi nhánh Tp.HCM
Định hướng đào tạo ngành Tài chính, Kế toán trong tương lai
TS. Nguyễn Cửu Đỉnh – Trưởng khoa Tài chính – Kế toán chia sẻ: Khoa Tài chính – Kế toán đang thực hiện cải tiến chương trình đào tạo hướng đến kiểm định AUN. Những thông tin bổ ích từ các nhà tuyển dụng và người giỏi nghề sẽ giúp Khoa rất nhiều trong việc xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo sắp tới.
“Sinh viên mới ra trường thường thiếu kỹ năng chứ không thiếu kiến thức, đồng thời, thái độ cũng cần thay đổi. Một số sinh viên khi đi phỏng vấn thường “đòi” doanh nghiệp nhiều mà chưa cho thấy họ sẽ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng như thế nào? Ngoài ra, sinh viên cũng còn kém và thiếu cập nhật công nghệ, có thể lướt web làm “anh hùng bàn phím” rất giỏi, nhưng lại thiếu kỹ năng sử dụng internet để tìm kiếm thông tin. Hiện nay, phần mềm kế toán có rất nhiều, hầu hết đều giống nhau về bản chất và chức năng kế toán nên Khoa có thể chọn giảng dạy một phần mềm bất kỳ. Tuy nhiên, sinh viên cũng cần chú trọng tìm hiểu bản chất của nghiệp vụ khi sử dụng phần mềm kế toán, đừng chỉ biết nhập dữ liệu và in kết quả mà không hiểu biết về bản chất kết quả.
Chị Trần Thị Thanh Phượng –Giám đốc Đại lý Thuế Phượng Cát
“Đối với sinh viên mới tốt nghiệp trong vòng 1 năm, kiến thức không phải là điều mà nhà tuyển dụng chú ý, thái độ và kỹ năng mới là quan trọng. Sinh viên cần chú ý trau dồi kỹ năng thuyết trình, trình bày văn bản, thái độ làm việc tích cực, tuân thủ kỷ luật, biết lắng nghe góp ý,… Sinh viên nên làm việc ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa để được làm nhiều việc, tích lũy kinh nghiệm, rút ngắn lý thuyết, tăng cường thực tế.”
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai –GĐ nhân sự Cty TNHH Nhật Nam
“Dù có là công nghệ 4.0 hay 4.9 thì kiến thức nền tảng về kế toán và tài chính vẫn quyết định. Internet Banking và Mobile Banking về cơ bản chỉ là công nghệ giúp khách hàng giao dịch thuận tiện hơn. Nghiệp vụ khác về tài chính và kế toán vẫn giống nghiệp vụ truyền thống tại quầy, do đó, không ảnh hưởng nhiều đến công tác đào tạo và nhân lực của khối ngành Tài chính, Kế toán. Kế toán chi tiết không thu thập số liệu, kế toán tổng hợp không lập biểu thì dịch chuyển sang kiểm soát nội bộ hoặc các mảng khác. Trong đào tạo, Khoa cần chú trọng thêm kiến thức về công nghệ và mạng internet để sinh viên không quá bỡ ngỡ khi tiếp cận hệ thống và triển khai các dịch vụ trên; còn chuyên sâu hơn thì khi vào làm, ngân hàng sẽ đào tạo thêm, do phần mềm và hệ thống của mỗi ngân hàng mỗi khác nên ngân hàng không yêu cầu trường quá nhiều về công tác đào tạo công nghệ.”
Anh Lưu Phương Tuấn – Kế toán Ngân hàng Vietcombank, Chi nhánh Tp.HCM
“Công nghệ 4.0 chỉ ứng dụng được ở các tập đoàn lớn, đa quốc gia, trong khi 70% doanh nghiệp ở Việt Nam là các công ty start up và SME sẽ khó triển khai do vấn đề vốn, kỹ thuật, chính sách, quản trị, kinh nghiệm, nhân sự,... Con người sẽ vận hành công nghệ, nên tôi vẫn tin tưởng việc làm trong lĩnh vực này không thu hẹp. Máy tính, robot chỉ là hỗ trợ, con người mới là người quyết định cuối cùng, máy móc giảm đi nhân sự mảng này thì nhân sự sẽ dịch chuyển sang mảng khác. Nhiệm vụ của Nhà trường là đào tạo theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. Doanh nghiệp chưa thay đổi được thì đào tạo vẫn phải bảo đảm cái cốt lõi.”
Anh Đàm Bá Tín –Giám đốc trung tâm kinh doanh Ngân hàng Vietbank
“Mục tiêu đào tạo của Văn Lang là đào tạo mang tính ứng dụng, “sinh viên ra trường làm việc được ngay”. Do vậy, công tác kết nối nhà trường và doanh nghiệp rất quan trọng. Ngoài chuyên môn, Khoa cần đào tạo kỹ năng, tăng thời lượng hoạt động mô phỏng; mời cựu sinh viên về chia sẻ các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp.”
Anh Trần Minh Khôi – Phó Phòng Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàngVietcombank, chi nhánh Tp.HCM
“Đối với sinh viên mới tốt nghiệp trong vòng 2 năm, nhà tuyển dụng thường “nhìn” vào kỹ năng nhiều hơn kiến thức. Tuy nhiên, sau 2 năm, nhân viên có kiến thức nền tốt mới có cơ hội thăng tiến. Dự báo trong tương lai gần, nhân sự ngành Ngân hàng có ảnh hưởng nhưng chưa nhiều, do phân khúc khách hàng phục vụ vẫn không đổi. Tâm lý người Việt Nam vẫn chưa thể thay đổi thói quen sử dụng công nghệ trong quản lý và kiểm soát tài chính, tài sản cá nhân. Để tăng cường thực tiễn cho sinh viên, Trường nên kết hợp với các ngân hàng cho sinh viên thực tập như chương trình “thực tập viên tiềm năng của Sacombank”.
Anh Lê Duy Tuấn –Phó Giám đốc Ngân hàng Sacombank, chi nhánh Tân Bình
“Hiện nay, theo thống kê, Việt Nam có hiệu suất lao động thấp nhất ASEAN. Việc nâng cao hiệu suất lao động cũng nên được thay đổi ngay từ khi đi học, giảng viên, sinh viên cần thay đổi sao để việc học hiệu quả hơn. Ở Việt Nam, chưa có trường đại học tạo được cảm hứng cho sinh viên trong học tập. Vì vậy, nhà trường nên chú ý đến việc giáo dục, truyền lửa và tạo môi trường để sinh viên rèn luyện. Sinh viên cần tâm niệm “Tại sao mình chọn Văn Lang? Tại sao mình phải học ngành này?” để làm phương châm trong học tập và rèn luyện.”
Ông Lê Phạm Duy, Giám đốc khu vực Miền Nam, Công ty MB Ageaslife, Ngân hàng Quân đội