(P.TS&TT – Văn Lang, 28/10/2020) – Ngày 24/10/2020, Khoa Xây dựng Trường Đại học Văn Lang tổ chức chuyên đề “Kinh nghiệm thi công cọc khoan nhồi và tường vây” tại Cơ sở 1, dành cho hơn 50 sinh viên khoá 23 của Khoa có cơ hội giao lưu và học tập cùng doanh nghiệp.
Với chuyên đề “Kinh nghiệm thi công cọc khoan nhồi và tường vây”, Khoa Xây dựng mời 2 diễn giả có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Xây dựng là ThS. Đoàn Quang Phương – Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng Long Giang và ThS. Đoàn Minh Hiển – Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo Techcons đến giao lưu với sinh viên ngành Kỹ thuật Xây dựng và Quản lý Xây dựng của Trường Đại học Văn Lang.
LTS. Nguyễn Khắc Cường – Trưởng khoa Xây dựng Trường Đại học Văn Lang; PGS. TS. Ngô Quang Tường – Trưởng bộ môn Kinh tế và Quản lý Xây dựng; TS. Nguyễn Hoàng Tùng – Trưởng bộ môn Công trình cùng đông đảo sinh viên đã có mặt tham dự chuyên đề.
ThS. Đoàn Quang Phương – Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng Long Giang cho biết: “Công ty cổ phần Xây dựng Long Giang hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thi công xử lý nền móng, xây dựng tầng hầm các công trình dân dụng, công nghiệp và giao thông vận tải bằng phương pháp thi công cọc khoan nhồi, tường trong đất Diaphragm, cọc Barette…. Trong thời gian vừa qua chúng tôi là đơn vị đã và đang được tham gia thi công nhiều công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, kỹ thuật trên địa bàn cả nước, qua đó góp một phần nhỏ sức lực của mình vào sự nghiệp phát triển đất nước. Đặc biệt Long Giang luôn chú trọng tìm kiếm các bạn trẻ tài năng, nên khi đến với Trường Đại học Văn Lang chia sẻ, chúng tôi còn mong muốn nhận được nhiều CV chất lượng của các bạn sau buổi hội thảo này.”
Để giúp sinh viên có kiến thức thực tế và các thông số tính toán cụ thể nhất, ThS. Đoàn Quang Phương không ngần ngại đưa ra ví dụ tại dự án UOA Tower – Quận 7, TP.HCM do Công ty CP Xây dựng Long Giang thi công để làm minh chứng thực tiễn. Thường trước quá trình thi công, nhiều đơn vị xây dựng còn chưa chú ý đến các điều kiện mặt bằng, nhưng ThS. Đoàn Quang Phương lưu ý rằng: “Trước khi tiếp nhận một dự án, chúng ta cần phải xem xét kỹ các điều kiện về mặt bằng như khu vực dân cư xung quanh, đường xá, hệ thống điện nước... Để tránh cho quá trình vận chuyển vật tư gặp hạn chế, công trình cần có 2 cổng ra vào, mỗi cổng có chiều dài từ 7-9m, chiều cao 5.5-6m để phù hợp cho các loại xe chuyên dụng ra vào (như xe bê tông có chiều cao 4.8m)”.
Để hội thảo sôi nổi, ThS. Đoàn Quang Phương liên tục đặt câu hỏi để khuyến khích sinh viên thể hiện sự am hiểu của mình về chuyên ngành và tự tin hơn trước đám đông. Với phần chính yếu của chuyên đề “Biện pháp thi công”, ThS. Đoàn Quang Phương nhấn mạnh: “Để giảm chi phí thi công và hạn chế việc chắn đất thì quy trình thi công sẽ theo thứ tự: Cọc thử - Tường vây – Cọc đại trà. Vời các dự án quá lớn có thể triển khai thi công song song, tuy nhiên cần thi công cọc thử bên trong trước rồi mới ra bên ngoài, các cọc thi công cần chú ý khoảng cách an toàn để tránh việc bê tông bị rạn nứt.”
Hội thảo “Kinh nghiệm thi công cọc khoan nhồi và tường vây” tiếp tục là cơ hội để sinh viên Khoa Xây dựng Trường Đại học Văn Lang tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích, có góc nhìn thực tế hơn so với việc học lý thuyết, hiểu rõ hơn về công tác thi công nền móng. Theo định hướng đào tạo ứng dụng và tăng cường liên kết doanh nghiệp, Khoa Xây dựng Trường Đại học Văn Lang cung cấp cho sinh viên nhiều cơ hội trao đổi trực tiếp và được các chuyên gia giàu kinh nghiệm giải đáp thắc mắc, đưa ra các giải pháp thi công khoa học, an toàn, đúng tiến độ và chất lượng cho công trình.
Tuệ Khánh