TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Giảng viên Thanh Nhàn - “Thực hành nghệ thuật là một quá trình ba lớp”

(VLU, 20/11/2021)– Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tạp chí Thời trang L'Officiel Vietnam đã có bài phỏng vấn, trò chuyện với giảng viên Thanh Nhàn, người đang dẫn dắt khoa Thiết kế Thời trang của Đại học Văn Lang. Website Trường Đại học Văn Lang trích đăng toàn văn bài phỏng vấn.

vlu sinh vien thoi trang van lang g

Xuyên suốt cuộc nói chuyện gần gũi, câu hỏi “Cô có lời khuyên gì dành cho các bạn sinh viên không?” sẽ có phần không cần thiết, bởi chưa cần phải hỏi, giảng viên Thanh Nhàn vẫn vô tình đưa ra vô vàn lời khuyên cho bạn đọc trong mọi câu chuyện của mình. Chúng là những lời khuyên về hành trình theo đuổi giáo dục nghệ thuật, làm sao để sinh tồn được trong môi trường thời trang khắc nghiệt và để tìm thấy chính bản thân mình ở đây.

Như vậy, có lẽ không cần phải viết nhiều thêm nữa, đặt bản thân vào vai trò một tân sinh viên thời trang, chúng ta sẽ bắt đầu buổi trò chuyện và hành trình với những lời khuyên cùng giảng viên nghệ thuật Thanh Nhàn ngay sau đây.

vlu sinh vien thoi trang van lang h


>>> Công việc dạy học có phải sự lựa chọn đầu tiên của cô giáo Nhàn không? Điều gì khiến cô quyết định theo đuổi giáo dục nghệ thuật?

Giáo dục không phải sự lựa chọn ngay từ đầu của tôi đâu! Nhưng từ những ngày còn đi học đại học, tôi đã luôn nhen nhóm suy nghĩ rằng sẽ đi dạy, bạn bè nghĩ mình hợp rồi chắc cũng nhờ có cái duyên, tôi được giới thiệu và thế là đi dạy đến tận bây giờ.

Tôi không có cơ hội chọn nghệ thuật từ sớm. Thời của tôi cách đây cũng rất lâu rồi, tôi tốt nghiệp cấp 3 từ năm 1998. Hồi đó tôi học trường cấp 3 chuyên Lam Sơn – Thanh Hoá, lớp chuyên Anh, rồi vì ham vui, nên Nam tiến vào Sài Gòn học lên đại học khoa Ngữ văn. Trong cả quả trình đi học, thậm chí từ lúc còn bé lắm, tôi đã luôn nói với gia đình và những người xung quanh rằng lớn lên, sau này sẽ trở thành một NTK thời trang mà hồi đó, cả tôi và cộng đồng xung quanh, không ai biết làm thiết kế thời trang là làm gì. Lên đại học, tôi cũng vẫn chưa hề được tiếp cận với nghệ thuật hay thời trang. Phải tới năm 2, tình cờ “bắt gặp” tờ rơi quảng cáo đến trung tâm dạy vẽ, cái “nghệ” trong tôi như được trỗi dậy, lúc đó mới bắt đầu đi học, luyện thi vào Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.

Con đường đến với thời trang của tôi tuy vòng vo thật, nhưng lúc nào cũng cảm thấy như có ai vẽ sẵn đường cho rồi, cứ thế mà đi thôi, không cần lo nghĩ.

>>> Đối với cô, một môi trường giáo dục nghệ thuật lý tưởng là môi trường như thế nào?

Đầu tiên, môi trường đó buộc phải đẹp! Sạch đẹp và truyền cảm hứng mới tạo nên một môi trường học nghệ thuật đúng nghĩa.

Thứ hai, nghệ thuật hiện giờ đi đôi với công nghệ - trang thiết bị tại trường học, trung tâm dạy học nhất định phải đáp ứng được yêu cầu của sinh viên, giảng viên và nhất là đáp ứng được các ý tưởng cá nhân.

Thứ ba, môi trường đó chắc chắn phải tôn trọng sự khác biệt. Đánh giá mọi thứ theo một quy chuẩn cá nhân nhất định là con đường nhanh nhất để giết chết sáng tạo. Mà để có được cái nhìn đa chiều về chuyện đánh giá nghệ thuật lại rất khó, không phải giảng viên nào cũng làm được ngay. Tuy nhiên, giảng viên cũng là người làm nghệ thuật, và bản thân mình luôn muốn ý tưởng của mình được phát triển, vậy tại sao mình lại không giúp đỡ sinh viên làm điều tương tự? Mặc dù đúng là đôi khi sinh viên trình bày cho mình những ý tưởng thiết kế với tính ứng dụng kém, nhưng công việc của tôi là định hướng và hỗ trợ cho các bạn. Để các bạn có thể “tone down” lại một chút, biết kiếm soát tự do sáng tạo của bản thân và không mông lung trong tập hợp với vô vàn ý tưởng lớn. Các bạn hãy cứ khác biệt, nhưng cần phải biết rõ “cái khác” của mình là cái gì.

Cuối cùng, tôi nghĩ môi trường lý tưởng cũng được tạo nên ở bên ngoài trường học. Sự giúp đỡ và ủng hộ từ phía ngoài rất có ích cho sinh viên vì cuối cùng, ý tưởng vẫn phải đi ra khỏi giảng đường và phục vụ khách hàng.

vlu sinh vien thoi trang van lang iĐồ án của sinh viên thời trang trường Văn Lang

"Đánh giá mọi thứ theo một quy chuẩn cá nhân nhất định là con đường nhanh nhất để giết chết sáng tạo."

>>> Việc học nghệ thuật, học thời trang khác gì so với những ngành học tài chính, kinh tế thông thường?

Khác nhiều chứ, nhưng tôi nghĩ cái khác lớn nhất ở khối ngành thời trang hay nghệ thuật là chúng ta để cá tính can thiệp rất nhiều vào chuyên môn. Dĩ nhiên các sinh viên tài chính kinh tế cũng rất cá tính, nhưng đối với họ, có lẽ sự cá tính ấy sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến quá trình làm việc. Học nghệ thuật cũng cần một chút năng khiếu nhưng “Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là do khổ luyện”. Không chỉ là nắm chắc cái cơ bản, mà để làm được nghệ thuật, bạn phải cảm nhận được những kiến thức nền tảng, giống như vẽ theo mẫu, sau đó cảm nhận, suy nghĩ và sáng tạo phiên bản của riêng mình. Thực hành nghệ thuật là một quá trình ba lớp mà không phải cứ làm theo là có thể xong.

Như vậy, sinh viên thời trang hầu hết là những bạn trẻ rất cá tính, cô Nhàn hãy chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ của mình với các bạn nhé!

Kỉ niệm cụ thể thì chắc không có nhiều, nhưng có một lần này tới giờ kể lại mà vẫn thấy vui. Trong trường, nhất là khoa Thời trang có không ít sinh viên thoải mái thể hiện bản thân với giới tính mà chính các bạn đã chọn lựa. Tôi là người ăn mặc rất là bình thường, đơn giản, nhưng sinh viên của tôi mặc đồ lúc nào cũng cá tính! Có thể giới tính sinh học của các bạn là nam, nhưng các bạn đến trường trong một chiếc đầm ôm cũng là chuyện hết sức bình thường. Lần đó đi trên hành lang, nhìn thấy sinh viên mà tôi cũng vội né đi vì sợ gặp sẽ lỡ chọc các bạn giận. Những cá nhân như vậy, tôi cảm thấy các bạn chưa bao giờ sợ bất kì điều gì, nhất là những định kiến và sự đánh giá của cộng đồng.

Bản thân tôi thực sự cảm thấy tự hào vì sự đa dạng cá tính mà thời trang đang có. Là người làm giáo dục, tôi rất muốn sinh viên có được một môi trường để tự do phát triển theo cách các bạn muốn. Suy cho cùng, cũng chỉ có cái thời sinh viên mới khiến những cá tính ấy được tha hồ thể hiện, tôi hay gọi là “bung bét” với tuổi trẻ. Sau này đi làm có thể học trò của tôi sẽ chẳng còn cơ hội để được thể hiện như vậy nữa, nên hãy tận dụng quãng thời gian đại học, thử nghiệm với thời trang và mặc bất kì thứ gì bạn muốn, thoải mái để sau này không phải hối tiếc.

"Thực hành nghệ thuật là một quá trình ba lớp mà không phải cứ làm theo là có thể xong."

>>> Theo cô, trong 4 năm theo đuổi chuyên ngành thời trang tại trường đại học, đâu là năm khiến các sinh viên cũng như thầy cô gặp nhiều khó khăn nhất? 

Với chương trình học thiết kế thời trang trong nước, từ góc độ của một giảng viên, năm khó nhất chắc hẳn là năm thứ hai. Năm nhất được coi là nền tảng, các bạn sẽ được dạy những kỹ năng đầu tiên và hầu như các môn học ở năm nhất đều không quá thử thách. Trong khi đó, năm hai mặc dù cũng sẽ mang đến loạt kỹ năng nền nhưng chúng lại là kiến thức nền của chuyên ngành. Như vậy, đây sẽ là khoảng thời gian sinh viên thời trang bắt đầu phải làm quen với những môn học khó, hay nói cách khác, các bạn tiếp xúc với những thứ thực sự là thời trang. Những môn học sẽ khác hẳn và có lẽ bạn còn có thể cảm thấy đây là một bước ngoặt của quá trình học tập. Từ Khóa 20 trở về trước, tôi hay nghe các bạn sinh viên than rằng năm hai thật sự là quãng thời gian khủng khiếp.

Và dĩ nhiên, đi kèm với khó khăn là sự bỏ cuộc không thể tránh khỏi, làm giảng viên thì không ai muốn đánh rớt học sinh của mình, tuy nhiên các bạn ra trường cần phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, nhất là thời trang với tính cạnh tranh, đào thải đang ngày càng cao. Tôi rất sợ sinh viên sẽ thất bại, vậy nên thà để các bạn nhận ra sự thật ngay từ đầu.

>>> Một bạn sinh viên mới tốt nghiệp nên chuẩn bị những gì để có thể thuận lợi bước vào môi trường làm việc với tính cạnh tranh và sự đào thải rất nhanh của thời trang?

Tôi nghĩ trước hết, sinh viên nên tập cho bản thân thói quen tự tìm tòi và tiếp thu kiến thức. Bạn không thể đi học cả đời, tuy trường học không dạy cho bạn mọi thứ, nhưng sẽ cố gắng dạy bạn khả năng tự học. Như vậy, khi có bất kỳ xu hướng nào mới, sự kiện nào mới hay ý tưởng nào hay, bạn cũng sẽ nhanh chóng tiếp thu được và lưu trữ chúng.

Sau ý thức tự giác học tập, tôi nghĩ sinh viên nên chuẩn bị cho bản thân sức khoẻ thật tốt để có thể làm thật nhiều và trải nghiệm thật nhiều. Mới ra trường đừng quá lo về vấn đề tiền lương, hãy làm việc với sự chân thành và cầu tiến nhất có thể.

vlu sinh vien thoi trang van lang jTác phẩm của sinh viên thiết kế Thời trang Đại học Văn Lang

Cảm ơn giảng viên Thanh Nhàn vì những chia sẻ thú vị. Chúc cô có một 20/11 vui vẻ cũng như tiếp tục vững bước trên con đường dạy học của mình!


20.11.2021 by Minh Nhật
Theo L'Officiel Vietnam


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag