TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Thủ khoa tốt nghiệp khóa 24 Trường Đại học Văn Lang: “Tôi chọn Tâm lý học như một liệu pháp chữa lành cho chính mình”

(VLU, 28/7/2022) - Là thủ khoa tốt nghiệp khóa đầu tiên của ngành Tâm lý học, Trương Nguyễn Hoàng Thông gây ấn tượng với xếp loại tốt nghiệp Giỏi. Hoàng Thông cũng là một bệnh nhân của hội chứng OCD – Rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Và 4 năm trước, quyết định lựa chọn ngành Tâm lý học của Trường Đại học Văn Lang với bạn là hy vọng tìm ra liệu pháp chữa lành cho chính mình.

TRƯƠNG NGUYỄN HOÀNG THÔNG - Thủ khoa tốt nghiệp Khóa 24 ngành Tâm lý học
- Điểm trung bình: 3.39
- Xếp loại Giỏi
- Sinh viên 5 tốt cấp khoa 2019
- Sinh viên Giỏi nhiều học kỳ

"Bạn có thích đọc sách không? Tôi thì có, thích đến vô vàn. Tôi yêu việc đọc đến mức lúc lên 3 tuổi thì tôi nằng nặc đòi mẹ mình cho đi học, chỉ đơn giản ngày ấy tôi thèm thuồng muốn biết tại sao những anh chị lớn hơn thường cười tủm tỉm hay sụt sịt vài giọt nước mắt khi cầm trên tay cuốn sách. “Bên trong cuốn sách đó có gì?”. Và tôi cứ tự hỏi mãi cho đến khi chính mình cũng dần có thể tự đọc được từng cuốn sách một, bắt đầu từ việc phải đọc ra thành tiếng, cho đến việc đọc lẩm nhẩm thì thầm trong miệng và cuối cùng là có thể đem tất cả những dòng chữ chạy trong tâm trí của bản thân mình mà không cần cất ra thành lời. Qua từng cuốn sách, tôi lại bước vào một chuyến phiêu lưu mới lạ, kỳ thú. Tôi ở đó, cũng nghiễm nhiên trở thành một nhân vật, sánh bước cùng các nhân vật khác trên hành trình trưởng thành hơn. Khi đóng lại một cuốn sách, tôi tựa như khép lại một chuyến đi dài, đầy những cảm xúc dâng trào, vui có, buồn có, và đặc biệt là một chút gì đó tiếc nuối, nhưng đồng thời cũng cảm thấy đủ đầy vi những bước chân mình đã đi qua. Có lẽ sự tiếc nuối là cảm giác tôi còn vấn vương với những điều mình đã được trải nghiệm, chính xác là tôi thèm, thèm được một lần nữa chìm đắm trong từng chương sách. Và ngày hôm nay có lẽ là thời điểm tất cả những cảm xúc của tôi đang lên đến đỉnh điểm, cảm giác từng rung cảm một bên trong chính mình như sắp có thể trào ra khỏi lỗ chân lông. Bởi vì hôm nay, tôi khép lại một cuốn sách đã trọn vẹn của bản thân, một cuốn sách mà tôi vẫn thèm được mở ra lần nữa: Hành trình 4 năm đại học tại Trường Đại học Văn Lang.

truongnguyenhoangthong

Một cách bất ngờ, những hình ảnh trong 4 năm qua tuôn chảy thành một dòng hồi ức miên man. Dòng chảy đó đưa tôi về lại những ngày đầu tiên bước chân đến Trường Đại học Văn Lang, cầm trên tay tập hồ sơ, và một cơn mưa to trút xuống đúng lúc tôi vừa bước tới cổng trường, mà tôi còn ghi nhớ rõ là vào 15 giờ 44 phút.

Vào thời điểm đó, mặc dù tôi đã nhận được nhiều thư xác nhận nhập học từ một số trường đại học, những cuộc gọi về nhà thông báo nộp hồ sơ đúng hạn nếu không sẽ bị hủy kết quả trúng tuyển, những lời hứa hẹn về giảm học phí hay học bổng trong chương trình đào tạo. Nhưng tôi buông thả mình, nằm đờ đẫn để mặc cho thời gian trôi qua thân thể lẫn tâm trí của bản thân. Hàng loạt câu hỏi diễn ra trong tôi như “Tôi là ai?”, “Tôi được tạo ra để làm gì”, “Vì sao tôi trong hình hài này, cái tên này mà không phải hình hài khác, cái tên khác. Nếu tôi trong hình hài khác hay cái tên khác, thì tôi có còn là tôi không và cuộc sống của tôi sẽ ra sao?”. Ngày ấy, tôi bị vùi vào trong hàng loạt những suy nghĩ chồng chất lên nhau, thậm chí có đôi lúc khi trời mưa to tôi cứ đứng giữa cơn mưa để cho tất cả những hạt mưa nặng trĩu xối xả trút hết lên mình. Nhưng dù mưa có lớn đến thế nào, có kéo dài bao lâu cũng chẳng thể bằng những dòng nước chảy ra từ cái vòi trong nhà tắm của tôi, những dòng nước kéo dài hàng giờ liền, đánh trôi lớp xà phòng này rồi tới lớp xà phòng khác trên làn da tôi – một người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Đời sống của tôi đầy những cung đường đứt gãy, đứt gãy đầu tiên và chính yếu là gia đình, sau đó là đứt gãy trong mối quan hệ bạn bè, và đứt gãy với một số thầy cô. Năm lớp 3 tôi lần đầu dám nói rằng mẹ mình đã sai và đưa cho mẹ cuốn sách bách khoa toàn thư, điều tôi nhận lại được là một cái lườm. Năm lớp 7 tôi thường là trung tâm trong những tiết dự giờ, những người xung quanh đều nhìn nhận tôi là một viên ngọc thô và đặt cho tôi rất nhiều kỳ vọng, điều sau đó tôi làm là tự hủy hoại hình ảnh chính mình, trở thành một phiên bản tồi tệ nhất có thể để tôi được đi xuống. Năm lớp 11 cô giáo dạy văn đặt ra tất cả cái khuôn cho mọi bài văn cảm nhận hay suy nghĩ của em về một tác phẩm, điều xảy ra sau đó là tôi chống đối lại giáo viên, tự mình cô lập khỏi mọi người xung quanh đồng thời quay trở lại phiên bản tồi tệ của bản thân. Những sự đứt gãy liên tục diễn ra, và tôi có trách nhiệm lớn nhất đối với chính mình vì tôi đã tự bỏ lại bản thân đến mức tôi không còn là chính mình. Lúc đó tôi không phát triển nữa, tôi thoái lui.

Cho đến lúc cầm tập hồ sơ trên tay, khi bước chân vào Trường Đại học Văn Lang, tôi cảm nhận được rằng môi trường ở đây thân thiện và có nhiều sự tôn trọng, đề cao những phẩm chất riêng biệt của mỗi cá nhân. Dường như ở đây khác so với nhiều môi trường giáo dục khác theo lối khuôn khổ truyền thống: đến lớp – nhìn chăm chú vào bảng – chép bài – ra về - học bài – kiểm tra. Tại Văn Lang, tôi cảm thấy được mình có thể có được sự chủ động nhiều hơn cùng với đó là những thông tin về chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, tôi đã hy vọng và mong đợi vào điều đó rất nhiều. Vào lúc dưới cơn mưa tầm tã, tôi vẫn để cho cơn mưa trút hết lên mình, nhưng không còn là để mặc cho cơn mưa vỗ lên hai đôi vai nữa mà ý nghĩa hơn, để bảo vệ tập hồ sơ nhập học mà tôi ôm trọn trong lòng. Khoảnh khắc tôi bước vào khuôn viên của cơ sở 2 Trường Đại học Văn Lang, cầm tập hồ sơ đi qua đi lại giữa các khoa mà tôi có kết quả trúng tuyển, và trong lòng trỗi dậy một câu hỏi “Mình sẽ là ai?”. Tôi dừng lại trước hai chữ “Nhân văn”, trong đầu bật lên một câu nói “Hẳn là đây rồi!”. Tôi tiến lại bàn, nhìn chằm chằm hai bạn phụ trách nhận hồ sơ, rồi ngồi xuống, đặt tập hồ sơ xuống. Hai bạn đưa cho tôi khăn giấy lau người rồi mỉm cười hỏi tôi đăng ký nhập học ngành nào. Trong một khoảng lặng kéo dài đến năm phút, tôi ậm ừ, đầy những suy nghĩ tiếp tục kéo nhau xuất hiện và tôi đã toan sẽ chọn ngành Văn học Ứng dụng nhưng rồi, tôi lại lướt mắt đến dòng chữ Tâm lý học mà mình cũng có nộp xét tuyển trước đây, cảm giác như tôi khao khát chữa lành cho chính mình. Sau đó tôi nói ra một câu dứt khoát “Em đăng ký nhập học ngành Tâm lý học ạ”.

Thật vô tình thay, đây cũng là khóa đầu tiên của ngành Tâm lý học Trường Đại học Văn Lang. Tôi được bước chân vào một môi trường mới mẻ, tích cực và nhiều điều bổ ích cuốn hút tôi vào sâu thêm. Từ lúc nào, tôi đã mở lại một cuốn sách phiêu lưu kỳ thú mà bản thân mình còn chẳng hay biết. Dù cho buổi đầu tiên, tôi có chút hụt hẫng khi nói về OCD của mình cùng với những mong muốn được đào tạo trong trị liệu người lớn nhưng được giảng viên nói rằng định hướng của ngành Tâm lý học tại Trường Đại học Văn Lang trong lâm sàng sẽ là trị liệu trẻ em. Dẫu vậy, trong bầu không khí tích cực của lớp học tôi chợt nhiên nảy ra một suy nghĩ lạc quan rằng “À, nếu mình không thể chữa lành cho những người trưởng thành, nhưng mình vẫn có thể chữa lành cho đứa trẻ mà sau này sẽ trở thành người trưởng thành”. Tôi nhận ra rằng tôi cũng là một đứa trẻ đang bị tổn thương sâu thẳm bên trong muốn đưa đôi tay của mình ra để có thể giúp cho những đứa trẻ khác vượt qua thương tổn, dù tôi biết hai tay mình không thể nào ôm trọn thế giới, nhưng tôi được đốt lên niềm tin rằng tôi sẽ có thể chữa lành nhiều nhất những tâm hồn trẻ thơ trong khả năng của bản thân. Và tôi càng lúc càng tiến dần hơn với ước ao trở thành một nhà trị liệu tâm lý trẻ em, dẫu cho chặng đường có thể xa và chông gai đến đâu.

Các thầy cô ngành Tâm lý học Trường Đại học Văn Lang đã cho tôi một môi trường, một môi trường tự do, một sự tự do để tôi có thể là chính mình trọn vẹn nhất, để tôi có thể thúc đẩy mọi tiềm lực của bản thân. Tôi ở đây (I’m here), tôi lúc này (now), tôi được là chính mình (being myself). Điều đó liên tục đốt lên trong tôi niềm đam mê vốn đã bị dập tắt từ lâu, niềm đam mê được học, niềm đam mê được chia sẻ kiến thức, niềm đam mê được biết thêm nhiều hơn nữa, một sự say sưa trẻ thơ vô tận. Tôi cứ thế tiến bước, tiến bước mãi tới trước, hiểu rõ được sứ mệnh của mình. Đồng thời trên con đường đó, tôi gặp được nhưng người bạn mà mình có thể tin tưởng, những người sẵn sàng lắng nghe tôi, những người thúc đẩy tôi và cũng cùng tôi hoàn thiện phiên bản tốt nhất của mỗi người. Tôi được nói, tôi được lắng nghe, tôi có sự thấu hiểu qua lại, những điều với tôi dường như là điều trân quý vô ngần. Kể cả có những lúc tôi gieo một trăm hạt giống vào tay một trăm người, có tới chín mươi chín người mọc lên cỏ dại đau thương, nhưng chỉ cần một người trổ bông ngọn lúa của tình bạn chân thành thì tôi cũng vô cùng hạnh phúc.

Và bây giờ tôi đóng lại những trang sách cuối cùng trong 4 năm hành trình tại Trường Đại học Văn Lang, những trang sách đẹp đẽ, vẹn tròn và có phần vinh quang để tôi cảm thấy phần nào tự hào. Kể cả là trong tôi vẫn có đầy những tiếc nuối cho những điều đã qua mà không thể thay đổi được. Nhưng, tôi vẫn luôn biết ơn trong suốt 4 năm đại học cho những con người đã đến bên cuộc đời tôi, họ để lại trong tôi những khoảnh khắc đáng giá để tôi ghép lại con người mình. Tôi cảm ơn những thầy cô ngành Tâm Lý học Trường Đại học Văn Lang đã giáo dục, hướng dẫn, dìu dắt và tiếp thêm động lực cho tôi. Tôi cảm ơn những người bạn đã thực sự chân thành quý mến và sẵn sàng ở bên mình. Tôi cảm ơn người yêu thương tôi, cho tôi những cái ôm hay tựa vai như nguồn sức mạnh tiến lên phía trước. Và tôi cũng cảm ơn ba mẹ của mình, tôi đã hiểu được rằng họ cũng yêu thương tôi, chỉ đơn giản là chính họ cũng được yêu thương không đúng cách và không biết thế nào mới là đúng cách để yêu thương những đứa con trong gia đình.

Sau suốt những năm tháng đồng hành cùng Văn Lang, tôi không chỉ được giáo dục, đào tạo trở thành một chuyên viên tâm lý mà tôi còn được khai mở để phát triển toàn diện những phẩm chất tốt đẹp để hoàn thiện nhân cách. “Người càng giỏi càng phải có trách nhiệm và càng phải biết đi đúng hướng”. Tôi sẽ luôn say sưa tiếp tục học tập, và học xa hơn nữa để có thể thực sự trở thành một nhà trị liệu tâm lý. Và cũng chính lúc này đây, những trang sách mới đang dần dần được mở ra…

“Khép lại nhé những tháng ngày yêu dấu

Bước chân đi cho ngày tháng mai sau

Vững đôi chân trên đường dài đi mãi

Mở ra thêm một trang sách tương lai”

Trương Nguyễn Hoàng Thông

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag