(P.Tuyển sinh - 04/9/2018) - “Ngày đầu tiên chúng ta là Đoàn sinh viên tiêu biểu, ngày cuối cùng chúng ta là gia đình” - đó là câu nói của Duyên vào đêm cuối cùng chúng tôi bên nhau tại bờ biển Dốc Lết. Đúng thật là vậy, đến hôm nay khi đã hoàn thành chuyến đi và ngồi chấp bút nên những dòng này, tôi vẫn thấy chúng tôi có một sợi dây vô hình kết nối với nhau.
Ngày đầu tiên khi về lại thành phố, chúng tôi đều dậy vào lúc 5h sáng, nhắn tin í ới cho nhau, gọi nhau dậy để chuẩn bị khởi hành. Đó là điều tôi thấy thật buồn cười, nhưng cũng thật ý nghĩa. Chuyến đi là một phép màu, biến những người xa lạ hóa thành một gia đình.
Thú thật đến bây giờ, tôi vẫn chưa sẵn sàng để viết về hành trình vừa qua. Vì bản thân không dám nhớ lại những kỉ niệm rất tuyệt vời đó, sợ nhớ lại sẽ cười vì hạnh phúc, nhưng cũng không cầm được lòng vì nó đã trôi qua mất rồi. Hành trình 12 ngày đêm là cả một trời thanh xuân của mình, của 24 thành viên còn lại. . .
Hành trình bắt đầu (3 ngày đầu tiên)
Tôi là Hồng Hải – thành viên Đoàn Sinh viên tiêu biểu đại diện tham quan đền Hùng năm 2018, mọi người hay gọi vui tôi là chị Ba. Tôi cũng không biết vì sao có tên đó, nhưng bản thân thấy vui lắm và “chấp nhận” để mọi người gọi như vậy. Bởi có thương nhau, quý nhau thì mới dành cho nhau những biệt danh, những tên gọi thân thuộc và nghĩa tình như thế.
Tôi vẫn nhớ ngày đầu cuộc hành trình, chúng tôi trải qua hơn 14 giờ ngồi trên xe để đến Quy Nhơn - đó cũng là thời gian di chuyển dài nhất của hành trình. 24 thành viên đến từ các vùng miền, khác biệt về văn hóa, chẳng giống nhau về nếp sống và tính cách, nên hôm đầu mọi người vẫn còn chút e dè, chút ngại ngùng. Tôi nghĩ, cứ thế thì sẽ uổng mấy ngày đầu tiên mất thôi...
Nói thế thôi, chứ thoắt cái ba ngày đầu tiên di chuyển từ Sài Gòn, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Quảng Trị, Nghệ An – Vinh trôi qua nhanh như một cái chớp mắt. Chúng tôi đã đi qua nhiều cung bậc cảm xúc trong 3 ngày ấy, chúng tôi xúc động về cuộc đời của chị Đặng Thùy Trâm, nghiêng mình kính phục các vị anh hùng đã hy sinh cho đất nước tại Thành cổ Quảng Trị, lặng yên nhìn sự to lớn, vĩ đại của mẹ Thứ, hay tôn kính khi dâng hương tại Nghĩa trang Trường Sơn hào hùng.
Bạn Quang Thế (Trưởng nhóm sinh viên Đoàn sinh viên tiêu biểu) đã xúc động rất nhiều khi lần đầu tiên đặt chân đến những nơi đó, bạn chia sẻ: “Dường như ở nơi đây không tồn tại khoảng cách giữa hai thế giới, Âm Dương tuy hai mà một. Nơi đây chỉ có tồn tại tình người, sự kính trọng của hậu thế, sự an tâm của các bậc tiền nhân.”
Chúng tôi không chỉ phấn khởi mà còn xúc động khi nhìn thấy bức tượng tạc chân dung chị Đặng Thùy Trâm do Trường Đại học Văn Lang kính tặng được đặt trang trọng tại phòng trưng bày hình ảnh các anh hùng dân tộc của Phòng Truyền thống - Bệnh xá Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi). Niềm vui như được nhân đôi cho tất cả sinh viên trong chuyến đi khi nghe được một tin trùng hợp: con đường dẫn vào Cơ sở 3 của Trường Đại học Văn Lang vừa được đổi tên thành đường Đặng Thùy Trâm (trước là Đường Trục). Một lần nữa, chúng tôi cảm thấy sợi dây kết nối giữa Văn Lang và người nữ anh hùng nói riêng, giữa lịch sử ngôi trường và lịch sử dân tộc nói chung.
Trong ba ngày đầu tiên, chúng tôi đã về thăm Làng Sen - quê hương, nơi sinh thành của Hồ Chủ tịch. Căn nhà đơn sơ lợp lá, cảnh vật giản đơn nơi đây đã nuôi nấng một con người vĩ đại của đất nước, vị cha già của dân tộc Việt Nam.
Thủ đô Hà Nội (3 ngày tiếp theo)
Chúng tôi cùng nhau vỡ òa khi lần đầu chạm ngõ Hà Nội, chúng tôi đã nhìn tận mắt Hồ Gươm, đã nhìn thấy 36 phố phường, nhìn thấy những con người rất Hà Nội nơi đây. Hà Nội đẹp, an bình và nên thơ biết bao. Chúng tôi dường như trở thành những đứa trẻ lạ lẫm với nơi xa lạ. Có chút hồi hộp, có chút tò mò.
Cột mốc Hà Nội báo hiệu chúng tôi đã đến lúc thực hiện sứ mệnh của Nhà trường, Khoa và các bạn sinh viên giao phó: báo công lên Vua Hùng. Chúng tôi là những thành viên đại diện cho toàn bộ sinh viên tiêu biểu, cũng như toàn bộ các bạn đang theo học tại mái trường Văn Lang; thời khắc này cảm xúc trong tâm thức chúng tôi đầy tự hào, đầy vinh dự và cũng cảm thấy tràn đầy trách nhiệm.
Tôi vẫn nhớ lại giây phút da tay tôi nổi lên, mũi cay xòe, và khóe mắt muốn ngân ngấn khi cất lên khúc ca Văn Lang Đại học đường trước đền Thượng – ngôi đền cao nhất tại núi Nghĩa Lĩnh (nơi được xem là mảnh đất hội tụ sinh khí và năng lượng của đất trời).
“Từ xa xưa có người anh hùng lập bao chiến công lẫy lừng dựng nước Văn Lang..."
Từng lời ca mà chúng tôi hát lên là tất cả thành kính, sự tôn trọng lẫn sự tự hào dành cho các bậc khai quốc.
Lăng Bác là điểm đến mơ ước của tôi và giờ tôi đã thực hiện được điều đó. Bác vẫn nằm đó, tựa như chỉ đang ngủ, tựa như chỉ chợp mắt đôi chút. Vậy mà đã mấy mươi năm rồi! Chúng tôi đã hòa vào dòng người tấp nập để đến viếng thăm Bác, và cũng được tận mắt nhìn thấy Người.
Hà Nội đâu chỉ có vậy. Hà Nội đã gửi gắm đến du khách thập phương những món ăn tinh hoa; Upin, Phúc, chị Thư cứ mê tít ẩm thực nơi đây. Bi thì ghiền món cà phê trứng, Mai, Hoàng và Phương cứ nhắc mãi món chả cá Lã Vọng, món ăn mà mọi người thường hay đùa vui rằng “ai đến Hà Nội mà chưa ăn món chả cá Lã Vọng chưa được xem là đến Hà Nội.”
Những ngày còn lại bên nhau (6 ngày cuối cùng Hà Nội – Quảng Ninh – Ninh Bình – Nghệ An – Huế - Hội An – Dốc Lết – Sài Gòn)
Chúng tôi đã đi qua một phần hai chặng đường. Những sự xấu hổ, e dè ở ngày đầu tiên tự dưng biến mất, giờ đây chỉ có sự thân thương, gắn bó và cả nỗi sợ sắp phải kết thúc hành trình. Ngày ở Hạ Long, chúng tôi cùng nhau tái hiện lại chương trình "The Face”, cùng nhau “điên”, cùng nhau tắm biển, chia cùng nhau chai nước, miếng bánh, ăn chung từng miếng trái cây. Kỷ niệm đó, mãi là những thước phim đẹp nhất của cuộc hành trình này.
Điểm đến tiếp theo là về lại miền Trung thân thương, mảnh đất hẹp, hình cung hướng ra biển. Mọi người biết đó, không có cái nắng nào nóng như nắng miền Trung, cũng không có cái nào khắc nghiệt như nắng miền trung. Cái nắng đầy hanh và khô ấy tưởng chừng như đã có vài lần làm chúng tôi chùn bước, không muốn rời căn phòng có máy lạnh “mát mẻ”, nhưng rồi lại nghĩ những người dân xứ “nẫu” bao đời nay đã vượt qua được thì chúng tôi cũng sẽ làm được.
Hội An mang nét hoài cổ, Huế là cô nàng e ấp và thanh cao. Chúng tôi thưởng thức những vẻ đẹp từ ngàn xưa, nhìn ngắm những công trình tuyệt đẹp từ cổ nhân. Say lòng trước sự lung linh đêm tại phố cổ, mê đắm tiếng hò trên sông Hương.
Trong phút cao hứng, tôi mạo muội viết những vần thơ:
Nay thăm lại đất cố kinh
Một thuở hào hùng, âm vang bốn bể
Cờ đỏ lừng lững ngọn kì đài
Ngọ Môn vững chãi, quách thành cố kiên
Này gác đỏ, này lầu son
Cảnh vật còn đó, cố nhân đâu rồi
Rời mảnh đất cố đô, chúng tôi về lại Dốc Lết. Tối đó, chúng tôi đã có những giây phút thật sự chỉ dành cho nhau, không điện thoại, không có bất kì yếu tố gây xao nhãng. Bên chúng tôi giờ chỉ có ánh trăng, tiếng sóng biển, lửa ấm và tình cảm dành cho nhau.
Nếu được hỏi giây phút nào bạn cảm thấy muốn quay về nhất ? Đạt “bố” đã nói: “Nếu được quay lại, Đạt rất muốn quay về đêm cuối cùng tụi mình ở cùng nhau. Vì khi đó, Đạt thực sự cảm thấy mình đã toại nguyện, đã quyết định đúng đắn khi tham gia chuyến hành trình này. Và ở đêm đó, chúng mình đã ở bên nhau bằng tình thân.”
Thế còn tiếc nuối...?
Mái ấm Anh Đào chắc chắn là điều chúng tôi cảm thấy quý trọng và cũng thấy tiếc nuối nhất trong chuyến hành trình về đất Tổ của mình. Cơ sở Bảo trợ xã hội - Mái ấm Anh Đào tọa lạc ở thôn Tân Mỹ, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) do sư cô Thích nữ An Sơn phát tâm khởi xướng dưới sự bảo trợ của bà con xóm đạo. Nơi đây không chỉ đơn thuần là cơ sở Bảo trợ xã hội mà còn là nơi cưu mang biết bao mảnh đời bất hạnh, những em nhỏ mồ côi, trẻ em khuyết tật. Đến đây, chúng tôi đã có cơ hội được nhìn thấy các em, những đứa trẻ rất ngoan, rất sáng. Chỉ có thời gian vỏn vẹn trong một buổi sáng nên chúng tôi chẳng làm được nhiều điều lớn lao cho các bé, chỉ kịp trò chuyện động viên các em nhỏ nỗ lực học tập để sau này cuộc sống của các em đỡ cơ cực hơn, chỉ kịp lưu giữ những nụ cười, những cái ôm từ các em. Mái ấm Anh Đào hiện vẫn đang cần rất nhiều sự quan tâm từ xã hội. Chia tay “mái ấm nhỏ nhưng tình thương lớn” này, mỗi thành viên trong đoàn đều bảo nhau sẽ quay lại, dù không nhiều nhưng cố gắng đóng góp chút ít để các em có cuộc sống đủ đầy hơn.
Những điều còn lại
Chúng tôi mất đi gì nhỉ? Mất nhiều, mất đi làn da trắng, mất đi dáng thon gọn, chúng tôi mất đi những tháng ngày nhàm chán, chúng tôi mất đi những sự lười biếng, mất đi những lo toan thường nhật, sự gục ngã nhất thời. Chúng tôi có được sự cảm thông, sự chấp nhận nhau, sự tử tế và trưởng thành hơn.
Chúng tôi nhớ mãi lời của Cô Nga – Phó đoàn, mà chúng tôi hay dành riêng cô tên gọi Mama: “Các bạn hãy luôn nhớ, các bạn là sinh viên đại diện cho những sinh viên tiêu biểu của trường, có những bạn học giỏi hơn các bạn, hoạt động nhiều hơn, nên hãy cố gắng để xứng đáng với sự đại diện này”. Câu nói ấy như một kim chỉ nam, luôn định hướng cho chúng tôi trong từng hành động, từng suy nghĩ sao cho thật đúng đắn và hơp lí.
Hành trình đã mang đến cho chúng tôi một gia đình, đã mang đến một Mama đầy tình cảm, mang đến một Oppa đầy trách nhiệm. 12 ngày đêm đã cho chúng tôi những tài sản tinh thần vô giá. Đúng như lời PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang: “Có những điều chỉ xảy ra một lần, nên hãy quý trọng từng giây phút các bạn bên nhau”. Chúng tôi đã là một phần thanh xuân của nhau. Tuổi trẻ trở nên đẹp đẽ hơn vì chúng tôi có chuyến đi này. Tôi tin chắc trải nghiệm này sẽ còn lại cùng nhau rất lâu sau nữa. Để khi về già, chúng tôi sẽ tự hào, sẽ ấm áp vì ít ra tuổi trẻ đã sống xứng đáng.
Lời cuối, tôi xin phép đại diện Đoàn cảm ơn Ban giám hiệu, quý thầy cô, anh chị cùng các bạn sinh viên đã hỗ trợ và tin tưởng chúng tôi. Xin cảm ơn thầy Nguyễn Ngọc Điệp, cô Phạm Thị Nga đã rất tuyệt vời, hết lòng với chúng tôi. Cảm ơn các bạn thành viên của Đoàn, và cũng cảm ơn chính bản thân tôi vì đã nỗ lực, đã làm tròn trách nhiệm, đã ở bên nhau.
Võ Hồng Hải
Sinh viên năm 4 Khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông & Nghệ thuật
(Ban Truyền thông Đoàn SV đại diện tham quan, học tập tại Đền Hùng 2018)