TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Chị Tấm và Luật Hôn nhân gia đình

 (TT. Thông tin Văn Lang, 7/6/2008) – Nếu ai đó lần đầu tiên xem videoclip “Chị Tấm” hẳn sẽ nghĩ đây là tác phẩm thực tập của sinh viên ngành diễn viên hay đạo diễn. Nhưng, hỏi ra mới biết đó là một trong các bài tập thảo luận giữa kỳ học phần Pháp luật đại cương của sinh viên khóa 13 Khoa Du lịch. Ngạc nhiên, pha lẫn thú vị - Bạn có thể cảm nhận ngay điều ấy khi xem các bước dàn dựng, hóa trang, chỉ đạo diễn xuất trong videoclip của các cư dân ngoại đạo này.

DH Van Lang tamcam 1Video clip là một trong các hình thức thảo luận giữa kỳ của học phần Pháp luật đại cương. Đây là hình thức lần đầu tiên được tiến hành ở môn học này (các năm trước không có hình thức này). Là nhóm duy nhất chọn hình thức thực hiện videoclip, Nguyễn Hoàng Anh – trưởng nhóm, đồng thời là tác giả kịch bản kiêm đạo diễn cho hay: “Đó là ý tưởng được sự thống nhất của cả nhóm. Nghĩ mãi, nghĩ mãi, cả nhóm chọn thể hiện luật hôn nhân gia đình, qua câu chuyện Tấm Cám đã được hiện đại hóa. Vì đã từng có kinh nghiệm dàn dựng các vở kịch văn học hồi cấp 3 nên em được mọi người tin tưởng giao trách nhiệm viết lời thoại lẫn chỉ đạo diễn xuất. Câu chuyện Tấm Cám trong cổ tích đã được biến đổi ít nhiều bằng việc đưa vào các chi tiết hiện đại, từ đó lồng ghép các tình huống về luật hôn nhân gia đình”.

DH Van Lang tamcam 2aVới học phần Pháp luật đại cương, sinh viên được tự do chọn lựa  một trong các cách sau để lấy điểm giữa kỳ: diễn kịch, videoclip, phiên tòa tập sự, tư vấn về hôn nhân gia đình, thuyết trình dự án kinh doanh, thi rung chuông vàng. Sau một khoảng thời gian làm quen với môn học, sinh viên tự hình thành nhóm và chọn đề tài theo các chủ đề được định hướng. “Thầy dành ra mấy buổi để cho sinh viên các nhóm thể hiện những kiến thức của mình qua các hình thức thi khác nhau, các nhóm còn lại sẽ làm khán giả, phản biện. Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi với đủ các kiểu: một phiên tòa thật sự được dựng lên với thẩm phán, luật sư, bị cáo; một vở kịch thể hiện sự hiểu biết về pháp luật hay một clip được dàn dựng công phu đưa người xem đi từ thú vị này đến thú vị khác” – Hoàng Lệ Uyên (Khoa Du lịch) cho biết. “Giờ học của thầy lúc nào cũng vui, mọi người đều cảm thấy rất thoải mái. Nhưng thầy cũng rất nghiêm khắc. Với giờ học của thầy, sinh viên chúng em vừa thích, vừa sợ” – Một sinh viên khác tâm sự.

DH Van Lang tamcam 3Quả thật, người xem không khỏi lao xao, bất ngờ trước các chi tiết gây cười trong videoclip “Chị Tấm”: mẹ Tấm không chết mà đi bán muối theo cha, ai không bắt được tép thì bị dì ghẻ đánh “phù mỏ”, Bụt đang đi shopping thì bỗng nghe Tấm khóc, Cám giết Vàng Anh rồi vặt lông bán cho KFC v.v. Khi xem các trang phục của diễn viên cũng như cách hóa trang, dàn dựng, biên tập công phu của videoclip, hẳn ai cũng nghĩ “bộ phim” này phải tốn rất nhiêu tiền. Nhưng, Hoàng Anh đã ngay lập tức thanh minh: “Bọn em chỉ tốn khoảng vài chục ngàn tiền mua mấy vật dụng linh tinh, còn thì tự làm hết: quần áo do một bạn trong nhóm tự kiếm vải may (vải này không hề tốn tiền mua) và thiết kế, đồ hóa trang cũng tận dụng từ những chất liệu có sẵn như: mụt ruồi được làm từ... lông chân (nên phải thuyết phục mãi dì ghẻ mới chịu mang), tóc bạc từ sơn, quay phim bằng máy chụp hình… Biên tập videoclip cũng do một bạn “nghiệp dư” tự mày mò, học hỏi. Bối cảnh chọn quay là một bãi cỏ ở Phú Mỹ Hưng, với những khung cảnh thơ mộng, cái hồ tự nhiên (do nước mưa đọng lại) để Tấm bắt tép… Tính ra, videoclip được hoàn thành sau gần cả tháng trời “chinh chiến” và hí hoáy biên tập của cả nhóm”.

Làm videoclip mất nhiều thời gian nhất và cũng yêu cầu đầu tư công phu nhất. Đây là hình thức khó nhưng lại mang lại hiệu quả thiết thực. Chỉ khi Pháp luật ngấm vào mình thì các em mới có thể viết kịch bản và đóng phim tích cực như vậy. Đây là nhóm nhận được nhiều tràng pháp tay và lời khen ngợi từ các bạn sinh viên trong lớp” – ThS Nguyễn Hữu Bình, giảng viên học phần Pháp luật đại cương nhận xét.

Thú vị nhất có lẽ là nhóm đã kéo cả thầy Bình vào cuộc, với vai nhân vật “Cha đạo”. Khi chiếu videoclip, cả lớp cười ồ, vỗ tay khiến nhóm phổng hết cả mũi. Hình thức này tạo hứng thú học tập, giúp sinh viên chủ động, tự do phát huy tính sáng tạo, những quy chế, quy định, văn bản luật vốn khô khan trở nên có hồn, bài học vì thế giúp sinh viên nhớ lâu, bởi chúng đã được thực hành ngay trong tư duy của sinh viên khi dàn dựng kịch, tạo tình huống pháp luật.

DH Van Lang tamcam 5Nhiều sinh viên vẫn gọi thầy Bình và môn học của thầy là: Pháp luật idol; BiRain; Thầy Gameshow với nhiều niềm ưu ái. “Danh hiệu cao nhất của tôi là được sinh viên yêu quý,  coi như người bạn lớn tuổi hơn, có khó khăn gì các em cũng tâm sự; gặp nhau ngoài đường thì chào mừng hớn hở. Hạnh phúc nhất là thấy những bài học pháp luật của mình thức tỉnh chính các em. Tôi nhớ trong một vụ án do chính sinh viên đóng về một người con phạm tội bức tử làm cho mẹ mình tự tử chết vì những hành vi hỗn láo, bất hiếu; khi bị Viện Kiểm sát chất vấn về hành vi vô đạo đức của một người con bất hiếu, hội đồng xét xử lên án hành vi này và tuyên án bị cáo đã bức tử mẹ mình, bị cáo đã bật khóc ngon lành. Khi kết thúc, được hỏi riêng tại sao lại khóc, sinh viên ấy trả lời vì trong cuộc sống bạn ấy cũng có những hành vi không đúng với mẹ mình; nên mặc dù chỉ đóng vai bị cáo nhưng bạn ấy tưởng như mình cũng đang bị xét xử, và như cảm thấy có lỗi, bạn ấy đã khóc thật sự” – Thầy Bình chia sẻ.
 
Đa phần sinh viên đều ngán ngẩm với các môn học thuộc khối kiến thức đại cương bởi chúng thường khô khan, nặng về lý thuyết. Nếu giảng viên không biết cách “mềm hóa” các bài giảng của mình thì sẽ khó mà lôi cuốn người học.

Tóm tắt kịch bản "Chị Tấm"
-------------------------------------------
Ngày xửa ngày xưa, trong một gia đình nọ có 2 người con gái: Tấm là con bà vợ cả, Cám là con bà vợ nhỏ. Người cha mất sớm, ít lâu sau mẹ Tấm cũng đi bán muối theo cha. Tấm phải ở với mụ dì ghẻ là mẹ Cám. Những lời đanh đá, chửi mắng Tấm diễn ra như cơm bữa. Một hôm dì ghẻ thèm ăn tép xào kim chi nên sai 2 chị em Tấm ra bờ sông bắt tép. Đứa nào bắt không đủ 5kg thì bị đánh phù mỏ, bắt đủ thì thưởng cho áo yếm. Tấm chăm làm, nhưng cuối cùng bị Cám cướp hết. Trong lúc đau buồn tuyệt vọng, Tấm gặp được Bụt khi ông đi shopping về ngang qua cánh đồng. Bụt đã giúp đỡ Tấm có trang phục đi dự tiệc buffet free của Vua. Trên đường đi dự tiệc, Tấm đã làm rớt giày trúng đầu hoàng tử Andy đang ngồi câu cá. 2 người đã bị sét đánh ngay từ lần gặp đầu tiên. Andy cưới Tấm. Cám hãm hại Tấm cưới Andy. Tấm chết và biến thành chim vàng anh. Cám sai lính vặt lông vàng anh bán cho KFC. Tấm chết biến thành cây thị. Bà già nọ hái thị và phát hiện ra Tấm. Tấm ở lại với bà trông coi tiệm internet Cát Lu. Vua đi nhảy audition tình cờ gặp Tấm. Vua về ly dị Cám.

Một số câu hỏi tình huống được đặt ra và thảo luận quanh videoclip
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
1. Hành vi đánh Tấm của dì ghẻ và Cám là có vi phạm pháp luật không? Nếu có là vi phạm pháp luật gì?
2. Tài sản trong nhà dì ghẻ có phần của Tấm không? Giả sử Tấm muốn khởi kiện để yêu cầu chia tài sản khi bố của Tấm chết thì có được không? Tại sao?
3. Trong tình huống trên cho thấy Tấm chỉ có 17 tuổi, vậy Tấm có quyền có tài sản riêng không?
4. Giả sử dì ghẻ chết, không để lại di chúc thì những ai sẽ được hưởng thừa kế? Tấm là con riêng thì có quyền hưởng tài sản của dì ghẻ không?
5. Cuộc hôn nhân giữa Tấm và Andy King có hợp pháp không? Tại sao?
6. Việc kết hôn diễn ra tại nhà thờ có phải là sự kiện pháp lý hình thành nên quan hệ vợ chồng giữa Tấm và Andy King không?
7. Giả sử Andy King là người nước ngoài, nếu muốn đăng ký kết hôn với Tấm thì họ sẽ đăng ký tại cơ quan nhà nước nào của Việt Nam?
8. Sau đám cưới với Tấm, Andy King vì bệnh nặng nên đã qua đời. Vậy Tấm có được hưởng tài sản thừa kế của Andy King không?
9. Hành vi Cám lấy trộm tép của Tấm có vi phạm vào tội trộm cắp theo quy định của Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam không?
 
Sông Côn

 


HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag