TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Cạm bẫy

An là con trai đầu của một gia đình công nhân nghèo ở khu cảng. Bố An chết trong một tai nạn lao động để lại cho mẹ An - một phụ nữ đau yếu, ba con thơ với nghề may gia công. Cuộc sống của mấy mẹ con rất chật vật. Để vượt qua khỏi cảnh nghèo, mẹ An kiên quyết buộc các con phải đi học. Bà đã phải thức đêm thức hôm, nhận hàng may thêm để kiếm tiền nuôi con. Số hàng nhận mỗi ngày một tăng lên nhưng tiền công thì teo tóp lại. Thương mẹ, An sáng đi học, trưa về nhà phụ mẹ may đồ đến tối. Nhiều hôm để kịp giao hàng cho người ta, An phải thức trắng đêm may hàng. Sáng hôm sau ngồi trong lớp học hai mắt An cứ trĩu xuống vì buồn ngủ. Làm nhiều, ăn uống không đầy đủ, mẹ An đổ bệnh nặng. An phải làm thêm cả phần hàng của mẹ. Đứa em thứ hai của An ngoài giờ học cũng phải đi lượm thêm ve chai và phụ giúp anh chăm sóc mẹ…

Hoàn cảnh khó khăn của đứa bé 13 tuổi đã lọt vào tầm ngắm của những tay anh chị trong làng buôn "cái chết trắng". Một người đàn ông tên Thành nhờ An đem cơm sáng cho một người thân ở khu phố bên kia cầu. Ông ta nói ông có người anh sống một mình đang bệnh nặng, không ai chăm sóc. Nhà ông ở xa, ông thì bận công việc, nên không thể trực tiếp chăm sóc cho anh được. Ông nhờ An giúp ông, hàng ngày đem cơm cho anh trai, ông sẽ trả công hậu hĩnh, 20.000 đồng cho một lần mang cơm. Sở dĩ ông ấy nhờ An vì ông biết, sáng nào An cũng cọc cạch đạp xe đến trường ngang qua khu phố đó.
 
Nghe vậy, An rất mừng. Nó suy tính, việc làm này vừa không mất thời gian do cùng trên đường đi học hàng ngày, lại vừa có thêm thu nhập để giúp đỡ gia đình trong lúc khó khăn. An quyết định nhận lời đưa cơm cho anh trai ông Thành. Theo lời dặn của ông Thành, hàng ngày, An chỉ cần mang cơm qua cầu và giao cho một thanh niên – người sống cùng với anh trai ông. Ông cũng dặn An sau khi nhận cặp lồng cơm thì phải đi luôn đến nơi giao cho anh thanh niên mà không được rẽ vào bất kỳ chỗ nào. Ông còn hào phóng ứng trước cho An một tháng tiền công. Nó vui mừng mang về đưa mẹ chữa bệnh. Thế là hàng ngày trên tuyến đường đi học An đã mang theo cặp lồng cơm mà không biết trong đó có giấu từ 2 - 3 gói heroin.
 
Thấy con đưa tiền về mẹ An căn vặn con lấy tiền đâu ra. An thành thật kể chuyện nhận lời đưa cơm cho anh trai ông Thành bị ốm, mỗi ngày được trả 20.000 đồng. Biết ông Thành nghiện nặng và đã từng bị bắt vì liên quan đến ma túy. Mẹ An giật mình, bà lo lắng nói với An : “Giúp người lúc khó là tốt nhưng quan hệ với những người như ông Thành nguy hiểm lắm. Con phải cẩn thận đấy. Liệu có đúng là chỉ có cơm không hay còn thứ gì khác thì sao ?”. Nghe mẹ nói, An chợt thấy băn khoăn, hàng loạt câu hỏi nảy sinh: “Sao chỉ mỗi việc đưa cơm mà ông Thành lại trả công cao như vậy. Sao ông Thành lại dặn nó không được đi đâu.... ?”. Nó kể với mẹ những suy nghĩ của mình.
 
Nghe vậy, mẹ An kiên quyết bảo con: “Thôi, con đừng làm nữa. Mẹ con mình chịu khó vất vả một chút, có sao sống vậy. Nhỡ con gặp chuyện gì mẹ biết trông cậy vào ai ?”. Nghe mẹ, An đến gặp ông Thành xin không làm nữa nhưng ông Thành ngọt ngào dỗ dành: “Cháu cố giúp bác, vài hôm thôi. Bác bận quá, bác sẽ trả cháu thêm tiền. Ông anh bác cũng đỡ rồi, nhưng vẫn chưa dậy được. Mấy hôm nữa ông ấy khỏe tự đi lại, nấu nướng được, cháu có thể thôi. Cháu chỉ có việc đưa cơm, đừng sợ. Nếu có chuyện gì pháp luật cũng sẽ  không xử phạt trẻ con đâu”.
 
Nghe ông Thành nói thế, tuy trong lòng An còn lo lắng nhưng em nghĩ đưa cơm giúp ông ấy thêm một vài buổi nữa rồi thôi. Hơn nữa nếu không làm thì lấy tiền đâu để chăm lo cho các em, mẹ lại đang chữa bệnh, tốn rất nhiều tiền... Thế rồi, điều mà mẹ An lo sợ đã trở thành hiện thực. Trong lần đưa cơm sau đó, khi các chú trong Đội cảnh sát hình sự yêu cầu cho kiểm tra cặp lồng cơm, An sững sờ khi thấy các chú lấy từ đó ra 2 gói nhỏ đựng thứ bột màu trắng: Hêrôin – cái chết trắng!
 
Giờ đây, ở trong trại giam, An mới thấu hiểu những lời mà các chú cảnh sát đã nói: chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật cùng với cuộc sống khó khăn mà những đứa trẻ nghèo như An đã rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn ma túy. Tiền công mà chúng trả cho An quá rẻ mạt, nhưng hậu quả mà cạm bẫy của chúng giăng ra đối với An thì thật nặng nề: mức heroin và thời lượng phạm tội nhiều lần (dù là vô tình) đủ để cậu học trò bị truy tố theo Điều 194 Bộ luật hình sự. An thấy như mình đã mất tất cả. Tuy nhiên, trong lòng An lại có chút hy vọng khi An được gặp bác luật sư – người sẽ bào chữa cho em tại phiên tòa. Bác ấy đã phân tích cho An thấy: ai vi phạm pháp luật thì cũng đều bị xử lý. Riêng đối với trẻ em từ 18 tuổi trở xuống, pháp luật hình sự quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm ; người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, vì trẻ em là những người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi), chưa nhận thức đầy đủ về hành vi của mình nên pháp luật có những quy định riêng về xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Về nguyên tắc, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Bác luật sư khuyên An nên thành khẩn khai báo giúp các chú công an có thêm thông tin để triệt phá đường dây buôn bán ma túy.
 
Tại phiên tòa xét xử An với tội danh vận chuyển ma túy, vị chủ tòa phiên tòa đã phân tích: cho dù trong ý thức An chỉ là đưa cơm nhưng trong cơm có hêrôin thì An cũng phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, xét nhân thân và hoàn cảnh phạm tội của An, Tòa án đã lượng hình cho em 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
 
Cánh cửa cuộc đời không khép lại đối với An nhưng đã để lại bài học đầu đời đắt giá cho em: chỉ vì vô tình sa vào cạm bẫy của bọn bất lương mà đi đến lầm lỡ!.
 

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

Trang thông tin điện tử tổng hợp . Hoạt động theo giấy phép số 75/GP-ICP-STTTT. Tổng biên tập: Hiệu trưởng

© 2024 Your Company. All Rights Reserved.

vn flag  vn flag