(TT. Thông tin – Văn Lang, 29/5/2014) – Nhằm mang những sáng tác của giảng viên, sinh viên Khoa đến gần hơn với giới chuyên môn và công chúng thưởng lãm, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp trường ĐH Văn Lang phối hợp với Khoa Công nghiệp Thiết kế trường ĐH Handong (Hàn Quốc) và Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Triển lãm “Thầy và trò – Dấu ấn thời gian”. Chương trình bắt đầu từ ngày 22/5/2014 và kéo dài đến 31/5/2014, tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố - 97 Phó Đức Chính, Quận 1, Tp.HCM.
Triển lãm Thầy và trò năm 2014 đi liền với các hoạt động hướng tới kỉ niệm 10 năm thành lập khoa Mỹ thuật Công nghiệp trường ĐH Văn Lang (2004 – 2014) - một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của Khoa trong sự vững mạnh chung của toàn trường. 10 năm qua, bằng sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ, các thế hệ thầy và trò khoa Mỹ thuật Công nghiệp trường ĐH Văn Lang đã từng ngày xây dựng được niềm tin của xã hội, sự tín nhiệm của các doanh nghiệp thông qua chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó là uy tín của MTCN Văn Lang trong sự mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế với các trường đại học, cao đẳng trong lĩnh vực thiết kế như trường ĐH Handong (Hàn Quốc), trường Cao đẳng Mỹ thuật Beckmans (Đức),…
Tham dự Lễ Khai mạc triển lãm Thầy và trò – Dấu ấn thời gian, tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh lúc 18h00 ngày 22/5/2014; về phía Hàn Quốc có ông Oh Jae-Hack – Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Kim Ki Young – GĐ Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại VN; về phía ĐH Handong – đối tác của khoa MTCN trường ĐH Văn Lang - có GS. Lee Jin-Gu – Trưởng khoa Công nghiệp Thiết kế; về phía Hội Mỹ thuật Tp. HCM, có bà Phan Gia Hương – Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông Huỳnh Văn Mười – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Tp.HCM và bà Mã Thanh Cao – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM; về phía Văn Lang có KS. Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, TS. Nguyễn Đắc Tâm – Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Hiệu trưởng, cùng đại diện các khoa/phòng/ban/trung tâm và đông đảo giảng viên, sinh viên trường… Triển lãm cũng vinh dự được đón tiếp các họa sĩ tên tuổi trong nền mỹ thuật Việt Nam, đại diện các trường ĐH Mỹ thuật Tp.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng… và đại diện các cơ quan truyền thông báo đài.
Khoa Công nghiệp Thiết kế trường ĐH Handong (Hàn Quốc) tham dự triển lãm Thầy và trò - Dấu ấn thời gian với 67 tác phẩm thể hiện những gam màu tươi trẻ, rực rỡ về cuộc sống và thiên nhiên xứ Hàn.
Thầy và trò – Dấu ấn thời gian là không gian trưng bày của gần 200 tác phẩm tranh sáng tác của thầy và trò khoa Mỹ thuật Công nghiệp trường ĐH Văn Lang cùng thầy và trò trường ĐH Handong (Hàn Quốc). Đây được xem là những sản phẩm lao động nghệ thuật xuất sắc của tập thể giảng viên và sinh viên hai Khoa/ Trường trong suốt năm học vừa qua.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, GS. Lee Jin-Gu – Trưởng khoa Công nghiệp Thiết kế trường ĐH Handong (ảnh bên) – bày tỏ niềm mong đợi, rằng bắt đầu từ chương trình triển lãm này, giảng viên và sinh viên giữa trường ĐH Văn Lang và trường ĐH Handong sẽ có nhiều hơn nữa các hoạt động giao lưu nhằm trao đổi chuyên môn cũng như nắm bắt các khía cạnh về văn hóa, xu hướng thẩm mỹ của hai dân tộc. Trước khi diễn ra triển lãm, GS. Lee Jin-Gu đã có buổi làm việc với Khoa Mỹ thuật Công nghiệp tại Cơ sở 2 của trường.
Triển lãm: từ không gian Văn Lang…
Khoa Mỹ thuật Công nghiệp trường ĐH Văn Lang được thành lập năm 2004. Là một khoa trẻ nhưng với sự năng động và sáng tạo, thầy và trò của Khoa, thông qua các hoạt động học tập và phong trào đặc trưng đã tạo được dấu ấn riêng, mang đậm phong cách Mỹ thuật Công nghiệp. Triển lãm là một trong số các hoạt động đó. Tại "sân nhà" - cơ sở 2 trường ĐH Văn Lang, các chương trình triển lãm: Triển lãm Ký họa kháng chiến miền Nam (2007), Triển lãm các sản phẩm thiết kế vùng Marche Italy (2007), Triển lãm Tranh thư pháp chữ Việt (2008), Triển lãm Tranh dân gian Việt Nam (2012), Triển lãm Đồ án Lịch dành cho ngành Thiết kế Đồ họa, fashion show 11 a.m show dành cho ngành Thiết kế Thời trang, và bắt đầu từ 2010, đều đặn là Triển lãm Đồ án tốt nghiệp dành cho sinh viên 4 chuyên ngành: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Nội thất, Thiết kế Thời trang và Thiết kế Công nghiệp… đã thu được những kết quả tích cực: tạo môi trường để sinh viên nhìn lại thành quả của mình sau quá trình học tập, lao động sáng tạo vất vả, dịp để giảng viên Khoa "kiểm tra" lại chất lượng hoạt động giảng dạy trên lớp, và là cơ hội để sinh viên giữa các ngành, các khóa, sinh viên trong trường, kể cả trường bạn được tham quan, giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Đây cũng là một trong các hoạt động thu hút khá đông sự quan tâm của giới chuyên môn và doanh nghiệp, qua đó xây dựng được cầu nối giữa Nhà trường và xã hội trong hoạt động giáo dục đào tạo.
… đến không gian Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
Với mong muốn mang những sáng tác của thầy và trò đến gần hơn với giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật, qua đó tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, họa sĩ và người thưởng lãm, để hoàn thiện và nâng cao hơn “tay nghề”; từ năm 2013, được sự đồng ý của Nhà trường và sự hỗ trợ của Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, khoa Mỹ thuật Công nghiệp chính thức chuyển không gian triển lãm từ không gian đại học sang không gian hàn lâm mang tính cộng đồng - Bảo tàng Mỹ thuật Tp. HCM.
Trong năm đầu tổ chức, triển lãm mang tên Thầy và trò của Khoa đã gây được tiếng vang với xã hội, góp phần đưa hình ảnh Mỹ thuật Công nghiệp và trường ĐH Văn Lang đi xa hơn mảnh đất phương Nam.
Tiếp nối sự thành công của chương trình, năm 2014, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp trường ĐH Văn Lang tiếp tục “trình làng” những thành quả lao động nghệ thuật xuất sắc của tập thể giảng viên và sinh viên trong Khoa tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. HCM với sự hợp tác của ĐH Handong (Hàn Quốc).
Một số hình ảnh về Triển lãm Thầy và trò - Dấu ấn thời gian
Triển lãm Mỹ thuật Công nghiệp trường ĐH Văn Lang trên các phương tiện truyền thông đại chúng
Lần thứ hai tổ chức, triển lãm Thầy và trò của khoa Mỹ thuật Công nghiệp trường ĐH Văn Lang đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan truyền thông. Tính đến thời điểm hiện tại, sau 1 tuần triển lãm diễn ra, đã có 1 phóng sự (Đài Truyền hình Tp.HCM - HTV, bản tin Bản tin Phát triển đô thị, phát sóng lúc 7g45, thứ Tư, ngày 28/5/2014) và 17 tin/bài đăng trên các báo về sự kiện này, như Sinh viên Việt Nam, Dân trí, Tạp chí Thời trang Trẻ, Giáo dục và Thời đại, Tạp chí Tài hoa trẻ,...
Cùng với một bộ phận công chúng yêu nghệ thuật, sự quan tâm của báo chí cũng như các phương tiện truyền thông là một cơ sở cho thấy thành quả dạy và học của thầy trò khoa Mỹ thuật Công nghiệp trường ĐH Văn Lang. Sức lan toả của sự kiện không chỉ được tính ngay tại thời điểm diễn ra triển lãm, mà còn tiếp tục qua nhiều ngày tháng, nhiều kênh thông tin khác. Những gì người xem nhận được sau khi đến tham quan triển lãm, ở mỗi một giới, mỗi một người có thể sẽ rất khác nhau. Điều quan trọng là Khoa Mỹ thuật Công nghiệp trường ĐH Văn Lang đã dũng cảm công khai "trình diện" mình với xã hội, với công chúng. Niềm vui, niềm tự hào của những người có tác phẩm tham dự triển lãm hôm nay sẽ thúc đẩy họ lao động nghệ thuật ngày càng sáng tạo hơn. Ý nghĩa đích thực đó của Triển lãm đang ngày một thấm sâu dần trong mọi người.
******************
Triển lãm là một hoạt động thường niên của thầy và trò khoa Mỹ thuật Công nghiệp, được đầu tư chuẩn bị chu đáo qua từng năm. Trong sự nỗ lực chung của toàn Khoa, với phương châm "chất lượng triển lãm năm sau cao hơn năm trước", các hoạt động mang tính chất học thuật của khoa Mỹ thuật Công nghiệp đã thực sự đi vào chiều sâu, tạo được sức lan tỏa với xã hội, và hơn hết, đã trở thành một chương trình mang thương hiệu của Mỹ thuật Công nghiệp - trường ĐH Văn Lang.
Xuân Phương
Ảnh: Khoa Mỹ thuật Công nghiệp