(TT. Thông tin – Văn Lang, ngày 16/02/2017) – Từ ngày 14 đến ngày 16/02/2017, đoàn Giảng viên, Sinh viên khoa Công nghệ Thiết kế, Trường Đại học HanDong (Hàn Quốc) đã đến thăm, giao lưu với Giảng viên, Sinh viên khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Văn Lang.
Năm 2014, khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Văn Lang và khoa Công nghệ Thiết kế, Trường Đại học HanDong (Hàn Quốc) ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Từ đó đến nay, hai khoa đã phối hợp, tổ chức một số hoạt động học thuật, trao đổi kinh nghiệm tại hai đất nước.
Năm 2017, mối quan hệ giữa hai đơn vị tiếp tục được củng cố với dự án hợp tác mới: Xây dựng thương hiệu thành phố (city branding) dành cho thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích của dự án là xây dựng hình ảnh độc đáo, thống nhất cho thành phố Hồ Chí Minh; mang đến niềm tự hào cho người dân, tạo ấn tượng và hấp dẫn khách du lịch, thu hút nhà đầu tư; qua đó, góp phần tăng cường quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước Việt - Hàn. Dự án nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tp. Hồ Chí Minh.
Chặng đường hợp tác những năm qua giữa Trường Đại học Văn Lang và Trường Đại học HanDong: Ảnh trên: Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tại khoa Mỹ thuật Công nghiệp Văn Lang, tháng 01/2015; (ảnh dưới, từ trái sang) Triển lãm Thầy và trò – Dấu ấn thời gian, tháng 5/2014; Triển lãm đồ án tại Trung tâm Nghệ thuật Seoul, tháng 11/2015.
Từ sự gặp gỡ trong quan điểm làm nghề...
Thương hiệu thành phố (city branding) là khái niệm còn tương đối mới tại Việt Nam. Thương hiệu thành phố, thương hiệu quốc gia không những là dấu chỉ văn hóa hay du lịch đối với khách thập phương, mà còn góp phần gia tăng giá trị thương mại cho sản xuất bản địa.
Trong chuyến làm việc tại khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Văn Lang, tháng 01/2015, các Giảng viên đến từ khoa Công nghệ Thiết kế, Trường Đại học HanDong đã đề cập đến vấn đề thương hiệu quốc gia. Không có thương hiệu quốc gia mạnh, Việt Nam đang chịu nhiều thiệt thòi trong môi trường kinh doanh quốc tế. Ở góc độ người làm mỹ thuật, thiết kế thương hiệu vừa là một sự đóng góp vào phát triển chung của quốc gia/thành phố, vừa là cơ hội mở rộng con đường nghề nghiệp cho cá nhân, khi các thiết kế thương hiệu có thể xuất khẩu.
Trong quá trình học tập và thực hành nghề nghiệp, Sinh viên Mỹ thuật Văn Lang cũng đã manh nha những ý tưởng về sản phẩm nhận diện của thành phố, mang màu sắc Việt Nam đặc trưng, nhận được những phản hồi tích cực của người dùng. Sản phẩm lưu niệm, trang sức PHỐ GỖ của Sinh viên ngành Thiết kế Nội thất; home-stay OTRO của Sinh viên ngành Thiết kế Nội thất - Thiết kế Đồ họa; hay sách pop-up Sài Gòn phố của Sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa (ảnh phải, từ trên xuống) là những đại diện tiêu biểu. Nội lực của Sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp Văn Lang luôn sẵn sàng.
Trong khi đó, khoa Culture & Media Design, Trường Đại học HanDong có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu. Tại Hàn Quốc, trường bạn đã thiết kế hệ thống nhận diện cho các thành phố Ulsan, Inchoen...; hoặc xuất khẩu thương hiệu ra nước ngoài, như Kyrgyzstan.
Sự gặp gỡ giữa quan điểm làm nghề, sự cộng lực khả năng thiết kế là cơ sở để đảm bảo sự thành công cho dự án.
... đến dự án hợp tác giáo dục giữa hai trường
Sáng 14/02/2017, đoàn Giảng viên, Sinh viên của hai trường có buổi gặp gỡ đầu tiên trong khuôn khổ dự án.
Tham dự buổi gặp gỡ có Ông Lê Trương Hiền Hòa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Tp. Hồ Chí Minh; Ông Hứa Thanh Bình – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh; PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang; đoàn Giảng viên, Sinh viên Trường Đại học HanDong và Trường Đại học Văn Lang.
GS. Lee Jin Koo – Trưởng khoa Công nghệ Thiết kế, Trường Đại học HanDong - và ThS. HS. Phan Quân Dũng – Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Văn Lang - đều thể hiện sự vui mừng khi dự án được triển khai theo đúng kế hoạch. Đây là bước phát triển trong quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai bên.
PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu (ảnh, bìa trái) tặng quà lưu niệm cho đoàn giảng viên, sinh viên khoa Trường Đại học HanDong, do GS. Lee Jin Koo làm đại diện.
Khởi động dự án, từ ngày 14 đến ngày 16/02/2017, đoàn Giảng viên, Sinh viên Trường Đại học HanDong đã sang Việt Nam; cùng Giảng viên, Sinh viên Trường Đại học Văn Lang khảo sát thực tế, thu thập tư liệu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm thực hiện dự án tiến hành khảo sát thực tế 4 nhóm chủ đề chính: Thiết kế công cộng (thiết bị công cộng, phương tiện giao thông, biển hiệu đường phố…); Địa điểm tiêu biểu (các công trình kiến trúc, phong cảnh…); Sản phẩm du lịch (tập trung ở khu vực chợ Bến Thành, đường Đề Thám…), Văn hóa cộng đồng (ẩm thực, giao thông…). Đây là cơ sở để nhóm thực hiện dự án phát triển thiết kế phù hợp, tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cho thành phố.
Nhóm thực hiện dự án khảo sát khu vực cầu Móng, chiều 14/02/2017. Sinh viên hai trường trao đổi sau thời gian khảo sát, ngày 15/02/2017.
Đoàn Sinh viên của hai trường đã tiến hành khảo sát thực tế ở một số địa điểm trên địa bàn thành phố, trong hai ngày 14, 15/02/2017. 16 Sinh viên chia thành 4 nhóm, đi thực địa và báo cáo kết quả với đoàn Giảng viên.
Theo kế hoạch, dự án hợp tác này được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8/2017. Kết quả dự án đặt ra là hệ thống sách ảnh, logo, storytelling, slogan về thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi phát triển hoàn thiện thương hiệu dành cho lĩnh vực du lịch và một số dịch vụ trọng điểm, 2 trường sẽ thuyết trình với Ủy ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh và chuyển giao quyền sử dụng.
Bảo Linh
Ảnh: Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, BL
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -