(P. Tuyển sinh – Ngày 29/12/2018) – Mỗi ngành nghề có vai trò, vị trí khác nhau trong xã hội, nhưng ngành nào cũng đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp, lương tâm trách nhiệm đối với nghề. Với nghề Y, y đức lại càng quan trọng. Năm 2018, sinh viên Khoa Y Dược Trường ĐH Văn Lang bắt đầu học môn Tâm lý Y học - đạo đức nghề nghiệp từ năm thứ nhất.
Từ năm 2018, được cấp phép của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Trường Đại học Văn Lang tuyển sinh và đào tạo Cử nhân Kỹ thuật Xét nghiệm Y học, Cử nhân Điều dưỡng và Dược sĩ. Bên cạnh yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, kiến thức tốt và khả năng chuyên môn cao, thì chương trình đào tạo Y Dược của Trường ĐH Văn Lang chú trọng đào tạo kỹ năng giao tiếp ứng xử, đạo đức y học, tâm lý học - những đòi hỏi cần thiết trong thực hành nghề nghiệp đối với người làm Dược sĩ, Điều dưỡng hay Kỹ thuật viên Xét nghiệm Y học.
Nhân cách Y – Khoa khởi nguồn từ giảng đường
Trước thực trạng báo động về xuống cấp đạo đức của một số y bác sĩ hiện nay, giáo dục đạo đức y khoa cho sinh viên phải bắt đầu sớm ngay từ quá trình đào tạo đại học. Ở Trường Đại học Văn Lang, Khoa Y Dược đã đưa môn Tâm lý Y học - đạo đức nghề nghiệp vào chương trình đào tạo ngay từ học kỳ 1 cho sinh viên năm nhất.
Chỉ với 30 tiết học (2 chỉ), nhưng môn học đã giúp sinh viên hiểu được tầm quan trọng, vai trò của Y đức trong hoạt động y tế. Y đức không phải là khái niệm trừu tượng xa vời, mà là những nguyên tắc cụ thể chỉ đạo hành vi, thái độ của người làm công tác y tế, đó cũng là chuẩn mực để từ đó xác định yêu cầu về thái độ và hành động của dược sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... Nắm được các nguyên tắc của y đức và thực hiện đúng chính là biểu hiện phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế.
Môn học Tâm lý Y học – đạo đức nghề nghiệp như một bài học chập chững bước vào con đường rèn luyện thành một người lương y thực thụ, được PGS.TS. Nguyễn Văn Thọ - Trưởng Khoa Y – Dược Trường Đại học Văn Lang trực tiếp đứng lớp truyền đạt cho sinh viên. Với cử chỉ vui vẻ, với những ví dụ gần gũi thực tế mà sinh viên có thể gặp phải, hay với những câu chuyện thầy đã từng trải qua trong quá trình làm bác sĩ, môn học trở thành một cẩm nang những bài học về y đức hấp dẫn, lôi cuốn sinh viên. Ngoài những nguyên tắc y đức, môn học đã giúp sinh viên hiểu tâm lý con người, cảm xúc của bệnh nhân và người thân của người bệnh, cách ứng xử "lương y như từ mẫu” trong từng trường hợp cụ thể. Điều đáng quý là sau môn học, bản thân mỗi sinh viên nhận ra rằng tâm đức trong nghề y không chỉ là một đòi hỏi bắt buộc mà cao quý hơn, đó còn là sự hãnh diện của tập thể, của bản thân và là quyền lợi của người bệnh.
Sinh viên hứng thú với môn học mới
Bạn Phan Thị Thanh Mơ - thủ khoa đầu vào ngành Điều dưỡng khóa 2018-2022 chia sẻ: “Sau khi học môn Tâm lý Y học – đạo đức nghề nghiệp của thầy Thọ, mình cảm thấy rất thú vị. Qua từng bài học, mình đều rút ra được ý nghĩa, kinh nghiệm cho bản thân để thực hiện tốt công việc sau này. Ban đầu nghe tên môn học, mình thấy lo lắng, không biết nội dung có khó không; nhưng nhờ thầy tận tâm mà vui vẻ chỉ bảo, mình lại thấy thật thú vị và dễ hiểu”.
“Môn học giúp cho Định có thể hiểu hơn về hình ảnh một người thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho người khác thì phải như thế nào, hiểu được các trạng thái tâm lý của bệnh nhân; từ đó giúp mình biết rằng khi làm nghề cần tu dưỡng đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao.” - Bạn Hồ Huệ Định - lớp trưởng lớp Điều dưỡng khóa 2018 - 2022 chia sẻ.
Là những “chú chim con” của Khoa Y Dược Trường Đại học Văn Lang, sinh viên chúng mình đã và đang hằng ngày cố gắng tích lũy những bài học kinh nghiệm góp thành “kho báu” áp dụng cho mai sau. Qua môn Tâm lý Y học – đạo đức nghề nghiệp, "kho báu" đó là: sự tôn trọng quyền được khám chữa bệnh của người bệnh, không phân biệt thân sơ, giàu nghèo, bệnh nặng hay nhẹ; thái độ bình tĩnh kiềm chế dù người làm ngành y tế luôn đối diện với áp lực từ bệnh nhân và người nhà; trọng trách cứu và khám chữa bệnh cho bệnh nhân; là ý chí hướng về tâm đức.
Giống như những gì mà thầy Trưởng Khoa - PGS.TS. Nguyễn Văn Thọ - vẫn nói qua từng tiết học: "Người thầy thuốc muốn tinh thông nghề nghiệp phải tự mình ý thức học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao y thuật, rèn luyện y đức suốt đời để mỗi ngày một giỏi hơn, hết lòng tận tụy, tận tâm với nghề.” Đó là thông điệp căn bản nhắn gửi tới toàn bộ sinh viên khoa Y Dược.
Đại danh y Lê Hữu Trác đã nói: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”. Ngày nay, những đòi hỏi y đức cũng không khác mấy. Những câu nói của tiền nhân, những lời dạy của thầy từ năm nhất sẽ nằm trong tri thức của sinh viên Khoa Y Dược Trường Đại học Văn Lang, hy vọng sau thành tất cả có thể trở thành "lương y" giúp ích cho xã hội.
Bài: Nguyễn Hạnh Như Quỳnh – sinh viên năm nhất, ngành Điều Dưỡng
Ảnh: Linh Nguyễn