Hiếm có môn thể thao nào mà mỗi cuộc thi thu hút hàng chục tới hàng trăm nghìn người tham dự và có thể lan tỏa cho cả cộng đồng tinh thần mạnh mẽ, bền bỉ như marathon.
Vì sao thế giới yêu thích marathon?
Marathon là nội dung dài nhất trong môn điền kinh với cự ly tiêu chuẩn dài 42,195 km. Trên thế giới có rất nhiều cuộc thi marathon trên các loại địa hình khác nhau, cự ly có thể kéo dài hàng chục đến hàng trăm km. Thời gian diễn ra gói gọn trong vài tiếng đến vài ngày.
Có những giải marathon có lịch sử tới hơn 100 năm như Boston Marathon, Paris Marathon… và những giải đua lớn nhất thế giới tổ chức tại New York, Tokyo,… là những sự kiện văn hóa của cả cộng đồng.
Sắp tới, ngay đầu tháng 10, một trong 6 giải Marathon chính của thế giới là Bank of America Chicago Marathon sẽ được tổ chức. Có lịch sử 40 năm, Bank of America Chicago Marathon là đỉnh cao thành tích cho những vận động viên chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Với khẩu hiệu “Cuộc sống tốt đẹp hơn khi chúng ta được kết nối”, Bank of America Chicago Marathon 2017 ước tính thu hút hơn 40.000 người từ hơn 100 quốc gia trên thế giới và 50 bang của Mỹ tới thực hiện ước mơ trên cung đường qua 29 khu phố sôi động gồm những kiến trúc văn hóa của Chicago và đạt đến đích tại Grant Park.
Sẽ có tới 1.500 nhân viên chăm sóc sức khỏe, 12.000 người tình nguyện trong ngày thi đấu, 1.700.000 người tới xem và cổ vũ. Những giải marathon lớn khác như ING New York City Marathon, ABB Houston Marathon … luôn là những sự kiện văn hóa lan tỏa tinh thần thể thao mạnh mẽ cho cả cộng đồng.
Ở khu vực châu Á, hàng loạt cuộc đua ý nghĩa đều đặn được tổ chức hàng năm ở Hong Kong, Bangkok hay Singapore. Đặc biệt tại quốc gia gần với Việt Nam - Singapore, marathon được xem như một ngành “công nghiệp” được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp.
Nổi tiếng nhất là cuộc thi có quy mô và tiền thưởng lớn nhất Đông Nam Á Standard Chartered Marathon Singapore, được đều đặn khai diễn vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 12 hàng năm. Sân chơi này thu hút đông đảo các runner chuyên nghiệp, khách du lịch, doanh nhân… tham gia tranh tài, trong đó có không ít người Việt Nam.
Có thể nói, marathon luôn là lựa chọn số một khi cần kết nối cộng đồng đồng thời được coi như biểu tượng mang dấu ấn riêng của mỗi thành phố. “Kết nối đam mê và mục tiêu”, “Chạy vì hòa bình” … là những slogan nổi tiếng của các cuộc đua, thể hiện chính tinh thần kết nối của marathon. Hầu hết các giải marathon đều có các hoạt động gây quỹ vì cộng đồng, kết nối đam mê của mỗi cá nhân với các mục tiêu chung có ý nghĩa.
Mục tiêu sau đường chạy
Môn thể thao marathon đòi hỏi mỗi người tham gia phải có sức mạnh, ý chí kiên cường và tinh thần không lùi bước. Nhưng xa hơn trên đường chạy, mọi người sẽ gặp gỡ những người có cùng đam mê, sở thích.
Thành tích thắng thua chỉ là một phần nhỏ mà marathon mang lại. Điều quan trọng nó là một hành trình thử thách bản thân, khuyến khích lối sống năng động, tích cực, mang đến tinh thần tự tin, mạnh mẽ để vươn lên trong cuộc sống.
Hầu hết những người tham gia chạy marathon không chỉ là những vận động viên điền kinh chuyên nghiệp, mà còn là những người không chuyên nhưng họ có thể chạy những cự ly 42 km, 100 km hoặc hơn trên những cung đường với địa hình và thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Họ có thể chạy vì nhiều lý do, họ tới từ nhiều nơi, nhưng tất cả họ có một điểm chung là luôn muốn vận động để tiến về phía trước.
Ở Việt Nam có nhiều người chạy marathon nổi tiếng. Đó là Vũ Phương Thanh ở tuổi 27, từ một chuyên viên phân tích tài chính của hãng tin tài chính Bloomberg tại Singapore đã trở thành một trong 13 người phụ nữ trên thế giới chạy qua 4 sa mạc Sahara, Gobi, Acatama và Nam Cực với chiều dài 1.000 km. Hay Phạm Duy Cường, 35 tuổi, đã trở thành người Việt Nam đầu tiên chinh phục cuộc đua marathon khắc nghiệt nhất thế giới trên đỉnh Everest mang tên “Tenzing-Hillary Everest Marathon”.
Nhóm các thành viên của CLB Chạy ngày chủ nhật - Sunday Running Club (SRC) cũng đã tham dự nhiều cuộc thi quốc tế xuất phát từ đam mê của bản thân và mong muốn giao lưu với bạn bè khắp nơi. Tại giải chạy marathon quốc tế có tên Vietnam Jungle Marathon được tổ chức lần đầu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa, người chiến thắng trước các runner trong nước và thế giới ở cự ly chạy 70 km cũng là một người Việt Nam.
Mỗi cuộc thi marathon còn là cơ hội để quảng bá du lịch, mang đến cho du khách cũng như các VĐV cơ hội để trải nghiệm những nét đặc sắc về văn hóa, con người của địa phương. Nhờ tính cộng đồng cao, marathon dễ dàng gây quỹ để phục vụ cho các hoạt động thiện nguyện, đóng góp nhiều cho xã hội.
Phong trào marathon tại Việt Nam đã được phát động, song vẫn đang chờ đợi thêm nhiều hơn nữa cuộc thi marathon tầm cỡ, chuyên nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Một số giải chuyên nghiệp hay nghiệp dư được tổ chức ở Đà Nẵng, Sapa hay Hạ Long, nhưng con số đó vẫn còn quá ít để các người chạy trong và ngoài nước tham gia đua tài. Cộng đồng người chạy marathon ở Việt Nam đang mong đợi những sự kiện marathon quốc tế tầm cỡ tại các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, thu hút nhiều các vận động viên nước ngoài tới tham gia thi đấu và du lịch, để có thêm nhiều cơ hội được trải nghiệm và thi đấu tại chính quê hương.
Doãn Phong - theo Vietnamnet