TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

  • - Thế nào bác Bình, bác chuẩn bị cưới con trai đến đâu rồi?

    - Chú Hùng đấy à, chuẩn với cả bị cái gì, đang nẫu hết cả ruột đây chú ơi!

    - Có chuyện gì vậy bác? Hay chúng nó lại trục trặc gì với nhau. Bọn trẻ bây giờ nhiều chuyện lắm sao hiểu nổi chúng nghĩ gì, muốn gì ? Trục trặc gì đâu chú. Chẳng là để chuẩn bị cho cuối năm nay chúng nó cưới nhau, tôi muốn sửa sang lại nhà cửa, làm thêm cái phòng phía trên để chúng nó ở cho tự do thoải mái. Gửi đơn xin phép chính quyền, song mãi vẫn không thấy có ý kiến. Cuối năm đến nơi rồi, tôi buộc phải làm để còn kịp tổ chức đám cưới cho các cháu. Vậy mà xây gần xong thì lại bị thanh tra xây dựng kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về việc xây dựng trái phép, buộc tôi phải tự phá dỡ nữa.

    - Đành rằng chính quyền chậm chễ trong việc trả lời bác là sai rồi, nhưng trong chuyện này bác cũng có lỗi vì đã xây dựng không xin phép.

    - Thì tôi có nói gì chuyện ấy đâu. Do chỉ còn hơn tháng nữa là đến ngày cưới của hai cháu nên tôi định để tổ chức xong rồi mới dỡ phần xây thêm. Thế mà họ cho người phá luôn. Nhưng nếu có thế thì tôi cũng chẳng nói làm gì, đằng này, họ làm hỏng cả cái bếp nhà tôi. Chú xem có bực không chứ?

    - Thế hai bên đã giải quyết ổn chưa ?

    - Ổn gì mà ổn. Tôi đã làm đơn khiếu nại gửi đi các cơ quan nhưng chẳng hiểu sao, các cơ quan khác họ lại chuyển đơn của tôi về đúng cái nơi đã ra quyết định xử phạt. Nếu họ vừa đá bóng, vừa thổi còi, vừa ra quyết định xử phạt lại vừa giải quyết đơn khiếu nại của tôi thì lấy đâu ra công bằng cho tôi.

    - Sao bác lại nghĩ thế. Muốn làm gì thì cũng phải theo luật chứ, ai dám làm bừa. Thực ra, khi thực hiện quyền khiếu nại của mình, một trong những nghĩa vụ của người khiếu nại là phải khiếu nại đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ khiếu nại của mình. Việc bác gửi đơn đi nhiều cơ quan nhưng các cơ quan này không có thẩm quyền giải quyết dẫn đến lãng phí thời gian, tiền của cho cả người khiếu nại và các cơ quan phải xử lý đơn khiếu nại đó mà vụ việc vẫn không được giải quyết.

    - Ừ, ngẫm lại việc của tôi thì tôi thấy chú nói có lý đấy!

    - Còn đơn của bác được chuyển đến cơ quan đã ra quyết định xử phạt là đúng đấy!

    - Đúng là đúng thế nào hả chú?

    - Trong trường hợp của bác, bác gửi đơn khiếu nại nghĩa là bác đã chọn cách giải quyết là khiếu nại trực tiếp thì theo quy định của Luật Khiếu nại, người khiếu nại phải khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính mà người khiếu nại cho rằng trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

    - Sao pháp luật lại quy định như thế? Liệu có đảm bảo được sự công bằng cho người khiếu nại không? Nói thật với chú tôi vẫn cứ lo rằng như vậy thì họ có giải quyết thấu tình, đạt lý cho mình hay không?

    - Bác lo lắng vì do bác chưa hiểu rõ các quy định về khiếu nại thôi.

    - Như thế nào? Chú nói cụ thể cho tôi hiểu xem nào!

    - Theo Luật Khiếu nại được Quốc hội thông qua ngày  11/11/2011 thì trình tự khiếu nại hiện nay được quy định theo hướng công khai, dân chủ, đơn giản và nhanh chóng hơn, với cơ chế khiếu nại linh hoạt. Tức là, khi vụ việc khiếu nại phát sinh, người khiếu nại có quyền chọn lựa cách giải quyết mà mình cho là hiệu quả, cụ thể là khiếu nại trực tiếp đến người có quyết định, hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính, không nhất thiết cứ phải khiếu nại tới người có quyết định, hành vi hành chính như trước đây.

    - Ồ, đúng là pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho người khiếu nại, chú ạ!

    - Ngay cả khi bác đã lựa chọn khiếu nại trực tiếp thì pháp luật cho phép ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình khiếu nại, người khiếu nại vẫn có quyền khởi kiện vụ kiện hành chính. Như vậy bác đã yên tâm chưa! Còn điều bác băn khoăn vì sao cơ quan đã ra quyết định hành chính hoặc người có hành vi hành chính bị khiếu nại lại có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, sở dĩ pháp luật quy định như vậy là để trước hết, các cơ quan đó tự xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, bác ạ.

    - Thế trong trường hợp tôi không đồng ý với cách giải quyết của họ thì sao?

    - Thì khi đó bác có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc bác có thể khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án như em đã nói.

    - Nghe chú giải thích tôi đã hiểu ra rất nhiều. Đúng là quyền của mình mà mình còn nắm lơ mơ lắm chú ạ. Tiện đây, chú cho tôi hỏi thêm vài điều để hiểu rõ hơn về quyền khiếu nại của công dân nhé.

    - Vâng, bác cứ hỏi, biết đến đâu em sẽ giải thích đến đó.

    - Trong đơn khiếu nại thì cần phải có những nội dung gì? Hôm trước, tôi phải nhờ chị Linh hàng xóm viết hộ đơn, rồi tôi ký, chứ tôi có biết phải viết thế nào đâu.

    - Cũng không có gì phức tạp đâu. Trong đơn khiếu nại, bác phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của bác, tức là của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.

    - Vậy à. Hôm tôi đi gửi đơn, cũng có người đến khiếu nại nhưng chẳng thấy họ có đơn, mà họ chỉ trình bày với người nhận đơn thôi, thế là thế nào hả chú?

    - À, pháp luật cho phép việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp, bác ạ. Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản. Còn nội dung ghi lại cũng tương tự như nội dung đơn mà em đã nói với bác.

    - Còn điều này nữa chú ạ, họ cứ nói với tôi về thời hiệu, thời hạn gì đó, tôi chẳng hiểu?

    - Thời hiệu khiếu nại là khoảng thời gian mà pháp luật quy định cho người khiếu nại được thực hiện quyền khiếu nại của mình. Thời gian đó là 90 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

    - Giả sử  vì lý do nào đó tôi chưa thực hiện được việc khiếu nại trong thời gian đó thì tôi mất quyền khiếu nại à?

    - Chỉ khi người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó mới không tính vào thời hiệu khiếu nại. Bác lưu ý điều này. Còn thời hạn là khoảng thời gian mà pháp luật quy định để cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc khiếu nại. Tùy từng giai đoạn mà pháp luật quy định thời hạn giải quyết khác nhau, bác ạ.

    - Như thế nào, chú nói rõ cho tôi biết.

    - Em cũng không nhớ hết được, để mai em đưa bác cuốn Luật Khiếu nại, bác đọc sẽ hiểu rõ hơn. Em chỉ nhớ là thời hạn thụ lý giải quyết khiếu nại là 10 ngày; thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.

    - Chú nhớ được như thế là đã quá giỏi rồi. Nhưng tôi phải công nhận pháp luật quy định cụ thể thật. Như thế thì mới tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại của mình chứ!

    - Bác có điều gì cần hỏi thêm nữa không?

    - Chú Hùng này, hôm qua tôi vừa nhận được cái giấy này của Thanh tra xây dựng. Đây, chú xem đi.

    - À, đây là giấy mời người khiếu nại đến để đối thoại với người bị khiếu nại.

    - Đối thoại? Tôi tưởng họ nhận được đơn khiếu nại của tôi rồi thì cứ thế mà xem xét, giải quyết thôi chứ?

    - Giải quyết khiếu nại thực chất là giải quyết một tranh chấp trong lĩnh vực hành chính về vấn đề pháp luật và lợi ích. Chính vì vậy, điều quan trọng là các bên biết được căn cứ và yêu cầu của người khiếu nại cũng như căn cứ của quyết định hay hành vi hành chính bị khiếu nại, từ đó tìm ra giải pháp cho tranh chấp đó. Vì vậy việc gặp gỡ và đối thoại để hiểu rõ những vấn đề trên là rất quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh quá trình giải quyết. Kết quả việc gặp gỡ, đối thoại sẽ là một trong các căn cứ làm cơ sở cho việc giải quyết khiếu nại. Vì vậy, pháp luật quy định, trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và những người có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại.

    - Ôi thế mà tôi không biết. Khi cơ quan thanh tra gửi giấy mời tôi cứ nghĩ chắc họ lại muốn phết phảy gì gì nên định không đến. Thế này thì tôi phải đến mới được. Nhờ chú giảng giải tôi đã hiểu thêm nhiều điều. Cám ơn chú.

     

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag