(P.TS&TT – Văn Lang, 19/01/2021) - Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận môi trường làm việc thực tế, gắn bó với doanh nghiệp, đồng thời có những trải nghiệm phong phú đối với ngành học, tích lũy kinh nghiệm tham gia các cuộc thi thiết kế trong và ngoài nước, ngành Thiết kế Sản phẩm đã kết hợp cùng Cty TNHH Thiết kế Quận 8 (District Eight/ D8) tổ chức đợt “Học tập trải nghiệm cùng doanh nghiệp” trong 2 ngày 18-19/01/2021.
Đợt “Học tập trải nghiệm cùng doanh nghiệp Công ty TNHH Thiết kế D8” kéo dài gần 1 tháng, tạo điều kiện để sinh viên học trực tiếp kinh nghiệm thiết kế, xu hướng thiết kế của đơn vị và phong cách quốc tế. Các đợt học được tổ chức tại Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang và nhà máy D8 ở Quận Bình Tân.
Trong buổi học tập đầu tiên vào chiều ngày 18/01 tại Trường Đại học Văn Lang, sinh viên Khoa Thiết kế Sản phẩm đã có cơ hội học hỏi những kiến thức cơ bản về phong cách thiết kế, thiết kế bền vững và người tiêu dùng thông minh từ các chuyên gia thiết kế, nhân sự của D8. Đặc biệt, có mặt tại buổi giao lưu, giám đốc D8, ông Darren Scott Chew cũng trực tiếp truyền lửa cho thế hệ designer tương lai. Ông bày tỏ sự trân trọng và trách nhiệm của một nhà thiết kế đối với môi trường, chia sẻ về nguyên tắc chọn vật liệu trong môi trường sản xuất của D8.
Buổi thứ 2 của đợt học tập thực tế diễn ra tại nhà máy của D8 ở Quận Bình Tân. Tại đây, sinh viên có 1,5 giờ theo chân các chuyên viên của D8 để tham quan và học hỏi mô hình cấu trúc phân xưởng và vận hành qua các khu vực: gia công kim loại; xưởng làm composite tấm; xưởng gỗ, phòng sơn; phòng đảm bảo độ ẩm của gỗ; xưởng lắp ráp các bộ phận tạo nên thành phẩm; xưởng may, bọc nệm, Showroom D8,…
Chuyến trải nghiệm tại Xưởng D8 đã mang đến cho sinh viên không ít kiến thức thực tế trong việc lên ý tưởng và thi công, sản xuất thành phẩm: kỹ năng xử lý kim loại và sơn thủ công hóa để đảm bảo tính thẩm mỹ; kỹ năng đổ xi măng; cách xử lý chi tiết trang trí, chi tiết kết nối, chi tiết bo và xử lý mo trên sản phẩm trong điều kiện xuất khẩu sang quốc gia có môi trường khắc nghiệt, cách xử lý các kim loại kết hợp như sắt, gang và thau với công nghệ đúc, uốn, hàn khác nhau; kỹ thuật lắp ráp sản phẩm theo tiêu chuẩn “khắc nghiệt”, phù hợp với phân khúc người dùng có thu nhập cao; kỹ thuật bo hình sản phẩm đến bọc nệm, dồn gòn, định hình mút tạo dáng theo thiết kế; các cách may chần cho các gối khác nhau. Và đặc biệt, sinh viên còn có cơ hội trải nghiệm thực tế những sản phẩm mẫu trưng bày tại Showroom, để hiểu hơn về nguyên lý “nhường nhịn” giữa công năng, thẩm mỹ và cảm giác người dùng.
Một số hình ảnh sinh viên ngành Thiết kế Sản phẩm học tập tại xưởng của Công ty D8:
Bạn Thanh Thảo, khóa 25 chia sẻ: “Thật may mắn vì chúng mình được dẫn đến phòng gia công vật liệu bê tông – một vật liệu mình đang rất quan tâm và muốn đi sâu vào làm vật liệu chính cho bài tốt nghiệp sắp tới. Chúng mình được truyền dạy về tiến trình thực hiện và phương cách xử lý bê tông theo cách của D8, vừa đảm bảo màu sắc và chất lượng, tôn lên thẩm mỹ của tạo dáng sản phẩm.”
Bạn Hải Yến – khóa 25 chia sẻ: “Chuyến học tập giúp em định hướng vững chắc về những ý tưởng thiết kế phù hợp với xu hướng mới, củng cố tâm huyết với ngành học mà mình đã chọn”.
Bạn Ngọc Thảo – Khóa 25 cho biết: “Là một sinh viên chưa có nhiều cơ hội trải nghiệm như em thì việc được tham quan các xưởng sản xuất và có các anh chị kỹ sư, kỹ thuật viên, nhà thiết kế chuyên nghiệp hướng dẫn, giải thích tận tình trên sản phẩm thực tế là cơ hội quý giá”.
Là nhà thiết kế tạo dáng sản phẩm, vừa phải là chính mình, vừa là người triển khai bản vẽ thiết kế, người kỹ thuật lắp ráp sản phẩm, người vận chuyển và trên hết phải đóng vai người sử dụng để tạo nên một sản phẩm hiệu quả, tối ưu nhất. Chuyến trải nghiệm và học tập thực tế là cơ hội để sinh viên ngành Thiết kế Sản phẩm hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của một nhà thiết kế sản phẩm thực sự, giúp các bạn có cái nhìn sâu rộng hơn về ngành nghề và công việc mà mình lựa chọn.
Bài: ThS. Nguyễn Thị Uyên Uyên
Hình: Ngọc Trí, Uyên Uyên