(P. Tuyển sinh và Truyền thông – 04/3/2019) - Ngày 26/01/2019, tại Cơ sở 1 Trường Đại học Văn Lang, Khoa Môi trường và Công nghệ Sinh học tổ chức Hội đồng nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học năm 2018 của sinh viên năm tư.
Hoạt động nghiên cứu khoa học được Khoa Môi trường và Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang tổ chức hằng năm sau những giờ học trên lớp và trong những ngày nghỉ hè của năm học nhằm rèn luyện cho sinh viên kỹ năng làm việc nhóm; tạo cơ hội thực hành tư duy nghiên cứu, khai thác tài liệu; bố trí, phân tích và trình bày kết quả thí nghiệm. Năm 2018, thời gian nghiên cứu khoa học được kéo dài hơn mọi năm, sinh viên nắm được những phương pháp cơ bản trong nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Hội đồng (PGS.TS. Ngô Thị Xuyên - Chủ tịch, PGS.TS Trần Minh Tâm - thành viên và TS. Vũ Thị Quyền - thư ký) đã đánh giá một cách khách quan về kết quả mà sinh viên đạt được trong từng đề tàc. Dù vẫn còn khiếm khuyết về cách viết, cách tham khảo tài liệu và vận dụng kiến thức chuyên ngành để so sánh và đánh giá kết quả nghiên cứu, song Hội đồng nhìn nhận ưu điểm nổi trội ở sinh viên làm nghiên cứu khoa học là sự tự tin của mỗi cá nhân và khả năng làm việc nhóm tốt. Bên cạnh đó, quá trình làm nghiên cứu khoa học đã giúp sinh viên hình thành ý thức tư duy phản biện từ chính kết quả nghiên cứu của mình và từ quan sát các hiện tượng tự nhiên, đặc biệt khả năng thuyết trình của các thành viên trong nhóm nghiên cứu cũng được tăng lên rất nhiều. Thành quả này là tiền đề quan trọng để sinh viên bước vào làm Khóa luận tốt nghiệp cũng như trang bị cho các em nền tảng kiến thức nâng cao và ứng dụng để bước vào công việc. Các kết quả nghiên cứu ghi nhận công sức thực sự của từng thành viên trong nhóm.
Các đề tài nghiên cứu tập trung vào các vấn đề ứng dụng công nghệ sinh học vào đời sống môi trường, xây dựng quy trình sản xuất thực phẩm và đề xuất một số giải pháp trong bảo quản,… Tinh thần nghiên cứu nghiêm túc của sinh viên được Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt là việc đặt ra mục tiêu nghiên cứu gắn với ứng dụng thực tế; tiến hành thí nghiệm và trình bày số liệu bài bản, rõ ràng.
Trên lĩnh vực sinh học phân tử, nhóm sinh viên gồm Hồng Yến Linh, Nguyễn Thị Mỹ Thủy, Trần Nhật Vĩ, Võ Trần Bảo Vy đã thực hiện đề tài “Biểu hiện đáp ứng gen Dystrophin của tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii De Man) bị nhiễm virus gây bệnh đốm trắng”. Đây là kết quả nghiên cứu làm cơ sở xác định nguyên nhân gây bệnh cũng như giải pháp điều trị bệnh kịp thời. Nghiên cứu đã xác định được nồng độ ion canxi trong mô cơ của con tôm nhiễm bệnh đốm trắng và giải được trình tự gen dystrophin tôm càng xanh cùng với so sánh chỉ thị gen dystrophin với dữ liệu genbank. Đồng thời, kết quả giải trình tự gen dystrophin tôm càng xanh là cơ sở khoa học quan trọng để các nhà lại tạo giống thực hiện các ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống tôm càng xanh có tính kháng bệnh đốm trắng.
Đề tài “DNA mã vạch nhận biết một số loài thuộc họ cá tra (Pangasiidae) ở đồng bằng sông Cửu Long dựa trên vùng COI gen ty thể kết hợp với đặc điểm hình thái” được nhóm nghiên cứu do sinh viên Thái Vũ Khương và Trần Thiện Khiêm đã áp dụng kỹ thuật ADN mã vạch trên cơ sở sử dụng dấu phân tử COI kết hợp với đặc điểm hình thái cá (5 loài) nhằm giúp người nuôi và người tiêu dùng nhận biết các loài thuộc họ cá Pangasiidae nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long đúng quy định và chuẩn mực thương mại quốc gia và quốc tế.
Ảnh: Nhóm nghiên cứu DNA mã vạch nhận biết một số loài thuộc họ cá tra - SV Thái Vũ Khương
Khi nghiên cứu về nấm vân chi, nhóm nghiên cứu của Phan Quyên Trinh, Trần Bảo Châu, Trần Thị Huỳnh Như, Trần Thị Cẩm Tú và Lê Kiều Trinh xác định được môi trường nuôi trồng giúp tăng sinh khối và hàm lượng polysaccharide của nấm vân chi và đây cũng là cơ sở để nhóm có thể thực hiện các bước tiếp theo của đề tài.
Ảnh: Nhóm nghiên cứu thu sinh khối nấm vân chi - sinh viên Phan Quyên Trinh
Nhóm nghiên cứu của Trần Thị Kim Ngân, Bùi Lê Hoàng Ngân, Nguyễn Xuân Phượng, Võ Thị Thùy Duyên và Nguyễn Nhật Hồng Bảo Hạ lại quan tâm đến độc tố Aflatoxin là tác nhân gây ung thư được sinh ra từ một số nấm mốc Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus. Các nấm này có nhiều trong các loại ngũ cốc, nhất là đậu phộng. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra tính độc của loại vi nấm này trên chuột và đề xuất một số giải pháp trong bảo quản và sử dụng đậu phộng làm thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn.
Ảnh: Nhóm nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của Aflatoxin có trong một số mẫu đậu phộng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến cấu trúc gan chuột nhắt dòng Swiss (Mus musculus) – SV Nguyễn Xuân Phượng
Nhìn chung, các đề tài đều được Hội đồng đánh giá là có giá trị khoa học và mang ý nghĩa thực tiễn, sinh viên làm quen với nghiên cứu khoa học thể hiện hiểu biết thêm một số kiến thức chuyên ngành, kỹ năng xây dựng và sắp đặt mô hình thí nghiệm hợp lý, có khả năng làm việc nhóm hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành đề tài trong thời gian vừa học vừa nghiên cứu. Sự hướng dẫn nhiệt tình của các giảng viên ngành Công nghệ Sinh học (ThS. Cao Ngọc Minh Trang, ThS. Võ Thị Xuyến, ThS. Trần Thị Minh và TS. Trương Thế Quang) đã mang lại niềm hứng khởi cho các em sinh viên làm nghiên cứu khoa học. Sinh viên nhận thấy nghiên cứu khoa học là cần thiết và thực sự là ‘sức sống của trường đại học”.
Kết quả khá và giỏi (79,50 - 83,75) đã khích lệ sinh viên làm nghiên cứu khoa học, là trải nghiệm quý báu để các em làm việc sau khi tốt nghiệp ra trường.
Tổng kết kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Văn Lang năm 2018
1. Đề tài: Biểu hiện đáp ứng của gene Dystrophin khi tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) bị nhiễm virus gây bệnh đốm trắng
Sinh viên chủ nhiệm đề tài: Võ Trần Bảo Vy
Người hướng dẫn: TS. Trương Thế Quang
Điểm trung bình: 81.25
Xếp loại: Giỏi
2. Đề tài: Bước đầu nghiên cứu thu sinh khối nấm Vân chi (Trametes versicolor) trong môi trường dịch thể
Sinh viên chủ nhiệm đề tài: Phan Quyên Trinh
Người hướng dẫn: ThS. Cao Ngọc Minh Trang; ThS, Võ Thị Xuyến
Điểm trung bình: 79.50
Xếp loại: Khá
3. Đề tài: DNA mã vạch nhận biết một số loài thuộc họ cá tra (Pangasiidae) ở đồng bằng sông Cửu Long dựa trên vùng COI gen ty thể kết hợp với đặc điểm hình thái
Sinh viên chủ nhiệm đề tài: Thái Vũ Khương
Người hướng dẫn: TS. Trương Thế Quang
Điểm trung bình: 80.0
Xếp loại: Giỏi
4. Đề tài: Mức độ ảnh hưởng của aflatoxin có trong một số mẫu đậu phộng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đến cấu trúc gan chuột nhắt trắng dòng Swiss (Mus musculus)
Sinh viên chủ nhiệm đề tài: Trần Thị Kim Ngân
Người hướng dẫn: ThS. Trần Thị Minh
Điểm trung bình: 83,75
Xếp loại: Giỏi
Đề tài nghiên cứu khoa học là bước chuẩn bị, tập dượt để sinh viên thực hiện đồ án tốt nghiệp và theo đuổi công việc liên quan đến nghiên cứu về sau. Mong rằng, phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên khoa Công nghệ Sinh học sẽ ngày càng được mở rộng về quy mô, nâng cao chất lượng, đạt được hiệu quả giáo dục thực sự.
PGS.TS. Ngô Thị Xuyên
Phó Trưởng Khoa Môi trường và Công nghệ Sinh học