(P.TS&TT – Văn Lang, 28/10/2019) – Chiều ngày 23/10/2019, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang phối hợp với JoiKid Team tổ chức Workshop chủ đề “VR Creators – Revolution to Create Immersive Art” (tại phòng 12.3, khối nhà A, Cơ sở 3 - 69/68 Đặng Thùy Trâm, P.13, Q. Bình Thạnh, Tp. HCM).
Workshop là cơ hội cho sinh viên Mỹ thuật công nghiệp, đặc biệt là sinh viên chuyên ngành Đồ họa Truyền thông tương tác (ngành Thiết kế Đồ họa) tiếp cận gần hơn với “VR painting and animation” – công nghệ thực tế ảo còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Điểm giao đột phá giữa VR và sáng tạo nghệ thuật
Công nghệ VR (Virtual Reality – Thực tế Ảo) thông qua các sản phẩm, công cụ tích hợp sẽ mang bạn đến một thế giới ảo - nơi chỉ có mình bạn cùng toàn bộ những thành phần ảo hoá, được tạo dựng từ các ứng dụng/ thiết bị phần cứng. VR là hình thức tiếp nhận thông tin đầy đủ, tương tác cao và sẽ là một công nghệ đột phá trong giải trí và giáo dục.
ThS. HS. Đào Chí Đắc - Trưởng ngành Đồ họa Truyền thông Tương tác Trường Đại học Văn Lang nhận định, VR là công nghệ hỗ trợ vượt trội cho phép designer/ họa sĩ bước vào không gian 3 chiều dễ dàng hơn, thay vì cần dùng những thuật toán phức tạp để chuyển từ bản vẽ 2D sang 3D trước đây. Việc chuyển môi trường sáng tạo nghệ thuật từ bên ngoài vào thực tế ảo giúp phá bỏ mọi giới hạn, đẩy nhanh thời gian, giúp người nghệ sĩ có thể bước thẳng vào trí tưởng tượng và vẽ.
Ở Trường Đại học Văn Lang, Khoa Mỹ thuật công nghiệp đào tạo sinh viên rất nhiều về kiến thức, kỹ thuật (quan sát, tư duy, phân tích…); bên cạnh đó người học cần chăm chỉ cập nhật công nghệ mới, cùng thầy cô bắt kịp sức mạnh công nghệ. Với người làm nghề sáng tạo, học tập công nghệ mới cho phép designer định hướng tốt hơn cho tương lai, mở ra nhiều cơ hội làm việc và thể hiện trách nhiệm của một người trẻ với sự phát triển của nền mỹ thuật nước nhà.
Tại các nước phát triển, VR được ứng dụng trong mọi lĩnh vực: khoa học kỹ thuật, kiến trúc, quân sự, giải trí, du lịch, địa ốc… và đáp ứng nhiều nhu cầu: nghiên cứu, giáo dục, thương mại, dịch vụ, nghệ thuật, giải trí, du lịch ảo (Virtual Tour), bất động sản… Dùng VR làm công cụ, chỉ với một bước chạm màn hình của người sử dụng, các VR Creator có cả một thế giới để sáng tạo nội dung câu chuyện.
Quỳnh Đỗ - sinh viên Văn Lang đầu tiên đưa VR vào Đồ án tốt nghiệp
Sinh viên các khóa đàn em thích thú vô cùng khi Quỳnh Đỗ tiết lộ: “Gần deadline, mình tìm thấy công nghệ VR và đã mạnh dạn chia sẻ mong muốn thực hiện với giảng viên hướng dẫn là thầy Đào Chí Đắc. Dù đánh liều với thời gian nhưng bằng sự say mê và hỗ trợ thiết bị, tài nguyên nhiệt tình của team JoiKid, mình đã hoàn thành Đồ án thật đáng nhớ.” Quỳnh Đỗ là sinh viên khóa thứ 2 chuyên ngành Đồ họa Truyền thông tương tác tốt nghiệp từ Trường Đại học Văn Lang. Bạn chính là người tiên phong ứng dụng công nghệ thực tế ảo cho Đồ án tốt nghiệp: “Triển lãm trải nghiệm nghệ thuật – tương tác: WE FILL IT, TOO” tạo ấn tượng mạnh về cảm xúc và thị giác cho người xem.
Tiết kiệm nhân lực, chi phí, thời gian… là những ưu điểm vượt trội của công nghệ VR. Không còn những menu phức tạp trong các phần mềm 3D truyền thống, nhờ dùng công cụ VR, các designer có thể thoả chí vẽ và sáng tạo nội dung 3D bằng những ứng dụng như Tiltbrush VR hay Quill VR, di chuyển tự do trong không gian để vẽ 3D, tạo nên những câu chuyện tưởng tượng tuyệt vời.
VR là một đột phá mới trong ngành sáng tạo nội dung 3D, video, animation… Tiềm năng của VR rất lớn trong tương lai, đặc biệt với công nghiệp giải trí. Workshop nhỏ của Joikid đã gợi mở được những định hướng mới cho sinh viên Mỹ thuật Văn Lang, để các bạn nhận ra xu thế và đi trước thời đại. Chuyên ngành Đồ họa Truyền thông tương tác của Trường Đại học Văn Lang được mở ra từ năm 2014 và trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với các bạn trẻ đam mê Thiết kế đồ họa. Tích cực đưa định hướng ứng dụng của ngành đi sâu vào các chiều kích văn hóa dân tộc nhưng cũng nhanh chóng cập nhật các xu thế thiết kế đương đại, sinh viên chuyên ngành Đồ họa Truyền thông tương tác Văn Lang sẽ còn đạt những thành tích lớn trong tương lai.
Bích Phương
Ảnh: Nguyễn Linh