TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Hội thảo “Fashion Career Talk” – định hướng nghề nghiệp cho sinh viên Thiết kế Thời trang

(P.TS&TT – Văn Lang, 01/6/2020) - Chiều ngày 29/05/2020, Trường Đại học Văn Lang hợp tác cùng Style-Republik và SR Fashion Business School tổ chức Hội thảo “Fashion Career Talk” nhằm giải phóng những định kiến cũ kỹ về ngành công nghiệp thời trang và giúp sinh viên ngành Thiết kế Thời trang định hướng nghề nghiệp của bản thân.

vlu hoi thao Fashion Career Talk bHội thảo thu hút sự quan tâm của gần 100 sinh viên ngành Thiết kế Thời trang Trường Đại học Văn Lang. Các bạn đã nhiệt tình tham gia giao lưu cùng các khách mời về những vấn đề xoay quanh các công việc trong ngành thời trang.

Hội thảo được dẫn dắt bởi Fashion Marketing Strategist Trần Hà Mi, CEO & Co-Founder của Style-Republik Magazine và SR Fashion Business School, với sự tham gia của 3 khách mời: Châu Nguyễn – Cựu Tổng Giám đốc ZARA Vietnam, hiện đang là Tổng Giám đốc ACFC Vietnam, Trâm Nguyễn – Visual Merchandising DFS Vietnam (Công ty con của tập đoàn LVMH) và Stylist Hensi Lê. Các khách mời tham gia Hội thảo đều là những nhân vật có kinh nghiệm lâu năm và có chỗ đứng trong ngành thời trang Việt Nam.

vlu hoi thao Fashion Career Talk fHost và các khách mời đến tham gia Hội thảo: Châu Nguyễn – Tổng Giám đốc ACFC Vietnam, Trần Hà Mi – CEO & Co-Founder Style-Republik Magazine & SR Fashion Business School, Stylist Hensi Lê và Trâm Nguyễn – Visual Merchandising DFS Vietnam (từ trái sang phải).

Nói về lý do tổ chức Hội thảo “Fashion Career Talk” tại Trường Đại học Văn Lang, chị Trần Hà Mi chia sẻ: “Ngành thời trang tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, nhiều bạn sinh viên đắn đo không biết sau khi ra trường sẽ có công việc như thế nào và làm sao để theo đuổi đam mê thời trang của mình. Qua buổi nói chuyện này, chị mong muốn các bạn có định hướng tốt hơn về nghề nghiệp của bản thân trong ngành thời trang Việt Nam”.

Cô Nguyễn Vũ Cẩm Ly – Giảng viên ngành Thiết kế Thời trang Trường Đại học Văn Lang cho biết: “Sau nhiều năm đào tạo Thiết kế Thời trang, tôi nhận thấy nhiều sinh viên sau khi ra trường không lựa chọn công việc thiết kế, thay vào đó là stylist và các công việc khác liên quan đến thời trang. SR Fashion Business School là trường có uy tín với những khóa học ngắn hạn đào tạo kỹ năng nghề nghiệp mà sinh viên không được học tại trường. Những bạn tham gia là sinh viên năm 2, năm 3, các bạn đã có cho mình kiến thức cơ bản cũng như dần định hướng được nghề nghiệp. Thông qua buổi hội thảo này, các bạn có thể định hướng rõ hơn kế hoạch cho bản thân mình trong tương lai”.

Mở đầu Hội thảo, chị Trần Hà Mi - CEO & Co-Founder Style-Republik Magazine & SR Fashion Business School chia sẻ với sinh viên Văn Lang những nghề nghiệp trong lĩnh vực thời trang theo từng mảng khác nhau như: Sáng tạo Thiết kế, Sản xuất, Truyền thông, Marketing và Quản lý. Trong mỗi mảng, chị Hà Mi trình bày khái quát từng công việc nhỏ, giúp các sinh viên có cái nhìn đa chiều hơn về các công việc trong ngành thời trang.

vlu hoi thao Fashion Career Talk aChị Trần Hà Mi - CEO & Co-Founder Style-Republik Magazine & SR Fashion Business School chia sẻ lý do tổ chức Hội thảo tại Trường Đại học Văn Lang và trình bày khái quát một số công việc trong ngành nghề thời trang.

Các khách mời đã chia sẻ với sinh viên rất nhiệt tình về kinh nghiệm của bản thân trong lĩnh vực thời trang. Chị Châu Nguyễn từng hợp tác cùng những thương hiệu quốc tế như MANGO, ZARA. Tính đến hiện tại, chị đã có kinh nghiệm 16 năm trong ngành thời trang tại Việt Nam. Chị Trâm Nguyễn chia sẻ về công việc đầu tiên tiếp xúc với ngành thời trang là vị trí Trợ lý cửa hàng trưởng của một thương hiệu nhỏ, quá trình tìm tòi, học hỏi để phát triển bản thân trở thành một người làm Visual Merchandising (Bán hàng trực quan) như hiện tại.

Với chị Hensi Lê, dù tốt nghiệp ngành Thiết kế Thời trang nhưng xác định mình không theo nghề thiết kế; chị nhận ra đam mê của bản thân chính là việc sáng tạo diện mạo mới cho những mẫu thiết kế có sẵn. Từ đây, chị bắt đầu tìm hiểu về stylist khi công việc này chỉ vừa xuất hiện tại Việt Nam và theo đuổi đến thời điểm hiện tại. Chị cũng chia sẻ về khó khăn trong thời gian đầu làm nghề khi liên tục nhận nhiều lời từ chối khi xin việc, chị đã kiên trì bước những bước đầu tiên trong nghề ở nhiều nhãn hàng lớn nhỏ để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân và đạt đến thành công như hiện tại.

vlu hoi thao Fashion Career Talk cChị Hensi Lê nói về công việc stylist và những khó khăn của bản thân trong quãng thời gian đầu làm việc trong ngành thời trang.

Chị Hà Mi cũng chia sẻ hành trình đến với thời trang của bản thân, dù xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm về thời trang nhưng gia đình mong muốn chị theo đuổi con đường kinh doanh. Năm 2008, dù đang làm công việc IT tại Nhật Bản, chị vẫn giữ đam mê làm thời trang và quyết định xin làm việc tại H&M Nhật Bản ở vị trí Visual Merchandising. Lúc đó chị nhận lại lời từ chối bởi chưa có kiến thức gì về thời trang. Sau đó, chị quyết định đi học Fashion Marketing ở Pháp, đây cũng là lần đầu chị thích đi học, lần đầu thức khuya làm bài tập, lần đầu luôn ngồi bàn đầu trên lớp. Sau thời gian học ngành Fashion Marketing và được nhận thực tập tại tạp chí thời trang Vogue (Pháp), chị trở về Việt Nam và dần đạt được nhiều thành công trong ngành thời trang.

Chia sẻ về lý do gắn bó với ngành thời trang, cả ba khách mời đều cho biết điều giữ chân mình với lĩnh vực thời trang chính là sự đam mê. Theo chị Châu Nguyễn, dù gặp nhiều khó khăn và có thời gian từ bỏ công việc thời trang, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, chị vẫn quyết định quay trở lại với đam mê của mình. Với chị Trâm Nguyễn thì “những lúc tưởng chừng sẽ bỏ cuộc, chị luôn đặt ra cho mình những câu hỏi như: Tại sao mình lại bắt đầu, tại sao mình lại chọn nghề này, mình đã thực sự cố gắng hay chưa,…để có thể tự mồi lại ngọn lửa đang le lói và tiếp tục với nghề”.

vlu hoi thao Fashion Career Talk dBạn Nguyễn Thị Thảo Như, sinh viên khóa 24 ngành Thiết kế Thời trang Trường Đại học Văn Lang đặt câu hỏi cho khách mời trong phần giao lưu.

Bên cạnh phần chia sẻ của các khách mời, sinh viên ngành Thiết kế Thời trang Trường Đại học Văn Lang đã nhiệt tình tham gia giao lưu để giải đáp các thắc mắc về định hướng nghề nghiệp của bản thân. Bạn Nguyễn Thị Thảo Như, sinh viên khóa 24 (năm hai) ngành Thiết kế Thời trang đặt câu hỏi: “Dù học chuyên ngành Thiết kế Thời trang nhưng hiện tại em có tìm hiểu về Fashion Marketing cũng như lĩnh vực truyền thông cho các tạp chí thời trang. Em có thể bắt đầu từ đâu và cần làm gì để có thể được tuyển dụng vào vị trí này?

Chị Hà Mi cho biết: “Để bắt đầu với công việc Fashion Marketing, em cần tìm hiểu những kiến thức về lĩnh vực này trước, sau đó em nên bắt đầu ở vị trí thực tập sinh bởi công việc này giúp em có được những kinh nghiệm thực tế và dần mở ra con đường phát triển trong tương lai. Để có một vị trí tốt khi ứng tuyển, em cần thu thập nhiều kinh nghiệm càng nhiều càng tốt, những kinh nghiệm đó sẽ trở thành chìa khóa để đạt được thành công”.

Chị Hensi Lê chia sẻ lời khuyên về việc tuyển dụng: “Khi là một sinh viên mới ra trường, việc đầu tiên là làm những công việc từ bước thấp nhất để tích lũy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho bản thân. Khi mình cố gắng sắp xếp được thời gian để đi làm part-time thì mình nên vừa đi học, vừa đi làm để áp dụng những lý thuyết học được trên giảng đường vào các công việc đó. CV đầu tiên chị gửi đi có rất nhiều gạch đầu dòng về công việc chị từng làm, dù đó chỉ là những công việc nhỏ như hỗ trợ các sự kiện cho các nhãn hàng, những dự án nhỏ,…

vlu hoi thao Fashion Career Talk eBạn Võ Triều Châu, sinh viên khóa 24 ngành Thiết kế Thời trang đặt câu hỏi: “Em có định hướng mở thương hiệu thời trang cho riêng mình, điều em quan tâm và muốn tìm hiểu là việc tổ chức một Mini Fashion Show?”

Chị Hà Mi giải đáp: “Bản thân chị đã từng thực hiện rất nhiều Fashiow Show, việc đầu tiên em cần nghĩ đến là mục tiêu thực hiện của chương trình. Em cần xác định được mục tiêu của mình là bán bộ sưu tập hay là quảng bá tên tuổi. Để bán được bộ sưu tập, em phải làm sao để thu hút khách hàng tiềm năng của mình. Nếu em chỉ muốn quảng bá tên tuổi, em phải mời được những kênh lớn, influencers, KOLs nổi tiếng để họ có thể giúp em quảng bá được một cách tốt nhất. Việc tổ chức một show diễn cần quá trình rất dài và nhiều công đoạn, em cần phải xác định được trang phục trình diễn là gì, địa điểm, chi phí, set-up sân khấu, chuẩn bị kế hoạch martketing, truyền thông”.

Thời trang là một lĩnh vực hẹp mà rộng, hẹp bởi tính đặc thù của ngành và rộng bởi những biên độ ứng dụng của ngành thời trang càng lúc càng rộng mở. Tìm hiểu những "chân trời mới" của ngành thời trang cũng là một cách xóa bỏ những định kiến và tư duy nhỏ hẹp về ngành. Hy vọng mỗi sinh viên Thiết kế Thời trang Văn Lang đều tìm thấy hướng đi cho bản thân và thành công trong nghề nghiệp.

Lê Nam Vương

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag