Khai thác du lịch nông nghiệp trị giá hàng chục triệu USD
- Đời sống cập nhật
Chương trình do Sở Du lịch phối hợp với Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Tp. HCM tổ chức.
Theo các chuyên gia, xu hướng du lịch kết hợp nông nghiệp đã hình thành từ rất lâu. Trong những năm gần đây, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, những điểm du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp công nghệ cao luôn mang lại sức hút mạnh mẽ đối với du khách.
Từ thực tế này đặt ra cho ngành du lịch Tp. HCM phải nhanh chóng “chuyển mình” trong xu hướng hiện đại.
Theo ông Nguyễn Minh Trí, Tp. HCM có 5 huyện nhưng chiếm tới ¾ diện tích của toàn thành phố . Hoạt động kinh tế tại các quận, huyện chủ yếu dựa vào nông lâm ngư nghiệp. Nơi đây còn bảo lưu được nhiều giá trị truyền thống phù hợp phát triển du lịch nông nghiệp… Ví dụ như quận 9, huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè…
Với Cần Giờ, đây là huyện có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn, du lịch đường sông, phát triển mô hình làng nghề truyền thống. Địa phương này đã đề xuất Tp. HCM cho đăng ký thương hiệu đặc sản gồm yến sào, xoài và khô cá dứa.
Tại quận 9, điểm nhấn độc đáo chính là cảnh quan sông nước hữu tình kết nối với các vườn cây ăn trái. Ở Củ Chi, nơi đây đang dành hơn 24.385ha cho sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, nhiều quận, huyện như Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè… cũng có những điểm đến du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, góp phần gia tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm và điểm đến của du lịch Tp. HCM.
Bà Trần Thị Kim Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm khai thác hạ tầng, Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Tp. HCM cho biết, năm 2016 đã có khoảng 12.000 lượt khách đến tham quan Khu nông nghiệp công nghệ cao, tăng hơn 5.000 lượt so với năm 2014 (có 7.000 lượt). Con số này chứng tỏ sức hấp dẫn, sự quan tâm của du khách đến du lịch nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy vậy, bà Hằng cũng cho rằng đơn vị hiện đang gặp một số khó khăn như thiếu nhân lực có nghiệp vụ du lịch; chưa có nơi ăn uống, giải trí, phương tiện chuyên chở phục vụ du khách; các hoạt động còn mang tính tự phát, thiếu kết nối với các cơ quan chuyên trách.
“Mong rằng ngành du lịch thành phố cần có định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, đào tạo, huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm du lịch, đặc biệt là kết nối các doanh nghiệp lữ hành với các khu nông nghiệp công nghệ cao, các địa phương để hỗ trợ nhau cùng hoạt động”, bà Trần Thị Kim Hằng đề xuất.
Sở Du lịch thành phố đang tiến hành khảo sát và triển khai được một số chương trình du lịch kết hợp tham quan tại các huyện như Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn…. Chẳng hạn như Khu nông nghiệp công nghệ cao TP, khu nhà vườn sinh thái (vườn kiểng Minh Tân, vườn lan Huyền Thoại, vườn rau sạch Củ Chi…), cơ sở đan lát Thái Mỹ, làng bánh tráng Phú Hòa Đông, suối cá Koi Hải Thanh, tour du lịch 1 ngày tại Cần Giờ…
THI HỒNG - Ảnh: LONG TRÌ - theo SGGP