TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Sinh viên khoa Mỹ thuật & Thiết kế giao lưu cùng nghệ sĩ thị giác Dzung Yoko về “Trải nghiệm cá nhân và quá trình thực hiện bộ ảnh thời trang”

(P.TS&TT – Văn Lang, 29/10/2020) – Ngày 29/10/2020, tại hội trường N2T1 – Cơ sở 3 Trường ĐH Văn Lang, Khoa Mỹ thuật & Thiết kế tổ chức talkshow về “Trải nghiệm cá nhân và quá trình thực hiện bộ ảnh thời trang” với sự góp mặt của diễn giả Dzung Yoko – Nghệ sĩ thị giác, Giám đốc sáng tạo Tạp chí thời trang Elle.

Diễn giả Dzung Yoko là vị khách vô cùng thân quen với sinh viên ngành Thiết kế Thời trang Văn Lang, với nhiều lần ngồi ở vị trí là thành viên hội đồng đánh giá bảo vệ tốt nghiệp của sinh viên ngành Thiết kế Thời trang với những góp ý từ góc nhìn của chuyên gia sáng tạo. Ngày 29/10/2020, anh cùng cộng sự của mình là Stylist Điền Huyền Linh đến chia sẻ những trải nghiệm thực tế cũng như quá trình thực hiện một bộ ảnh thời trang – công việc quan trọng, mang tính tiên quyết cho việc đưa các sản phẩm nghệ thuật đến gần với công chúng.

Khi biết được trăn trở của đa phần sinh viên về lĩnh vực mình đang theo đuổi dần không còn phù hợp, lo lắng chưa định hướng được tương lai, anh Dzung Yoko chia sẻ mở đầu talkshow: “Năm 1998, anh tốt nghiệp thủ khoa Đại học Kiến trúc Tp.HCM ngành Kiến trúc, tuy nhiên khi ra trường, anh quyết định rẽ hướng sang Thiết kế Đồ họa và bắt đọc tự học mọi thứ. Từ hứng thú về sáng tạo và yêu thích ca sĩ Trần Thu Hà, anh nhiều lần thuyết phục để được thiết kế bìa đĩa cho cô và bắt đầu khẳng định được sự nghiệp khi đạt giải thưởng Bìa đĩa đẹp nhất năm. Đến năm 2003, trong một chuyến du lịch nước ngoài, anh được nhìn thấy rất nhiều tạp chí thời trang tại một nhà sách, và một lần nữa đam mê thật sự trong người anh được tìm ra. Ấp ủ và học hỏi suốt 5 năm, đến năm 2008 anh chính thức chuyển sang ngành Thời trang và làm việc cho Tạp chí Elle. Do đó các bạn có thể hoàn toàn thay đổi công việc theo từng giai đoạn mình yêu thích, vì quan trọng nhất là ở cái “gu” và năng khiếu của mỗi người. May mắn là các bạn đa phần đều được học các ngành về nghệ thuật nên đều có nền tảng chung về chuyên môn thẩm mỹ.”

vlu talkshow dzung yoko bHai khách mời Dzung Yoko và stylist Điền Huyền Linh (ngoài cùng bên trái) giao lưu với sinh viên ngành Thiết kế Thời trang Đại học Văn Lang

TRẢI NGHIỆM TRONG TƯ DUY SÁNG TẠO

Có cơ hội tiếp xúc và làm việc với sinh viên trong các buổi chấm đồ án, Dzung Yoko cho rằng các bạn sinh viên Văn Lang cũng như các trường khác đang thực hiện những đề tài còn xa xôi, thoát khỏi sự trải nghiệm của mình. Do đó lời khuyên đầu tiên mà diễn giả Dzung Yoko gửi đến sinh viên Văn Lang là hãy nên sáng tạo dựa trên những gì mình đã trải qua thì mới có thể phiêu được. Bắt nguồn từ cảm xúc thật thì mọi thứ chúng ta làm sẽ trở nên dễ dàng hơn.

vlu talkshow dzung yoko cHình ảnh trong cuốn sách Nhị Nguyên sắp ra mắt của Dzung Yoko, với chủ đề Soulmate nói về phần sáng và phần tối của con người, lấy cảm hứng từ chính câu chuyện của anh và người cộng sự Stylist Điền Huyền Linh đều có chị em sinh đôi.

Với phương pháp “trải nghiệm trong tư duy sáng tạo”, sinh viên Văn Lang đặt câu hỏi về những khó khăn trong việc định hình phong cách riêng, nhiều đồ án làm ra bị mang phong cách của nhưng người nổi tiếng đi trước và dễ hiểu lầm là sao chép, hoặc trăn trở khi các bạn chưa trải nghiệm được nhiều, tâm trạng và cảm xúc dễ bị downmod thất thường, thì đâu là cách hiệu quả để đưa trải nghiệm vào tác phẩm và lấy lại cảm xúc để tiếp tục sáng tạo?

Dzung Yoko đưa ra lời khuyên từ chính bản thân mình: “Ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, anh cũng còn loay hoay với việc định hình phong cách riêng, các bạn có thể bắt đầu từ việc mượn các phong cách đã có sẵn và thấy phụ hợp với cá tính của mình. Mỗi tác phẩm các bạn thử bắt đầu sửa một số điều cơ bản như: màu sắc, bố cục hay ánh sáng… và kiên trì thay đổi, sáng tạo để dần tìm ra đâu là phong cách thật sự của mình. Người làm nghệ thuật thường có sự nhạy cảm hơn người khác. Đối với bản thân anh, anh thấy việc downmod rất là tốt, mình có thể tận dụng những cảm xúc đó để đưa vào công việc và truyền tải chúng bằng một thông điệp tích cực, học cách viết ra những lí do tại sao chúng ta buồn và làm thể nào để giải quyết khó khăn ngay lúc đó.”

LIÊN TƯỞNG TRONG TƯ DUY SÁNG TẠO

Trong thời trang, từ các hình ảnh có thể liên tưởng và sử dụng sự đối lặp trong vật thể để sáng tạo. Sau khi dịch CoVid-19 tại Việt Nam được kiểm soát, diễn giả Dzung Yoko thực hiện một bộ ảnh trên Tạp chí Elle và nhận được nhiều lời khen từ Tạp chí Elle tại Paris. Anh chia sẻ: “Từ niềm vui ngay lúc ấy, anh muốn thực hiện một bộ ảnh "Think Pink - Suy Nghĩ Tươi Đẹp" thể hiện sự vui tươi và rực rỡ, nên đã sử dụng 2 tone màu đối lặp nhau là hồng và xanh. Các thiết kế được lựa chọn từ sự liên tưởng đến các vật thể xung quanh như: chim hồng hạc, cá, hoa…. Các bạn chú ý để bắt đầu thực hiện sáng tạo, cần nghiên cứu nghiêm túc và tìm hiểu thật cặn kẽ chủ đề rồi vẽ phác thảo để chia sẻ ý tưởng đến các cộng sự.”

vlu talkshow dzung yoko dThiết kế của NTK Quách Đắc Thắng – Cựu sinh viên Khoá 18, ngành Thiết kế Thời trang Trường Đại học Văn Lang được sử dụng trong bộ ảnh Think Pink - Suy Nghĩ Tươi Đẹp của Dzung Yoko

Là nghệ sĩ thị giác được biết đến trong vị trí Giám đốc Sáng tạo của các tạp chí Elle và L’officiel, tháng 7/2011, Dzung Yoko mở triễn lãm cá nhân đầu tiên. Từ năm 2016, anh ra mắt các artbook thời trang được giới chuyên môn và bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Anh cũng nổi tiếng với các buổi nói chuyện về nghệ thuật, thời trang, xu hướng tại các trường đại học, với các buổi nói chuyện truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về niềm tự hào các giá trị Phương Đông cũng như Việt Nam.

Đối với Dzung Yoko, văn hóa Á Đông là tình yêu và nguồn cảm hứng bất tận. Đi ngược với nhiều người, anh luôn tìm kiếm vẻ đẹp của các nàng thơ Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam,… qua các tích truyện, những giá trị truyền thống. Vì thế, bằng lăng kính thời trang của mình, Dzũng Yoko thi vị hóa và tôn vinh các tinh hoa văn hóa dân tộc một cách tinh tế. Anh biết rằng một bộ ảnh đẹp là chưa đủ, thổi vào nó cái hồn và câu chuyện đậm tính nhân sinh mới thật sự trao cho nó lý do để tồn tại. Từ những con người bé nhỏ đến những câu chuyện chân phương đều được Dzung Yoko lột tả vẻ đẹp ẩn giấu mà ít ai tìm thấy được. Vì tình yêu đặc biệt với văn hóa phương Đông, các quyển sách ảnh nghệ thuật của anh xoay quanh các giá trị dân tộc. Đây cũng là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong buổi talkshow cùng sinh viên Văn Lang.

vlu talkshow dzung yoko kKhông chỉ riêng sinh viên khoa Mỹ thuật & Thiết kế, nhiều bạn sinh viên đến từ các ngành Quan hệ Công chúng, Marketing... và sinh viên trường khác cũng bị thu hút bởi chủ đề của Talkshow và đến giao lưu cùng diễn giả.

Có sinh viên đặt câu hỏi: Hiện nay, nhiều công ty có xu hướng sáng tạo “Out of box” và dễ làm người khác sáng tạo theo chiều hướng lệch lạc. Và theo phương Đông thì việc sáng tạo còn khá bị bó buộc bởi nhiều định kiến, quy tắc. Vậy nên tiết chế như thế nào để cân bằng sự sáng tạo và không lệch lạc?

Dzung Yoko bày tỏ quan điểm của mình về khái niệm “Out of box”: “Nhiều người chưa hiểu chính xác khái niệm “Out of box” cho rằng đây là làm lố, làm quá lên, nhưng “Out of box”ở đây là sáng tạo sự khác biệt, không đi theo lối mòn. Quan trọng là tác phẩm các bạn làm ra cần được nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng, mang được ý nghĩa và thông điệp tốt đẹp. Điển hình với bộ ảnh Tấm Cám đầu trọc của anh, cái anh muốn thể hiện ở đây là nét đẹp của người phụ nữ không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài hay một quy chuẩn cũ kỹ nào cả, vẻ đẹp của họ toát lên từ giá trị bên trong và sức mạnh tiềm ẩn của nữ quyền.”

Cũng với chủ đề đó, với câu hỏi về cách xử lý khi hiện nay các NTK trẻ sử dụng nhiều các hình ảnh văn hóa, truyền thống đưa vào sản phẩm và vấp phải ý kiến trái chiều, đặc biệt là sử dụng vấn đề thuần phong mỹ tục để công kích các sáng tạo, Dzung Yoko tự tin chia sẻ kinh nghiệm bản thân: “Quan trọng thông điệp bạn đưa ra là gì? Nếu bạn có một thông điệp đúng, vững chắc, đáng tin cậy và có chiều sâu thì không sợ bất cứ gạch đá nào. Sự sáng tạo hay phá cách dựa trên văn hóa, truyền thống cần có sự tìm hiểu sâu sắc và nghiên cứu tỉ mỉ để có sự trình bày chỉnh chu thì hoàn toàn có thể thuyết phục được các yếu tố truyền thông trái chiều.”

Bổ sung ý kiến của anh Dzung Yoko, Stylist Điền Huyền Linh chia sẻ thêm: “Thành công của một tác phẩm nằm ở câu chuyện mà bạn muốn kể đến khán giả. Đặc biệt, các bạn cần lưu ý đến đối tượng khán giả của bạn ở đây là ai, họ có chấp nhận được sự sáng tạo hay phá cách mà bạn muốn thể hiện hay không. Vì mọi sự sáng tạo đều trở nên vô nghĩa nếu không có người đồng cảm với nó.”

Trở thành một stylist cũng là một trong những hướng đi rộng mở cho các bạn sinh viên Thiết kế Thời trang hiện nay. Với câu hỏi “Yếu tố nào quyết định để trở thành một stylist thực thụ?”, Stylist Điền Huyền Linh vốn bắt đầu từ một chuyên ngành khác và đam mê thời trang qua cơ duyên, cho biết : “Khó mà có một quy chuẩn nào để đánh giá một stylist có chuyên nghiệp hay không. Đối với Linh, một stylist thực thụ là một người thực sự chịu làm. Một stylist là người không chỉ yêu thích mặc đẹp mà họ còn phải trân trọng và mang lại cái đẹp cho nhiều đối tượng khác nhau, cảm nhận được vẻ đẹp từ những form dáng khác nhau, chứ không riêng cho các bạn mẫu có form dáng chuẩn.”

Dzung Yoko cũng đưa ra lời khuyên dành cho các bạn sinh viên ngành Thiết kế Thời trang muốn mở brand fashion riêng: “Anh khuyên các bạn nên đi làm ít nhất 2 năm trước khi mở một brand cá nhân. Khi đi làm các bạn sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm cũng như quan sát được cách vận hành một thương hiệu. Các bạn có thể làm Assitant cho các nhà thiết kế, tập sự thiết kế cho các nhãn hàng lớn, trở thành một Stylist… Một việc anh cần lưu ý nếu các bạn có khách hàng là các Brand quốc tế thì cần thường xuyên cập nhật các xu hướng mỹ thuật và phong cách thời trang mới nhất, kết hợp với cái tôi của bản thân và định hướng của nhãn hàng để đạt được các kết quả cao nhất."

vlu talkshow dzung yoko h

vlu talkshow dzung yoko gNghệ sĩ thị giác Dzung Yoko thân thiện chụp ảnh lưu niệm và ký sách Mindfullness tặng sinh viên Văn Lang cuối talkshow.

Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, nghệ sĩ Dzung Yoko đã truyền cảm hứng và động lực học tập cho sinh viên Mỹ thuật & Thiết kế Văn Lang bằng câu chuyện về hành trình nghề nghiệp của mình, từ một kiến trúc sư chuyển sang nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác và đều đạt thành tựu ấn tượng.

Trong thời gian tới, ngành Thiết kế thời Trang Trường Đại học Văn Lang hứa hẹn sẽ có nhiều Talkshow được tổ chức định kỳ, với diễn giả là các chuyên gia về lĩnh vực nghệ thuật, thời trang, đem lại cho các bạn sinh viên các góc nhìn đa dạng, bổ sung kiến thức trong quá trình học tập.

Tuệ Khánh
Nguồn ảnh: Thời Trang Văn Lang, Nhật Huy


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag