TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Các chuyên gia hướng nghiệp chuyên sâu cho sinh viên Khóa 24 khoa Công nghệ Đại học Văn Lang

(P.TS&TT – Văn Lang, 01/10/2020) - Với mong muốn giúp sinh viên thấu hiểu bản thân, có cái nhìn rõ hơn về bức tranh thị trường lao động và cơ hội nghề nghiệp ngay khi tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu lập nghiệp hoặc khởi nghiệp của sinh viên, Khoa Công nghệ phối hợp với Trung tâm phát triển năng lực sinh viên Trường Đại học Văn Lang tổ chức đào tạo học phần Chuyên đề Hướng nghiệp cho sinh viên. Phương pháp giảng dạy hấp dẫn, tiến bộ và gần gũi với thực tiễn đã giúp nhiều sinh viên định hình rõ hơn con đường nghề nghiệp của mình.

Phương pháp giảng dạy gắn với thực tiễn

Học phần chuyên đề Hướng nghiệp gồm 15 giờ học, được thiết kế tập trung cho sinh viên năm 2, 3.

Với học phần này, sinh viên tham gia nghe giảng, thảo luận nhóm, thiết kế, phác thảo và thực hiện sản phẩm; kết hợp tự đọc tài liệu, phát triển giả thuyết, câu hỏi liên quan. Đặc biệt, không khí các buổi học luôn chú trọng sự thoải mái, sinh động với nhiều trò chơi bổ trợ thú vị để sinh viên tự do thể hiện và gắn kết với nhau.

vlu ky nang nghe hThS. Bùi Thị Mai Liên, HR Head – MNCs chia sẻ nhiều kinh nghiệm và bài học quý từ góc nhìn của một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp

vlu ky nang nghe i

vlu ky nang nghe j

vlu ky nang nghe kSinh viên tham gia nhiều hoạt động nhóm và trò chơi thú vị để tiếp cận những kiến thức của môn học

ThS. Nguyễn Đỗ Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển năng lực sinh viên cho biết: “Khóa học đưa đến các tình huống thực tiễn để sinh viên làm quen, giải quyết tình huống và tự tích lũy kỹ năng cho mình. Toàn bộ học phần sử dụng các bài test MBTI và Holland code để giúp các bạn hiểu rõ đặc điểm sở trường của bản thân trong tương quan với đặc điểm của ngành nghề. Ngoài ra, sẽ có một số chuyên gia được mời từ doanh nghiệp đến để giúp sinh viên hiểu hơn về nhu cầu và môi trường doanh nghiệp nghiệp thật sự như thế nào.”

Nội dung hướng nghiệp phong phú, thiết thực

Khi tham gia học phần Chuyên đề Hướng nghiệp, sinh viên trải qua 5 buổi học với 5 chuyên đề khác nhau, từ việc hiểu rõ bản thân, đến những chuyên đề tiếp cận và thâm nhập thực tiễn doanh nghiệp qua chia sẻ của các chuyên gia trong ngành.

Chuyên đề 1 (Hoạch định tương lai): sinh viên được giới thiệu “Mô hình Phát triển nghề nghiệp theo các giai đoạn của cuộc đời” và được học cách thiết kế lộ trình thăng tiến Lập nghiệp – Khởi nghiệp, từ đó, xác định tầm nhìn của bản thân, mục tiêu, con đường nghề nghiệp.

Chuyên đề 2 (Định vị bản thân – học tập suốt đời): sinh viên được tìm hiểu một số nội dung:

  • Giới thiệu các yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn, phát triển và sự hài lòng trong công việc (VIPS)
  • Giải thích 6 nhóm tính cách theo Mật mã Holland.
  • Giải thích các trường hợp đặc biệt và các cặp tính cách Holland
  • Hướng dẫn cách đọc bản đồ thế giới nghề nghiệp và sử dụng công cụ kết nối Holland với bản đồ thế giới nghề nghiệp.
  • Giới thiệu phong cách cá nhân và những bài test có thể sử dụng.
  • Giới thiệu và hướng dẫn sinh viên nhận diện ma trận kỹ năng tạo động lực qua bộ thẻ kỹ năng tạo động lực
  • Giới thiệu và hướng dẫn sinh viên tìm ra giá trị nghề nghiệp để chọn lựa công việc trong tương lai thông qua bộ thẻ giá trị nghề nghiệp.
  • Hướng dẫn cách lập hồ sơ phát triển nghề nghiệp và chọn lựa công việc

vlu ky nang nghe nn

vlu ky nang nghe ppCảm nhận của sinh viên sau khi học 2 chuyên đề đầu tiên của khóa học

Sau khi định vị được bản thân, sinh viên đến với chuyên đề 3 (Chinh phục nhà tuyển dụng). Chuyên đề tập trung một số nội dung hấp dẫn:

  • Giới thiệu thông tin về thị trường lao động, thế giới làm việc thời đại số và những kỹ năng thiết yếu trong thế kỷ 21
  • Giới thiệu các kênh tuyển dụng hiện có trên thị trường
  • Những yếu tố nhà tuyển dụng quan tâm từ ứng viên khi ứng tuyển:
    + Ứng viên hiểu bản thân – mô hình 5W: Who – What – Why – When - How
    + Ứng viên có mục tiêu nghề nghiệp – mô hình S.M.A.R.T
  • Các loại hình phỏng vấn và phương pháp phỏng vấn phổ biến hiện nay

Trải qua 3 buổi học chuyên đề, sinh viên Đinh Hồng Huy (năm ba) cho biết: “Trước khi tham gia môn kỹ năng nghề, mục tiêu và định hướng nghề nghiệp của em khá mơ hồ, không tập trung vào điều gì nhất định. Đến với môn học này, em biết được em cần cải thiện và trau dồi những gì để hướng đến công việc tương lai của mình. Khóa học mang đến nhiều điều thú vị, bản thân em học hỏi được nhiều như phương pháp ask để hiểu nhà tuyển dụng cần gì và qua đó cũng biết được bản thân đã có và chưa có gì để cải thiện về kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng thuyết trình, soạn thảo văn bản,…

Còn bạn Hồ Ngọc Hải Bình (năm ba) chia sẻ: “Môn này rất thú vị và cần thiết cho sinh viên hiện nay. Hiện tại em đã là sinh viên năm 3, cũng hơi buồn tí khi đến giờ mới tiếp cận được với môn học này. Qua những chuyên đề, em hiểu rõ hơn về bản thân, biết được mình có thể làm được cái gì đối với ngành mình đang học, xác định được mục tiêu nghề nghiệp. Trước khi tiếp cận môn này, mục tiêu của em thật sự rất mơ hồ, và đến thời điểm này đã khá rõ.”

vlu ky nang nghe fThS Bùi Thị Mai Liên, HR Head – MNCs: Điều quan trọng đối với nhà tuyển dụng không phải một nhân tố hoàn hảo 100%, mà là ứng viên có tiềm năng và tố chất để phát triển hay không. Tiềm năng này sẽ phải thể hiện và chuẩn bị trong suốt 4 năm đại học. 

vlu ky nang nghe g

vlu ky nang nghe eSinh viên Khoa Công nghệ Trường Đại học Văn Lang hào hứng giải quyết các tình huống chinh phục nhà tuyển dụng

Với Chuyên đề 4, sinh viên học cách kết nối bản thân với nhu cầu của gia đình và xã hội thông qua các nội dung:

  • Giới thiệu mô hình chìa khóa
  • Giới thiệu xu thế phát triển nghề nghiệp: chiều dọc, chiều ngang hay chữ T (versatilist)
  • Xác định cộng đồng Kỹ sư làm việc trong lĩnh vực công nghệ sinh học và môi trường.
  • Nhận diện những vấn đề sinh viên Khoa Công nghệ cần phải đối mặt và chuẩn bị để bước vào thị trường lao động.
  • Bộ kỹ năng thế kỷ 21.

Để sinh viên hiểu hơn về môi trường doanh nghiệp và những vị trí công việc cụ thể trong ngành nghề của mình, với Chuyên đề 5, sinh viên sẽ được gặp gỡ diễn giả là chuyên gia đang làm việc trong ngành môi trường để kể chuyện nghề:

  • Chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp và sự phát triển của ngành môi trường – thực tế bối cảnh hiện nay
  • Những điều sinh viên nên chuẩn bị và lên kế hoạch thực hiện để đáp ứng yêu cầu công việc
  • Những kiến thức, kỹ năng, thái độ nào để đạt yêu cầu của thị trường lao động hiện nay
  • Những khó khăn và thuận lợi khi mới tốt nghiệp
  • Hành trình phát triển bản thân và sự thăng tiến trong ngành môi trường

Trường Đại học Văn Lang chú trọng hướng nghiệp sớm cho sinh viên

Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành nhân sự và nhiều lần chủ trì chương trình tuyển dụng, ThS. Bùi Thị Mai Liên, HR Head – MNCs nhận định: hiện nay sinh viên mới ra trường đang đối mặt với 3 vấn đề chính: thiếu hiểu biết về bản thân, không định hướng được mục tiêu nghề nghiệp và không chủ động tìm kiếm cơ hội để tăng cường kỹ năng của bản thân. Chính vì vậy, hướng nghiệp ngay từ khi ở trường cho sinh viên là điều cần thiết và nên chú trọng. ThS. Bùi Thị Mai Liên đánh giá cao sự đầu tư của Trường Đại học Văn Lang dành cho sinh viên trong vấn đề này: “Mình làm việc với Văn Lang chưa lâu, cũng khá ngạc nhiên khi thấy Văn Lang đã tập trung rất nhiều cho việc hướng nghiệp. Trong hướng nghiệp có nhiều công đoạn bắt nguồn từ việc hiểu bản thân bạn là ai, điểm mạnh điểm yếu bạn là gì, mục tiêu nghề nghiệp bạn như thế nào. Mình không nghĩ rằng lại có một trường đại học tập trung vào hướng nghiệp và vấn đề đầu ra của sinh viên nhiều như vậy. Không phải Trường đại học nào cũng có những môn học hay hoạt động như thế này.”

vlu ky nang nghe bThS. Bùi Thị Mai Liên, HR Head – MNCs chia sẻ: "Song song với những trang bị của Nhà trường, sinh viên cần nhận thức tốt hơn và chủ động hơn, tự đặt vấn đề cho mình: phải tham gia những hoạt động gì, phải đi làm thêm như thế nào, phải thiết lập hồ sơ ra sao,… để tự trang vị kiến thức và kỹ năng, không thể nào dựa hoàn toàn vào Nhà trường."

Với triết lý giáo dục “Thông qua học tập trải nghiệm, đào tạo con người toàn diện, có khả năng học tập suốt đời, có đạo đức, có sức ảnh hưởng và mang lại thay đổi tích cực cho cộng đồng”, bên cạnh việc trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên môn, Trường Đại học Văn Lang chú trọng đầu tư cho sinh viên nhiều kỹ năng bổ trợ để giúp các bạn hoàn thiện một cách tốt nhất sau 4 năm đại học. Học phần Hướng nghiệp là một trong những nội dung đang được Trường Đại học Văn Lang đẩy mạnh triển khai. Trước đó, học phần đã được triển khai cho sinh viên khoa Du lịch và sắp tới sẽ ứng dụng cho tất cả các ngành học trong trường.

Bài: Thanh Tiền
Hình: Khánh Thịnh 

 


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag