TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

  • Tôi đang nhâm nhi cốc nước lạnh cuối một ngày làm việc mệt nhọc và thưởng thức không khí trong lành của mùa thu thì bỗng có tiếng gõ cửa, cánh cửa phòng làm việc mở ra. Bác Lan, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, bước vào, dáng vẻ gấp gáp. Nhìn thấy tôi, bác nói ngay:

    -   Thật may là cô phó chủ tịch xã ở đây. Tôi cứ sợ là cô về rồi. Tôi đang có việc quan trọng lắm, chắc chỉ có cô mới giúp tôi được thôi.

    Bác Lan là một người dân trong xã tôi. Hoàn cảnh gia đình của bác khá khó khăn, anh Kiên, con trai bác nghiện, bị nhiễm HIV, rồi lây sang cho vợ. Tôi pha cho bác một cốc nước mát rồi nói:

    -   Bác uống nước rồi từ từ nói xem có chuyện gì, hy vọng tôi sẽ giúp được cho bác.

    Bác không uống nước mà nói thẳng vào điều mà bác đang trăn trở:

    -   Cô ạ, tôi vừa từ trường tiểu học về rồi qua đây luôn. Tôi đi họp phụ huynh cho thằng Trung, cháu nội tôi. Bố mẹ nó bị bệnh, ngại không dám đi họp phụ huynh nên tôi đi họp cho nó.

    -   Có việc gì mà khiến bác bức xúc quá như thế?

    -   Việc là thế này. Vì bố mẹ cháu Trung bị nhiễm HIV nên hội phụ huynh của lớp yêu cầu nhà trường phải cách ly cháu khỏi con họ, họ yêu cầu nhà trường đuổi học cháu. Họ sợ cháu tôi sẽ làm lây HIV sang những học sinh khác. – Trên khuôn mặt bác, những nếp nhăn như hằn sâu thêm – Tôi nghĩ mà thương cháu tôi quá, nó có tội tình gì đâu mà phải bị người ta đối xử như thế cơ chứ, nó không bị nhiễm HIV, vẫn khỏe mạnh bình thường, lại học giỏi nữa chứ.

    -   Thế giáo viên chủ nhiệm và nhà trường họ nói gì hả bác?

    -   Cô chủ nhiệm của nó cũng đã giải thích cho mọi người nhưng vì hội phụ huynh họ thúc ép mạnh quá nên cô ấy nói là sẽ chuyển nguyện vọng của hội phụ huynh lên Ban giám hiệu nhà trường để Ban giám hiệu quyết định.

    Rồi bác đưa tay ra bấu chặt lấy tay tôi, mắt bác lúc này đã đỏ hoe, ngân ngấn nước:

    – Cô! Cô học nhiều, hiểu rộng, lại là cán bộ xã, có cách gì thì giúp gia đình tôi với, tôi sợ nhà trường sẽ đuổi học cháu tôi mất. Như thế thì tội cho nó quá, cô ơi!

    Tôi nhẹ nhàng xoa xoa bàn tay gầy của bác:

    -   Bác yên tâm, nhà trường sẽ không đuổi học cháu Trung đâu ạ. Việc đuổi học cháu không chỉ vi phạm đến quyền học tập của trẻ em mà hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS còn bị Nhà nước ta nghiêm cấm và bị coi là hành vi vi phạm pháp luật nữa đấy bác ạ, huống hồ cháu Trung nhà mình có bị nhiễm HIV đâu.

    Dường như bác Lan còn chưa hiểu, tôi giảng giải thêm:

    -   Như thế này bác ạ, theo pháp luật nước ta thì người bị nhiễm HIV và gia đình họ có quyền được sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội, có quyền được học văn hóa, học nghề, học việc và nhiều quyền khác. Về cơ bản, họ có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của một công dân [1]. Mặc dù HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe con người, ảnh hưởng nhiều mặt đến sự phát triển bền vững của đất nước nhưng nhà nước ta chủ trương không kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV và gia đình họ[2]. Các cơ sở giáo dục không được phép từ chối tiếp nhận hoặc kỷ luật, đuổi học học sinh vì lý do người ấy bị nhiễm HIV hoặc là thành viên trong gia đình có người nhiễm HIV [3].

    Bác Lan nghe tôi nói với thái độ chăm chú, bác hỏi lại:

    -   Vậy là nhà trường không có quyền đuổi học cháu tôi đúng không?

    -   Vâng, đúng thế, nếu nhà trường cố tình kỷ luật hoặc đuổi học cháu thì họ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 15 triệu đồng[4].

    Bác Lan trở lên hào hứng:

    -   Ồ! Vậy thì tôi yên tâm rồi. Như vậy cháu Trung nhà tôi có thể tiếp tục đi học.

    -   Vâng! Tất nhiên là cháu Trung vẫn được đi học rồi ạ. Tôi tin Ban giám hiệu nhà trường và thầy cô giáo rất hiểu và thông cảm với cháu Trung. Điều cần làm lúc này là giảm sự kỳ thị của các phụ huynh có con em học cùng với cháu. Hiện nay, xã ta đang triển khai đợt thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS để góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác này, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, qua đó huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

    -   Như thế thì tốt quá, nhưng tôi vẫn cứ lo hội phụ huynh sẽ…

    -   Bác yên tâm. Ngày mai, tôi sẽ trao đổi với các anh chị tình nguyện viên của Đội tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS xã ta. Trong trường hợp cần thiết, các anh chị ấy sẽ đến từng gia đình có con học với cháu Trung để tuyên truyền, giải thích. Chỉ vì mọi người chưa biết nên mới lo sợ thái quá, chứ khi đã hiểu rõ các quy định pháp luật cũng như con đường lây nhiễm HIV, tôi tin mọi người sẽ thông cảm. Hiện cháu Trung không bị nhiễm HIV nên nguy cơ lây bệnh cho bạn bè là không có.

    -   Đúng! Cháu Trung và tôi hiện nay đều sống chung với người bị nhiễm HIV mà vẫn khỏe mạnh đấy thôi. Chúng tôi đã được hướng dẫn cách phòng tránh lây nhiễm HIV rồi. Cho nên, chắc chắn việc cháu đi học cũng sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của các bạn cùng lớp như mọi người vẫn nghĩ.

    Như giải tỏa được nỗi lo trong lòng, bác Lan phấn chấn hẳn lên. Nhìn khuôn mặt gầy và rám nắng của bác, tôi bỗng trào lên một niềm cảm thông sâu sắc. Tôi hỏi:

    -   Thế dạo này sức khỏe của anh Kiên con trai bác và chị Thu thế nào rồi ạ? Anh chị vẫn duy trì việc điều trị bằng thuốc đầy đủ chứ ạ?

    Nghe đến đây, khuôn mặt vừa mới vui vẻ được một chút của bác bỗng dưng lại trùng xuống, bác kể với một giọng nặng nề:

    -   Cám ơn cô. Cháu Kiên từ ngày cắt được cơn nghiện, kèm theo việc uống thuốc kháng HIV thì sức khỏe cũng đã khá hơn. Chỉ có điều vợ nó, cháu Thu thì mới bị công ty đuổi việc vì lý do nó bị nhiễm HIV. Bây giờ thì kinh tế gia đình sẽ ngày càng khó khăn hơn.

    Chị Thu, con dâu bác, làm kế toán cho một công ty giày da trong xã. Từ ngày anh Kiên bị nghiện, một tay chị cán đáng, lo toan cho cả gia đình. Giờ đây, biết tin chị nghỉ việc, tôi cũng không tránh khỏi mủi lòng:

    -   Bác ạ! – Tôi nắm chặt lấy bàn tay bác – Tôi hy vọng gia đình sẽ vượt qua lúc khó khăn này. Việc chị Thu bị đuổi việc là không đúng theo pháp luật. Tôi sẽ tìm cách giúp gia đình để chị được nhận lại làm việc.

    -   Vậy là như thế nào hả cô?

    -   Theo pháp luật thì chủ sử dụng lao động có trách nhiệm phòng, chống việc kỳ thị, phân biệt, đối xử với người bị nhiễm HIV trong cơ quan mình. Không những thế họ còn phải bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn của người bị nhiễm HIV và tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động phòng, chống HIV [5]. Việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc gây khó khăn cho người lao động trong quá trình làm việc vì lý do họ bị nhiễm HIV là một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Hơn thế nữa, người chủ không được phép làm các việc khác ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động vì lý do họ bị nhiễm HIV như ép buộc chuyển làm công việc khác, từ chối nâng lương, đề bạt [6]. Nếu họ cố tình làm như vậy thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và bị buộc phải khôi phục lại công việc cho người lao động [7].

    Cảm thấy bất ngờ với sự giải thích của tôi, bác Lan hỏi với lại với một giọng dè dặt:

    -  Vậy liệu cháu Thu có thể đi làm lại được không ạ.

    Tôi động viên bác:

    -   Hôm trước, tôi có đọc một bài báo nói rằng: với những người bệnh đã uống thuốc kháng HIV thì nồng độ vi rút trong máu của họ sẽ giảm đi nhiều. Do đó, khả năng làm lây lan vi rút HIV sang cho người khác là rất thấp. Chính vì vậy, việc sống và làm việc chung với họ sẽ không mấy nguy hiểm. Nếu chị Thu sử dụng các biện pháp phòng tránh thì chắc chắn sẽ không làm lây nhiễm HIV cho người khác trong công ty. Trong tuần này, tôi sẽ cùng với các đồng chí lãnh đạo UBND sẽ đến để động viên, thuyết phục giám đốc công ty nhận chị Thu trở lại làm việc. Tôi tin rằng nếu mình khéo thuyết phục với những quan điểm khoa học, họ sẽ đồng ý thôi. Còn nếu không được thì tôi sẽ kiến nghị lên cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý thích hợp.

    -   Nếu được thế thì còn gì bằng. Trăm sự nhờ vào cô cả. Thật sự tôi không nghĩ rằng nhà nước ta lại có những quy định pháp luật hay như thế để bảo vệ những người bị nhiễm HIV.

    Lắng nghe những cảm xúc chân thật đó, tôi nhìn bác, cười trìu mến:

    -   Từ xưa đến nay, người dân chúng ta vì chưa hiểu biết đầy đủ về HIV nên đã có cái nhìn kỳ thị, thiếu thiện cảm đối với những người bị nhiễm HIV. Thật ra, sự ghẻ lạnh của người đời mới chính là thứ nguy hiểm với người bệnh. Nhiều người vì không chịu được sự kỳ thị của xã hội mà đã tự tử hoặc không có nghị lực đấu tranh với bệnh tật. Chúng ta không nên coi HIV là một điều gì đó quá ghê gớm mà hãy chỉ nên coi đó là một căn bệnh nan y, khó chữa, có thể sống chung được. Có như thế, chúng ta mới tạo được một môi trường tốt để những người bệnh vượt lên mặc cảm của mình.

    -   Vâng. Cô nói đúng lắm, nếu ai cũng nghĩ được như cô thì sẽ tốt biết bao. – Chợt bác Lan nhìn lên đồng hồ, nói – Ôi, đã muộn quá rồi, tôi phải về đây, hôm nay, cám ơn cô rất nhiều. Những lời nói của cô đã tiếp thêm cho tôi nghị lực để vượt lên lúc khó khăn này.

    Chia tay tôi, bác Lan tất tả ra về. Bao nhiêu năm tháng khó khăn vất vả, nặng trĩu những lo toan đã khiến cho dáng đi của bác lúc nào cũng vội vàng, gấp gáp. Tôi thầm nghĩ “nếu như mỗi người chúng ta đều dang rộng vòng tay với những người bị nhiễm HIV/AIDS, giúp họ vượt lên mặc cảm thì thế giới này sẽ tốt đẹp thêm biết bao”.

    [1] Điều 4, Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người 2006
    [2] Khoản 4, Điều 3 Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người 2006
    [3] Điều 15, Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người 2006
    [4] Điểm đ, Khoản 2, Điều 22, Nghị định số 69/2011/NĐ-CP
    [5] Khoản 1, Điều 14, Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người 2006
    [6] Khoản 2, Điều 14, Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người 2006
    [7] Khoản 2, Khoản 3, Điều 22, Nghị định 69/2011/NĐ-CP

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag