TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Giải mã PR: không chỉ là tổ chức sự kiện

(P.TS&TT – Văn Lang, 28/10/2020) - Ngày 27/10/2020, Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông Trường Đại học Văn Lang tổ chức chương trình Định hướng ngành nghề Quan hệ công chúng cho sinh viên khóa 26. Với sự tham dự của các giảng viên giàu kinh nghiệm, các diễn giả khách mời “lạ mà quen” có nhiều trải nghiệm thực tế, chương trình đã giúp tân sinh viên giải đáp thắc mắc về chương trình học cùng những đặc điểm, ưu thế, thách thức trong công việc mà người làm PR phải đối mặt.

vlu giai ma pr iĐược coi như một ngày "Nhập môn", Chương trình Định hướng ngành nghề Quan hệ công chúng cho tân sinh viên Khoa PR Trường Đại học Văn Lang được đông đảo sinh viên khóa 26 ủng hộ. Đây cũng chính là món quà do chính tay sinh viên PR khóa 25 chuẩn bị cho đàn em khóa dưới.

Bên cạnh sự hiện diện của Ban lãnh đạo Trường, lãnh đạo Khoa cùng các Thầy Cô là giảng viên Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông và Khoa Nghệ thuật Sân khấu - Điện ảnh, buổi Định hướng ngành nghề Quan hệ công chúng cho sinh viên Khoa PR Trường Đại học Văn Lang còn có sự tham dự của 3 diễn giả:

  • Chị Nguyễn Thị Bích Phượng - Giám đốc Truyền thông Bosch Việt Nam;
  • Chị Phạm Thuần Thảo - Cựu sinh viên khóa 18 khoa PR, hiện là Trưởng nhóm mua hàng của Thế giới Di động;
  • Anh Lương Kiến Vinh - Cựu sinh viên khóa 19 khoa PR, hiện là nhân viên Công ty TPW, một trong những công ty PR và quảng cáo lớn nhất Việt Nam.

Với kinh nghiệm theo nghề nhiều năm, các diễn giả cùng thầy cô đã giúp sinh viên Khóa 26 giải đáp nhiều thắc mắc, đem lại nhiều bài học bổ ích cho các tân sinh viên tham gia buổi định hướng.

Học PR để làm gì?

Mỗi ngày, chúng ta nhận được hàng trăm mẫu quảng cáo từ mọi phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, việc chỉ tiếp xúc lần đầu qua hình ảnh, sự mất kiểm soát về số lượng cùng sự nghèo nàn yếu tố khác biệt khiến các thông tin quảng cáo thông thường dễ trở nên nhàm chán, thừa thãi. Vậy phải làm gì để thương hiệu tiếp cận hiệu quả hơn, tạo chỗ đứng trong lòng công chúng? PR hay còn gọi là Quan hệ công chúng chính là đáp án cho câu hỏi lúc này. Thông qua các chiến dịch được truyền tải từ bên thứ ba, PR xây dựng các mối quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp và công chúng, giúp bảo vệ và duy trì uy tín thương hiệu, mang lại hình ảnh tích cực và đem thương hiệu đến gần với công chúng hơn.

vlu giai ma pr eNhiều câu hỏi do các tân sinh viên đặt ra xoay quanh vấn đề định hướng công việc cụ thể mà một người làm nghề PR có thể gặp phải trong tương lai.

Chia sẻ về hành trình 10 năm làm việc trong lĩnh vực PR, chị Nguyễn Thị Bích Phượng, Giám đốc Truyền thông Bosch Việt Nam cho biết: “Ở thời điểm mình bắt đầu làm PR, đây còn là lĩnh vực khá mới tại Việt Nam. Vì vậy, mình luôn phải giải thích cho mọi người hiểu công việc này cụ thể là làm gì. Là một người làm PR, mình phải làm việc với các đối tượng liên quan như khách hàng, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực, báo giới,… Người làm PR chính là những người tạo nên nội dung để truyền tải trên các kênh truyền thông. Bên cạnh đó, chúng ta có thể phối hợp với bộ phận marketing để thực hiện những sự kiện ra mắt sản phẩm mới, hoặc thực hiện những sự kiện do chính bộ phận mình tổ chức, từ việc gỡ mác từng chai nước đến sắp xếp cho một sự kiện như thế nào,…”

vlu giai ma pr bSự góp mặt của 3 diễn giả là cơ hội giúp tân sinh viên có cái nhìn thiết thực hơn về ngành nghề mình đang và sẽ theo đuổi.

Ngày nay, hầu hết các bạn trẻ cho rằng, công việc của một người học PR phần lớn là tổ chức sự kiện. Có bạn vì yêu thích tham gia công việc hậu cần, mong muốn được tổ chức concert cho ca sĩ mình yêu thích nên quyết định chọn PR; có bạn đã xây dựng được thương hiệu thời trang riêng nay muốn học PR để tự thiết kế cho mình một sân khấu runway trình diễn các thiết kế của bản thân;… Tuy nhiên, Quan hệ công chúng và truyền thông thực chất không đơn giản chỉ là tổ chức sự kiện. ThS. Lương Thị Phương Lan, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông Trường Đại học Văn Lang cho biết: “Nếu chúng ta nhìn chiếc laptop như toàn bộ ngành PR thì tổ chức sự kiện chỉ như một phím bấm trên bàn phím. Chúng ta không thể thiếu phím bấm nhưng chỉ một phím bấm không thể làm laptop được.” Cụ thể hơn, bức tranh toàn cảnh về PR gồm 3 mảng chính:

  • Phát triển nội dung (Content development): Viết thông cáo báo chí, xây dựng nội dung trên các trang mạng xã hội, viết bài, phát triển nội dung TVC quảng bá cho doanh nghiệp, tổ chức,…
  • Xây dựng quan hệ với các bên liên quan (Stakeholder Engagement): xây dựng các mối quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp, tổ chức với các bên liên quan như chính phủ, chính quyền địa phương, quan hệ báo chí, quan hệ đối tác nhà đầu tư, truyền thông nội bộ xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
  • Xử lý khủng hoảng truyền thông (Crisis Management): vận dụng các kỹ năng, mối quan hệ để xử lý các thông tin, vấn đề ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín của doanh nghiệp, tổ chức.

Nếu như từ khóa của Marketing là Sản phẩm thì với PR, trung tâm của mọi hoạt động, việc làm chính là Danh tiếng. Đây chính là tài sản lớn nhất của một doanh nghiệp mà người làm PR phải luôn bảo vệ và phát triển.

vlu giai ma pr cCùng tham dự chương trình có các thầy cô là lãnh đạo Khoa, giảng viên, chuyên viên Khoa Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh. Trong thời đại hôm nay, sự gắn kết giữa truyền thông và nghệ thuật ngày càng chặt chẽ, bổ trợ và tương tác, đem đến hiệu quả tối ưu và tác động tích cực đến cộng đồng.

vlu giai ma pr dTiết mục âm nhạc lôi cuốn đến từ giảng viên Khoa Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh Trường Đại học Văn Lang.

PR và những thách thức trong thời đại công nghệ 4.0

Thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ đã tác động đến nhiều lĩnh vực, trong đó có PR. Ngày nay, người làm PR đòi hỏi phải có kiến thức nhất định về các trang mạng xã hội. Chúng ta nói nhiều về truyền thông số 4.0 và lúc này đây, nó đã trở thành xu thế tất yếu, tác động nhiều đến đời sống con người. Chị Nguyễn Thị Bích Phượng nhận xét: "Ngày nay, những trang báo mạng, những trang tổng hợp tin tức trên Facebook đã dần thay thế cho báo giấy. Và có thể trong một thời gian ngắn nữa, các bạn sẽ không còn đọc các bài viết mà chuyển sang xem video có hình ảnh, âm thanh sinh động. Và chúng ta, những người làm PR, chính là những người sẽ phát triển nội dung trên các kênh đó.”

Như vậy, sự phát triển công nghệ vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức mà con người phải thích nghi và vượt qua. Trong phần phát biểu của mình tại chương trình, TS. Nguyễn Cao Trí đã nhấn mạnh: “Các bạn đang sống trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ. Đó là một lợi thế, đặc biệt là với ngành PR. Nhưng chúng ta phải biết rằng công nghệ cũng có mặt trái. Ngày nay chúng ta bị lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ, vào những chiếc điện thoại thông minh mà không trang bị những kiến thức đủ sâu, đủ vững chắc để ta có thể bắt tay làm việc được. Hầu hết các em được sống trong môi trường vật chất tương đối đầy đủ, chúng ta không có trải nghiệm của thế hệ trước – một thế hệ tuy nhiều khó khăn nhưng đi kèm với đó là ý chí, là bản lĩnh. Trong suốt thời gian học, các em có thể nghe được rất nhiều khuôn thước về thành công nhưng thực chất, tất cả thành công đều bắt nguồn từ ý chí, sự nỗ lực, bền bỉ không ngừng dưới sự dìu dắt của thầy cô, các doanh nghiệp, các chuyên gia và hỗ trợ từ chính những người anh chị đi trước, những người bạn đồng học của các em."

vlu giai ma pr gTheo TS. Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang, cơn bão công nghệ đã tác động đến nhiều lĩnh vực, làm thay đổi nhiều đối tượng, khía cạnh trong xã hội. Chính vì vậy, con người phải biết tự trang bị cho bản thân khả năng học tập toàn diện và sẵn sàng thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi thay đổi sẽ xảy đến.

"Xã hội ngày nay thay đổi rất nhanh, có những chuyện tưởng chừng không thể xảy ra nhưng đã đến và làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta, như dịch Covid-19 hay những phát minh công nghệ mới. Và biết đâu rằng, 4 năm sau, chính cái nghề của các em sẽ thay đổi với một hình dạng khác. Vậy vấn đề đặt ra bây giờ là các em phải học tập thế nào để thích ứng với mọi sự thay đổi sẽ xảy đến. Tôi hi vọng, trải qua 4 năm học tại Văn Lang, những sinh viên ở đây sẽ là những người thích ứng tốt với môi trường xã hội, tạo ra những giá trị bền vững và giải quyết được vấn đề cho nơi các bạn làm việc. Các bạn sẽ là những con người bản lĩnh “chọn việc” phù hợp với bản thân thay vì đi “xin việc”. Tôi mong rằng, tất cả sinh viên PR nói riêng và sinh viên Văn Lang nói chung khi bước ra xã hội sẽ được đón nhận và trân trọng bởi những giá trị tốt đẹp được tích lũy và dần hoàn thiện qua quá trình học tập và sinh hoạt tại ngôi trường Đại học này.” - TS. Nguyễn Cao Trí cho biết.

PR Văn Lang cho bạn những gì?

Với chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên 5 nền tảng kiến thức quan trọng: Kiến thức đại cương; Tư duy, thái độ, kỹ năng; Kiến thức thực tế; Kiến thức chuyên ngành và Ngoại ngữ, Khoa Quan hệ công chúng – Truyền thông của Trường Đại học Văn Lang sẽ cung cấp cho người học vốn kiến thức cùng khả năng xử lý vấn đề một cách hiệu quả, định hướng cụ thể về ngành nghề tương lai.

Đối với hai diễn giả là cựu sinh viên PR Văn Lang, chị Phạm Thuần Thảo và anh Lương Kiến Vinh, những kiến thức và trải nghiệm trong 4 năm học tại Văn Lang đã đem đến cho anh chị nhiều cơ hội và vốn kinh nghiệm bổ ích, từ cách viết email sao cho chuẩn xác đến cách thuyết trình hay bắt đầu một câu chuyện như thế nào để thu hút người đối diện,…  Đó là những hành trang mà PR Văn Lang trang bị cho mỗi người học. Nếu nắm bắt được những kỹ năng cơ bản nhưng rất cần thiết này, cùng với sự tự tin, bản lĩnh dám thử thách, sinh viên PR Văn Lang hoàn toàn có thể đi làm tại các agency ngay từ năm học đầu tiên.

Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông đang là ngành có số lượng sinh viên đông đảo nhất, đồng thời cũng là một thương hiệu nổi tiếng của Đại học Văn Lang. Trong xu hướng không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, mục tiêu của Khoa Quan hệ công chúng – Truyền thông Trường Đại học Văn Lang đến năm 2030 là trở thành cái nôi đào tạo PR lớn nhất cả nước và là đơn vị đào tạo ngành Quan hệ công chúng có uy tín trong khu vực Đông Nam Á. 

Bài: Hoài Anh
Hình ảnh: Lee Minh Phương - Nhật Huy - Vân Nguyễn


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag