(P. Tuyển sinh – Văn Lang, 01/11/2017) – Sáng ngày 28/10/2017, Khoa Công nghệ Thông tin phối hợp với Công ty Nash Tech tổ chức Hội thảo về Software Testing dành cho sinh viên năm 3, năm 4 tại P.203A, Trụ sở 45 Nguyễn Khắc Nhu, Q.1. Đây là một trong nhiều hoạt động liên kết với doanh nghiệp của Khoa nhằm đem lại kiến thức cập nhật nhất cho sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm.
Kiểm thử Phần mềm (QC – Software Testing) đóng vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ cao. Hầu hết các công ty vừa và nhỏ đều chọn giải pháp outsource bộ phận testing của mình cho các công ty thực hiện dịch vụ testing chuyên nghiệp, như Nashtech Vietnam. Công ty Nashtech tuyển dụng đội ngũ kỹ sư chuyên ngành testing ở nhiều nước: Anh, Châu Âu, Israel, Mỹ, Nhật Bản, Úc và Việt Nam.
Ngành Kỹ thuật Phần mềm tại Trường ĐH Văn Lang đào tạo theo chương trình của CMU - đại học hàng đầu Hoa Kỳ về khoa học máy tính nên đón đầu nhiều xu hướng nghề nghiệp trên thế giới. Môn học “Software Testing” được chú trọng đưa vào chương trình học từ đầu năm ba để chuẩn bị nền tảng kiến thức cho sinh viên mong muốn lựa chọn hướng đi kiểm thử phần mềm. Theo ước tính, tới năm 2020, thị trường nhân lực kiểm thử phần mềm ở Việt Nam sẽ cần thêm khoảng trên dưới 10.000 chuyên viên kiểm thử (Tester), trong đó khoảng 50% là chuyên viên kiểm thử phần mềm cấp cao trở lên. (Nguồn: Software Testing Training Center)
Các anh chị kỹ thuật viên của Nash Tech nhiệt tình giới thiệu với sinh viên về lịch sử và thị trường ngành Testing, Automated Testing, Security Testing.
Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi về xu hướng phát triển, công nghệ, quy trình làm việc, cơ hội nghề nghiệp và những thử thách liên quan tới công việc của một kiểm thử viên.
Kinh nghiệm và kiến thức của những người đang làm việc trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm giúp các bạn sinh viên phá bỏ ngộ nhận: Tester không đòi hỏi kỹ năng lập trình và không cần qua đào tạo dài hạn. Thực tế, khoảng cách về kỹ năng và hiệu quả công việc giữa Tester làm được việc và Tester chuyên nghiệp là khá lớn. Trình độ chuyên môn trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm chủ yếu là quá trình tự học. Kiến thức và kỹ năng sinh viên được trang bị trong những năm đại học sẽ giúp bạn trau dồi khả năng tư duy, phân tích để giải quyết vấn đề trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Dù chọn lựa trở thành lập trình viên (Developer), người phân tích yêu cầu (Business Analyst) hoặc kiểm thử viên (Tester)… thì bạn đều cần những kiến thức nền tảng để tiếp cận được công việc trong một dự án phát triển phần mềm.
Bạn Nguyễn Ngọc Tuấn Anh – cựu SV Khóa 16 và bạn Nguyễn Hoàng Nam Phương – cựu SV Khóa 19 ngành Kỹ thuật Phần mềm hiện đang làm việc chính thức tại Công ty Nash Tech Vietnam chia sẻ với đàn em về kinh nghiệm xin việc và những kỷ niệm khi học tập tại Văn Lang.
Tuấn Anh chia sẻ: Mình rất hạnh phúc khi hôm nay thấy các khóa đàn em mạnh dạn hơn thời của mình rất nhiều, các bạn nhiệt tình đặt câu hỏi về những điều còn thắc mắc. Đó là kỹ năng rất cần thiết với những người làm việc trong lĩnh vực phát triển cực nhanh như IT. Những kiến thức Thầy Cô dạy ở Văn Lang rất cần thiết, mình đang áp dụng từng ngày vào công việc ở công ty. Mình đã làm được thì các bạn làm được. Bạn muốn giỏi lĩnh vực nào phải dũng cảm bước về phía trước, chuẩn bị background đầy đủ và trả lời được những câu hỏi cơ bản lĩnh vực đó yêu cầu.
● Bạn Trần Phú Hòa – SV năm ba cho biết: Học kỳ này lớp em đang học môn Software Testing, nên buổi hội thảo giúp tụi em nắm rõ hơn về quy trình kiểm thử phần mềm. Sinh viên mới được học kiểm thử thủ công thôi, nhưng bên ngoài các doanh nghiệp đang áp dụng những công cụ hỗ trợ test phần mềm rất nhanh và hiệu quả.
● Bạn Võ Hoàng Việt – SV năm tư cảm nhận: Hầu hết kiến thức mà các anh bên Nash Tech giới thiệu, tụi em đều được học trong chương trình CMU, nhưng bản thân em học được nhiều điều mới, nhất là các công nghệ Testing mới ở bên ngoài doanh nghiệp. Em cũng được giải đáp nhiệt tình về vị trí Developer bản thân đang theo đuổi, dù chủ đề buổi hội thảo là về kiểm thử phần mềm.
● Bạn Nguyễn Thanh Huy – SV năm ba xác định rõ ràng hơn được mục tiêu nghề nghiệp sau buổi hội thảo: Nhà tuyển dụng đã chỉ cho chúng em hướng đi từng level nghề nghiệp trong ngành công nghệ thông tin. Em muốn làm Bussiness Analysis, và sẽ bắt đầu ở level làm một Tester.
Từ năm 2018, Bộ GD&ĐT sẽ cho phép sinh viên đang học đại học các ngành khác được chuyển sang học công nghệ thông tin ứng dụng ở các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành này. Kế hoạch tăng cường đào tạo nhân lực công nghệ thông tin ứng dụng giai đoạn 2017 - 2020 mà Bộ GD&ĐT dự kiến sớm ban hành nhằm mục tiêu phát triển CNTT ứng dụng phục vụ các ngành kinh tế - xã hội. Từ đó, tăng quy mô đào tạo theo định hướng ứng dụng trình độ ĐH, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế, tăng cường phối hợp và gắn kết giữa các cơ sở giáo dục ĐH với doanh nghiệp.
Ngành Kỹ thuật Phần mềm, Trường ĐH Văn Lang là địa chỉ duy nhất tại Tp. Hồ Chí Minh đào tạo theo chương trình tiên tiến từ ĐH Carnegie Mellon (Mỹ), đã tạo được nhiều uy tín trong thị trường lao động nhiều năm qua.
Bích Phương