TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Khóa 1 cao học ngành Công nghệ Sinh học: Một chuyến thực tập bổ ích!

(P.TS&TT – Văn Lang, 17/08/2019) - “Một chuyến thực tập bổ ích” là nhận xét của các học viên lớp Cao học khóa 1 ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang sau chuyến thực tập tại phòng Nuôi cấy mô tế bào của Công ty CP Công nghệ Sinh học Phong Lan (Long An) từ ngày 07 đến 12/8/2019.

Môn “Công nghệ Sinh học thực vật” chương trình nâng cao do TS. Vũ Thị Quyền giảng dạy cho lớp Cao học khóa 1 ngành Công nghệ Sinh học, có 38 tiết lý thuyết và 20 tiết thực hành. Đây là môn học được các học viên cao học rất yêu thích bởi tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Khi đã nắm vững kiến thức cơ bản về sinh lý thực vật và đặc tính di truyền của chúng, cũng như được trang bị kiến thức chuyên sâu về nuôi cấy mô tế bào thực vật thì việc áp dụng các kĩ thuật nuôi cấy đỉnh sinh trưởng, nuôi cấy tế bào trần và kĩ thuật chuyển gen,…hoàn toàn không khó với các học viên cao học. Đầu tháng 8 vừa qua, học viên khóa 1 ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang đã có chuyến thực hành các thao tác kỹ thuật trên một cách thành thục tại phòng Nuôi cấy mô tế bào của Công ty CP Công nghệ Sinh học Phong Lan (Long An).

Từ sáng sớm ngày 07/08/2019, dù mưa vẫn còn rả rích do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhưng nhóm học viên cao học khóa 1- ngành Công nghê sinh học - Khoa Môi trường và CNSH, Trường Đại học Văn Lang dưới sự dẫn dắt của trưởng đoàn - TS. Vũ Thị Quyền đã tập trung đông đủ tại Cơ sở 1 và hăng hái xuất phát về phía Nam thành phố, hướng đến Công ty Công nghệ sinh học Phong Lan (Ấp 1, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) để thực hiện chuyến thực tập 5 ngày phục vụ môn Công nghệ Sinh học thực vật nâng cao. Công ty Công nghệ Phong Lan có tổng diện tích 5,8 ha; trong đó dành ra 0,8 ha đầu tư cho Phòng nuôi cấy mô (vốn đầu tư lưu động cho hạng mục nuôi cấy mô gần 20 tỷ đồng, số lượng nhân công phòng mô 50 người), vườn ươm và vườn sản xuất 4,2 ha được thiết kế nhà lưới kết cấu thép chống rỉ với hệ thống tưới phun sương và phun mưa tự động.

Đúng 8 giờ, đoàn đến địa điểm thực tập và được anh Tân - Giám đốc Công ty đón tiếp chân tình. Sau khi hai bên trao đổi với nhau về mục đích, yêu cầu của chuyến thực tập, cả nhóm được dẫn vào phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tế bào thực vật. TS. Vũ Thị Quyền giới thiệu hệ thống lắc nhiều tầng áp dụng với các mẫu mới (đỉnh sinh trưởng của cây) chứa trong các erlenmeyer đang chịu tác động của môi trường dinh dưỡng trong vòng 24 giờ lắc. Các giai đoạn sinh trưởng của cây giống từ lúc vào mẫu, hình thành mô sẹo, tạo chồi, nhân sinh khối đến ra rễ đều được TS. Vũ Thị Quyền giảng giải cặn kẽ cho học viên.

vly chuyen thuc tap bo ich aGiàn lắc và mẫu giống mới

vly chuyen thuc tap bo ich a aQuan sát quá trình sinh trưởng của cây giống cấy mô (giai đoạn nhân sinh khối)

Trên cơ sở quan sát, TS. Vũ Thị Quyền giao bài tập cho từng thành viên (theo bài giảng thực hành Công nghệ Sinh học) và hướng dẫn lại cách sử dụng dụng cụ, thao tác cấy để các học viên làm theo. Sau đó, học viên chủ động tạo môi trường nuôi, chọn bình giống và dụng cụ thực hiện bài tập của mình.     

vly chuyen thuc tap bo ich bHọc viên cao học khóa 1 ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang hực hành trong phòng cấy mô

Trong suốt quá trình thực tập tại Công ty Công nghệ Sinh học Phong Lan, các học viên cao học K1-CNSH đã học được nhiều điều từ các cán bộ kĩ thuật và quản lý của phòng cấy mô, từ cách chọn mẫu giống, pha chế môi trường, cấy chuyền và các kỹ xảo khác trong quá trình thực hành tại phòng lab. Thực tế chứng minh, học viên đã thao tác một cách nhuần nhuyễn các bước kỹ thuật được học và được các anh chị phụ trách phòng lab khen ngợi.      

vly chuyen thuc tap bo ich cThành quả sau đợt thực tập trong lab của các học viên: bình môi trường ra rễ và bình giống sau cấy chuyền

 Sau khi học viên hoàn tất nhiệm vụ trong phòng lab, các bạn chuyển sang bài thực hành ngoài vườn (ra cây và cấy cây vào bầu). Tại vườn, học viên được TS. Vũ Thị Quyền giới thiệu về chức năng của vườn ươm, vườn sản xuất cũng như cách thức dưỡng cây, chuyển cây từ bình mô ra vườn ươm, rồi từ vườn ươm qua vườn sản xuất đến giai đoạn trưởng thành (ra hoa). Thực sự tất cả học viên đã làm rất khéo và thao tác thật chuyên nghiệp, không thua kém các cô bác công nhân lành nghề của vườn.

vly chuyen thuc tap bo ich dHọc viên cao học khóa 1 ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang thực hành tại vườn Công ty CP CNSH Phong Lan

Cuối đợt thực tập, lớp được TS. Vũ Thị Quyền giảng thêm về sự cần thiết phải tận dụng nguồn môi trường thải loại sau cấy mô để tạo ra sản phẩm khác có giá trị cao hơn như giá thể dinh dưỡng cho cây, phân bón sinh học và thức ăn cho cá. Cô giải thích rằng, việc đổ bỏ môi trường dinh dưỡng thạch (sau khi lấy cây giống ra) vào xe rác từ 400 – 500 kg/ngày là vô cùng lãng phí vì đây sẽ là nguồn dinh dưỡng quý cho cây trồng, vật nuôi nếu như biết xử lý đúng cách. Việc đổ bỏ này vừa gây lãng phí, vừa là nguồn phát tán bệnh (do nấm và vi khuẩn) ra môi trường xung quanh nên rất nguy hiểm. TS. Vũ Thị Quyền cũng chia sẻ kinh nghiệm này với lãnh đạo Công ty CP Công nghệ Sinh học Phong Lan và được Ban giám đốc công ty vô cùng biết ơn, ghi nhận.

vly chuyen thuc tap bo ich e


Kết thúc đợt thực tập, học viên làm bài thu hoạch theo đúng yêu cầu về nội dung và thời hạn quy định. Với khóa đầu tiên của bậc cao học ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang, các học viên đều đồng tình rằng chuyến đi thực tập thật sự bổ ích. Cảm ơn Công ty Công nghệ Sinh học Phong Lan đã tạo điều kiện tốt nhất cho lớp được thực hành, các học viên Văn Lang tin rằng sản phẩm của lớp khi phát triển sẽ là những bông hoa tươi đẹp như thế này. 

Kết thúc chuyến thực tập 5 ngày, cả Công ty Công nghệ Sinh học Phong Lan và Đoàn học viên cao học ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang đều khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác để công ty là địa điểm tin cậy cho sinh viên và học viên cao học Trường Đại học Văn Lang thực tập các môn học chuyên ngành.

 

Lê Thượng Chỉ
Học viên khóa 1 bậc cao học ngành Công nghệ Sinh học


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag