(P. Tuyển sinh – Văn Lang, 26/11/2018) - Sáng ngày 24/11/2018, Khoa Quan hệ Công chúng – Truyền thông và Nghệ thuật phối hợp với Arena Multimedia tổ chức Talkshow chủ đề Viral Video tại Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang (80/68 Dương Quảng Hàm, P.5, Q. Gò Vấp, Tp. HCM).
Dàn khách mời và chủ đề hấp dẫn của talkshow thu hút rất đông sinh viên ngành Quan hệ Công chúng tham dự. Các bạn sinh viên đã được trao đổi, giao lưu rất thoải mái những suy nghĩ, thắc mắc của mình với khách mời, được lắng nghe những góc nhìn và kinh nghiệm của các đàn anh trong nghề.
Ít nhất sau talkshow, sinh viên học được tổng quan về cách thức xây dựng một kênh Youtube cho riêng mình, những gì cần để sản xuất nội dung cho một video. Với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông số, hiểu biết về viral video là điều cần thiết để các bạn có thể mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho chính mình, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông, giải trí.
Mở đầu Talkshow, anh Phan Dũng – Đại sứ Youtube ở Việt Nam giới thiệu những bước cơ bản để trở thành một Youtuber, Streamer - người sở hữu kênh sáng tạo cho riêng mình trên cộng đồng mạng. Bật mí là, cách đây 3 năm, Pewpew hay Misthy (những kênh cá nhân có lượng follower đăng ký đạt đến đơn vị hàng triệu) cũng đã từng tiếp thu những kiến thức nền tảng này của anh Phan Dũng.
Hiện nay, các video hầu hết được xem bằng điện thoại, vì thế cần ưu tiên sản xuất những clip có khung dọc để phục vụ tối ưu cho nhu cầu của người xem. Ngoài ra, thực tế ảo cũng là một xu thế được dự đoán sẽ phổ biến trong thời gian sắp tới khi mà nhu cầu khám phá thế giới qua mạng xã hội một cách thực tế hơn của con người ngày càng cao. Facebook place, Stream live 360,… là các ứng dụng đang ngày càng phát triển.
Theo anh Phan Dũng, để xây dựng và duy trì một kênh Youtube của riêng mình, chúng ta cần đi từng bước: (1) Xây dựng thương hiệu cho kênh của bạn; (2) Giúp kênh dễ khám phá; (3) Giữ chân người xem. Ở mỗi bước, anh chỉ ra cụ thể những việc cần làm, lấy ví dụ từ chính những kênh nổi tiếng hiện nay như Pewpew, Faptv, Ghiền mì gõ,… Muốn kênh có thương hiệu, màu sắc riêng thì chính bản thân người sáng lập phải xây dựng được thương hiệu cá nhân trước. Ngoài ra, việc xây dựng một fanpage song song với kênh youtube để tăng tương tác với khán giả là điều cần thiết.
Khác với anh Phan Dũng làm nội dung theo hướng truyền thông, anh Duy Joseph làm các sản phẩm nghệ thuật, phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả. Về mảng sáng tạo nội dung, anh Duy đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm trong nghề làm phim của mình.
Bên cạnh câu chuyện làm phim, anh Duy Joseph chia sẻ cùng sinh viên Văn Lang những kỉ niệm thú vị khi quay MV “Bốn chữ lắm” (ca sĩ Trúc Nhân), “Taxi” (ca sĩ Thu Minh), teaser phim “Tấm Cám chuyện chưa kể” (diễn viên Huỳnh Lập),… Chính những thành quả nhất định ban đầu này đã tạo cho anh một tâm thế luôn chủ động nắm bắt cơ hội.
Anh Phan Dũng không ngần ngại chia sẻ: Có ba nguồn tác động đến lượng tiền bạn kiếm được trên Youtube. Đó là lượt view, đối tượng khán giả và mức độ nổi tiếng của kênh. Lượt view nhiều thì đương nhiên tiền kiếm được sẽ nhiều hơn. Nếu kênh của bạn nổi tiếng thì giá tiền của một lượt view sẽ lớn hơn so với kênh bình thường. Nếu đối tượng khán giả của bạn là trẻ em, cơ hội nhận được tiền từ quảng cáo sẽ ít hơn vì trẻ em không có khả năng tự chi trả nên các quảng cáo cũng không có nhu cầu xuất hiện trên các video của bạn.
Anh Minh Chính chia sẻ: Điều quan trọng với một người sáng tạo nội dung clip là cần phải trả lời được 3 câu hỏi: “Người xem nhận được gì, cảm thấy gì và muốn làm gì sau khi xem xong video của mình”. Về cách đo lường mức độ lan truyền của video, ngoài lượt view, các bạn cũng nên chú ý số lượt thích, lượt chia sẻ và bình luận. Những yếu tố đó có thể cho bạn biết được mức độ quan tâm của khán giả tới video của mình.
Cuối buổi talkshow là phần trao đổi rất sôi nổi về chủ đề sáng tạo, từ câu hỏi tưởng chừng đơn giản của một bạn sinh viên: làm sao để sáng tạo? Như điểm trúng điều tâm huyết, tất cả khách mời đều nhiệt tình chia sẻ những cách sáng tạo của riêng mình. Anh Duy Joseph tiết lộ: khi “bí”, bạn nên đi ra ngoài thư giãn đầu óc và gặp gỡ bạn bè, trong những lúc như vậy mình sẽ nảy ra những ý tưởng không ngờ tới. Anh Phan Dũng đồng tình với cách này, vì sáng tạo chính là việc kết nối những trải nghiệm với nhau, hãy đi ra ngoài và trải nghiệm nhiều nhất có thể. Nếu bạn không chịu quan sát mọi vật xung quanh thì sẽ không có sáng tạo. Anh Minh Chính chốt lại một yếu tố không thể thiếu để sáng tạo - sự tò mò và chịu khó quan sát mọi vật xung quanh mình.
Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, các khách mời khuyên sinh viên: đừng đòi hỏi trường học dạy hết tất cả cho mình vì kiến thức là vô tận. “Học thực chiến là cách học tốt nhất”, vì từ những trải nghiệm thực tế, các bạn có thể nhớ lâu hơn những kiến thức đó. Mọi công việc muốn đạt kết quả tốt, bạn cần có kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả. Một nhóm muốn hoạt động tốt, cần một người lãnh đạo biết cách kết nối mọi người với nhau chứ không cần là người giỏi nhất.
Buổi talkshow kết thúc trong tiếc nuối vì nhiều sinh viên chưa kịp hỏi những thắc mắc của mình. Các bạn đều mong Khoa tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa những chương trình có chủ đề hấp dẫn và bổ ích để sinh viên được truyền cảm hứng, có thêm nhiều định hướng chắc chắn cho nghề nghiệp tương lai của mình.
Kim Dung
Ảnh: Ngọc Thi