TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Seminar online cho sinh viên Trường Đại học Văn Lang: “Thiết kế cuộc sống theo cách của bạn"

(P.TS&TT – Văn Lang, 03/04/2020) – Tiếp nối thành công của các Seminar online kỹ năng cho sinh viên, tối ngày 01/04/2020, Fanpage Trường Đại học Văn Lang tiếp tục chia sẻ đến cộng đồng sinh viên Văn Lang những kỹ năng được dự đoán cần thiết cho tương lai qua Seminar: “Tailor your life zone - Thiết kế cuộc sống theo cách của bạn”.

Tại Trường Đại học Văn Lang, Tổ chức Lead The Change tham gia tổ chức một số các chuyên đề hữu ích giúp các bạn trẻ phát triển bản thân ngay trên ghế giảng đường đại học. Tiếp nối các chủ đề về Tư duy Phản biện, Tư duy Tích cực, Lead the Change phối hợp với Trường Đại học Văn Lang tiếp tục mang đến cho sinh viên những kiến thức và công cụ mới để "Thiết kế cuộc sống theo cách của bạn - Tailor your lifezone" một cách tự chủ và hiệu quả. Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện chuyên đề của Lead The Change phối hợp cùng các trường đại học, nhằm trao kiến thức và truyền động lực cho các bạn trẻ trên hành trình khám phá và phát triển bản thân.

vlu thiet ke cuoc song aSeminar online: “Tailor your life zone - Thiết kế cuộc sống theo cách của bạn” được tổ chức bởi Trung tâm Phát triển Năng lực Sinh viên Trường Đại học Văn Lang và Cộng đồng Lead The Change, với 2 khách mời trẻ trung và tài giỏi: Anh Huỳnh Công Thắng - CEO & Co Founder Innolab Asia; Founder Lead The Change; Chị Thi Anh Đào - CEO Isobar Vietnam.

Làm sao để xác định mục tiêu cuộc đời?

Mở đầu seminar, anh Huỳnh Công Thắng đặt câu hỏi cho các bạn sinh viên trước khi bắt đầu đi tìm câu trả lời cho việc Làm sao xác định mục tiêu cuộc đời: “Hãy tưởng tượng bản thân mình vào 70, 80 tuổi, nhìn lại cuộc đời và nhắm mắt lại, cảm nhận thử mình có đang hạnh phúc hay không? Và có thấy vui với những gì mình đã trải qua trong cuộc sống hay không?”

Mượn lời của chính trị gia người Mỹ - Benjamin Franklin: “Phần lớn mọi người đã chết ở tuổi 25, chỉ có điều đến 75 tuổi mới được chôn mà thôi”, anh nói về việc thực sự sống hay tồn tại của con người: "Thiết kế cuộc đời là việc bạn đi tìm lý do tại sao bạn sống trên đời và sống với mục đích gì, bạn có thật sự sống có ý nghĩa với gia đình và cho xã hội không?".

vlu thiet ke cuoc song bChị Thi Anh Đào chia sẻ: “Có nhiều bạn trẻ ngày nay cho rằng chỉ cần sống từ ngày này qua ngày khác là đủ. Nhưng liệu có thể sống yên được không, điển hình là trong thời điểm hiện tại dịch Covid-19 gây cản trở rất nhiều đến cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, câu chuyện thiết kế cuộc đời ở đây là ngoài việc bạn đặt ra cho mình một mục tiêu lớn để đạt được thì bạn cần biết cách thiết kế và thiết kế một cách uyển chuyển để thích ứng với cuộc sống; trang bị cho mình năng lực để mình sống cuộc đời mình mong muốn bất kể như thế nào, quan trọng nhất là bạn làm được điều bạn muốn!

Chia sẻ thêm về hiện tại của mình với một tinh thần vô cùng lạc quan và tươi trẻ, chị Thi Anh đào cho biết: "Lúc 5 tuổi Đào muốn trở thành kỹ sư, lên lớp 9 thì muốn làm nhà thiết kế thời trang; lên lớp 11, 12 thì Đào thần tượng cô Tôn Nữ Thị Ninh và muốn trở thành nhà ngoại giao, sau đó Đào đã thực hiện được và trở thành sinh viên Học viên Ngoại giao. Qua nhiều trải nghiệm, Đào nhận ra là đối ngoại doanh nghiệp vui hơn và Đào theo đuổi kinh doanh mảng Quảng cáo và Truyền thông đến bây giờ. Có thể rút ra rằng, cứ trải nghiệm, trải qua nhiều biến cố và từ từ bạn sẽ nhận ra được lẽ sống của cuộc đời."

vlu thiet ke cuoc song dMô hình Ikigai – Quan niệm của người Nhật về lẽ sống.

vlu thiet ke cuoc song cAnh Huỳnh Công Thắng chia sẻ về mô hình Ikigai: "Trên lý thuyết, mình sẽ xác định được mục tiêu cuộc đời nếu tìm được điểm giao giữa: điều mình thích và mình có năng lực để thực hiện + điều xã hội cần. Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều vấn đề phát sinh, điều mình thích nhưng mình không giỏi, điều mình giỏi thì xã hội lại không cần, điều xã hội cần thì mình không thích? Bởi vì ba tập hợp kia không phải lúc nào cũng giao nhau và không phải ai cũng tìm được tập hợp của điều mà mình giỏi và mình thích. Vì vậy các bạn trẻ đang loay hoay trong hành trình đi tìm mục tiêu của đời mình." 

Anh cho biết anh từng bị mất phương hướng khi đi tìm lẽ sống và chính mô hình Ikigai đã giúp anh tìm lại được chính mình: “ Các bạn hãy trả lời cho 4 câu hỏi: Điều bạn thích? Thứ bạn giỏi? Thế giới cần gì ở bạn? Bạn có thể được trả tiền để làm gì? Hãy viết ra câu trả lời của mình và nhìn lại, suy ngẫm và viết lại thêm nhiều lần để bổ sung thêm những điều bạn mới phát hiện từ bản thân cho mô hình Ikigai của mình. Và Ikigai sẽ thay đổi theo thời gian, sau mỗi chuyến đi hay trải nghiệm, từ đó lẽ sống của mỗi người sẽ rộng hơn và bạn sẽ biết được mình sinh ra để làm gì cho xã hội”.

Đam mê là gì?

"Đam mê giống như tình yêu thuần khiết" – Chị Thi Anh Đào đã từng viết như vậy trong cuốn sách của mình Nhìn. Hỏi. Rồi nhảy đi!: “Trong tình yêu, bạn chọn yêu một người vì nhiều lí do, có thể anh ấy đẹp trai, hay có người thì hay dẫn mình đi ăn, hay có người thường làm bài tập giúp mình… Nhưng cuối cùng tình yêu thuần khiết là khi một người không cần làm gì hết nhưng vẫn muốn ở bên cạnh. Đam mê cũng như một tình yêu thuần khiết, cho dù việc đó không lấp lánh hào quang nhưng bạn vẫn hạnh phúc với công việc đó và cảm thấy cuộc sống đáng giá thì đó gọi là đam mê. Đừng đi tìm đam mê, hãy trải nghiệm nhiều công việc và từ đó nhận ra đâu là đam mê của mình. Khi cố gắng đi tìm, bạn sẽ dễ chịu tác động từ người khác và đi theo một hình mẫu nào đó theo số đông”.

Đam mê là điều giao giữa Điều bạn thích và Thứ bạn giỏi. Dưới góc nhìn từ một người học về Tư duy thiết kế, anh Huỳnh Công Thắng chia sẻ: “Nếu nói mình yêu thích một công việc mà không quan tâm và đầu tư nghiên cứu vào công việc đó thì chưa gọi là yêu thích. Việc đầu tiên các bạn nên làm là đặt sự chú ý của mình vào công việc đó, tự làm và nghiên cứu. Mô hình áp dụng khi bạn học một kỹ năng mới là: Lập kế hoạch (Plan) – Thực hiện (Do) – Đánh giá (Evaluate) - Cải thiện (Improve) – (Tán thưởng) Reward. Cảm giác chia sẻ về một việc bạn rất giỏi mà bạn đã đầu tư một cách vất vả để có thể làm được công việc ấy, từ đó nhận được tán thưởng từ mọi người, khi đó bạn có thể tự hào nói rằng đó là đam mê của tôi.”

Kỹ năng cần có để hội nhập

Thời đại 4.0 đòi hỏi sinh viên phải trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng để hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Bản thân mỗi người không chỉ nhìn vào bản thân mình có gì mà phải nhìn ra Thế giới đang cần gì để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Trong chương trình, hai khách mời đã chia sẻ cho sinh viên Văn Lang về bộ kỹ năng cần có trong thời kỳ hội nhập.

vlu thiet ke cuoc song i16 kỹ năng cần có cho trong thể kỷ 21, tương ứng với 3 bộ kỹ năng: Kỹ năng nền – Kỹ năng để cạnh tranh – Kỹ năng tính cách.

Chị Thi Anh Đào nhấn mạnh: "Để hội nhập, các bạn cần tập trung phát triển bộ Kỹ năng cạnh tranh: Sáng tạo, Giao tiếp, Hợp tác và Tư duy phản biện. Thế hệ Gen Z sáng tạo và tư duy phản biện rất tốt, nhưng thiếu kỹ năng quan sát và hiểu người khác, tạo ra một rào cản trong giao tiếp. Các bạn trẻ cần trau dồi khả năng tìm hiểu đối tác dưới nhiều góc nhìn đa dạng, không nên quy chiếu người khác từ góc nhìn của bản thân, từ đó phát huy tối đa sự hợp tác trong công việc."

Anh Huỳnh Công Thắng rất ủng hộ ý kiến trên và đưa ra lời khuyên về một vấn đề mà giới trẻ hay gặp phải: "Các bạn trẻ rất hay đưa ra nhận xét khi gặp phải một vấn đề, nhưng điều các bạn cần lưu ý là bạn đã xem xét và tìm hiểu chính xác một luồng thông tin trước khi chia sẻ về vấn đề đó hay chưa, vô hình chung vấn đề đó lặp lại nhiều lần và làm giảm uy tín của bạn. Trong thời đại này, chắc chắn thông tin anh chị chia sẻ đến các bạn sẽ dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội, nhưng với những trải nghiệm của anh chị ngày hôm nay, anh mong các bạn biết kết hợp thông tin các bạn có và phân tích thông tin để đưa ra những ý kiến phản biện giúp nâng cao uy tín của cá nhân. Để khẳng định giá trị của bản thân đối với xã hội, các bạn hãy thử trả lời câu hỏi: Mình là ai khi mình đứng một mình, không làm việc cho một đơn vị tổ chức nào hay không còn là sinh viên một trường đại học nào?”

vlu thiet ke cuoc song f Hành trình định vị bản thân và quá trình 4 năm.

Ở cuối chương trình giao lưu, một bạn sinh viên tên An Nguyễn gửi đến một câu hỏi mà hầu như các bạn sinh viên đang loay hoay tìm câu trả lời: “Trong giai đoạn dịch Covid-19 cách ly toàn xã hội, tất cả dự định trong năm mới của em đều bị hoãn lại hoặc thậm chí có thể không thực hiện được. Anh chị có thể tư vấn cho em cách thiết kế cuộc sống khi mà phải chịu quá nhiều tác động của ngoại cảnh?”

Chị Thi Anh Đào hỏi ngược bạn An Nguyễn: “Để trả lời câu hỏi của em, chúng ta quay lại các câu hỏi mà chúng ta đã đặt từ suốt chương trình: Em muốn em làm được gì trong giai đoạn này? Mục tiêu của em và những thứ em cần để thực hiện được mục tiêu? Thật ra không phải ai cũng có thể trải nghiệm được cuộc sống trong một cơn đại dịch. Đây là cơ hội để em có thời gian chuẩn bị thật tốt cho những dự định sắp tới của bản thân và ngay sau dịch em có thể thực hiện ngay mà không cần thêm nhiều thời gian để chuẩn bị."

Anh Huỳnh Công Thắng nói sâu hơn về vấn đề học online: "Đây là thời gian để em có thể sống chậm lại, và nhìn lại thời gian qua em đã dành bao nhiêu % sự chú tâm cho các hoạt động của mình. Giai đoạn này có rất nhiều nguy cơ, nhưng trong nguy sẽ có cơ hội dành cho những ai biết hành động”.

Buổi seminar online tuy ngắn gọn nhưng đã giúp sinh viên Văn Lang có thể kết hợp mô hình Ikigai với mô hình Định vị bản thân. Các học phần về Kỹ năng của Trường Đại học Văn Lang sẽ từng bước giúp sinh viên trau dồi những kỹ năng thiết yếu qua các buổi Seminar online, các bạn sinh viên hãy đón xem các số livestream tiếp theo để cùng trao đổi với các khách mời uy tín, cũng là một cách tận dụng thời gian học tập tại nhà để phát triển bản thân.

 

Tuệ Khánh


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag