TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Khai mạc Tọa đàm giao lưu văn chương kỷ niệm 27 năm bình thường quan hệ Việt - Mỹ: Hiểu lịch sử để càng trân trọng hai chữ "Hòa bình"

(VLU, 03/11/2022) - Sáng ngày 02/11/2022, tại TP.HCM, Trường Đại học Văn Lang tổ chức chương trình giao lưu văn hóa “Lời Chúc Hòa Bình” nhân dịp kỷ niệm 27 năm bình thường hóa mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Chương trình đón tiếp Giáo sư, nhà thơ Nguyễn Bá Chung (Viện William Joiner); Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam), Nhà thơ Nguyễn Duy (Trường Đại học Văn Lang); Nhà thơ Tô Nhuận Vỹ, và nhiều nhà thơ, nhà văn tên tuổi khác, cùng chia sẻ về hành trình hàn gắn vết thương chiến tranh thông qua văn chương nghệ thuật.

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết, đây là dịp nhìn lại những thăng trầm trong quan hệ Việt - Mỹ sau chiến tranh và những đóng góp của các nhà thơ, nhà văn cựu chiến binh từ hai phía vào quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, hiểu rõ hơn lịch sử và càng trân trọng giá trị của hai chữ Hòa Bình. Website Trường Đại học Văn Lang đăng lại toàn văn phát biểu của PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu tại sự kiện.

vlu loi chuc hoa binh a

Kính thưa:                                                            

  • Nhà thơ Nguyễn Bá Chung – Chuyên gia Viện William Joiner, Đại học Massachusetts Boston
  • Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
  • Nhà thơ Nguyễn Duy
  • Nhà thơ Tô Nhuận Vỹ
  • Tiến sĩ Nguyễn Đắc Tâm – Chủ tịch Hội đồng Sáng lập, Viện trưởng Viện Di sản Văn Lang
  • Quý nhà thơ, nhà văn,
  • Quý vị đại biểu, Quý Thầy Cô, và các em sinh viên thân mến,

Hôm nay, Trường Đại học Văn Lang rất hân hạnh đón tiếp các nhà thơ, nhà văn, quý vị đại biểu tham dự chương trình giao lưu văn hóa rất đặc biệt mang tên Lời chúc Hòa bình.

Đây là dịp để chúng ta nhìn lại những thăng trầm trong quan hệ Việt - Mỹ sau chiến tranh và những đóng góp của các nhà thơ, nhà văn cựu chiến binh từ hai phía vào quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Quý đại biểu, quý Thầy Cô có tuổi đã từng đi qua thời kỳ chia cắt đất nước 1954-1975 và chiến tranh Việt Nam chắc thấm thía những mất mát to lớn mà chiến tranh gây ra cho các bên, và giá trị của hai chữ “Hòa Bình”.

Lịch sử quan hệ Việt - Mỹ đã trải qua nhiều thăng trầm. Từ những năm đầu lập quốc vào cuối thế kỷ 18, Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ Thomas Jefferson, khi còn là Đại sứ ở Pháp, đã có những tiếp xúc ban đầu để tìm giống lúa Việt Nam mang về Mỹ trồng (ông cũng chính là tác giả của Bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 mà Bác Hồ đã trích dẫn trong tuyên ngôn độc lập năm 1945). Hơn 150 năm sau, vào cuối chiến tranh thế giới lần thứ 2, Mỹ và Việt Minh đã từng là đồng minh của nhau. Sau đó, những diễn tiến của lịch sử đã khiến hai nước bước vào một trong những cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong thế kỷ 20, để lại một vết hằn sâu trong tâm thức nhiều thế hệ của hai dân tộc.

vlu loi chuc hoa binh b

Những duyên nợ của lịch sử đã làm cho người Mỹ và người Việt có sự thấu cảm đặc biệt với nhau. Đặc biệt, những cựu chiến binh ở cả hai phía – những con người đã đi qua cuộc chiến khốc liệt – chính là những người rất mong muốn hàn gắn vết thương chiến tranh và thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước. Công chúng Việt Nam đã khá quen thuộc với hai cựu binh Mỹ, Thượng nghị sĩ John Kerry và Thượng nghị sĩ John McCain (cũng là hai ứng cử viên tổng thống Mỹ), đã rất tích cực, bền bỉ trong việc vận động bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

IMGL9880

Tuy nhiên, có những con người thầm lặng hơn và rất kiên trì cho tiến trình hàn gắn này trong suốt hai thập kỷ sau chiến tranh, trước khi chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 1995. Đó chính là những nhà thơ, nhà văn cựu chiến binh Việt - Mỹ. Đặc biệt, trong giai đoạn này, Viện William Joiner (Đại học Massachusetts Boston) và Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn học giữa các nhà thơ, nhà văn cựu chiến binh hai nước, thông qua các hoạt động đọc thơ, cùng nhau sáng tác ủng hộ hòa bình, dịch và giới thiệu các tác phẩm văn học đến công chúng hai nước. Một số nhà thơ, nhà văn tên tuổi đã tham gia vào tiến trình này như Kevin Bowen, Fred Marchant, Bruce Weigl, Nguyễn Bá Chung từ phía Mỹ; Lê Lựu, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Tô Nhuận Vỹ, và nhiều tên tuổi khác từ phía Việt Nam.

Hôm nay, trong chương trình tọa đàm này, chúng ta vô cùng hân hạnh đón tiếp những con người của lịch sử: Giáo sư, nhà thơ Nguyễn Bá Chung (Viện William Joiner); Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam); Nhà thơ Nguyễn Duy (Trường Đại học Văn Lang); Nhà thơ Tô Nhuận Vỹ, và nhiều nhà thơ, nhà văn tên tuổi khác.

IMGL0195

Buổi tọa đàm hôm nay là để ôn lại những hoạt động của các nhà thơ, nhà văn cựu chiến binh Việt - Mỹ trong tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước, cũng như chia sẻ về việc dịch thuật và giới thiệu văn học Việt - Mỹ  tới công chúng hai nước.

VLU 2402

Có lẽ chúng ta sẽ không còn nhiều dịp như thế này để được nghe những câu chuyện từ những người trong cuộc kể lại, khi các nhà văn, nhà thơ tham gia vào tiến trình này nay đã lớn tuổi. Vì thế, được tham dự buổi giao lưu này thật sự là một niềm vinh hạnh đặc biệt.

Tôi tin rằng mỗi người chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ và các em sinh viên, qua buổi tọa đàm hôm nay, sẽ rút ra nhiều điều bổ ích, sẽ hiểu rõ hơn lịch sử và càng trân trọng giá trị của hai chữ Hòa Bình”.

Chúc các nhà thơ, nhà văn, quý vị đại biểu sức khỏe và thành công.

Chúc buổi tọa đàm thành công tốt đẹp.

Trân trọng kính chào.

Văn Lang, ngày 2/11/2022

PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu
Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag