TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Chương trình âm nhạc "Khúc Dân Ca" – hồn Việt lan tỏa Văn Lang

(P. TS&TT - Văn Lang, 15/02/2020) - Những làn điệu dân ca thắm đượm tình quê, chất chứa nỗi niềm yêu thương sâu lắng các giá trị xưa cũ hòa quyện cùng những vần thơ nhẹ nhàng, phản ánh chân thật về đời sống xã hội đã được các nghệ sĩ gạo cội trong nhóm nhạc Đông Kinh cổ nhạc cùng nhà thơ Nguyễn Duy biểu diễn trong chương trình âm nhạc "Khúc Dân Ca" vào tối ngày 27/12/2019 tại Hội trường N2T1 - Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang (69/68 Đặng Thùy Trâm, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM).

Chương trình “Khúc Dân Ca” tại Trường Đại học Văn Lang là cuộc giao lưu văn học - nghệ thuật, một hội ngộ tự nhiên giữa ca nhạc truyền thống và thơ đương đại, được thành tựu từ cuộc chơi thơ ngẫu hứng của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc (Hà Nội) và nhà thơ Nguyễn Duy. Thi phẩm của nhà thơ Nguyễn Duy được diễn tấu trong thanh âm và điệu thức của nhiều bộ môn ca nhạc cổ truyền Việt Nam (Tuồng, Chèo, Ca Trù, hát Chầu Văn, Hát Xẩm) và chính nhà thơ cũng hiện diện để đồng tấu cùng các bạn nhạc của mình. Chương trình đã được thực hiện thành công tròn 5 năm nay, tại Trung Tâm Văn Hoá Phố Cổ Hà Nội, Trung Tâm Văn Hoá Pháp tại Hà Nội, một số trường Đại học ở Hà Nội, Sài Gòn, và Huế.

Cùng với nhà thơ Nguyễn Duy, nhóm nhạc Đông Kinh cổ nhạc là hợp thành của những nghệ sĩ gạo cội như NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần, NSND Minh Gái, NSƯT Văn Chính, NSƯT Tú Đạt, NSUT Đức Mười, NSƯT Kiều Oanh, Nghệ sĩ Thế Quang, Nghệ sĩ Hiền Thảo, Nghệ sĩ Trung Dũng, Nghệ sĩ Hải Đăng. Họ là những người mang nhiều tâm huyết gìn giữ, phát huy và truyền lại cho con cháu đời sau những giá trị văn hóa dân gian của dân tộc trong thơ và âm nhạc truyền thống.

Chương trình được Câu lạc bộ Văn học - Nghệ thuật của Trường Đại học Văn Lang phối hợp với ngành Văn học Ứng dụng tổ chức với mong muốn đem nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả đương thời, đặc biệt với các bạn sinh viên, giúp các bạn cảm nhận và hiểu rõ hơn những giá trị văn hoá Việt trong hành trình tiếp nối và tiếp biến từ Xưa đến Nay.

vlu khuc dan ca aMở đầu chương trình, TS. Hồ Quốc Hùng - Phó Trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Văn Lang cho rằng: Thơ và nhạc truyền thống là những giá trị văn hoá bản sắc gốc của mỗi dân tộc. Người ta nói tiếng lòng bằng ngôn ngữ của thơ và diễn tả nỗi lòng bằng thanh âm của nhạc. Thơ và Nhạc luôn song hành trong lịch sử văn hoá Á Đông từ xa xưa. Có lẽ hiếm có một đất nước nào yêu chuộng thơ ca như ở Việt Nam, từ những con người bình dị đến những nhân tài đất nước không ai không được nuôi dưỡng từ những nguồn suối văn hóa ấy của dân tộc. Theo TS. Hồ Quốc Hùng, ca dao dân ca đã hòa vào máu của các nhà thơ, rồi đến lượt họ lại "nhả tơ" bằng thơ ca để nuôi dưỡng nguồn suối bất tận ấy, như Nguyễn Du với Lẩy Kiều, Ngâm Kiều; thơ của Nguyễn Công Trứ đóng góp lớn cho thể hát nói của Ca Trù; thơ của Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải trong hát Xẩm, hát Ả Đào; thơ của Ưng Bình Thúc Giạ Thị trong Ca Huế… đều cùng một lối sống, một quy trình vừa sáng tác, vừa bảo lưu, vừa nuôi dưỡng, vừa thưởng thức. Dòng chảy bất tận ấy đã chảy vào tâm hồn của dân tộc và để lại di sản cho con cháu muôn đời. Những giá trị của thơ ca đã vượt ra khỏi phạm vi đất nước và được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể như Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Đờn ca Tài tử... TS. Hồ Quốc Hùng gửi lời cám ơn đến các nghệ sĩ của nhóm Đông Kinh cổ nhạc và nhà thơ Nguyễn Duy đã đem đến cho toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và đặc biệt là sinh viên Trường Đại học Văn Lang một chương trình âm nhạc hết sức ý nghĩa và giá trị.

Tiếp lời TS. Hồ Quốc Hùng, PSG. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang xúc động khi các nghệ sĩ gạo cội của nhóm Đông Kinh cổ nhạc và nhà thơ Nguyễn Duy đã đến để biểu diễn cho tập thể Nhà trường và sinh viên được thưởng thức một chương trình ý nghĩa. PSG. TS. Trần Thị Mỹ Diệu gửi lời cảm ơn đến tất cả nghệ sĩ vì đã là những "truyền nhân" lưu giữ, phát huy, truyền lại những giá trị truyền thống của dân tộc cho giới trẻ hiện nay, cô mong rằng chương trình không chỉ được biểu diễn trong nước mà còn lan rộng đến các nước trên thế giới để thơ ca dân gian Việt Nam được biết đến và bảo tồn.

Các nghệ sĩ cùng nhà thơ Nguyễn Duy đã lần lượt biểu diễn các tiết mục: Khúc dân ca, Về Làng, Đánh thức tiềm lực, Xẩm Ngọng, Xin đừng buồn em nhé, Đò lèn, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa... Sự kết hợp hoàn hảo của thơ và ca đã mang đến những cảm xúc khó tả cho người xem, khi người nghệ sĩ đắm chìm trong không gian âm nhạc, trong sự tĩnh lặng của người nghe. Sự bình dị của làng quê Việt Nam, sự giản dị chịu thương chịu khó của người mẹ, người phụ nữ Việt Nam được miêu tả chân thực qua từng câu hát, giọng thơ của những nghệ sĩ gạo cội.

Ngoài miêu tả vẻ đẹp bình dị của quê hương đất nước, hình ảnh thân thương của người phụ nữ Việt Nam, người mẹ nhân hậu gian khổ lo lắng cho các con, nhà thơ Nguyễn Duy và các nghệ sĩ Đông Kinh cổ nhạc còn phản ánh các vấn đề về cuộc sống hiện đại qua tiết mục "Thách thức" và "Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ". Các nghệ sĩ mượn lời hát, bài thơ phản ánh tình trạng con người đang dần hủy hoại môi trường, chặt phá rừng, xả rác ra biển, thải khí độc từ các nhà máy công nghiệp,... khiến nhân loại gánh chịu nhiều thiên tai như thủng tầng ozon, bão lụt triền miên, nước biển dâng cao... Những phản ánh đó cho thấy người nghệ sĩ tâm huyết, mong muốn kết hợp những giá trị âm nhạc xưa vào những vấn đề nóng hổi của xã hội ngày nay, đem đến cho người trẻ nhận thức mới về những giá trị văn hóa dân tộc và gìn giữ môi trường sống tự nhiên.

khuc dan ca 2019 aChương trình "Khúc dân ca" mang đến cho cán bộ - giảng viên - nhân viên và sinh viên Trường Đại học Văn Lang những cung bậc cảm xúc khó tả khi tiếng lòng của thơ và vẻ đẹp của giai điệu cùng lời ca hòa quyện trong không gian ấm cúng.

Nhạc cụ hỗ trợ là phần không thể không nhắc đến cho thành công của chương trình. "Khúc dân ca" không hề sử dụng bất kỳ thiết bị điện tử hiện đại nào để hỗ trợ âm thanh cũng như giọng hát cho nghệ sĩ, tất cả nhạc cụ đều là những loại thô sơ, mộc mạc, đơn giản của Việt Nam: trống, bộ gõ, sáo, đàn Bầu, đàn Cò, đàn Nguyệt... Người nghệ sĩ chơi đàn tài năng đã khai thác triệt để công năng của nhạc cụ để hỗ trợ giọng đọc của nhà thơ, giọng hát của người nghệ sĩ, mang đến những cảm xúc chân thật cho khán giả thưởng thức chương trình. 

khuc dan ca 2019Không sử dụng thiết bị điện tử hỗ trợ, chương trình "Khúc dân ca" sử dụng những nhạc cụ thô sơ nhất như: trống, bộ gõ, đàn Bầu, đàn Nhị..., tôn vinh nét đẹp giản dị, trong sáng của các thể loại âm nhạc và thơ ca truyền thống.

Trong khán phòng ấm cúng của Hội trường N2T1 - Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang, tất cả khán giả chăm chú lắng nghe chương trình. Dường như rất lâu rồi, những điệu hò quen thuộc đã từng nghe qua lời ru của bà, của mẹ từ thuở ấu thơ nay được mọi người nghe lại qua giọng hát mượt mà, tình cảm của các nghệ sĩ, lay động những điều bình dị, thân quen, gần gũi ấy trong kí ức mỗi người. Những tràng vỗ tay sau phần trình diễn của nhà thơ Nguyễn Duy và nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc minh chứng cho sự đồng cảm của khán giả với những giá trị truyền thống của dân tộc, hiện tại và mai sau.

Sau khi thưởng thức đêm nhạc, bạn Nguyễn Ngọc Nhã Trâm - sinh viên năm 2 ngành Văn học ứng dụng Trường Đại học Văn Lang đã chia sẻ trên Facebook cá nhân: "Chương trình Khúc Dân Ca - sự kết hợp mới giữa thơ và âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Không cần hiện đại, không cần tráng lệ, những vẫn không thiếu trang trọng, không kém hấp dẫn. Cảm ơn Trường Đại học Văn Lang đã mang đến cho sinh viên một đêm nhạc thật tuyệt vời."

vlu khuc dan ca fKhán giả xúc động và dành nhiều tràng vỗ tay cho phần trình diễn của nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình "Khúc dân ca" (Trường Đại học Văn Lang, 29/12/2019)

Kết thúc chương trình, TS. Nguyễn Đắc Tâm - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Văn Lang thay mặt lãnh đạo trường gửi lời cảm ơn đến Khoa Xã hội và Nhân văn, ngành Văn học ứng dụng đã đưa ra sáng kiến tổ chức một chương trình vô cùng ý nghĩa. Đây thực sự là buổi biễu diễn có một không hai mà thầy trò Trường Đại học Văn Lang được thưởng thức trong năm nay. TS. Nguyễn Đắc Tâm vô cùng cảm kích vì từ thủ đô Hà Nội xa xôi, đoàn nghệ sĩ gạo cội đã vào Thành phố Hồ Chí Minh để biểu diễn cho sinh viên. Ông mong rằng những hoạt động này sẽ được nhân rộng, trở thành một điểm nhấn trong hoạt động giảng dạy và học tập của ngành Văn học ứng dụng Trường Đại học Văn Lang, góp phần cổ vũ giới trẻ bảo vệ văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

khuc dan ca 2019 bTS. Nguyễn Đắc Tâm - Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Văn Lang cảm ơn nhà thơ Nguyễn Duy và các nghệ sĩ nhóm Đông Kinh cổ nhạc đã đem đến một đêm nhạc ý nghĩa.

Trước làn sóng văn hóa đa dân tộc, trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện thông tin và truyền thông, việc giáo dục văn hóa nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ hiện nay ít nhiều bị lu mờ. Chương trình âm nhạc Khúc Dân Ca đã đánh thức tình yêu đối với âm nhạc truyền thống nơi các bạn sinh viên trong hành trình hướng về cội nguồn văn hóa Việt. Đặc biệt, với sinh viên ngành Văn học ứng dụng, đây là hoạt động thiết thực trong hành trình đại học của các bạn tại Trường Đại học Văn Lang.

Bài: Hoàng Luân
Ảnh: Thành Nhân 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag