TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Sinh viên Kiến trúc tìm hiểu di tích lịch sử và giao lưu Hội Kiến trúc sư – Sở Xây dựng tỉnh Long An

(P.TS&TT - Văn Lang, 23/09/2020) – Chủ nhật ngày 20/09/2020 vừa qua, 66 sinh viên ngành Kiến trúc đã cùng lên một chuyến xe xuôi về Long An, cùng nhau tìm hiểu và khám phá các di tích lịch sử nổi tiếng. Chuyến đi là phần thưởng xứng đáng dành cho sinh viên có thành tích cao trong học tập của năm học 2019 – 2020 và cũng là cơ sở phục vụ cho các môn học về lịch sử kiến trúc, thiết kế công trình.

Trở về sau chuyến giao lưu Hội Kiến trúc sư – Sở Xây dựng tỉnh Long An, Trần Ngọc Nhân – sinh viên năm hai ngành Kiến trúc đã có những chia sẻ thú vị về hành trình tham quan 3 địa điểm: Chùa Tôn Thạnh (Xã Mỹ Lộc, Huyện Cần Giuộc), Nhà Trăm Cột và Đồn Rạch Cát (Xã Long Hựu Đông, Huyện Cần Đước).

“Sài Gòn vào thu, không khí se lạnh làm cho con người ta có cảm giác thoải mái lạ thường. Ngắm nhìn mùa thu và tận hưởng một tách trà nóng ban sớm tĩnh lặng, và tôi – một sinh viên Kiến trúc Văn Lang cũng có cách tận hưởng của riêng mình, thay vì ngồi yên ở nhà đón nắng thu se lạnh, tôi ngắm nhìn mùa thu từ chuyến đi tham quan quê hương Long An đầy thú vị. Có người nói “trời này nắng mưa thất thường, đi rồi chỉ cảm thấy khó chịu vì thời tiết”, nhưng dành ra một mùa đẹp nhất trong năm để đi nhìn ngắm một phần của quê hương miền Tây, nhìn ngắm những không gian mới mẻ và học hỏi được nhiều điều thú vị, đối với sinh viên kiến trúc nói riêng như tôi dù nắng hay mưa điều đó luôn là một niềm hạnh phúc.

vlu sv kien truc tham quan long an a

Trời cũng ửng sáng, chuyến đi của chúng tôi được chào đón bởi những tia nắng buổi sớm le lói qua mái nhà Văn Lang Cơ sở 1, mang theo nhiều sức sống căng tràn và bỏ xa những ngày mưa u ám. Ắt hẳn có rất nhiều điều thú vị đang chờ đón đoàn khoa Kiến Trúc Văn Lang trong chuyến đi này. Chuyến xe tạm biệt ngôi nhà Văn Lang thân yêu và lăn bánh về vùng quê Long An với một tâm thế tràn đầy phấn khởi.

vlu sv kien truc tham quan long an bTập thể Giảng viên - Sinh viên khoa Kiến trúc Trường ĐH Văn Lang chụp ảnh lưu niệm tại cổng Tổ đình Tôn Thạnh.

Mở đầu hành trình, chúng tôi đến với một ngôi chùa cổ mang tên TỔ ĐÌNH TÔN THẠNH, tọa lạc tại Ấp Thanh Đa, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Nhìn cổng chùa sừng sững trước mặt, mọi người không khỏi ngạc nhiên và thích thú. Tiếp đón đoàn chúng tôi tại chùa là chị Trang – thành viên của Khu bảo tồn di tích lịch sử huyện Cần Giuộc. Không chỉ giới thiệu về quê hương Cần Giuộc, chị Trang còn nhiệt tình kể về những sự kiện lịch sử mà ngôi chùa trải qua từ những năm đầu xây dựng.

vlu sv kien truc tham quan long an cNơi đây lưu giữ 2 cổ vật mà Thiền sư Viên Ngộ tự tay chế tác, đó là Đại Hồng Chum và bức tượng Địa tạng Vương Bồ Tát, đặc biệt bức tượng phải đúc đến lần thứ 3 mới thành công và Thiền sư Viên Ngộ phải hy sinh ngón tay của mình bỏ vào nồi đúc với tâm ý để bức tượng được như ý nguyện của mình.

Chùa có diện tích 3410m2  do Thiền sư Viên Ngộ (thế danh Nguyễn Ngọc Giót) sáng lập năm 1808. Và đặc biệt chùa Tôn Thạnh là nơi lưu trú, giảng dạy và sáng tác của Nhà đại chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được ông sáng tác tại ngôi chùa này.

vlu sv kien truc tham quan long an dXung quanh khuôn viên chùa có nhiều tượng phật Quan Âm, ngôi mộ của 2 vị Thiền Sư từng trụ trì và còn có Bia tưởng niệm của Nhà đại chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Lời kể của chị Trang càng khiến sinh viên trầm trồ và muốn được chiêm ngưỡng những tuyệt tác như trên. Mọi người ai cũng mang vẻ mặt trang nghiêm, từ tốn ngắm nhìn và cúi bái những bức tượng Phật, chạm nắm để cảm nhận sự cũ kỹ của những cánh cửa hay cột đình. Không gian phủ một màu bụi dày hòa quyện với những tia nắng mùa thu le lói qua khe cửa của mái chùa càng tạo nên sự linh thiêng, cổ kính. 60 phút đến với chùa Tôn Thạnh cũng qua, chúng tôi chào tạm biệt chị Trang và các sư trụ trì tại chùa, nhanh chóng chụp một tấm hình lưu niệm trước khi đi đến địa điểm mới. Không khí vẫn còn hơi se lạnh, khiến tâm hồn tôi có sự lưu luyến mái chùa bình yên này đến lạ kì.

Chuyến xe mùa thu của chúng tôi lăn bánh đến Ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An để tham quan Di tích Nhà trăm cột đã tồn tại hơn 100 năm. Bước đến cổng, khung cảnh miền quê với căn nhà ba gian mái ngói đỏ hiện lên trước mắt, một luồng gió nhẹ thổi ngang làm dịu đi cơn nực giữa ban trưa khi đã đi bộ vài trăm mét để đến với ngôi nhà cổ này.

vlu sv kien truc tham quan long an e

Tại đây chúng tôi được chị Chín Ngõ – người cháu đời thứ 4 của cụ cố Trần Văn Hoa (chủ sở hữu căn nhà) tiếp đón nhiệt tình. Chị kể rằng căn nhà được khởi công xây dựng năm 1898 và hoàn thành vào năm 1904, tức hơn 5 năm mới hoàn thành cũng như xong những khung trạm trổ hoa văn, rồng phụng; đến bây giờ ngôi nhà đã tồn tại gần như nguyên vẹn hơn trăm năm mặc cho mưa bom bão đạn thời chiến tranh khốc liệt. Căn nhà sử dụng hoàn toàn những loại gỗ quí như gỗ cẩm lai, gỗ mun và gỗ đỏ. Những thước gỗ quí giá như vậy, sinh viên chỉ được thấy hoặc xem qua báo đài, internet và đến bây giờ mới được diện kiến ngoài đời thực như vậy.

Không chỉ là một trong những di tích lịch sử văn hóa của huyện, nhà trăm cột còn là 1 khối tài sản cổ quý giá mà ít ai có thể có được. Qua đó, sinh viên Kiến trúc Văn Lang có cơ hội mở mang kiến thức chuyên ngành cũng như biết được nền tảng kiến trúc Việt Nam những thời kì trước để có thêm động lực theo đuổi sự nghiệp.

vlu sv kien truc tham quan long an f

Điểm đến cuối cùng của chúng tôi là Đồn Rạch Cát, 1 pháo đài quân sự của Pháp xây dựng năm 1903 dùng để phòng thủ thời chiến tranh. Đồn có chiều dài 300 mét, chiều ngang 100 mét được tọa lạc tại Ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Bước qua hai cánh cổng dày 12cm chi chít những vết đạn găm là một khung cảnh của hạm đội trăm năm về trước, đối diện là dãy phòng dành cho binh lính trải dài theo bức tường thành kiên cố. Pháo đài gồm 5 tầng, 3 tầng chìm và 2 tầng nổi. Nóc tầng thứ 5 là 2 mâm pháo đường kính 6 mét nhô cao của khẩu pháo 605mm đã bị Pháp lấy đi còn để lộ hai lỗ nòng pháo lớn. Ngoài ra còn 7 trụ nổi của những khẩu pháo 75mm cũng bị Pháp lấy đi, chỉ còn lại 2 khẩu pháo 138mm dài hơn 4m vẫn còn nằm nguyên vẹn kê nòng lên thành bê tông qua ngày tháng.

Đây là công trình điển hình cho sự hoàn hảo, quy mô đồ sộ về mỹ thuật xây dựng công trình chiến tranh. Khi đi một vòng dưới cái nắng ban trưa như lửa đốt, đi trên một công trình chiến tranh do Pháp xây dựng trên chính mảnh đất Việt, tôi cảm nhận được biết bao mất mát mà chiến tranh đã gây ra cho nhân dân Việt Nam, biết bao người lính đã chiến đấu mà ngã mũ quên mình tại nơi từng là trận địa khốc liệt này.

vlu sv kien truc tham quan long an gTS. KTS. Đỗ Phú Hưng - Trưởng khoa Kiến trúc Trường Đại học Văn Lang tặng quà lưu niệm đến Trưởng đồn Rạch Cát.

Tại trạm cuối của cuộc hành trình, dấu chân lịch sử đã để lại cho con cháu thế hệ đời sau biết bao nhiêu cảm xúc, là sự tưởng nhớ, niềm tự hào bất diệt về những công trình trăm năm trường tồn với linh hồn dân tộc, tự hào về những người con đất Việt kiên cường tạo dựng nên những tinh hoa cho văn hóa ngàn năm, những người con vì tự do độc lập của đất nước mà quên mình nơi mưa bom, bão đạn. Chúng tôi tạm biệt các anh chiến sĩ ở lại canh gác nơi biên cương một thời và cũng không quên cúi chào những anh hùng đã nằm xuống tại nơi đây như một lời biết ơn sâu sắc. Hơi tiếc vì tại Đồn Rạch Cát chúng tôi không được quay phim chụp ảnh, nhưng hoài niệm sẽ được ghi mãi trong lòng.

vlu sv kien truc tham quan long an h

Trước khi về lại Sài Gòn, đoàn xe ghé lại ủy ban thường trực của huyện Cần Đước để giao lưu với các anh chị đoàn huyện, cũng như lắng nghe tâm tư của Bác Phan Văn Tưởng – Phó chủ tịch huyện Cần Đước và Anh Nguyễn Minh Toản – Bí thư Thanh niên dành cho đoàn khoa Kiến trúc Đại học Văn Lang đi tham quan trải nghiệm Long An đợt này. Thay mặt cho khoa Kiến trúc Văn Lang, TS. KTS. Đỗ Phú Hưng – Trưởng khoa - bày tỏ lời cảm ơn đến Hội Kiến Trúc sư Long An và Đoàn Thanh Niên đã tạo cơ hội cho sinh viên đến thăm, một phần trau dồi kiến thức, một phần biết thêm nhiều di tích văn hóa của dân tộc mà bảo tồn.

Bên cạnh những ý kiến đóng góp và chia sẻ, chương trình còn có cuộc thi Nhiếp ảnh và ký họa để sinh viên thể hiện tài năng chụp ảnh và kí họa lại những góc ảnh đẹp nhất từ 3 di tích lịch sử đã tham quan. Sau buổi trao giải, tình cảm của mọi người dường như khăng khít hơn rất nhiều và tâm trí mỗi người đều đọng lại những kỉ niệm khó phai về nét mộc mạc, chất phác mà sâu sắc nơi đây."

Một số hình ảnh của chuyến tham quan

Trần Ngọc Nhân – sinh viên Khóa 25 ngành Kiến trúc
Ảnh: Trương Phạm Gia Huy


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag