(P.TS&TT - Văn Lang, 26/11/2019) - Nhằm hoàn thiện kiến thức cho sinh viên ngành Công nghệ sinh học về lĩnh vực Chăn nuôi Thú y; ngày 15/11/2019, TS. Vũ Thị Quyền – Giảng viên phụ trách môn "Chăn nuôi thú y" Trường Đại học Văn Lang đã dẫn sinh viên K23S (năm ba) tham quan thực tập tại Trại chăn nuôi bò thịt số 9, ấp Gót Chàng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (thuộc Công ty TNHH MTV Bò sữa TP. Hồ Chí Minh).
Môn học "Chăn nuôi thú y đại cương" được ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang giảng dạy vào đầu năm ba cho sinh viên, thuộc khối kiến thức chuyên ngành Công nghệ Sinh học thực vật và động vật. Trong quá trình học tập, sinh viên các ngành kỹ thuật - công nghệ Trường Đại học Văn Lang thường xuyên được kết hợp lý thuyết và thực hành trong phòng thí nghiệm, được tổ chức kiến tập, thực tập thực tế, giúp sinh viên tăng cường trải nghiệm thực tế, phục vụ định hướng đào tạo ứng dụng.
Năm 2019, TS. Vũ Thị Quyền - giảng viên ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang tổ chức cho sinh viên tham quan kiến tập tại Trại chăn nuôi bò thịt số 9 của Công ty TNHH MTV Bò sữa Tp.HCM (ấp Gót Chàng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi). Tại Trại bò, các em sinh viên được hướng dẫn áp dụng quy chuẩn an toàn sinh học để đảm bảo an toàn cho đàn bò, được giới thiệu tổng quan về trại bò, số lượng bò nuôi, tuổi bò, quy mô chuồng trại, quy trình kỹ thuật chăm sóc bò theo từng lứa tuổi, quy trình chăm sóc bò mang thai, chế biến thức ăn cho bò và phương thức phòng trị bệnh...
Đến từng chuồng bò (bò được xếp chung với nhau theo tuổi), sinh viên được TS. Vũ Thị Quyền giảng thêm những kiến thức đã học liên quan đến sự cần thiết phải phân loại bò nuôi, tại sao phải khử sừng bò khi nuôi tập trung, thức ăn cho bò được chế biến như thế nào để phù hợp với từng lứa tuổi của bò. Đồng thời, cán bộ phụ trách Trại cũng giúp sinh viên Văn Lang hiểu thêm về công tác thú y áp dụng cho đàn bò nuôi tập trung, các ứng dụng của Công nghệ Sinh học đến thức ăn cho bò, chăm sóc thú y và xử lý chuồng nuôi.
Khảo sát thực tế trang trại bò thịt, sinh viên ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học đồng thời đặt nhiều câu hỏi cho cán bộ phụ trách trại: Tại sao không nuôi nhiều giống bò trong cùng một chuồng?, Việc ăn thức ăn ủ chua bảo quản như hiện nay có đảm bảo sức khỏe cho bò?, Nhiều con bò đi phân xấu tại sao không tách ra,...? Cùng giảng viên và người phụ trách trại, cả lớp đã có khoảng thời gian thảo luận thú vị về chuyên ngành Chăn nuôi - Thú y, hài lòng khi tìm ra những câu trả lời thuyết phục.
Sau chuyến đi, sinh viên đã viết báo cáo thu hoạch và gửi về bộ môn đúng hạn. Các bài thu hoạch xác nhận những chuyến đi như thế này thực sự bổ ích đối với sinh viên. Được học lý thuyết và được tận mắt chứng kiến cũng như trải nghiệm thực tiễn chăn nuôi tại trang trại giúp sinh viên nhớ bài nhanh và vận dụng được ngay kiến thức chuyên môn đã học vào thực tiễn. Đặc biệt, với một môn học ứng dụng Công nghệ Sinh học trong sản xuất thực phẩm an toàn, sinh viên càng thích thú và quan tâm.
Mỗi chuyến đi thăm quan thực tế cũng là dịp để Cô và Trò Trường Đại học Văn Lang thêm hiểu và gần gũi nhau hơn; là cơ hội để các thành viên trong lớp có điều kiện hiểu và quan tâm đến nhau, tăng cường tình đoàn kết, giúp sinh viên biết gắn bó, thương yêu và giúp đỡ nhau trong học tập cũng như cuộc sống.
Ngành Công nghệ Sinh họcTrường Đại học Văn Lang đào tạo theo hướng ứng dụng thuộc 3 lĩnh vực: Công nghệ thực phẩm, Nông nghiệp Công nghệ cao, CNSH ứng dụng trong Y-Dược.
Sinh viên được học 18 môn thực hành và 2 môn tin học ứng dụng tại 3 phòng thí nghiệm (PTN) hiện đại: PTN CNSH thực vật và động vật, PTN Công nghệ vi sinh, PTN CNSH thực phẩm. Vào mỗi học kỳ, sinh viên được tham quan, kiến tập 8 đợt tại các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất, bệnh viện, phòng xét nghiệm, viện nghiên cứu tại Tp. HCM và thực tập chuyên ngành cuối khoá 1 tuần tại Bảo Lộc và Tp.Đà Lạt.
Nguồn: TS. Vũ Thị Quyền
Giảng viên ngành Công nghệ Sinh học