TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

  • An là con trai đầu của một gia đình công nhân nghèo ở khu cảng. Bố An chết trong một tai nạn lao động để lại cho mẹ An - một phụ nữ đau yếu, ba con thơ với nghề may gia công. Cuộc sống của mấy mẹ con rất chật vật. Để vượt qua khỏi cảnh nghèo, mẹ An kiên quyết buộc các con phải đi học. Bà đã phải thức đêm thức hôm, nhận hàng may thêm để kiếm tiền nuôi con. Số hàng nhận mỗi ngày một tăng lên nhưng tiền công thì teo tóp lại. Thương mẹ, An sáng đi học, trưa về nhà phụ mẹ may đồ đến tối. Nhiều hôm để kịp giao hàng cho người ta, An phải thức trắng đêm may hàng. Sáng hôm sau ngồi trong lớp học hai mắt An cứ trĩu xuống vì buồn ngủ. Làm nhiều, ăn uống không đầy đủ, mẹ An đổ bệnh nặng. An phải làm thêm cả phần hàng của mẹ. Đứa em thứ hai của An ngoài giờ học cũng phải đi lượm thêm ve chai và phụ giúp anh chăm sóc mẹ…

    Hoàn cảnh khó khăn của đứa bé 13 tuổi đã lọt vào tầm ngắm của những tay anh chị trong làng buôn "cái chết trắng". Một người đàn ông tên Thành nhờ An đem cơm sáng cho một người thân ở khu phố bên kia cầu. Ông ta nói ông có người anh sống một mình đang bệnh nặng, không ai chăm sóc. Nhà ông ở xa, ông thì bận công việc, nên không thể trực tiếp chăm sóc cho anh được. Ông nhờ An giúp ông, hàng ngày đem cơm cho anh trai, ông sẽ trả công hậu hĩnh, 20.000 đồng cho một lần mang cơm. Sở dĩ ông ấy nhờ An vì ông biết, sáng nào An cũng cọc cạch đạp xe đến trường ngang qua khu phố đó.
     
    Nghe vậy, An rất mừng. Nó suy tính, việc làm này vừa không mất thời gian do cùng trên đường đi học hàng ngày, lại vừa có thêm thu nhập để giúp đỡ gia đình trong lúc khó khăn. An quyết định nhận lời đưa cơm cho anh trai ông Thành. Theo lời dặn của ông Thành, hàng ngày, An chỉ cần mang cơm qua cầu và giao cho một thanh niên – người sống cùng với anh trai ông. Ông cũng dặn An sau khi nhận cặp lồng cơm thì phải đi luôn đến nơi giao cho anh thanh niên mà không được rẽ vào bất kỳ chỗ nào. Ông còn hào phóng ứng trước cho An một tháng tiền công. Nó vui mừng mang về đưa mẹ chữa bệnh. Thế là hàng ngày trên tuyến đường đi học An đã mang theo cặp lồng cơm mà không biết trong đó có giấu từ 2 - 3 gói heroin.
     
    Thấy con đưa tiền về mẹ An căn vặn con lấy tiền đâu ra. An thành thật kể chuyện nhận lời đưa cơm cho anh trai ông Thành bị ốm, mỗi ngày được trả 20.000 đồng. Biết ông Thành nghiện nặng và đã từng bị bắt vì liên quan đến ma túy. Mẹ An giật mình, bà lo lắng nói với An : “Giúp người lúc khó là tốt nhưng quan hệ với những người như ông Thành nguy hiểm lắm. Con phải cẩn thận đấy. Liệu có đúng là chỉ có cơm không hay còn thứ gì khác thì sao ?”. Nghe mẹ nói, An chợt thấy băn khoăn, hàng loạt câu hỏi nảy sinh: “Sao chỉ mỗi việc đưa cơm mà ông Thành lại trả công cao như vậy. Sao ông Thành lại dặn nó không được đi đâu.... ?”. Nó kể với mẹ những suy nghĩ của mình.
     
    Nghe vậy, mẹ An kiên quyết bảo con: “Thôi, con đừng làm nữa. Mẹ con mình chịu khó vất vả một chút, có sao sống vậy. Nhỡ con gặp chuyện gì mẹ biết trông cậy vào ai ?”. Nghe mẹ, An đến gặp ông Thành xin không làm nữa nhưng ông Thành ngọt ngào dỗ dành: “Cháu cố giúp bác, vài hôm thôi. Bác bận quá, bác sẽ trả cháu thêm tiền. Ông anh bác cũng đỡ rồi, nhưng vẫn chưa dậy được. Mấy hôm nữa ông ấy khỏe tự đi lại, nấu nướng được, cháu có thể thôi. Cháu chỉ có việc đưa cơm, đừng sợ. Nếu có chuyện gì pháp luật cũng sẽ  không xử phạt trẻ con đâu”.
     
    Nghe ông Thành nói thế, tuy trong lòng An còn lo lắng nhưng em nghĩ đưa cơm giúp ông ấy thêm một vài buổi nữa rồi thôi. Hơn nữa nếu không làm thì lấy tiền đâu để chăm lo cho các em, mẹ lại đang chữa bệnh, tốn rất nhiều tiền... Thế rồi, điều mà mẹ An lo sợ đã trở thành hiện thực. Trong lần đưa cơm sau đó, khi các chú trong Đội cảnh sát hình sự yêu cầu cho kiểm tra cặp lồng cơm, An sững sờ khi thấy các chú lấy từ đó ra 2 gói nhỏ đựng thứ bột màu trắng: Hêrôin – cái chết trắng!
     
    Giờ đây, ở trong trại giam, An mới thấu hiểu những lời mà các chú cảnh sát đã nói: chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật cùng với cuộc sống khó khăn mà những đứa trẻ nghèo như An đã rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn ma túy. Tiền công mà chúng trả cho An quá rẻ mạt, nhưng hậu quả mà cạm bẫy của chúng giăng ra đối với An thì thật nặng nề: mức heroin và thời lượng phạm tội nhiều lần (dù là vô tình) đủ để cậu học trò bị truy tố theo Điều 194 Bộ luật hình sự. An thấy như mình đã mất tất cả. Tuy nhiên, trong lòng An lại có chút hy vọng khi An được gặp bác luật sư – người sẽ bào chữa cho em tại phiên tòa. Bác ấy đã phân tích cho An thấy: ai vi phạm pháp luật thì cũng đều bị xử lý. Riêng đối với trẻ em từ 18 tuổi trở xuống, pháp luật hình sự quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm ; người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, vì trẻ em là những người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi), chưa nhận thức đầy đủ về hành vi của mình nên pháp luật có những quy định riêng về xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Về nguyên tắc, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Bác luật sư khuyên An nên thành khẩn khai báo giúp các chú công an có thêm thông tin để triệt phá đường dây buôn bán ma túy.
     
    Tại phiên tòa xét xử An với tội danh vận chuyển ma túy, vị chủ tòa phiên tòa đã phân tích: cho dù trong ý thức An chỉ là đưa cơm nhưng trong cơm có hêrôin thì An cũng phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, xét nhân thân và hoàn cảnh phạm tội của An, Tòa án đã lượng hình cho em 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
     
    Cánh cửa cuộc đời không khép lại đối với An nhưng đã để lại bài học đầu đời đắt giá cho em: chỉ vì vô tình sa vào cạm bẫy của bọn bất lương mà đi đến lầm lỡ!.
     
  • Tôi đang nhâm nhi cốc nước lạnh cuối một ngày làm việc mệt nhọc và thưởng thức không khí trong lành của mùa thu thì bỗng có tiếng gõ cửa, cánh cửa phòng làm việc mở ra. Bác Lan, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, bước vào, dáng vẻ gấp gáp. Nhìn thấy tôi, bác nói ngay:

    -   Thật may là cô phó chủ tịch xã ở đây. Tôi cứ sợ là cô về rồi. Tôi đang có việc quan trọng lắm, chắc chỉ có cô mới giúp tôi được thôi.

    Bác Lan là một người dân trong xã tôi. Hoàn cảnh gia đình của bác khá khó khăn, anh Kiên, con trai bác nghiện, bị nhiễm HIV, rồi lây sang cho vợ. Tôi pha cho bác một cốc nước mát rồi nói:

    -   Bác uống nước rồi từ từ nói xem có chuyện gì, hy vọng tôi sẽ giúp được cho bác.

    Bác không uống nước mà nói thẳng vào điều mà bác đang trăn trở:

    -   Cô ạ, tôi vừa từ trường tiểu học về rồi qua đây luôn. Tôi đi họp phụ huynh cho thằng Trung, cháu nội tôi. Bố mẹ nó bị bệnh, ngại không dám đi họp phụ huynh nên tôi đi họp cho nó.

    -   Có việc gì mà khiến bác bức xúc quá như thế?

    -   Việc là thế này. Vì bố mẹ cháu Trung bị nhiễm HIV nên hội phụ huynh của lớp yêu cầu nhà trường phải cách ly cháu khỏi con họ, họ yêu cầu nhà trường đuổi học cháu. Họ sợ cháu tôi sẽ làm lây HIV sang những học sinh khác. – Trên khuôn mặt bác, những nếp nhăn như hằn sâu thêm – Tôi nghĩ mà thương cháu tôi quá, nó có tội tình gì đâu mà phải bị người ta đối xử như thế cơ chứ, nó không bị nhiễm HIV, vẫn khỏe mạnh bình thường, lại học giỏi nữa chứ.

    -   Thế giáo viên chủ nhiệm và nhà trường họ nói gì hả bác?

    -   Cô chủ nhiệm của nó cũng đã giải thích cho mọi người nhưng vì hội phụ huynh họ thúc ép mạnh quá nên cô ấy nói là sẽ chuyển nguyện vọng của hội phụ huynh lên Ban giám hiệu nhà trường để Ban giám hiệu quyết định.

    Rồi bác đưa tay ra bấu chặt lấy tay tôi, mắt bác lúc này đã đỏ hoe, ngân ngấn nước:

    – Cô! Cô học nhiều, hiểu rộng, lại là cán bộ xã, có cách gì thì giúp gia đình tôi với, tôi sợ nhà trường sẽ đuổi học cháu tôi mất. Như thế thì tội cho nó quá, cô ơi!

    Tôi nhẹ nhàng xoa xoa bàn tay gầy của bác:

    -   Bác yên tâm, nhà trường sẽ không đuổi học cháu Trung đâu ạ. Việc đuổi học cháu không chỉ vi phạm đến quyền học tập của trẻ em mà hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS còn bị Nhà nước ta nghiêm cấm và bị coi là hành vi vi phạm pháp luật nữa đấy bác ạ, huống hồ cháu Trung nhà mình có bị nhiễm HIV đâu.

    Dường như bác Lan còn chưa hiểu, tôi giảng giải thêm:

    -   Như thế này bác ạ, theo pháp luật nước ta thì người bị nhiễm HIV và gia đình họ có quyền được sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội, có quyền được học văn hóa, học nghề, học việc và nhiều quyền khác. Về cơ bản, họ có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của một công dân [1]. Mặc dù HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe con người, ảnh hưởng nhiều mặt đến sự phát triển bền vững của đất nước nhưng nhà nước ta chủ trương không kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV và gia đình họ[2]. Các cơ sở giáo dục không được phép từ chối tiếp nhận hoặc kỷ luật, đuổi học học sinh vì lý do người ấy bị nhiễm HIV hoặc là thành viên trong gia đình có người nhiễm HIV [3].

    Bác Lan nghe tôi nói với thái độ chăm chú, bác hỏi lại:

    -   Vậy là nhà trường không có quyền đuổi học cháu tôi đúng không?

    -   Vâng, đúng thế, nếu nhà trường cố tình kỷ luật hoặc đuổi học cháu thì họ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 15 triệu đồng[4].

    Bác Lan trở lên hào hứng:

    -   Ồ! Vậy thì tôi yên tâm rồi. Như vậy cháu Trung nhà tôi có thể tiếp tục đi học.

    -   Vâng! Tất nhiên là cháu Trung vẫn được đi học rồi ạ. Tôi tin Ban giám hiệu nhà trường và thầy cô giáo rất hiểu và thông cảm với cháu Trung. Điều cần làm lúc này là giảm sự kỳ thị của các phụ huynh có con em học cùng với cháu. Hiện nay, xã ta đang triển khai đợt thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS để góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác này, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, qua đó huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

    -   Như thế thì tốt quá, nhưng tôi vẫn cứ lo hội phụ huynh sẽ…

    -   Bác yên tâm. Ngày mai, tôi sẽ trao đổi với các anh chị tình nguyện viên của Đội tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS xã ta. Trong trường hợp cần thiết, các anh chị ấy sẽ đến từng gia đình có con học với cháu Trung để tuyên truyền, giải thích. Chỉ vì mọi người chưa biết nên mới lo sợ thái quá, chứ khi đã hiểu rõ các quy định pháp luật cũng như con đường lây nhiễm HIV, tôi tin mọi người sẽ thông cảm. Hiện cháu Trung không bị nhiễm HIV nên nguy cơ lây bệnh cho bạn bè là không có.

    -   Đúng! Cháu Trung và tôi hiện nay đều sống chung với người bị nhiễm HIV mà vẫn khỏe mạnh đấy thôi. Chúng tôi đã được hướng dẫn cách phòng tránh lây nhiễm HIV rồi. Cho nên, chắc chắn việc cháu đi học cũng sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của các bạn cùng lớp như mọi người vẫn nghĩ.

    Như giải tỏa được nỗi lo trong lòng, bác Lan phấn chấn hẳn lên. Nhìn khuôn mặt gầy và rám nắng của bác, tôi bỗng trào lên một niềm cảm thông sâu sắc. Tôi hỏi:

    -   Thế dạo này sức khỏe của anh Kiên con trai bác và chị Thu thế nào rồi ạ? Anh chị vẫn duy trì việc điều trị bằng thuốc đầy đủ chứ ạ?

    Nghe đến đây, khuôn mặt vừa mới vui vẻ được một chút của bác bỗng dưng lại trùng xuống, bác kể với một giọng nặng nề:

    -   Cám ơn cô. Cháu Kiên từ ngày cắt được cơn nghiện, kèm theo việc uống thuốc kháng HIV thì sức khỏe cũng đã khá hơn. Chỉ có điều vợ nó, cháu Thu thì mới bị công ty đuổi việc vì lý do nó bị nhiễm HIV. Bây giờ thì kinh tế gia đình sẽ ngày càng khó khăn hơn.

    Chị Thu, con dâu bác, làm kế toán cho một công ty giày da trong xã. Từ ngày anh Kiên bị nghiện, một tay chị cán đáng, lo toan cho cả gia đình. Giờ đây, biết tin chị nghỉ việc, tôi cũng không tránh khỏi mủi lòng:

    -   Bác ạ! – Tôi nắm chặt lấy bàn tay bác – Tôi hy vọng gia đình sẽ vượt qua lúc khó khăn này. Việc chị Thu bị đuổi việc là không đúng theo pháp luật. Tôi sẽ tìm cách giúp gia đình để chị được nhận lại làm việc.

    -   Vậy là như thế nào hả cô?

    -   Theo pháp luật thì chủ sử dụng lao động có trách nhiệm phòng, chống việc kỳ thị, phân biệt, đối xử với người bị nhiễm HIV trong cơ quan mình. Không những thế họ còn phải bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn của người bị nhiễm HIV và tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động phòng, chống HIV [5]. Việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc gây khó khăn cho người lao động trong quá trình làm việc vì lý do họ bị nhiễm HIV là một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Hơn thế nữa, người chủ không được phép làm các việc khác ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động vì lý do họ bị nhiễm HIV như ép buộc chuyển làm công việc khác, từ chối nâng lương, đề bạt [6]. Nếu họ cố tình làm như vậy thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và bị buộc phải khôi phục lại công việc cho người lao động [7].

    Cảm thấy bất ngờ với sự giải thích của tôi, bác Lan hỏi với lại với một giọng dè dặt:

    -  Vậy liệu cháu Thu có thể đi làm lại được không ạ.

    Tôi động viên bác:

    -   Hôm trước, tôi có đọc một bài báo nói rằng: với những người bệnh đã uống thuốc kháng HIV thì nồng độ vi rút trong máu của họ sẽ giảm đi nhiều. Do đó, khả năng làm lây lan vi rút HIV sang cho người khác là rất thấp. Chính vì vậy, việc sống và làm việc chung với họ sẽ không mấy nguy hiểm. Nếu chị Thu sử dụng các biện pháp phòng tránh thì chắc chắn sẽ không làm lây nhiễm HIV cho người khác trong công ty. Trong tuần này, tôi sẽ cùng với các đồng chí lãnh đạo UBND sẽ đến để động viên, thuyết phục giám đốc công ty nhận chị Thu trở lại làm việc. Tôi tin rằng nếu mình khéo thuyết phục với những quan điểm khoa học, họ sẽ đồng ý thôi. Còn nếu không được thì tôi sẽ kiến nghị lên cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý thích hợp.

    -   Nếu được thế thì còn gì bằng. Trăm sự nhờ vào cô cả. Thật sự tôi không nghĩ rằng nhà nước ta lại có những quy định pháp luật hay như thế để bảo vệ những người bị nhiễm HIV.

    Lắng nghe những cảm xúc chân thật đó, tôi nhìn bác, cười trìu mến:

    -   Từ xưa đến nay, người dân chúng ta vì chưa hiểu biết đầy đủ về HIV nên đã có cái nhìn kỳ thị, thiếu thiện cảm đối với những người bị nhiễm HIV. Thật ra, sự ghẻ lạnh của người đời mới chính là thứ nguy hiểm với người bệnh. Nhiều người vì không chịu được sự kỳ thị của xã hội mà đã tự tử hoặc không có nghị lực đấu tranh với bệnh tật. Chúng ta không nên coi HIV là một điều gì đó quá ghê gớm mà hãy chỉ nên coi đó là một căn bệnh nan y, khó chữa, có thể sống chung được. Có như thế, chúng ta mới tạo được một môi trường tốt để những người bệnh vượt lên mặc cảm của mình.

    -   Vâng. Cô nói đúng lắm, nếu ai cũng nghĩ được như cô thì sẽ tốt biết bao. – Chợt bác Lan nhìn lên đồng hồ, nói – Ôi, đã muộn quá rồi, tôi phải về đây, hôm nay, cám ơn cô rất nhiều. Những lời nói của cô đã tiếp thêm cho tôi nghị lực để vượt lên lúc khó khăn này.

    Chia tay tôi, bác Lan tất tả ra về. Bao nhiêu năm tháng khó khăn vất vả, nặng trĩu những lo toan đã khiến cho dáng đi của bác lúc nào cũng vội vàng, gấp gáp. Tôi thầm nghĩ “nếu như mỗi người chúng ta đều dang rộng vòng tay với những người bị nhiễm HIV/AIDS, giúp họ vượt lên mặc cảm thì thế giới này sẽ tốt đẹp thêm biết bao”.

    [1] Điều 4, Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người 2006
    [2] Khoản 4, Điều 3 Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người 2006
    [3] Điều 15, Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người 2006
    [4] Điểm đ, Khoản 2, Điều 22, Nghị định số 69/2011/NĐ-CP
    [5] Khoản 1, Điều 14, Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người 2006
    [6] Khoản 2, Điều 14, Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người 2006
    [7] Khoản 2, Khoản 3, Điều 22, Nghị định 69/2011/NĐ-CP

  • Thôn Phước Lộc vụ mùa này trúng lớn. Dọc con đường bê tông đang được mở mang, xây dựng kéo dài nối với quốc lộ 1A là những cánh đồng lúa vàng rộm, nặng trĩu bông. Không khí được mùa hiện rõ trên từng cánh đồng. Gia đình nhà ông Hy phấn khởi lắm. Năm nay, lúa nhà ông tốt quá, cỡ 5 tấn/ha. Gia đình ông thu hoạch đã gần xong, vừa tranh thủ làm vụ hè – thu.

    Buổi sáng nay, vào lúc nghỉ giữa giờ làm, Bà Hy mang ra cho chồng mấy củ khoai luộc và ấm chè xanh mát lành. Bà Hy quay sang gọi nhà Tiến: “Chú Tiến ơi, nghỉ tay uống cốc chè xanh cho mát”. Anh Tiến vừa là hàng xóm lại có thửa ruộng ngay cạnh ruộng nhà ông bà Hy. Mọi người cùng tụ tập trò chuyện thật rôm rả.
     
    Bỗng ông Hy quay sang bảo vợ: “Sáng mai tôi nghỉ làm một buổi đi họp, bà nó ạ”.
    Bà Hy trả lời: “Ông đi họp hành làm gì cho mất công, mất việc. Đi họp bàn về cái vụ đóng góp tu sửa nhà trẻ của thôn chứ gì. Chính quyền gọi là họp cho hình thức thôi, chứ quyết định hết cả rồi. Người ta đóng góp sao, gia đình mình đóng góp thế”.
    Ông Hy ngạc nhiên hỏi lại vợ: “Sao bà nói thế, mình phải tham gia họp chứ. Bây giờ chính quyền cũng dân chủ lắm rồi”.

    Anh Tiến cũng nhanh nhảu tham gia câu chuyện: “Bác trai nói đúng đấy. Mai em cũng tham gia họp. Trước đây nói dân chủ thì cũng biết vậy thôi. Phần do mình còn lờ mờ về pháp luật,  phần nữa nhiều khi thấy nói dân chủ như là chuyện ở đâu xa xôi quá. Vừa rồi, nhờ báo đài và tham gia lớp phổ biến kiến thức pháp luật cho nông dân, em mới thấy dân chủ được quy định cụ thể lắm. Việc nào ra việc đó, em cũng thấy phấn khởi, thấy mình có quyền thật sự và cũng có trách nhiệm hơn với các công việc chung của thôn, của xóm…”.

    Vừa ở đâu đi đến, nghe chuyện của mọi người, anh Minh phó thôn cho biết: “Các bác đang nói về dân chủ ở thôn mình phải không? Đúng rồi. Từ khi triển khai pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, dân ở thôn mình có ý thức hơn trong chấp hành pháp luật và thực hiện trách nhiệm công dân. Các tệ nạn xã hội, các vụ kiện cáo giảm hẳn. Vấn đề công khai hóa được đảm bảo từ việc lớn, việc nhỏ như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã; việc quản lý, sử dụng các loại quỹ, các khoản huy động nhân dân đóng góp;  việc thu thuế từng vụ, thực hiện nghĩa vụ quân sự… cho nên tạo ra sự đồng thuận trong dân”.

     
    Nghe đến đây, anh Tiến tiếp lời: “Sáng mai, thôn mình tổ chức cuộc họp để bàn về mức đóng góp tu sửa nhà trẻ, cũng như  thông báo các chủ trương xây dựng con đường liên thôn sắp tới là đúng theo quy định pháp luật về dân chủ phải không anh Minh?
    Anh Minh gật đầu: “Đúng đó, các bác phải tham gia họp cho ý kiến chứ”.
     
    Như bắt được vàng, ông Hy vội quay sang nói với anh Minh: “Chú Minh nói cho bà nhà tôi biết rõ hơn những nội dung nào mà nhân dân trong thôn được tham gia bàn và quyết định chứ bà ấy cứ cho rằng họp chỉ mang tính hình thức thôi”.
    Anh Minh nhanh nhẹn trả lời: “Theo Điều 10 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường thị trấn: nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật. Chính vì vậy, việc huy động đóng góp tu sửa nhà trẻ của thôn phải đưa ra cho ý kiến”.
     
    Bà Hy tiếp lời: “Chú nói thế thì tôi đã rõ những việc nhân dân được bàn và quyết định trực tiếp rồi, thế nhưng lúc nào cũng phải họp à? Mọi người trong thôn phải dự họp hết hay chỉ đại diện hộ gia đình thôi?”
    Anh Minh từ tốn trả lời: “Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn quy định hình thức nhân dân bàn và quyết định trực tiếp khá linh hoạt. Tùy vào hoàn cảnh cụ thể, cấp có thẩm quyền có thể quyết định tổ chức cuộc họp hoặc phát phiếu lấy ý kiến. Thành phần tham dự họp hoặc được lấy ý kiến có thể là tất cả cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố. Sáng mai, thôn mình tổ chức họp lấy ý kiến các cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn bác ạ.”
    “Anh cho em hỏi, ngày mai tại cuộc họp thì mọi người biểu quyết bằng cách nào?” - Anh Tiến hỏi
    “ , việc biểu quyết được thực hiện bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín; hình thức biểu quyết sẽ do hội nghị quyết định” - Anh Minh trả lời. Từ nãy im lặng nghe, giờ ông Hy mới lên tiếng: “Trong trường hợp người họp có nhiều ý kiến khác nhau thì giải quyết làm sao hả chú Minh?”.
     
    Anh Minh cười, trấn an ông Hy: “Nếu tại cuộc họp, số người tán thành chưa đạt quá 50% tổng số cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn thì tổ chức lại cuộc họp. Trường hợp không tổ chức lại được cuộc họp thì phát phiếu lấy ý kiến tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình”.
    Nghe xong, bà Hy ngẫm nghĩ, tỏ ra băn khoăn: “Thế sau cuộc họp, các nội dung mà chúng tôi đã biểu quyết tán thành thì có được thực hiện ngay không hả chú hay lại phải đợi cấp trên xét duyệt?”.
    Anh Minh cười và giải thích: “Đối với những nội dung đưa ra nhân dân bàn và quyết định trực tiếp, nếu có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố hoặc trong toàn cấp xã tán thành thì có giá trị thi hành ngay mà không cần cấp trên phê duyệt. Những quyết định đã có giá trị thi hành thì nhân dân có trách nhiệm chấp hành và thực hiện các bác ạ”.
    “Anh Minh này, em vẫn băn khoăn, thế trong trường hợp có những cử tri hoặc hộ gia đình họ không tán thành thì họ không phải thực hiện à?” – Anh Tiến hỏi.
    “Trong trường hợp này, chính quyền cấp xã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục những cử tri, hộ gia đình chưa tán thành trong việc thực hiện những quyết định đã có giá trị thi hành” – Anh Minh trả lời.
     
    Nghe anh Minh phân tích, ông Hy và anh Tiến tâm đắc, cứ gật gù mãi: “Luật quy định chi tiết quá. Thế mới là dân chủ chứ”. Tất cả mọi người cùng cười vang vui vẻ. Cả cánh đồng ngập tràn ánh nắng vàng rực rỡ, báo hiệu một ngày thật đẹp trời.

     

     

  • - Thế nào bác Bình, bác chuẩn bị cưới con trai đến đâu rồi?

    - Chú Hùng đấy à, chuẩn với cả bị cái gì, đang nẫu hết cả ruột đây chú ơi!

    - Có chuyện gì vậy bác? Hay chúng nó lại trục trặc gì với nhau. Bọn trẻ bây giờ nhiều chuyện lắm sao hiểu nổi chúng nghĩ gì, muốn gì ? Trục trặc gì đâu chú. Chẳng là để chuẩn bị cho cuối năm nay chúng nó cưới nhau, tôi muốn sửa sang lại nhà cửa, làm thêm cái phòng phía trên để chúng nó ở cho tự do thoải mái. Gửi đơn xin phép chính quyền, song mãi vẫn không thấy có ý kiến. Cuối năm đến nơi rồi, tôi buộc phải làm để còn kịp tổ chức đám cưới cho các cháu. Vậy mà xây gần xong thì lại bị thanh tra xây dựng kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về việc xây dựng trái phép, buộc tôi phải tự phá dỡ nữa.

    - Đành rằng chính quyền chậm chễ trong việc trả lời bác là sai rồi, nhưng trong chuyện này bác cũng có lỗi vì đã xây dựng không xin phép.

    - Thì tôi có nói gì chuyện ấy đâu. Do chỉ còn hơn tháng nữa là đến ngày cưới của hai cháu nên tôi định để tổ chức xong rồi mới dỡ phần xây thêm. Thế mà họ cho người phá luôn. Nhưng nếu có thế thì tôi cũng chẳng nói làm gì, đằng này, họ làm hỏng cả cái bếp nhà tôi. Chú xem có bực không chứ?

    - Thế hai bên đã giải quyết ổn chưa ?

    - Ổn gì mà ổn. Tôi đã làm đơn khiếu nại gửi đi các cơ quan nhưng chẳng hiểu sao, các cơ quan khác họ lại chuyển đơn của tôi về đúng cái nơi đã ra quyết định xử phạt. Nếu họ vừa đá bóng, vừa thổi còi, vừa ra quyết định xử phạt lại vừa giải quyết đơn khiếu nại của tôi thì lấy đâu ra công bằng cho tôi.

    - Sao bác lại nghĩ thế. Muốn làm gì thì cũng phải theo luật chứ, ai dám làm bừa. Thực ra, khi thực hiện quyền khiếu nại của mình, một trong những nghĩa vụ của người khiếu nại là phải khiếu nại đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ khiếu nại của mình. Việc bác gửi đơn đi nhiều cơ quan nhưng các cơ quan này không có thẩm quyền giải quyết dẫn đến lãng phí thời gian, tiền của cho cả người khiếu nại và các cơ quan phải xử lý đơn khiếu nại đó mà vụ việc vẫn không được giải quyết.

    - Ừ, ngẫm lại việc của tôi thì tôi thấy chú nói có lý đấy!

    - Còn đơn của bác được chuyển đến cơ quan đã ra quyết định xử phạt là đúng đấy!

    - Đúng là đúng thế nào hả chú?

    - Trong trường hợp của bác, bác gửi đơn khiếu nại nghĩa là bác đã chọn cách giải quyết là khiếu nại trực tiếp thì theo quy định của Luật Khiếu nại, người khiếu nại phải khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính mà người khiếu nại cho rằng trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

    - Sao pháp luật lại quy định như thế? Liệu có đảm bảo được sự công bằng cho người khiếu nại không? Nói thật với chú tôi vẫn cứ lo rằng như vậy thì họ có giải quyết thấu tình, đạt lý cho mình hay không?

    - Bác lo lắng vì do bác chưa hiểu rõ các quy định về khiếu nại thôi.

    - Như thế nào? Chú nói cụ thể cho tôi hiểu xem nào!

    - Theo Luật Khiếu nại được Quốc hội thông qua ngày  11/11/2011 thì trình tự khiếu nại hiện nay được quy định theo hướng công khai, dân chủ, đơn giản và nhanh chóng hơn, với cơ chế khiếu nại linh hoạt. Tức là, khi vụ việc khiếu nại phát sinh, người khiếu nại có quyền chọn lựa cách giải quyết mà mình cho là hiệu quả, cụ thể là khiếu nại trực tiếp đến người có quyết định, hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính, không nhất thiết cứ phải khiếu nại tới người có quyết định, hành vi hành chính như trước đây.

    - Ồ, đúng là pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho người khiếu nại, chú ạ!

    - Ngay cả khi bác đã lựa chọn khiếu nại trực tiếp thì pháp luật cho phép ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình khiếu nại, người khiếu nại vẫn có quyền khởi kiện vụ kiện hành chính. Như vậy bác đã yên tâm chưa! Còn điều bác băn khoăn vì sao cơ quan đã ra quyết định hành chính hoặc người có hành vi hành chính bị khiếu nại lại có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, sở dĩ pháp luật quy định như vậy là để trước hết, các cơ quan đó tự xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, bác ạ.

    - Thế trong trường hợp tôi không đồng ý với cách giải quyết của họ thì sao?

    - Thì khi đó bác có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc bác có thể khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án như em đã nói.

    - Nghe chú giải thích tôi đã hiểu ra rất nhiều. Đúng là quyền của mình mà mình còn nắm lơ mơ lắm chú ạ. Tiện đây, chú cho tôi hỏi thêm vài điều để hiểu rõ hơn về quyền khiếu nại của công dân nhé.

    - Vâng, bác cứ hỏi, biết đến đâu em sẽ giải thích đến đó.

    - Trong đơn khiếu nại thì cần phải có những nội dung gì? Hôm trước, tôi phải nhờ chị Linh hàng xóm viết hộ đơn, rồi tôi ký, chứ tôi có biết phải viết thế nào đâu.

    - Cũng không có gì phức tạp đâu. Trong đơn khiếu nại, bác phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của bác, tức là của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.

    - Vậy à. Hôm tôi đi gửi đơn, cũng có người đến khiếu nại nhưng chẳng thấy họ có đơn, mà họ chỉ trình bày với người nhận đơn thôi, thế là thế nào hả chú?

    - À, pháp luật cho phép việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp, bác ạ. Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản. Còn nội dung ghi lại cũng tương tự như nội dung đơn mà em đã nói với bác.

    - Còn điều này nữa chú ạ, họ cứ nói với tôi về thời hiệu, thời hạn gì đó, tôi chẳng hiểu?

    - Thời hiệu khiếu nại là khoảng thời gian mà pháp luật quy định cho người khiếu nại được thực hiện quyền khiếu nại của mình. Thời gian đó là 90 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

    - Giả sử  vì lý do nào đó tôi chưa thực hiện được việc khiếu nại trong thời gian đó thì tôi mất quyền khiếu nại à?

    - Chỉ khi người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó mới không tính vào thời hiệu khiếu nại. Bác lưu ý điều này. Còn thời hạn là khoảng thời gian mà pháp luật quy định để cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc khiếu nại. Tùy từng giai đoạn mà pháp luật quy định thời hạn giải quyết khác nhau, bác ạ.

    - Như thế nào, chú nói rõ cho tôi biết.

    - Em cũng không nhớ hết được, để mai em đưa bác cuốn Luật Khiếu nại, bác đọc sẽ hiểu rõ hơn. Em chỉ nhớ là thời hạn thụ lý giải quyết khiếu nại là 10 ngày; thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.

    - Chú nhớ được như thế là đã quá giỏi rồi. Nhưng tôi phải công nhận pháp luật quy định cụ thể thật. Như thế thì mới tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại của mình chứ!

    - Bác có điều gì cần hỏi thêm nữa không?

    - Chú Hùng này, hôm qua tôi vừa nhận được cái giấy này của Thanh tra xây dựng. Đây, chú xem đi.

    - À, đây là giấy mời người khiếu nại đến để đối thoại với người bị khiếu nại.

    - Đối thoại? Tôi tưởng họ nhận được đơn khiếu nại của tôi rồi thì cứ thế mà xem xét, giải quyết thôi chứ?

    - Giải quyết khiếu nại thực chất là giải quyết một tranh chấp trong lĩnh vực hành chính về vấn đề pháp luật và lợi ích. Chính vì vậy, điều quan trọng là các bên biết được căn cứ và yêu cầu của người khiếu nại cũng như căn cứ của quyết định hay hành vi hành chính bị khiếu nại, từ đó tìm ra giải pháp cho tranh chấp đó. Vì vậy việc gặp gỡ và đối thoại để hiểu rõ những vấn đề trên là rất quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh quá trình giải quyết. Kết quả việc gặp gỡ, đối thoại sẽ là một trong các căn cứ làm cơ sở cho việc giải quyết khiếu nại. Vì vậy, pháp luật quy định, trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và những người có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại.

    - Ôi thế mà tôi không biết. Khi cơ quan thanh tra gửi giấy mời tôi cứ nghĩ chắc họ lại muốn phết phảy gì gì nên định không đến. Thế này thì tôi phải đến mới được. Nhờ chú giảng giải tôi đã hiểu thêm nhiều điều. Cám ơn chú.

     

  • Một chiều mùa hè, ông Văn, một thầy giáo đã về hưu, rảo bước về phía căn nhà cuối phố. Đứng trước cánh cổng có dàn hoa thiên lý, ông bấm chuông, chờ đợi. Lúc sau, một người đàn ông to béo, bệ vệ bước ra từ sau cánh cổng.

    - Kìa Văn, vui quá, mời cậu vào nhà chơi.
    Ông Văn cũng hồ hởi, bắt tay bạn mình rồi bước vào trong nhà. Chủ nhân của ngôi nhà là ông Khang, hơn ông một vài tuổi. Khi xưa còn là học sinh, hai người cùng nhau lên thành phố học đại học và lập nghiệp. Ông Văn theo nghiệp nhà giáo còn ông Khang thì trở thành một thương nhân nổi tiếng, bạn bè nhiều và danh tiếng lớn. Vợ ông Khang cũng là bạn học với ông Văn. Vì vậy, dù bận rộn  nhưng tình cảm của họ vẫn khăng khít như những ngày còn đi học.
    Bước vào trong nhà đã thấy bà Nhung, vợ ông Khang, đang ngồi ở đó. Nhận ra khách quý, bà đứng dậy đon đả chào mừng.
    Ông Văn nhìn vợ chồng bạn và nhận thấy mới tháng nay không gặp mà họ như già đi nhanh hơn. Những nếp nhăn cứ nối dài trên trán và đôi mắt thì trũng sâu. Dường như họ đang có những điều trăn trở lắm. Nét buồn phiền của chủ nhân làm cho không khí ngôi nhà trở nên ảm đạm. Tiếng ve kêu trên những bụi cây càng làm cho lòng người thêm nao nao, bồn chồn.
    Nhận thấy tình cảnh như vậy, ông Văn không hỏi thăm sức khỏe gia đình như thường lệ nữa mà đi thẳng vào luôn vấn đề ông đang suy nghĩ:
    -         Cháu Dũng nhà mình đâu rồi hả cậu?
    Cảm nhận thấy điều khác thường trong câu hỏi của bạn, ông Khang hơi bất ngờ nhưng rồi cũng trả lời luôn:
    -         Cháu đi học cậu ạ. Bây giờ cháu đang tập trung ôn thi đại học, cũng vất vả lắm. – Giọng ông Khang trầm buồn, dường như còn có điều gì đang giấu giếm.
    Cẩn thận dò xét ý tứ của 2 vợ chồng bạn, ông Văn lại hỏi tiếp:
    -         Dạo gần đây các cậu thấy cháu Dũng có sự thay đổi bất thường nào về sức khỏe và tâm lý không?
    Ông Khang không trả lời, ông liếc nhìn về phía vợ. Như đoán được ý chồng, bà Nhung trả lời thay:
    -         Cháu nó học nhiều nên cũng gầy và xanh lắm. Thời gian gần đây chúng mình bận công việc nên cũng chưa quan tâm bồi bổ cho cháu được. Mà sao cậu lại hỏi vậy? Có việc gì không?
    -         Các cậu có giấu mình điều gì không đấy? Các cậu thật sự không nhận ra điều gì bất thường từ cháu sao? – Ngừng một lúc, không thấy câu trả lời, ông Văn nói tiếp - Thời gian gần đây, mình thường xuyên thấy cháu đi cùng với những thanh niên mắc nghiện ở khu dân cư nơi mình sinh sống. Mình cảm thấy nghi ngờ nên đã chú ý theo dõi cháu và phát hiện cháu rất hay qua lại một tụ điểm được cho là có buôn bán ma túy. Khi tiếp xúc với cháu thì thấy cháu gầy đi rất nhiều, không còn tinh nhanh như ngày xưa nữa. Qua phán đoán, mình cho rằng cháu Dũng đã nghiện mất rồi.
    Nghe đến đây, những giọt nước mắt bỗng lăn dài trên má bà Nhung, rồi bà khóc mỗi lúc một to hơn, nấc lên từng tiếng. Tiếng khóc của một người mẹ chan chứa biết bao nỗi đau đớn, tủi hổ. Ông Khang thì bần thần, không nói gì, cứ nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ.
    Rồi bà Nhung nói trong tiếng nức nở:
    -         Chuyện đã đến nước này thì tớ cũng không muốn giấu nữa. Vợ chồng tớ biết cháu Dũng nghiện đã hơn nửa năm nay rồi. Nó bị bạn bè dụ dỗ, lao vào con đường hút chích. Nó càng ngày càng gầy đi. Khi biết con mình nghiện ngập, mình đau đớn lắm. Mình cũng muốn cho cháu đi cai nghiện nhưng lại sợ người đời dị nghị. Sao tai họa lại đổ xuống đầu gia đình này cơ chứ?
    Ông Khang thở dài, tiếp lời vợ:
    -         Vợ chồng tớ cũng suy nghĩ mãi mà vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết thích hợp. Bây giờ mà cho cháu đi cai nghiện thì chả khác gì vạch áo cho người xem lưng. Bạn bè, đồng nghiệp rồi bà con hàng xóm mà biết thì danh dự của gia đình sẽ tiêu tan. Rồi còn tương lai của cháu nữa, nếu mà mang tiếng là thằng nghiện thì sau này người đời sẽ nhìn cháu ra sao.
    Nghe những lời tâm sự chất chứa muộn phiền, ông Văn nhanh chóng hiểu ra và có câu trả lời cho vấn đề mà mình đang thắc mắc. Gia đình nhà ông Khang từ xưa đến nay vẫn có tiếng là gia đình văn hóa. Hai vợ chồng đều là những người làm ăn kinh tế giỏi, cháu Dũng lại học tốt, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi thành phố. Thế nên, chuyện cháu Dũng bị bạn bè lôi kéo lao vào con đường nghiện ngập sẽ khiến cho danh tiếng của gia đình bị hủy hoại. Con người khi vẫn quen sống trong danh tiếng, sẽ khó chấp nhận những sự thực không hay về bản thân mình.
    - Vậy thì các cậu tính sao? Giấu giếm đến bao giờ? Không cho cháu đi cai nghiện, chẳng lẽ cứ để cháu nghiện ngập mãi thế này sao? – Ông Văn hỏi.
    Ông Khang cứ lặng lẽ thở dài, khuôn mặt của một người đàn ông nổi tiếng quyết đoán trên thương trường bỗng hiện lên những nét nhu nhược, yếu đuối. Ông đáp lại:
    -         Có lẽ sau đợt thi đại học này, tớ sẽ gửi cháu đến ở nhà một người bà con xa làm bác sĩ, rồi nhờ họ cai nghiện cho cháu. Với người ngoài thì sẽ nói là cháu đi học xa. Chúng tớ bận quá, công việc không dứt ra được, cũng chẳng ở nhà giúp cháu cai nghiện được.
    Ông Khang lắng nghe tâm sự của bạn mình, rồi nói với một giọng mang đầy sự trách móc:
    -         Mình thấy hai cậu đã không làm tròn trách nhiệm của cha mẹ. Trước hết, do hai cậu quá mải mê công việc, thiếu sự chăm nom đến cháu, dẫn đến cháu sa vào con đường nghiện ngập. Rồi sau khi phát hiện ra việc cháu bị nghiện, hai cậu lại không có cách xử lý dứt khoát khiến cháu tiếp tục chìm trong nghiện ngập. Thực ra các cậu đã quan tâm đến danh tiếng của bản thân nhiều hơn là quan tâm đến sức khỏe và tương lai của con mình. Việc các cậu dự định cho cháu đi cai nghiện ở nhà một người bà con như thế không những không hiệu quả mà còn thể hiện thái độ vô trách nhiệm của cha mẹ đối với con. Điều cần thiết nhất khi cai nghiện là cháu phải được sự động viên thường xuyên của gia đình, có tình thương của bố mẹ sẽ giúp cháu thêm nghị lực để cai nghiện.
    Cảm thấy xấu hổ vì những lời trách móc, ông Khang không dám nhìn thẳng vào mắt bạn, hỏi:
    -         Nghe cậu nói thế, tớ biết là mình sai rồi. Vậy theo cậu, tớ nên làm như thế nào?
    -         Việc cần nhất lúc này là cai nghiện cho cháu. Cậu cần nhìn thẳng vào sự thực, không nên trốn tránh, cũng đừng vì chút danh tiếng của gia đình mà làm ảnh hưởng đến tương lai của cháu. Trước hết, hai cậu cần phải thông báo tình trạng cháu bị nghiện đến UBND phường và đăng ký hình thức cai nghiện thích hợp. Đây là trách nhiệm mà pháp luật đã quy định đối với gia đình có người nghiện ma túy[1]. Ma túy là hiểm họa của cả xã hội, vì vậy, giúp đỡ người nghiện ma túy là trách nhiệm chung của nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác. Khi thông báo tình trạng nghiện của cháu, các cậu sẽ nhận được sự giúp đỡ của xã hội để đẩy lùi sự nghiện ngập quái ác này.
    -         Cậu vốn là nhà giáo, lại nhiều năm làm công tác xã hội nên sẽ hiểu rõ việc cai nghiện hơn chúng mình. Cậu tư vấn giúp vợ chồng mình là nên cai nghiện cho cháu như thế nào cho hiệu quả.
    -         Hiện nay có ba hình thức cai nghiện chính là: cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng và cai nghiện tại cơ sở cai nghiện[2]. Mỗi hình thức có một ưu điểm riêng. Trước hết là hình thức cai nghiện tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Đây là những hình thức cai nghiện có nhiều ưu điểm. Cháu Dũng vẫn có thể sống với bố mẹ và hòa nhập với cộng đồng. Các cậu sẽ có điều kiện để chăm sóc và động viên cháu cố gắng cai nghiện. Hơn thế nữa, các cậu sẽ nhận được sự giúp đỡ và sự tư vấn của các cơ quan y tế và UBND phường. Cơ quan y tế sẽ đưa ra kế hoạch điều trị hợp lý với sức khỏe của cháu, thực hiện điều trị cắt cơn cho cháu và tư vấn cho gia đình những kiến thức hữu ích. Đặc biệt, hiện nay ở phường ta có tổ công tác cai nghiện ma túy hoạt động rất hiệu quả, đạt được nhiều thành tích. Họ sẽ hỗ trợ cho gia đình. Tuy nhiên, điều cần nhất khi thực hiện theo những hình thức cai nghiện này là các cậu cần phải dành cho cháu nhiều thời gian, tình thương và sự cảm thông, không nên mắng mỏ, đay nghiến, khiến cháu mất niềm tin vào việc cai nghiện. Việc cai nghiện sẽ thành công nếu các cậu tạo cho cháu ý chí quyết tâm vượt lên khó khăn. Mình tin chắc rằng với sự giúp đỡ của tổ công tác cai nghiện ma túy và sự yêu thương của bố mẹ, cháu Dũng có thể cai nghiện thành công.
    -         Thế còn đi cai nghiện tại cơ sở cai nghiện thì sao hả cậu? – Bà Nhung hỏi.
    -         Đây cũng là một hình thức cai nghiện khá hiệu quả, các cậu có thể làm hồ sơ gửi đến cơ sở cai nghiện. Nếu được cơ sở cai nghiện tiếp nhận thì sẽ ký hợp đồng dịch vụ cai nghiện đối với họ. Với đội ngũ bác sĩ tận tâm cùng quy trình cai nghiện hợp lý, chắc chắn cháu Dũng sẽ cai được
    Lặng nghe những lời khuyên của bạn mình, khuôn mặt ông Khang không còn những nét muộn phiền nữa mà bỗng trở nên rạng rỡ hơn. Ông quả quyết:
    -         Cám ơn cậu đã trách mắng tớ. Cậu nói đúng lắm, tớ đã quá quan tâm đến danh dự của bản thân mình mà coi nhẹ tương lai của cháu. Tớ sẽ thông báo ngay đến UBND phường về tình trạng nghiện của cháu để có được sự tư vấn và hỗ trợ cần thiết.
    Bà Nhung lúc này cũng không còn khóc nữa:
    -         Nghe cậu phân tích, tớ thấy thấm thía lắm. Đúng là lỗi của chúng mình đã quá vô tâm, mải mê với công việc làm ăn mà quên mất cháu. Tớ chưa làm tròn trách nhiệm của người mẹ. Vì vậy, tớ sẽ nghỉ việc và cho cháu cai nghiện tại gia đình. Tớ sẽ bù đắp cho cháu những tháng ngày thiếu mẹ bên cạnh.
    Nhận thấy thái độ vui vẻ, đầy lạc quan của hai vợ chồng bạn, ông Văn nở một nụ cười hiền hậu. Trời về chiều và ánh nắng đã dịu đi. Những cơn gió mát của chiều hè đã xua tan sự ngột ngạt, và trong căn nhà bỗng vang lên những tiếng cười đầy hy vọng. 
    [1] Khoản 2, Điều 26, Luật Phòng Chống ma túy
    [2] Khoản 2, Điều 26a, Luật Phòng chống ma túy

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag