(P. Tuyển sinh – Văn Lang, 22/6/2018)- Ngày 21/6, Trường Đại học Văn Lang tổ chức Hội thảo “Tiềm năng công nghệ BIM: thị trường tuyển dụng nhân sự sử dụng BIM tại Việt Nam và nước ngoài” tại Trụ sở 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, Tp.HCM.
Nằm trong khuôn khổ cuộc thi ARCHICAD BIM 2018, đồng hành cùng Ban tổ chức cuộc thi, Trường Đại học Văn Lang tổ chức Hội thảo Tiềm năng công nghệ BIM: thị trường tuyển dụng nhân sự sử dụng BIM tại Việt Nam và nước ngoài. Hội thảo lần này được tổ chức nhằm kết nối các nhà tài trợ chính của cuộc thi với sinh viên trong ngành kiến trúc-xây dựng, mà chủ yếu là các bạn đã và đang tham gia cuộc thi ARCHICAD BIM 2018 và sinh viên Trường ĐH Văn Lang. Nội dung chú trọng việc mở rộng thông tin về thị trường làm việc cho những sinh viên quan tâm đến môi trường sử dụng công nghệ BIM.
Tham dự Hội thảo có đại điện Công ty Graphisoft Japan và Graphisoft Asia (doanh nghiệp đã ký kết MOU với Trường Đại học Văn Lang) và đại diện các nhà tài trợ cuộc thi ArchiCAD BIM 2018: KAJIMA VIETNAM CO. LTD., Global BIM Inc., Nikken Lease Kogyo Co. Ltd, CBS Vietnam CO. LTD., studioNAO Corp., ACT Engineering Co. Ltd, studioNAO Corp. Đánh giá cao định hướng đưa ứng dụng BIM vào đào tạo và định hướng nghề cho sinh viên, PGS.TS Nguyễn Khởi – Trưởng khoa Kiến trúc, TS. KTS. Trần Anh Tuấn – Phó khoa Kiến trúc; GVC.TS Nguyễn Khắc Cường – Trưởng khoa Xây dựng, ThS. Từ Đông Xuân – Phó Khoa Xây dựng cùng các giảng viên đang công tác giảng dạy, phụ huynh và đông đảo sinh viên 2 khoa đã đến tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.KTS. Trần Anh Tuấn – Phó Khoa Kiến trúc cho biết: Qua 1 năm Trường Đại học Văn Lang ký văn bản MOU với Công ty Graphisoft (5.4.2017 – 5.4.2018), lần lượt các chương trình kết nối giữa doanh nghiệp và sinh viên đã được tổ chức. Tại Hội thảo này, các doanh nghiệp sẽ giới thiệu về công ty, về các dịch vụ và dự án, thị trường tuyển dụng lao động sử dụng công nghệ BIM hiện nay, giới thiệu các cơ hội việc làm cho sinh viên. Để đào tạo sinh viên ra trường có kỹ năng, kiến thức và thái độ làm việc tốt, có khả năng thích ứng, hội nhập trong thời kỳ phát triển công nghệ 4.0, ngoài những chương trình học truyền thống thì tiềm năng của phần mềm ARCHICAD và công nghệ BIM ngày càng tỏ rõ tính ưu việt không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia đã và đang phát triển trên thế giới. Cùng đầu tư vào việc dạy và học phần mềm ARCHICAD cùng ứng dụng BIM cũng là cách giúp Nhà trường tăng cường các hợp tác quốc tế, thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp, tăng độ thích ứng của chương trình đào tạo trong thời đại công nghệ 4.0.
Ông Bence Kovacs – Phó chủ tịch khu vực Châu Á Công ty Graphicsoft - chia sẻ: “BIM không phải là một chương trình mới hay một phương pháp mới, nhưng trong những năm gần đây, BIM là công nghệ duy nhất hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển trong ngành nghề kiến trúc và xây dựng. BIM không chỉ đơn thuần là một phần mềm mà còn là một công nghệ, giúp những người làm kiến trúc và xây dựng cải thiện kỹ năng hợp tác, quản lý công trình. Theo ông, những ai có am hiểu, có khả năng quản lý về công nghệ BIM sẽ có cơ hội cao hơn trong thị trường việc làm hiện nay."
Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp giới thiệu sơ lược về doanh nghiệp, giới thiệu tổng quát về mô hình cũng như việc sử dụng phần mềm ARCHICAD trong ứng dụng của BIM trong hoạt động thiết kế, xây dựng, quản lý dự án, công trình mà doanh nghiệp đã và đang vận hành. Qua đó, các doanh nghiệp chỉ ra tiềm năng to lớn của công nghệ BIM trong quản lý cơ sở hạ tầng, công trình kỹ thuật. Để có thể quản lý và vận hành được phần mềm BIM, các công ty hiện tích cực tìm kiếm đội ngũ nhân lực am hiểu phần mềm ARCHICAD để có thể nắm vững kỹ năng quản lý và quy trình trong môi trường sử dụng công nghệ BIM. Nếu sinh viên Văn Lang được đào tạo về ARCHICAD trong thời gian đại học, các công ty hy vọng đây sẽ là cơ hội tốt cho các bạn được nhận thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp của mình.
Tham dự Hội thảo, sinh viên tích cực đặt câu hỏi liên quan đến công nghệ BIM, về phần mềm quản lý, về cơ hội việc làm mà sinh viên sẽ nhận được tại doanh nghiệp. Nhiều sinh viên có nguyện vọng nộp hồ sơ vào các công ty để thử sức và đã tìm thấy cơ hội thực tập.
Bạn Nguyễn Vũ Thu Thảo – sinh viên năm tư Khoa Kiến trúc cho biết: “Global BIM và công ty ACT Engineering là hai công ty mà em có ý định sẽ nộp hồ sơ ứng tuyển. Qua phần giới thiệu của đại diện công ty, em nhìn thấy được cơ hội phát triển bản thân tại đây, vì xa hơn em có định hướng xuất ngoại học tập và làm việc tại Nhật Bản để nâng cao kỹ năng chuyên môn về công nghệ BIM.”
Công nghệ BIM và phần mềm ARCHICAD đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và được đánh giá là xu hướng công nghệ tối ưu hiện nay cho ngành Kiến trúc và Xây dựng. Tại Việt Nam, trong xu thế hội nhập công nghiệp 4.0, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải phát triển, thì việc vận dụng công nghệ BIM vào quản lý công trình cũng là một xu thế tất yếu. Trường Đại học Văn Lang nhận định ARCHICAD sẽ là phần mềm trọng điểm đón đầu xu hướng trong các ngành kỹ thuật. Để cung cấp nguồn nhân lực tốt nhất cho xã hội, Trường Đại học Văn Lang đã và đang triển khai các hoạt động hợp tác đào tạo ARCHICAD cho sinh viên ngành Kiến trúc, ngành Xây dựng và một số ngành kỹ thuật khác. Những kiến thức nền tảng được học tại Trường và cơ hội giao lưu với doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên Văn Lang dễ dàng hơn khi tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bài: Lê My
Ảnh: Nguyễn Linh