TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Tọa đàm “Lượng giá trong khối ngành đào tạo sức khỏe”: Làm sao để tạo môi trường đánh giá năng lực minh bạch, công bằng?"

(VLU, 25/11/2022) - Ngày 24/11/2022, Trường Đại học Văn Lang tổ chức buổi trao đổi thứ 2 thuộc chuỗi tọa đàm "Lượng giá trong khối ngành đào tạo sức khỏe" với nội dung phương pháp lượng giá trắc nghiệm và thực hành, nâng cao công tác giảng dạy theo năng lực, cập nhật thông tin và thảo luận các xu hướng lượng giá trong khối ngành đào tạo sức khỏe qua góc nhìn của các chuyên gia đầu ngành.

Tọa đàm có sự tham gia của PGS. TS. BS. Phạm Đăng Diệu - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cố vấn đào tạo khối ngành sức khỏe Khoa Y Trường Đại học Văn Lang; Báo cáo viên, ThS. BS. Nguyễn Dũng Tuấn - Trưởng Phòng Khảo thí Đảm bảo Chất lượng Giáo dục, Phó Trưởng Khoa Khoa học Cơ bản và Y học Cơ sở Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; TS. BS Nguyễn Hùng Vĩ – Trưởng khoa Y, PGS. TS. BS. Vũ Quang Huy - Phó Trưởng Khoa Y, TS. Trần Nhật Phương – Trưởng Bộ môn Y học cơ sở Khoa Y cùng các thầy cô đang công tác tại khối ngành Sức khỏe Trường Đại học Văn Lang

TS. BS. Nguyễn Hùng Vĩ - Trưởng Khoa Y Trường đại học Văn Lang chia sẻ mở đầu tọa đàm: “Quá trình lượng giá phân loại trung bình - khá - giỏi - xuất sắc dễ tạo ra sự so bì giữa các em sinh viên. Với mong muốn tạo ra môi trường minh bạch, rõ ràng, lượng giá đúng với khả năng người học, tôi mong muốn các thầy cô sẽ chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích, thiết thực có thể áp dụng sớm nhằm phục vụ tốt cộng đồng và công việc giảng dạy.

DSCF2993TS. BS. Nguyễn Hùng Vĩ - Trưởng khoa Y Trường Đại học Văn Lang chia sẻ những khó khăn của bản thân trong quá trình lượng giá sinh viên

Xuất phát từ yêu cầu lượng giá đúng năng lực sinh viên ngành Y nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục, ThS. BS. Nguyễn Dũng Tuấn - Trưởng Phòng Khảo thí Đảm bảo Chất lượng Giáo dục, Phó Trưởng Khoa Khoa học Cơ bản và Y học Cơ sở Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã chỉ ra những ưu và khuyết điểm của các hình thức lượng giá qua nội dung “Phương pháp lượng giá trắc nghiệm và thực hành”, xác định những mục tiêu quan trọng:

  1. Phân biệt được lượng giá và đánh giá
  2. Phân tích được 3 đặc điểm của lượng giá: Giá trị, tin cậy và khả thi
  3. Đánh giá được ưu điểm và khuyết điểm của các hình thức lượng giá
  4. Phân tích và áp dụng được các lượng giá trong tình huống cụ thể

DSCF3139ThS. BS. Nguyễn Dũng Tuấn - Trưởng Phòng Khảo thí Đảm bảo Chất lượng Giáo dục, Phó Trưởng Khoa Khoa học Cơ bản và Y học Cơ sở Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ ra những ưu và khuyết điểm của các hình thức lượng giá.

Từ câu hỏi “Có cần thiết phải lượng giá học viên không?”, các khách mới đều đồng tình với nhau rằng lượng giá học viên là việc làm cần thiết giúp cho việc học tập (as learning), tiến bộ (for learning) và cấp bằng (of learning). Lượng giá (Assess) là quá trình suy xét của giáo viên đối với kết quả học tập của học viên về một môn học/ khóa học qua điểm số. Đánh giá (Evaluation) là quá trình thu thập dữ liệu về một hệ thống, phân tích và diễn giải nhằm làm rõ giá trị của một hoạt động đặc biệt, nói cách khác, đánh giá là quá trình lượng giá có lời phê.

Ba thể loại lượng giá được chuyên gia chia sẻ trong buổi tọa đàm bao gồm: Lượng giá quá trình (Giúp người học phát hiện lỗ hổng và chẩn đoán khó khăn trong học tập - assessment for Learning), lượng giá kết thúc (Tạo động lực học tập xác nhận năng lực người học - assessment of learning) và hồ sơ học tập (Portfolio giúp người học tự theo dõi, quản lý và điều chỉnh - assessment as learning). Lượng giá cần hướng đến việc tối thiểu hoá sai số giữa điểm số của học viên đạt được và năng lực của học viên. Thực hiện tốt lượng giá giúp xác định mức độ học tập của sinh viên và chất lượng giảng dạy của giảng viên, đảm bảo chất lượng giáo dục.

ThS. BS. Nguyễn Dũng Tuấn cũng chỉ ra sự khác biệt trong phương pháp tuyển sinh của giáo dục hiện hành so với Mỹ (lượng giá IQ, EQ, SQ, PQ, AQ). Sinh viên có thể giỏi lý thuyết nhưng chưa giỏi thực hành khiến việc "đo lường" chất lượng sinh viên gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo lượng giá chính xác, bên cạnh nghiêm túc, trung thực, minh bạch, kỳ thi phải đảm bảo được 3 yêu cầu chính: Giá trị (đo được điều muốn đo), tin cậy (cho kết quả giống nhau) và khả thi (phù hợp điều kiện của đơn vị tổ chức).

DSCF3013Các thầy cô tích cực trao đổi khiến không khí buổi tọa đàm thêm phần gắn kết.

Cùng với đó, ThS. BS. Nguyễn Dũng Tuấn trình bày phương pháp lượng giá sinh viên, nêu ra những ưu điểm, bất lợi giữa các hình thức khảo thí. Chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng mô hình Miller pyramid (Knows - Knows how - Show - Does + attitudes, skills và knowledge) trong quá trình lượng giá chất lượng sinh viên. Cụ thể, trong lượng giá y khoa, dựa trên Miller’s Pyramid, năng lực của một người là sự kết hợp giữa kiến thức, kỹ năng, thái độ và 4 bậc là Knows, Knows how, Shows và Does. Khi lượng giá học viên, muốn đảm bảo chất lượng giáo dục và độ công bằng, điều cấp thiết nhất phải đảm bảo: Lượng giá lĩnh vực (Kiến thức - kĩ năng - thái độ), Mức độ năng lực (Biết - biết cách - áp dụng - thực hiện), Mục đích của lượng giá (Quá trình học - kết thúc môn) và giá trị/ tin cậy của phương tiện lượng giá (thấp - trung bình - cao).

DSCF3281

Qua những ví dụ gắn liền với thực tiễn, tọa đàm "Lượng giá trong khối ngành đào tạo sức khỏe" trở nên sôi động, thoải mái, các giảng viên tích cực đóng góp ý kiến, đồng thời nêu ra những phương hướng giải quyết vấn đề thường gặp trong quá trình lượng giá sinh viên. Đặc biệt, lượng giá trong đào tạo khối ngành sức khỏe cần công bố rõ ràng năng lực đầu ra và hình thức lượng giá, chú trọng đánh giá trên thực tế và đánh giá quá trình cũng như phối hợp giữa nhiều công cụ để có thể lượng giá người học một cách tối ưu, phù hợp với từng tình huống khác nhau.

Xem thêm: Khoa Y tổ chức Tọa đàm về phương pháp lượng giá và giảng dạy lý thuyết tích cực

Tin: Thành Lộc - Minh Hoàng
Hình ảnh: Uyên Đình

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag