(P. TS&TT – Văn Lang, 06/3/2019) - Ngày 05/03/2019, chuyên ngành Nhật Bản học - ngành Đông phương học đã tổ chức chuyên đề “Văn hóa trang phục truyền thống Nhật Bản” giao lưu cùng GS. TS. Hatakeyama Daijiro (Trường Đại học Aichi Bunkyo) tại phòng 11.4, Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang.
GS. TS. Hatakeyama Dạiiro nhận bằng tiến sĩ từ Viện đại học Quốc học viện, chuyên ngành Văn chương. Ông làm việc tại Trường Đại học Aichi Bunkyo (Nhật Bản). Lĩnh vực nghiên cứu chính: Văn chương cổ điển, Cổ phục Nhật Bản và Văn hóa trang phục Nhật Bản.
Là tác giả cuốn sách “Theory of literature and fashion from Heian period”.
Chuyên đề hấp dẫn đã thu hút sự quan tâm, tò mò của tất cả sinh viên. Những kiến thức về trang phục truyền thống Nhật Bản được GS. Hatakeyama giới thiệu đầy đủ và phong phú bằng nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về quốc phục Nhật Bản – Kimono.
GS.TS. Hatakeyama trình bày rất chi tiết về trang phục Kimono của cả nam và nữ. Theo quan niệm của người Nhật, nét đẹp thường ẩn sâu bên trong, nên các áo khoác phần ngoài của Kimono tuy có hoa văn nhưng không đẹp, tinh xảo và đặc biệt bằng các họa tiết áo bên trong.
Kimono có nhiều loại, mặc theo 03 đợt: mùa xuân và mùa thu, mùa hè, mùa đông. Trên các Kimono đôi khi sẽ xuất hiện gia huy đại diện cho một gia tộc.
GS.TS. Hatakeyama Daijiro đặc biệt trình bày về 02 loại Kimono: Furisode và Tomesode. Furisode là Kimono dành cho người con gái thường mặc vào các dịp lễ; bộ trang phục này tỉ mỉ vì hơi nhiều hoa văn, tay áo khá dài,… Còn Tomesode là Kimono dành cho phụ nữ đã kết hôn; phần trên thiết kế đơn giản, chỉ có hoa văn phần dưới, màu sắc thường là những gam màu tối.
Tuy thời lượng buổi giao lưu có hạn, song GS.TS. Hatakeyama Daijiro đã cố gắng truyền tải nội dung phong phú về Kimono, thực hành cách mặc, gấp và cho sinh viên trải nghiệm chân thực từ việc được khoác lên bộ trang phục cầu kỳ. Cách mặc và cách gấp KIMONO thường rất phức tạp nên phải có người hỗ trợ mặc giúp. (Ảnh trái: Furisode, ảnh phải: Tomesode)
Thầy cũng giải đáp tất cả thắc mắc của sinh viên Văn Lang về văn hóa trang phục truyền thống Nhật Bản, sự khác nhau giữa Kimono với Yukata, giá thành của những bộ Kimono… Kết thúc buổi giao lưu, thầy Hatakeyama đã mời sinh viên ngành Nhật Bản học trải nghiệm khoác lên mình những bộ Kimono tinh tế - “quốc hồn quốc túy” của văn hóa trang phục truyền thống xứ sở hoa anh đào.
Thực tế, Kimono là phần kiến thức bắt buộc mà sinh viên ngành Nhật Bản học phải tìm hiểu trong các học phần về văn hóa. Tuy nhiên, cơ hội được lắng nghe truyền thụ kiến thức từ chuyên gia nước ngoài, cùng những trải nghiệm thực tế “mắt thấy, tai nghe” về văn hóa mặc của người Nhật truyền thống sẽ giúp các bạn hấp thụ kiến thức ngành học tốt hơn, hữu xạ tự nhiên hương.
Trong thời gian tới, chuyên ngành Nhật Bản học sẽ ra mắt câu lạc bộ học thuật với nhiều sinh hoạt đa dạng về văn hóa đất nước (lễ hội, ẩm thực, trang phục…), khai thác tiềm năng của ngành Đông phương học vốn đã rất hấp dẫn các bạn trẻ.
Bình Long
Ảnh: Linh Nguyễn