TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Chương trình dạy học kỹ năng mềm cho sinh viên Trường Đại học Văn Lang thời kỳ hội nhập

Phát triển chương trình dạy học kỹ năng mềm cho sinh viên đại học nhằm đảm bảo khả năng thích ứng của người học trước những thay đổi của thời đại là một yêu cầu cấp thiết. Thông qua phương pháp nghiên cứu tài liệu và thực nghiệm đổi mới phương pháp dạy học môn kỹ năng mềm cho sinh viên Trường Đại học Văn Lang từ năm 2020, Trung tâm Phát triển Năng lực Sinh viên xác định tầm quan trọng, mục tiêu chương trình, thiết kế nội dung, phương pháp tiếp cận, hình thức tổ chức, kiểm tra và đánh giá dựa trên kết quả đầu ra hướng đến đáp ứng yêu cầu của các kỹ năng thế kỷ XXI và phù hợp với đặc điểm của người học thuộc thế hệ Z.

KỸ NĂNG MỀM LÀ GÌ?

Theo Từ điển tiếng Việt: Kỹ năng là khả năng chuyên biệt của một cá nhân về một hoặc nhiều khía cạnh được sử dụng để giải quyết tình huống hay công việc nào đó phát sinh trong cuộc sống. Đa số các kỹ năng mà mỗi cá nhân có được là do quá trình học tập và rèn luyện, gồm hai nhóm: Kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.

Về khái niệm kỹ năng mềm (KNM), tác giả Forland và Jeremy đưa ra quan điểm: KNM là một thuật ngữ thiên về mặt xã hội để chỉ những kỹ năng có liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp, khả năng hòa nhập xã hội, thái độ và hành vi ứng xử hiệu quả trong giao tiếp giữa người với người. Nói khác đi, đó là kỹ năng liên quan đến việc con người hòa mình, chung sống và tương tác với cá nhân khác, nhóm, tập thể, tổ chức và cộng đồng. Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Lộc và Đinh Thị Kim Thoa (2010) thì cho rằng: KNM là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng thuộc về trí tuệ cảm xúc, những yếu tố ảnh hưởng đến sự xác lập mối quan hệ với người khác. KNM quyết định bạn là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc.

vlu lop ky nang mem cLớp học Kỹ năng mềm thu hút nhiều bạn trẻ đăng ký tham dự

Nếu như khi làm việc, chúng ta cần có khả năng chuyên môn và kiến thức thực tế, thì KNM lại giúp chúng ta sử dụng kiến thức chuyên môn hiệu quả hơn. KNM bổ sung cho các kỹ năng chuyên môn và rất quan trọng trong môi trường làm việc. Nếu thiếu KNM, cá nhân có thể gặp khó khăn trong việc trình bày ý tưởng, khó kết nối hợp tác với mọi người, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, dễ đánh mất cơ hội thành công trong cuộc sống.

CHƯƠNG TRÌNH DẠY HỌC KỸ NĂNG MỀM THỜI KỲ HỘI NHẬP

Tầm quan trọng của kỹ năng mềm đối với sinh viên

Với tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật như hiện nay, sự lên ngôi của khoa học công nghệ và sự biến động của tâm lý lứa tuổi, việc trang bị KNM để sinh viên sau khi ra trường tiếp tục tự nghiên cứu, tự học tập, tự rèn luyện kỹ năng chuyên môn và thực hiện triết lý “học tập suốt đời”, “học để chung sống”, “học để làm việc” là vô cùng quan trọng. KNM giúp sinh viên thường xuyên cập nhật những thay đổi của khoa học, công nghệ, giúp sinh viên có đủ kỹ năng để xử lý mọi tình huống xảy ra trong quá trình làm việc và cuộc sống hàng ngày. Được trang bị các KNM trong môi trường học tập, sinh viên sẽ tham gia chủ động, tích cực hơn các hoạt động xã hội, biết cách tổ chức chuyên nghiệp và sáng tạo các hoạt động ngoại khóa, nâng cao kết quả học tập, biết cách thiết lập các mối quan hệ thân thiện với mọi đối tượng, có nhiều hơn các cơ hội nghề nghiệp và chắc chắn rằng sẽ giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong cuộc sống một cách hiệu quả hơn.

Như vậy, KNM là hành trang không thể thiếu của sinh viên để phát triển bản thân, cơ hội nghề nghiệp trong tương lai, đặc biệt trong môi trường giáo dục phát triển về tự chủ như Trường Đại học Văn Lang.

vlu lop ky nang mem bKhông khí lớp học thoải mái, hòa đồng dễ dàng giúp người học gắn kết hơn.

Mục tiêu phát triển chương trình kỹ năng mềm đối với sinh viên

Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong tương lai, việc đào tạo KNM được đưa vào giảng dạy tại Trường Đại học Văn Lang và trở thành một yêu cầu của chuẩn đầu ra cho tất cả các chuyên ngành. Theo chương trình đào định hướng ứng dụng của từng Khoa/Bộ môn, sinh viên phải đáp ứng đầy đủ các chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Bên cạnh chuẩn đầu ra về chuyên môn, về tin học và ngoại ngữ thì sinh viên phải có các KNM từ cơ bản đến nâng cao.

Chương trình đào tạo KNM tại Trường Đại học Văn Lang tập trung vào các kỹ năng chính như: Kỹ năng học đại học, Kỹ năng làm việc nhóm và thuyết trình, Kỹ năng giao tiếp và Kỹ năng nghề nghiệp, Kỹ năng tư duy phản biện, Kỹ năng giải quyết vấn đề, Kỹ năng tư duy thiết kế và đổi mới sáng tạo,...

Hoạt động giảng dạy, đào tạo KNM phải xuất phát từ nhu cầu sinh viên và nhu cầu thị trường lao động. Sinh viên chỉ có thể tích cực tham gia học tập nếu những kiến thức và kỹ năng mềm đó thật sự có ích, cần thiết cho nghề nghiệp, cho tương lai của họ. Sinh viên vừa tiếp cận được kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng, vừa được đào tạo một thái độ tích cực, từ đó hoàn chỉnh dần khả năng sau khi ra trường. Đây cũng là một trong những nền tảng cốt lõi làm nên chất lượng giáo dục trong môi trường đại học của học phần KNM. Sinh viên càng có nhiều kỹ năng sẽ càng có cơ hội thành công trong cuộc sống.

Thiết kế nội dung chương trình đối với người dạy và học

Với tầm quan trọng của KNM, đặc biệt, thế kỷ 21 còn đòi hỏi rất cao các kỹ năng liên quan đến sự nỗ lực, tự chủ, sáng tạo của bản thân. Điều này đòi hỏi các nhà giáo dục hay thiết kế chương trình đào tạo các cấp, nhất là bậc đại học không thể không quan tâm lồng ghép nhóm kỹ năng này như là điều kiện cần và đủ, nhằm phát triển con người toàn diện, cân bằng và hài hòa.

vlu lop ky nang mem aGiảng viên được tập huấn nâng cao năng lực giảng dạy Kỹ năng mềm

Theo Lý thuyết học tập của người lớn (Andragogy) của Malcolm Shepherd Knowles, sinh viên là những người trẻ đã ở tuổi trưởng thành (18 tuổi trở lên) cần được học tập theo những nguyên lý sau:

1) Người học cần được tham gia vào quá trình lập kế hoạch và đánh giá kết quả học tập;

2) Trải nghiệm (gồm cả những sai sót) cung cấp nền tảng cho các hoạt động học tập;

3) Người học quan tâm đến những nội dung học có liên hệ trực tiếp tới công việc hoặc trong đời tư của họ;

4) Học theo kiểu lấy vấn đề làm trung tâm (Problem-centered) hơn là hướng đến nội dung (Content-oriented). Chương trình học cần tập trung hơn vào tiến trình, sự tương tác và thẩm thấu trực tiếp hơn là vào phát triển nội dung. Những phương pháp giảng dạy tương tác và tích cực sẽ được sử dụng nhiều hơn, thông qua trải nghiệm thực tế, người học tự xây dựng tri thức cho chính mình.

Phương pháp và hình thức tiếp cận chương trình

Giảng dạy KNM đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức chuyên môn, am hiểu tâm lý lứa tuổi, có kinh nghiệm và sự trải nghiệm thực tế. Tại Trường Đại học Văn Lang, KNM là một học phần bắt buộc từ những năm đầu đại học của sinh viên và trải dài suốt những năm sau đó của bậc học, thông qua việc tích hợp vào các học phần chuyên ngành hay ứng dụng trong những hoạt động thực tế, ngoại khóa. Hiệu quả của việc tích hợp dạy KNM hiệu quả phụ thuộc nhiều vào yếu tố giảng viên. Giảng viên là người đạo diễn và kiểm soát lớp để cuốn sinh viên tham gia

Tại Trường Đại học Văn Lang, giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng (đã được tập huấn chuyên môn theo hướng chương trình đào tạo tại Trường) linh hoạt sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy như: phương pháp làm việc nhóm, phương pháp thuyết trình/vấn đáp, phương pháp kể chuyện, phương pháp trực quan...; đồng thời kết hợp sử dụng các kỹ thuật giảng dạy như: kỹ thuật bàn tay nắn bột, kỹ thuật khăn trải bàn, kỹ thuật công não, kỹ thuật chuyên gia, kỹ thuật các mảnh ghép…; ứng dụng trên hệ thống E-learning, học tập trực tuyến, trò chơi sư phạm, kết hợp công nghệ thông tin, thực hiện dự án,… Những phương pháp này được triển khai theo hai dạng phương pháp tiếp cận chính là: đa ngành liên ngành, phù hợp với đặc thù đào tạo đa ngành của Trường Đại học Văn Lang. Trong suốt quá trình triển khai đào tạo KNM, Trường cũng không ngừng nâng cao và cải thiện chất lượng chương trình, phương pháp dạy và học KNM, tiếp cận những thay đổi của thời đại, khẳng định giá trị cốt lõi của học phần và mục tiêu lâu dài của nhà trường.

***

Đổi mới hoạt động dạy học KNM cho sinh viên đại học là một việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc rèn luyện các KNM có thể được tiến hành bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cốt lõi là sinh viên phải dựa trên sự hiểu biết về kỹ năng đó, vạch ra các thao tác cần thực hiện, thực hiện một cách thường xuyên và liên tục các bài tập bên cạnh sự hướng dẫn của giảng viên, từ đó giúp cho sinh viên có ý thức rèn luyện và vận dụng hiệu quả vào các tình huống khác nhau của cuộc sống. Đó cũng chính là chìa khóa giúp sinh viên mở cánh cửa tương lai và thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Tiêu Minh Sơn
Trung tâm Phát triển Năng lực Sinh viên

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag