TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Giảng viên Cẩm Ly - "Sinh viên thời trang Văn Lang dám làm, dám chịu"

(VLU, 20/11/2021) - “Phải một thời gian rất lâu tôi mới có cảm giác mình là cô giáo, vì ít khi nghĩ bản thân đang đi dạy, đúng hơn là tôi đang làm việc cùng với các bạn sinh viên”. Tạp chí thời trang uy tín L'Officiel hôm nay đăng tải bài phỏng vấn ThS. Nguyễn Vũ Cẩm Ly - giảng viên ngành Thiết kế Thời trang Trường Đại học Văn Lang - “cộng sự” của rất nhiều thế hệ sinh viên thời trang Văn Lang.

Một bạn sinh viên bất kỳ đến từ khoa Thời trang của Đại học Văn Lang chắc hẳn sẽ quen thuộc vô cùng với cô giáo Cẩm Ly, nguời trực tiếp đứng lớp, trực tiếp trải qua những khó khăn và thậm chí trưởng thành cũng từng lứa sinh viên nghệ thuật. Nếu là một người chưa từng tham gia vào hoạt động thời trang nào, đây có lẽ là bài phỏng vấn bạn nên dành thời gian để đọc và tham khảo, để ít nhiều có những hiểu biết đầu tiên về học thời trang là học gì, cũng như biết được đối với một giảng viên thời trang và nghệ thuật, việc “‘bày trò’ cho mấy bạn rồi chủ yếu khuyến khích mấy bạn tự học cho chính bản thân mình” là phương pháp giảng dạy vô cùng hiệu quả đã được áp dụng từ lâu.

vlu sinh vien thoi trang van lang cThS. Nguyễn Vũ Cẩm Ly - giảng viên ngành Thiết kế Thời trang VLU


>>> Tính đến thời điểm hiện tại, cô Ly đã hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy nghệ thuật được bao lâu rồi? Điều gì khiến cô quyết định lựa chọn con đường này?
 

Tôi đã tham gia vào lĩnh vực giáo dục khoảng 11 năm, cũng là một khoảng thời gian tương đối để tích lũy những kinh nghiệm, có những trải nghiệm trong công việc này.

Vai trò giảng viên đến với tôi cũng tình cờ. Sau khi tốt nghiệp ĐH Kiến Trúc, tôi có cơ hội học tại Malaysia 1 năm về kỹ thuật nhuộm batik, xử lý chất liệu, thiết kế, minh hoạ thời trang. Thời gian này tôi may mắn được gặp các thầy cô với rất nhiều nhiệt huyết và phương pháp giảng dạy, hướng dẫn thực hành hiện đại. Họ lấy sinh viên, sự sáng tạo là trung tâm của quá trình học tập.

Như vậy, tôi được học các môn học nền tảng của thiết kế thời trang bao gồm: tư duy thiết kế, kĩ thuật rập, xử lý chất liệu, làm sketchbook, portfolio. Những điều này tại thời điểm cách đây hơn 10 năm chưa được dạy nhiều ở Việt Nam. Và tôi thực sự cảm thấy đang được học hỏi, mở rộng thêm rất nhiều. Từ lúc đó, những suy nghĩ, những ý tưởng liên quan đến các môn học như vậy luôn xuất hiện trong đầu. Tôi mong muốn được nghiên cứu về cách mọi người sáng tạo, cách các ý tưởng được chuyển thể vào trang phục và sau đó. Tôi muốn chia sẻ những điều mình nghiên cứu với mọi người.

Rồi mong muốn thành hiện thực khi tôi được giới thiệu vào Đại học Văn Lang và làm việc như một giáo viên cho đến bây giờ.

>>> Đối với cô Cẩm Ly, để có thể học nghệ thuật nói chung và thời trang nói riêng, sinh viên cần có những tố chất nào? Ý kiến “Thời trang dành cho tất cả mọi người” có đúng với cô hay không?

Nghệ thuật thị giác, thiết kế là bộ môn liên quan đến hình ảnh, tôi nghĩ sinh viên hoặc những người theo đuổi nghệ thuật, thiết kế là những người “thoải mái” với hình ảnh. Ví dụ: Bạn có thể chuyển thể ý tưởng của mình thông qua hình ảnh, hình ảnh có thể mang lại cảm xúc, cảm hứng cho bạn, những hình ảnh xung quanh cuộc sống là động lực thúc đẩy để bạn làm việc, sáng tạo.

Như vậy, phong cách cá nhân là một thành tố quan trọng, nhưng đây không phải là điều gì quá to tát. Suy cho cùng, phong cách cá nhân chính là bản thân bạn! Bạn cần nhận ra được bản thân mình và thể hiện nó, như vậy bạn sẽ dễ dàng hơn trong hành trình học tập, sáng tạo.

Bên cạnh đó, cũng như các ngành nghề khác, bạn cần dũng cảm theo đuổi đam mê.

Tôi đồng ý thời trang dành cho tất cả mọi người, nhưng không phải tất cả mọi người đều có thể làm được thời trang. Người học thời trang rất nhiều, nhưng người làm và theo đuổi nghề này một cách bều lâu thì ít. Thiết kế thời trang cuối cùng đều hướng đến những sản phẩm phục vụ cho con người, giải quyết những vấn đề ăn mặc trong bối cảnh hiện tại, nên sự thấu hiểu đối tượng khách hàng, con người là rất quan trọng. Thời trang đòi hỏi bạn cần có sự nhạy bén, cảm nhận được những đổi thay xung quanh để quyết định lựa chọn những kiểu quần áo, màu sắc, chất liệu sao cho phù hợp với khách hàng của bạn. Thời trang cũng là lịch sử, là văn hoá, nghệ thuật là cuộc sống nên người làm thời trang cần am tường những đề tài liên quan.

"Tôi nghĩ sinh viên hoặc những người theo đuổi nghệ thuật, thiết kế là những người 'thoải mái' với hình ảnh."

vlu sinh vien thoi trang van lang dHình ảnh tại lớp học Phương pháp sáng tạo và Lịch sử thời trang


>>> Môi trường giáo dục nghệ thuật lý tưởng trong cô là một môi trường như thế nào?
 

Đó là một cộng đồng những người tôn trọng sự khác biệt và phong cách cá nhân.

Đó cũng là một cộng đồng đề cao sự hợp tác, kết nối. Giáo dục nói chung cần có sự cộng tác của các cá nhân, tổ chức, không thể có một nền giáo dục tốt nếu bạn làm một mình. Cụ thể trong giáo dục nghệ thuật, thời trang cần sự cộng tác, kết nối của các khoa, trường, tổ chức giúp mọi người trao đổi, học hỏi cùng nhau, mạnh lên cùng nhau. Các doanh nghiệp đi cùng trường học sẽ giúp chương trình học trở nên thiết thực, đáp ứng nhu cầu xã hội. Báo chí, truyền thông sẽ giúp đưa những sản phẩm đẹp, ý nghĩa đến với công chúng,...

>>> Ngành thời trang của Đại học Văn Lang (VLU) đang được rất đông đảo bạn trẻ và những nhân vật trong ngành chú ý. Là giảng viên thân tín và quen thuộc, cô Ly hãy chia sẻ với L’OFFICIEL Vietnam hành trình cô đến với khoa Thiết kế Thời trang tại VLU nhé!

Tôi về trường Văn Lang khi còn rất trẻ, có rất nhiều sức khoẻ và nhiều mộng ước. Lúc đó tôi nhớ trường cũng còn mới, chương trình chưa hoàn thiện nên đã có rất nhiều cơ hội để tôi xây dựng và phát triển chương trình học cùng các đồng nghiệp.

Nhớ nhất có lẽ là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức workshop về kĩ thuật TR Cutting vào năm 2011. Để báo cáo workshop, chúng tôi cần tổ chức buổi trình diễn (buổi báo cáo đơn giản), trước giờ báo cáo khoảng 2 tiếng. Chúng tôi nghĩ cần một cái tên cho buổi trình diễn. 11 giờ là chương trình bắt đầu, thế là “11:00AM” trở thành tên show diễn của sinh viên Văn Lang và cho đến nay “11AM Fashion Show” vẫn được tổ chức định kì 1 năm 2 lần với hoạt động trình diễn các chuyên đề, workshop về kĩ thuật và đồ án trong năm học của sinh viên. Tiếp sau đó, chúng tôi đặt tên “7:00AM” cho workshop và “8:30AM” cho talk show tại trường Văn Lang.

Ban đầu, các giáo viên tại khoa Thời trang trường Văn Lang đều có tinh thần làm việc như thế này: Hồi đi học đại học khát khao được học cái gì thì giờ mang hết khát khao đó để làm động lực tìm hiểu, thiết kế chương trình cho sinh viên! Chúng tôi may mắn được làm việc tại khoa Mỹ thuật, có các thầy trưởng khoa, phó khoa rất ủng hộ sự đổi mới trong chương trình học, nhờ vậy mà mọi thứ đều thuận lợi. Sinh viên cũng chịu học, chịu chơi, chịu bày, nói đi dạy vậy thôi chứ “bày trò” cho mấy bạn rồi chủ yếu khuyến khích mấy bạn tự học cho chính bản thân mình là chính.

vlu sinh vien thoi trang van lang aHình ảnh trong show diễn "11:00AM" tại trường Văn Lang

vlu sinh vien thoi trang van lang eHình ảnh trong workshop "7:30AM" của khoa Thời trang tại Văn Lang

Điều tôi thích nhất ở khoa Thời trang ở trường Văn Lang đó là tinh thần tôn trọng lẫn nhau giữa sinh viên và giảng viên. Giảng viên tôn trọng phong cách, quyết định và lựa chọn của sinh viên. Sinh viên tôn trọng môn học, tôn trọng đánh giá của giảng viên. Có những bạn làm bài đẹp lắm, chụp hình cộng đồng mạng khen nhiều lắm nhưng vẫn rớt môn vì bài không đúng tiêu chí. Những bạn này các giảng viên vẫn khen, vẫn ca ngợi, ai hỏi cũng giới thiệu nhưng giải thích vì cái đẹp đó chưa phù hợp trong bối cảnh môn học nên bạn sinh viên vẫn rớt môn. Tôn trọng ở đây là mọi thứ rõ ràng để giúp các sinh viên hiểu được lý do. Tôi hay dùng từ “trượng phu” để nói về sinh viên thời trang Văn Lang vì họ dám làm, dám chịu.

Mỗi ngày đi làm, đi dạy, tôi đều cảm nhận được những điều mới mẻ học được từ đồng nghiệp, từ chính bản thân và đặc biệt là từ các bạn sinh viên. Các bạn như động lực thúc đẩy tôi phải học mỗi ngày. Phải một thời gian rất lâu tôi mới có cảm giác mình là cô giáo, vì ít khi nghĩ bản thân đang đi dạy, đúng hơn là tôi đang làm việc cùng với các bạn sinh viên.

Bây giờ trường cũng “giàu” lên, sinh viên đông, cá tính khác nhau nhiều. Các bạn cũng giỏi nữa, kiến thức lại dễ tiếp cận, giáo viên đâu còn dạy như ngày trước. Bây giờ điều giảng viên làm là trao đổi, hợp tác với sinh viên, tìm hướng đi cho những ý tưởng của các bạn và đứng đằng sau để hỗ trợ sự tìm tòi, khám phá của các bạn.

Chúng tôi may mắn có những bạn cựu sinh viên về dạy như Ngô Mạnh Đông Đông, Đắc Thắng, Đạt Thanh, Minh Huy, Thanh Tâm,… Các bạn rất trẻ, rất tài năng, cá tính nên lứa “già già” như chúng tôi mê lắm và các em vẫn rất tôn trọng “tuổi già”. Chúng tôi vẫn bảo rằng tôn trọng nhau, tôn trọng tính cách, khả năng, đóng góp của mỗi người để cùng nhau đi tiếp.

"Ban đầu, các giáo viên tại khoa Thời trang trường Văn Lang đều có tinh thần làm việc như thế này: Hồi đi học đại học khát khao được học cái gì, thì giờ mang hết nỗi khát khao đó để làm động lực tìm hiểu, thiết kế chương trình học cho sinh viên."

>>> Cô Ly kỳ vọng gì về tương lai của sinh viên cũng như ngành thời trang trong nước?

Về sinh viên, tôi mong muốn các bạn có được tinh thần hợp tác và sự tự hào về bản sắc cá nhân.

Còn về bối cảnh thời trang nội địa, tôi mong thời trang Việt Nam sẽ sớm trở thành ngành công nghiệp, là mối quan hệ bền vững giữa kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hoá và nghệ thuật. Mọi người cùng chung sức sáng tạo, phát triển, chắc chắn chúng ta sẽ có rất nhiều thương hiệu, câu chuyện, sản phẩm được viết lên. 

>>> Về bản thân cô Cẩm Ly, liệu ngoài giảng dạy, cô có ý định hoạt động như một nhà thiết kế thời trang không? Trong tương lai, liệu cộng đồng có thể thấy cô giáo Cẩm Ly mở một thương hiệu cá nhân?

Sau khi tốt nghiệp, tôi có đi làm như một nhà thiết kế, mở thương hiệu riêng cùng với bạn nhưng hiện tại tôi không còn tham gia vào các hoạt động thiết kế nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn quay lại với thiết kế thời trang, có thể không phải là một thương hiệu, chỉ là đôi khi có dịp để tôi có thể thực tập những phương pháp, trải nghiệm những giai đoạn của quy trình thiết kế sáng tạo, để mình kiểm chứng những điều đã học được, đã chia sẻ được với các bạn sinh viên.

vlu sinh vien thoi trang van lang fHình ảnh tại talk show "8:30AM" của sinh viên Văn Lang


>>> Cuối cùng, cô Ly hãy cho các bạn sinh viên cũng như người trẻ theo đuổi thời trang một vài lời khuyên trước khi trở lại trường học nhé!

Suy nghĩ thật kĩ trước khi chọn lựa học ngành thời trang.

Thời trang là đi chợ, may đồ, thức đêm chạy deadline, làm bài miệt mài chứ không chỉ có có quần là áo lượt đi dự event đâu nghen! Làm nghề thời trang là làm con dâu trăm họ! Học thời trang sẽ mở ra rất nhiều cơ hội, trở thành nhà thiết kế không phải là con đường duy nhất. Can đảm đi trên con đường mình lựa chọn và bạn sẽ tìm được chính mình. Có thể bạn sẽ trở thành một cô giáo như tôi thì sao?

Cảm ơn cô Cẩm Ly vì những chia sẻ thú vị. Chúc cô có một 20/11 vui vẻ cũng như tiếp tục thành công trong những dự án tương lai sắp tới!

 

Theo L'Officiel
11.20.2021 by Minh Nhật


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag