(Phòng Tuyển sinh – Văn Lang, 25/10/2018) - Sáng ngày 20/10 và ngày 22/10/2018, Khoa Quan hệ Công chúng – Truyền thông và Nghệ thuật phối hợp với đại diện Google tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề về Digital 4.0 cho sinh viên ngành PR tại Hội trường C001 – Cơ sở 2 Trường Đại học Văn Lang (233A Phan Văn Trị, Phường 11, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM). Hội thảo với 4 module chuyên đề trong 2 ngày sinh hoạt, đã thu hút hơn 300 sinh viên mỗi buổi.
Xem thêm: Tọa đàm Xử lý khủng hoảng và Quản trị truyền thông cho sinh viên ngành PR
Bước vào kỉ nguyên công nghiệp 4.0, các bạn trẻ vừa có nhiều cơ hội để phát triển bản thân giữa thời bão số, vừa phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai. Bản thân mỗi sinh viên phải nắm được kiến thức nền tảng về kỹ thuật số để ứng dụng trong công việc, học tập và cả đam mê kinh doanh của mình. Nắm bắt xu hướng, Khoa Quan hệ công chúng – Truyền thông và Nghệ thuật Trường Đại học Văn Lang đã phối hợp với Google tổ chức Hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ dự án Việt Nam Digital 4.0, để giới thiệu và mở rộng kiến thức về nền tảng kỹ thuật số ứng dụng cho kinh doanh cho sinh viên.
Chương trình đa dạng với chủ đề thiết thực từ các lớp cơ bản như “Xây dựng một thương hiệu dễ nhớ”, “Chiến lược truyền thông trên mạng xã hội” hay “Tạo một website đơn giản”, đến các lớp nâng cao và chuyên sâu hơn như “Tăng hiển thị doanh nghiệp trên Google”, “Tăng sự hiện diện doanh nghiệp trên tìm kiếm” và “Hiểu về doanh nghiệp từ các dữ liệu”. Đặc biệt hơn, chương trình còn thiết kế 2 lớp học dành riêng cho phái nữ với mong muốn hỗ trợ phụ nữ phát triển khả năng độc lập và lãnh đạo của mình với lớp “Womenwill: Cách mạng công nghiệp 4.0 - Thách thức và cơ hội” và “Womenwill: Phụ nữ và kỹ năng lãnh đạo” vào đúng ngày 20/10 – ngày Phụ nữ Việt Nam.
Đến với chương trình lần này, sinh viên PR Văn Lang không chỉ được hướng dẫn, tìm hiểu và tư vấn kiến thức về kinh doanh kỹ thuật số, mà còn là cơ hội để các bạn trực tiếp trao đổi với các chuyên viên xuất sắc, các đối tác uy tín của Google: chị Võ Thái Thảo - Giám đốc Truyền thông Ong Quang Tiên, chuyên gia Google Adwords; chị Trang Thanh Minh Thư - Trainer cho Womenwill (Google Digital 4.0); anh Hà Mạnh Tuấn - CEO Công ty Krypro – Big Cat Entertainment. Trong các diễn giả, chị Võ Thái Thảo chính là cựu sinh viên ngành Quan hệ Công chúng Trường Đại học Văn Lang niên khóa 2011-2015, bước ra từ môi trường học tập của Khoa và hôm nay lại quay về chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cho đàn em khóa dưới.
Bằng lối dẫn dắt vào chủ đề bài học khéo léo duyên dáng, cùng với nhiều câu hỏi mang tính tương tác với sinh viên, chị Võ Thái Thảo đã giúp các bạn sinh viên hiểu được lợi ích của việc xây dựng thương hiệu nhất quán, giúp tổ chức, cá nhân, nhãn hàng được định vị thương hiệu một cách dễ dàng trong tâm trí người dùng, cũng như tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Đây là những kinh nghiệm bổ ích cho các bạn sinh viên đang ấp ủ kinh doanh start-up, hoặc dành cho các bạn bắt đầu thực tập, đi làm tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với sự bùng nổ cách mạng 4.0, thiên hướng nghe – nhìn đang dần trở nên phổ biến. Chính vì thế, tầm quan trọng của thị giác trong việc xây dựng logo thương hiệu càng được khẳng định. “Các yếu tố của một logo thương hiệu tốt, bao gồm đơn giản, dễ nhớ, nêu trọn thông điệp thương hiệu, không gây phản cảm, màu sắc chọn lọc, thể hiện tốt trên tông trắng đen” - chị Thái Thảo chia sẻ. Các case-study nghiên cứu tình huống thương hiệu cũng được đưa ra cụ thể, với các thương hiệu nổi tiếng như Pepsi, Coca-Cola, Instagram, Google,… và cũng được “mổ xẻ” ý nghĩa đằng sau một logo thương hiệu thành công, đem đến cho các bạn sinh viên nhiều kiến thức bổ ích và hứng thú.
Với chủ đề Womenwill “Phụ nữ trong thời đại 4.0 – Thách thức và cơ hội”, chị Trang Thanh Minh Thư cũng đem đến cho các bạn sinh viên nhiều kiến thức bổ ích. Womenwill là một dự án của Google nhằm tạo ra các cơ hội kinh tế cho phụ nữ ở khắp mọi nơi, để phụ nữ phát triển và thành công. Thông điệp của dự án là “Khi phụ nữ vươn cao, chúng ta cùng thịnh vượng”, cho thấy đây là một chủ đề về phụ nữ nhưng không chỉ dành cho phụ nữ.
Chị Minh Thư chia sẻ thông tin: “Khi phụ nữ được đẩy mạnh bình đẳng giới, GDP toàn cầu có thể tăng từ $12 tỷ USD lên $28 tỷ USD vào năm 2025 (theo McKinsey Power of Parity)”. Đây là một con số ý nghĩa về sức mạnh của phụ nữ khi tham gia vào đóng góp cho xã hội, nhất là ở thời đại công nghệ lên ngôi. Tuy nhiên, những thành kiến vô thức của xã hội khiến chúng ta dễ dàng đánh giá phụ nữ dựa trên vẻ bề ngoài và nhiều yếu tố khác, vô hình chung khiến phụ nữ khó vươn tới những vị trí cao. Diễn giả tập trung hướng dẫn sinh viên cách vượt qua các thành kiến vô thức mà xã hội áp đặt cho phụ nữ: đánh giá lại bản thân, nhận thức điểm mạnh - yếu của bản thân, khắc phục và vượt qua nỗi tự ti sợ hãi, và xây dựng hình ảnh tự tin cho bản thân; xây dựng mối quan hệ, các quy tắc giao tiếp phi ngôn ngữ... Phụ nữ thành công hơn trong xã hội không đồng nghĩa với việc người đàn ông phải lui về phía sau, mà là hai giới cùng nắm tay nhau bước lên cao hơn để xã hội cùng phát triển. Câu chuyện của diễn giả không chỉ đánh thức khả năng “tìm kiếm bản thân” ở các bạn nữ mà còn khiến rất nhiều bạn nam có mặt trong hội trường thích thú và chăm chú lắng nghe.
Module cuối cùng của Hội thảo với chủ đề có vẻ hơi “xa” với các bạn sinh viên năm nhất khi tập trung vào các vấn đề chuyên sâu dành cho doanh nghiệp, như xây dựng website, thu hút khách hàng và tăng hiển thị tìm kiếm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với trò chơi tương tác qua ứng dụng trực tuyến Kahoot, các bạn sinh viên vẫn rất sôi nổi và quan tâm lắng nghe diễn giả Hà Mạnh Tuấn chia sẻ. Các bạn trả lời các câu hỏi với lượt trả lời chính xác cao.
Sau 2 ngày Hội thảo tại Trường Đại học Văn Lang, chị Trang Thanh Minh Thư chia sẻ: “Chị ấn tượng sự nhiệt tình của sinh viên PR, số lượng tham gia đông đảo, mức độ tương tác cũng như sự quan tâm chú ý lắng nghe của các bạn”. Chị khuyến khích các bạn sinh viên đặt nhiều câu hỏi hơn nữa, vì đó chính là cơ hội cho các bạn học hỏi thêm, và không phải lúc nào sinh viên cũng có điều kiện tiếp xúc với các diễn giả có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề.
Hội thảo Cùng Google hiểu về kinh doanh kỹ thuật số - cánh cổng tương lai giữa thời 4.0 khép lại với nhiều kỹ năng, kiến thức bổ ích cho các bạn sinh viên, bồi đắp nền tảng nghề cho sinh viên ngành PR. Trong thời đại số phát triển và trong ngành Truyền thông không ngừng thay đổi mỗi ngày như hiện nay, các Hội thảo chuyên đề cập nhật kiến thức mới sẽ mở ra cho sinh viên đường hướng mới để không ngừng học tập, trau dồi bản thân. Mảng Digital 4.0 là một trong số đó.
Bài: Phan Thị Hồng Ngọc (CLB Báo chí và Truyền thông)
Hình ảnh: CLB Digital Media
Hỗ trợ chương trình: CLB 3N