(P.TS&TT – Văn Lang, 13/12/2019) - Ngày 08/12/2019, hơn 800 sinh viên Khoa Kinh doanh Thương mại và Khoa Quản trị Kinh doanh đã được tham dự một hội thảo vô cùng ấn tượng với chủ đề “Việt Nam trong quá trình Hội nhập Kinh tế Quốc tế” tại hội trường C002 – Cơ sở 2, Trường Đại học Văn Lang (233A Phan Văn Trị, Phường 11, Bình Thạnh, Tp. HCM).
Hội thảo có sự hiện diện của hai trong số những diễn giả uy tín nhất thành phố Hồ Chí Minh về kinh tế Việt Nam và Hội nhập: Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế Tp. HCM và ông Vũ Xuân Hưng, Trọng tài viên, Luật sư, Phó phòng Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – chi nhánh Tp. HCM.
Tại Hội thảo, sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh và ngành Kinh doanh Thương mại Trường Đại học Văn Lang đã có cơ hội tìm hiểu những diễn biến mới nhất về tình hình hội nhập các hiệp định thương mại thế hệ mới của Việt Nam, tìm hiểu những quan điểm đa chiều liên quan đến lợi ích, thời cơ và thách thức đến từ những hiệp định mới ký kết, về vị thế Việt Nam trong cuộc căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Ngoài ra, hai diễn giả khuyến khích sinh viên trao đổi, gửi gắm niềm tin vào thế hệ sinh viên năng động, có khả năng đưa doanh nghiệp Việt Nam tiến lên trên thị trường quốc tế. Với những kiến thức này, nếu sinh viên chỉ tham khảo qua giáo trình và bản tin đa dạng trên các phương tiện truyền thông thì không thể nào lĩnh hội chi tiết và sống động như vậy được.
Mở đầu Hội thảo, ông Phạm Bình An - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế Tp. HCM - tổng kết chặng đường hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam với nhiều thông tin giá trị liên quan đến các khía cạnh tăng trưởng kinh tế và sự chuẩn bị thể chế của Việt Nam, một bước đệm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tiến ra sân chơi thế giới. Với lối diễn đạt súc tích, dễ hiểu, ông Bình An đi từ những kiến thức cơ bản cho đến thực tiễn hội nhập. Cụ thể, bức tranh Hội nhập Kinh tế quốc tế của Việt Nam đi từ song phương đến đa phương, trong đó WTO là hiệp định đa phương lớn nhất cho thấy Việt Nam đang hội nhập rất sâu trên thương trường quốc tế. Tính đến 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đã đạt hơn 500 tỷ đô-la, hơn gấp đôi quy mô GDP, giúp cho Việt Nam trở thành một trong bảy nước có độ mở lớn nhất về thương mại thế giới.
WTO hiện đang có 164 thành viên, đưa ra những nền tảng chung về chính sách tự do thương mại, luật chơi bình đẳng trên thế giới, không phân biệt nước lớn nước nhỏ, yêu cầu các thành viên phải thực thi đầy đủ các cam kết gia nhập. Tuy nhiên, theo đúng lộ trình, ngày 31/12/2018, các nước sẽ cam kết công nhận Việt Nam có quy chế nền kinh tế thị trường, sự công nhận quan trọng đối với thể chế, quan hệ nhà nước – thị trường đối với nền kinh tế, trong đó Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu giữ vị trí quan trọng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa được công nhận điều này, tương tự như trước đây Trung Quốc vượt mốc thời điểm phải công nhận là ngày 26/11/2016.
Tác động khi gia nhập WTO được nhận thấy rõ ràng nhất thông qua các khía cạnh: xây dựng thể chế cơ bản về thương mại và kinh doanh theo thông lệ chung, tạo nền tảng tiếp tục tham gia/hội nhập sâu vào các FTA, duy trì một nền kinh tế mở.
Hội nhập sâu rộng cũng phần nào bộc lộ những điểm yếu kém của nền kinh tế. Năm 2009, GDP tăng trưởng của Việt Nam, là trên dưới 6%, đến hiện nay mới gần 7%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu của quốc gia tăng trưởng rõ rệt. FDI thu hút 71 tỷ USD nhưng giải ngân 11 tỷ USD (2008). Sau khi gia nhập WTO, khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn giải ngân đã không còn chênh lệch đáng kể. Hiện nay, vòng đàm phán Doha từ 2001 về nông nghiệp, phi nông nghiệp, rào cản, phi thuế quan đang bị bế tắc do bất đồng về lợi ích của các quốc gia phát triển và đang phát triển. Điều này gây khó khăn cho tiến trình phát triển chung và tạo điều kiện cho các hiệp định cấp độ nhỏ hơn nở rộ trong thời gian qua.
Với ông Vũ Xuân Hưng, Trọng tài viên, Luật sư, Phó phòng Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – chi nhánh Tp. HCM, hiện nay Việt Nam đang hội nhập thông qua 16 hiệp định thương mại tự do. Trong đó, 12 hiệp định đã có hiệu lực và 3 hiệp định đang đàm phán, 1 hiệp định lớn vừa ký kết (EVFTA) nhưng chưa thông qua. Có thể thấy rằng Việt Nam đã tham gia từ ASEAN đến ASEAN + Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand cấp khu vực cho đến các khối lớn (Liên minh kinh tế Á – Âu), CPTPP (trừ Hoa Kỳ) và Cộng đồng chung Châu Âu – tất cả các nước kinh tế năng động nhất trên thế giới. Giai đoạn đàm phán ký kết đã cơ bản hoàn tất, vấn đề còn lại là thực thi hiệu quả.
Đặc biệt, Hiệp định quan trọng CPTPP là kỳ vọng lớn của Việt Nam nhưng cơ chế chọn – bỏ đặt ra sức ép cải cách và đàm phán, theo nguyên tắc “chỉ tiến, không lùi”. Vấn đề sở hữu trí tuệ ban đầu phức tạp nhưng giờ đã rút xuống còn 11 điều khoản. Tuy nhiên, vấn đề cam kết lao động ngặt nghèo cần thực thi một cách thông minh.
Riêng Hiệp định thương mại tự do VN – EU rất có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu sang EU vì hiện nay Việt Nam đang xuất siêu. EU là một cộng đồng văn minh nên yêu cầu mức độ thực thi cao. Một số nội dung chính còn đặt yêu cầu cao hơn nhiều so với CPTPP. Tuy Việt Nam trở thành 1 trong 7 nền kinh tế có độ mở về hội nhập kinh tế thế giới nhưng chúng ta phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, thành phần được hưởng lợi nhiều nhất: 3% số lượng nhưng với 70% kim ngạch xuất nhập khẩu; do đó câu chuyện thu hút FDI cần được các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Việt Nam xem xét thận trọng hơn.
Về đối tác thương mại, Việt Nam đang xuất siêu vào Hoa Kỳ và EU nhưng lại nhập siêu vào Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Sau khi ký hiệp định thương mại với Việt Nam, doanh nghiệp Hàn Quốc đã nhanh chân chiếm lĩnh thị trường và hiện nay xuất siêu vào Việt Nam cao hơn cả Trung Quốc. Việt Nam đang nhập rất nhiều nguyên phụ liệu từ Châu Á để xuất vào các nước EU, Mỹ. Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới là nước chuyên gia công với giá trị thu được lại rất khiêm tốn trong quan hệ chuỗi cung ứng toàn cầu. Về lý thuyết, việc giảm thuế dẫn đến xuất khẩu tăng nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được vì tiêu chuẩn ngày càng cao. Ông Hưng cũng chia sẻ những góc khuất trong căng thẳng thương mại Trung Quốc – Hoa Kỳ, những nguy cơ mà Việt Nam đang phải đối mặt cũng như một số quan điểm chưa đúng về lợi ích của Việt Nam trong ván cờ của hai nước lớn.
Phần quan trọng trong phần trình bày của ông Vũ Xuân Hưng nằm ở chỗ ông đã hướng dẫn cho các giảng viên Khoa Kinh doanh Thương mại và Khoa Quản trị Kinh doanh cùng với sinh viên Trường Đại học Văn Lang cách tra cứu biểu thuế, nắm bắt xu hướng và lộ trình miễn giảm thuế của các thị trường lớn, các hiệp định song phương, đa phương dành cho Việt Nam. Những kiến thức này sẽ giúp cho giảng viên đào sâu chuyên môn, giúp sinh viên tăng sức cạnh tranh khi bước vào thị trường lao động.
Phần cuối buổi hội thảo là một cuộc trò chuyện chân thành, cụ thể về những trăn trở của các chuyên gia kinh tế về tương lai hội nhập của Việt Nam, về cách thức cạnh tranh trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi. Đặc biệt, hai diễn giả đã dành phần lớn thời gian hướng dẫn sinh viên nâng cao năng lực, rèn luyện tác phong, bồi dưỡng kiến thức – kỹ năng – thái độ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hội thảo kết thúc nhưng dư âm vẫn còn đọng lại trong mỗi người tham dự, nhất là các bạn sinh viên Văn Lang. Hy vọng, các em sẽ hiểu được rằng con đường hội nhập kinh tế của Việt Nam cũng gắn liền với con đường sự nghiệp của bản thân mình.
Nguyễn Thị Nhung
Ảnh: Lê Hướng Dương