(P. Tuyển sinh & Truyền thông – Văn Lang, 05/3/2019) – Sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán từ 18/2/2019 đến 03/3/2019, sinh viên năm nhất ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành Trường Đại học Văn Lang mở đầu học kỳ của mình bằng một chuyến thực tập, trải nghiêm về 12 tỉnh miền tây (Mỹ Tho, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Phú Quốc, Hà Tiên, Châu Đốc, Long Xuyên, Đồng Tháp, Bến Tre) trong 7 ngày 6 đêm.
Ngày 18/2/2019, đoàn xe đưa chúng tôi khởi hành từ Trường Đại học Văn Lang - Cơ sở 2 (233A Phan Văn Trị, P.11, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM) để bắt đầu chuyến đi của mình. Lên xe, chúng tôi đều cảm giác thích thú và hồi hộp về chuyến đi sắp được trải nghiệm.
Xuôi về miền sông nước, chúng tôi được khám phá 12 tỉnh thành với nhiều điểm dừng chân là những di tích, thắng cảnh nổi tiếng. Qua mỗi tỉnh thành, chúng tôi cảm nhận rõ rệt về “cái nắng bể đầu” của miền Tây và ẩm thực của từng vùng. Đó cũng chính là cơ hội thực địa để chúng tôi được biết thêm những kiến thức mới, tuyến đường, tuyến điểm, di tích và rèn kỹ năng hợp tác làm việc nhóm cùng nhau, xử lý tình huống sao cho linh hoạt, hiệu quả.
Năm đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ, chúng tôi được thầy cô ưu tiên cho thuyết minh trên xe với những chủ đề liên quan đến chuyến đi như: cầu Mỹ Thuận, chùa Vĩnh Tràng, nhà thờ Tắt Sậy,… cũng đồng thời cho chúng tôi cơ hội học những kỹ năng mà một hướng dẫn viên cần có khi dẫn đoàn như đứng ở vị trí nào để quan sát hết hành khách một cách tốt nhất, đứng tư thế nào cho chắc chắn để không bị lung lay mỗi khi xe di chuyển nhanh hay những trò chơi hoạt náo trên xe sao cho không khí sôi động...
Chúng tôi còn được thưởng thức đờn ca tài tử Nam Bộ - dòng nhạc của dân tộc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; được ghé thăm mộ phần và khu lưu niệm của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - cha đẻ của bài “ Dạ cổ hoài lang”; được ghé thăm ngôi nhà của công tử Bạc Liêu - người nổi tiếng với nhiều giai thoại trứ danh; hay thăm miếu Bà Chúa xứ ở Châu Đốc và cùng nhau trải nghiệm cảm giác được ngồi xuồng ba lá - một đặc trưng không thể thiếu khi về miền sông nước này. Cảnh vật soi xuống dòng nước và không khí yên lành tạo cảm giác thật yên bình và thoải mái cho những ai không thích ồn ào nơi phố thị. Không chỉ được trải nghiệm thực tế và rèn những kỹ năng trên xe, chúng tôi còn được trải nghiệm “một ngày làm hướng dẫn viên" khi từng nhóm phân chia phòng, check-in, check-out khách sạn hay điểm danh các thành viên trên xe...
“Ấm áp” là những gì chúng tôi cảm nhận được trong suốt chuyến hành trình này. Cùng nhau giúp đỡ, cùng nhau hỗ trợ, cùng nhau cười nói vui vẻ như một gia đình trong suốt bảy ngày. Là những lúc thức khuya cùng nhau xem lịch trình cho ngày mai hay tán gẫu đến sáng hay một đứa cài báo thức và cả phòng cùng dậy. Chuyến đi "bắt" chúng tôi thức dậy lúc 4 giờ 30 phút sáng hay rời khỏi phòng lúc 6 giờ sáng để kéo vali từ trên lầu xuống khi thang máy của khách sạn trục trặc và chờ ăn sáng trong những cái ngáp còn dư âm đêm hôm qua.
Là những lúc đi bộ một quãng khá xa để đến được điểm tham quan và chúng tôi dành cho nhau một chiếc áo sơ mi trùm đầu hay một chiếc “ô con con” tụm năm tụm bảy để tránh cái nắng gay gắt của miền tây. Hay những lúc thay đổi nhiệt độ đột ngột như đang đi dưới tiết trời nóng bức rồi sau đó lên xe mới hiểu cảm giác một cây quạt làm mát cả “xóm” là như thế nào; hay những lúc dư âm của cái “lạnh” khách sạn khiến chúng tôi run cầm cập...
Là lúc cùng nhau trải nghiệm leo núi để tham quan ngôi mộ của Mạc Cửu - người khai sáng vùng đất Hà Tiên; tham quan “Phù Dung Cổ Tự” hay leo hơn năm mươi bậc tam cấp để tham quan Thạch Động - nơi lưu giữ dấu tích Thạch Sanh cứu công chúa và chiêm ngưỡng nàng công chúa Thủy Tề...
Vì thời gian không cho phép lưu lại lâu nên ở mỗi tỉnh, chúng tôi nghỉ chân một đêm và dạo quanh những ngôi chợ đêm sầm uất của từng tỉnh: chợ đêm Phú Quốc, chợ đêm Cần Thơ… Thời gian trên xe chiếm phần lớn trong chuyến đi, chúng tôi cảm nhận thiên nhiên qua khung kính cửa xe: những cánh đồng xanh trải dài hai bên đường, những hàng đước xanh mướt, những dòng sông xanh tĩnh lặng.
Và không thể quên ẩm thực nơi đây: ốc len xào dừa, cá kho tộ, canh chua cá, những con cá thòi lõi chiên xù,...
“Gắn kết” là khi chúng tôi cùng nhau nô đùa hay tham gia các trò chơi team building trên bãi cát trắng của hòn đảo Phú Quốc hay đêm “gala dinner” mang tên “Hành trình miền tây” đặc biệt được tổ chức cho chúng tôi với nhiều tiết mục đặc sắc do chính các bạn sinh viên chuẩn bị rất chu đáo. Cùng chung với không khí của đêm gala ấy là nhịp đập của 300 sinh viên tạo nên một hình ảnh thật tuyệt vời ở Long Xuyên.
“Kỉ niệm” là hai từ kết lại chuyến hành trình này vì chính tất cả các bạn sinh viên đã cho bản thân mình một kỉ niệm thật khó quên. Mỗi ngày mỗi kỉ niệm - khiến cho chúng ta từ những con người xa lại với nhau trở nên gần gũi như “gia đình thứ hai”. Một hành trang "sưu tầm" từ năm nhất để làm đầy chiếc balo Văn Lang.
LỜI CẢM ƠN SÂU SẮC…
Cảm ơn Văn Lang, cảm ơn Khoa Du lịch đã đưa chúng tôi - 300 con người khác nhau về tính cách, vùng miền nhưng cùng chung một ngọn lửa đam mê đó là tình yêu đối với Du lịch. Cảm ơn thầy cô và các anh hướng dẫn viên đã cho chúng tôi kiến thức và cách tiếp cận thực tế để có thêm những trải nghiệm riêng cho con đường du lịch của riêng mình. Cảm ơn các bạn K24-LH đã cùng nhau tạo nên chuyến trải nghiệm đầu tiên thật nhiều kỉ niệm và ý nghĩa.
Nguyễn Thị Phương Thanh
Sinh viên năm nhất Khoa Du lịch