Ngày 20-8, đường Bùi Viện thành phố đi bộ cuối tuần. Một con phố đi bộ trong khu Tây balô trước 1975, dân Sài Gòn gọi là Ngã Tư Quốc Tế, dường như 'số phận' đã giao cho đường Bùi Viện trở thành một 'con đường quốc tế'?
Ngã Tư Quốc Tế là ngã tư nào? Tìm trên bản đồ ngày trước chẳng thấy “quy hoạch” khu ngã tư này ở đâu.
Thật ra, cụm từ “ngã tư quốc tế” chẳng có trên bản đồ, mà chỉ được nhà báo, nghệ sĩ dùng để nói về khu vực có năm con đường chung quanh rạp Nguyễn Văn Hảo là Bùi Viện (tên ngày xưa là Bảo Hộ Thoại), Đề Thám (Dismude), Đỗ Quang Đẩu, Trần Hưng Đạo (Galliéni) và sau cùng là Phạm Ngũ Lão.
Theo một số tài liệu, khoảng năm 1950-1951 nơi này đã xảy ra một vụ cháy lớn thiêu rụi toàn bộ những khu nhà lụp xụp trong khu vực Trần Hưng Đạo - Bùi Viện và Đề Thám.
Năm 1952, nhà đầu tư đã cho xây dựng hàng loạt căn hộ liền kề tại đây.
Điểm hẹn của các ký giả và đào, kép cải lương
Yếu tố địa lợi cho khu vực “quốc tế” này tập trung ở đường Phạm Ngũ Lão và Đề Thám.
Thời ấy, đường Phạm Ngũ Lão (tên cũ là Colonel Grimauld) - đoạn giữa Đề Thám và Đỗ Quang Đẩu - chỉ dài hơn vài trăm mét mà có rất nhiều nhà in.
Cũng trên con đường này, đối diện chợ Thái Bình là tòa soạn của một số nhật báo và tuần báo. Các tạp chí Văn, Tuổi Ngọc, Màn Ảnh, Kịch Ảnh và những tờ nhật báo, tuần báo, tạp chí... đa số đều sống “tầm gửi” theo các nhà in ở khu vực này.
Vì vậy, từ sáng đến trưa tại các quán cà phê tập trung các văn nhân, ký giả để tán chuyện, lấy tin và viết bài cho các tờ nhật báo ra buổi chiều.
Đủ thứ chuyện nóng hổi từ “Con ma vú dài trong khám Chí Hòa”, “Điền Khắc Kim vượt ngục hiếp dâm vợ Mỹ trả thù dân tộc”, “Mấy tướng lĩnh bị bắn chết trong Chợ Lớn là do máy bay Mỹ bắn lầm hay là Mỹ muốn thanh toán họ?” đến “Công chúa Baxi Bokassa là thiệt hay giả?”, “Bà Thiệu chiếm đất nông dân tại Long Khánh”...
Những tin tức trong nước đến quốc tế hằng ngày nóng sốt chưa thấy xuất hiện trên báo đã nghe bàn tán từ các ký giả tại các “tiệm nước” trong khu Đề Thám - Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão.
Đây cũng là nơi gặp nhau giữa các ký giả và các nghệ sĩ cải lương vì khu vực này có một rạp hát lớn thời đó án ngữ: Nguyễn Văn Hảo. Rạp Nguyễn Văn Hảo là “thánh đường” của dân mê cải lương, luôn được các đại ban như Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Thống Nhất... về đóng đô kéo màn hằng đêm.
Đào kép cải lương hát ở rạp Nguyễn Văn Hảo thường ra đây cà phê trước giờ tập tuồng, sau khi vãn hát thì nhậu nhẹt.
Vì vậy ban đêm coi hát cải lương, sáng người mê cải lương đến khu này ăn cơm sườn để nhìn mặt nghệ sĩ trần trụi không son phấn...
Tại những quán cà phê, quán ăn trong khu vực này, ký giả và dân hóng chuyện hậu trường luôn được nghe những tin sốt dẻo về nghệ sĩ như “Thành Được bị Thanh Nga cho de nên cạo đầu?”, “Bạch Tuyết và Ngọc Giàu bị lật xe trên đường ra Vũng Tàu trình diễn”...
Có đầy đủ thành phần từ ký giả đến nghệ sĩ “tám” đủ chuyện tin tức từ nội địa đến quốc tế hằng ngày, nên các ký giả đã dùng cụm từ “ngã tư quốc tế” như một ký hiệu để chỉ một địa điểm hẹn nhau hằng ngày.
Đặt tên, biệt hiệu, chơi chữ là nghề của các chàng nhà báo. Chẳng bao lâu, cụm từ địa danh Ngã Tư Quốc Tế đã đóng đinh cho khu vực này.
Kép Ba Nghĩa và những cuộc hỗn chiến
Giới buôn chuyện nghệ sĩ cũng không quên nói về những cuộc hỗn chiến giành địa bàn làm ăn của những tay anh chị từ khu vực Cầu Kho - Cầu Muối - khu Nguyễn Thái Học. Họ cũng truyền tụng nhiều về kép cải lương Ba Nghĩa của đoàn Thanh Minh. Kép Ba Nghĩa từng là cai tù Côn Đảo, nhưng sau này sám hối từ bỏ nghiệp cai tù, theo hát cải lương. Trước kia dữ bao nhiêu, nhưng khi đi hát ông trở nên hiền bấy nhiêu dù gương mặt của ông vẫn còn nét dữ dằn - chỉ đủ để nhận những vai phản diện. Sau khi ăn năn tự hối, với sức mạnh còn lại cùng vốn võ nghệ, ông chỉ bênh vực người cô thế bị hiếp đáp, nhất là nghệ sĩ. Tại vũ trường Mỹ Phụng, một số nghệ sĩ, vũ công, nhà báo bị tay anh chị Ba C. hiếp đáp, nghệ sĩ Ba Nghĩa dẫn đầu một số vũ công mở trận chiến và đã đánh cho phe Ba C. đại bại. Từ đó, giới soạn giả và nhà báo không còn bị cánh anh chị nào ở khu vực rạp Nguyễn Văn Hảo - Ngã Tư Quốc Tế đụng đến.
Từ “quốc tế” đến “Tây balô”
Bẵng đi đến sau 1975, chẳng còn ai nhớ đến khu vực ngã tư quốc tế này nữa vì đã vắng những “hồn muôn năm cũ” - những người làm nên “danh phận” cho nó.
Rạp Nguyễn Văn Hảo còn đó nhưng đã đổi tên là Công Nhân, những đại ban đình đám ngày xưa đã rã bành tô theo thời cuộc khi các gánh cải lương gần như chết ngắc.
Quán cà phê kho không tên ngày xưa ở góc Đề Thám - Bùi Viện mà trước cửa chủ quán đã cho treo tấm bảng viết hai câu lục bát: “Uống đâu cũng phải trả tiền/Uống đây giúp đỡ bạn hiền - cảm ơn” dành cho các nghệ sĩ nghèo, nhân viên kéo màn, hậu đài đã biến thành những quán nhậu có tên mà chủ không còn là dân nghệ sĩ cải lương...
Rồi bỗng dưng lác đác một vài quán cà phê có kèm “tua” du lịch ngắn ngày trong thành phố xuất hiện ở phố Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão dành cho Tây nghèo, chỉ có cái ba-lô và một ít đôla đi du lịch bụi.
Theo thời gian, khu ngã tư quốc tế “lô can” ngày trước trở thành ngã tư quốc tế thứ thiệt khi khu vực này đầy khách Tây khắp thế giới dập dìu trong những khách sạn, quán ăn, quán cà phê từ sáng đến tối.
Bây giờ, khung cảnh cũng chẳng khác nhưng nhà cửa khang trang, đẹp đẽ hơn và đầy người quốc tế. Người từng đến khu quốc tế thời xưa đến khu quốc tế... ba-lô thời nay không còn thấy đào, thấy kép cũng như những ký giả nội địa thích nói chuyện in-tẹc-ná-sòn-nồ!
Thời chỉ toàn người nội địa ngồi nói chuyện trên trời thì được gọi là quốc tế, còn bây giờ toàn dân khắp nơi trên thế giới đổ về thì lại gọi là khu Tây ba-lô...
Hay là thời trước có người nào đó vốn dĩ là dân sờ mu rùa biết rằng thế kỷ 21 khu Bùi Viện - Đề Thám - Phạm Ngũ Lão - Đỗ Quang Đẩu sẽ là một khu được người du lịch nước ngoài thích thú khi đến Sài Gòn, nên trong cơn thấu thị “lên đồng” đã gọi nó là Ngã Tư Quốc Tế?
Mà ừ nhỉ, sao bây giờ ta không gọi lại cái tên cúng cơm của khu này: Ngã Tư Quốc Tế? Quá đáng yêu đi!
LÊ VĂN NGHĨA (Theo Tuổi trẻ)