TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Sinh viên Quan hệ Công chúng được trang bị kiến thức về "Fake News" vào ngày đầu đi học trở lại

(P.TS&TT - Văn Lang, 08/03/2021) - Ngày 8/3/2021, Trường Đại học Văn Lang tổ chức buổi học chuyên đề “Chống lại thông tin sai lệch trực tuyến, tin tức giả mạo và các thuyết âm mưu”, nằm trong khuôn khổ môn học Đọc và xem tin tức của sinh viên khoa Quan hệ Công chúng & Truyền thông.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ công nghệ số và mạng xã hội, vô số thông tin sai lệch hoặc chưa kiểm chứng được chia sẻ dày đặc trên các trang mạng, gây không ít nguy hại cho người sử dụng. Sự kiện được tổ chức nhằm giúp sinh viên hiểu rõ hơn về cách phân biệt các nguồn tin tức giả, thông tin sai sự thật, thuyết âm mưu cũng như cách chọn lọc những thông tin có nguồn gốc chính xác.

Buổi chuyên đề “Chống lại thông tin sai lệch trực tuyến, tin tức giả mạo và các thuyết âm mưu” được chia sẻ trực tuyến bởi TS. Jay Daniel Thompson - Giảng viên Truyền thông chuyên nghiệp tại Khoa Phương tiện kỹ thuật số và truyền thông (Media and Communication), Đại học RMIT, Melbourne, Úc. Sự kiện có sự tham gia của PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, TS. Võ Văn Tuấn – Phó hiệu trưởng Thường trực, ThS. Hoàng Xuân Phương - Phó Khoa Quan hệ Công chúng & Truyền thông, cùng sự góp mặt của giảng viên Khoa Quan hệ Công chúng & Truyền thông và hơn 1.000 sinh viên PR.   

vlu fake news aSinh viên khóa 26 khoa Quan hệ Công chúng & Truyền thông tham gia buổi học chuyên đề

Mở đầu chương trình, TS. Jay Daniel Thompson đưa ra những ví dụ thực tế về chủ đề “Chống lại thông tin sai lệch trực tuyến, tin tức giả mạo và các thuyết âm mưu” để sinh viên nhìn nhận một cách trực quan, điển hình như việc truyền bá các thông tin sai lệch liên quan đến dịch Covid-19 ở giai đoạn đầu tháng 12/2019, các nguồn thông tin y tế chưa được kiểm chứng,...  Từ đây, TS. Jay Daniel Thompson đề cập đến những thuật ngữ liên quan như: 

  • Disinformation: các thông tin sai lệch và được lan truyền, đăng tải trong không gian trực tuyến.
  • Fake news: tin tức giả mạo do những cá nhân hay đảng phái chính trị, tổ chức đăng tải trên truyền thông và gây ra thiệt hại.
  • Conspiracy theories: các thuyết âm mưu, mang hàm nghĩa tiêu cực và thường do nhóm quyền lực hay mang động cơ chính trị gây ra. Trên thực tế, các kế hoạch nằm trong thuyết âm mưu đều sẽ bị giấu kín trước công chúng, nhưng chúng vẫn được diễn ra rất thường xuyên và chúng ta khó có thể phát hiện được. 

 Theo TS. Jay Daniel Thompson, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện ngày càng dày đặc của các tin tức giả, thông tin sai sự thật và thuyết âm mưu:

  • Các thông tin trên thường tạo cảm xúc dâng trào cho mọi người khi tiếp nhận
  • Người đọc luôn sẵn sàng chia sẻ những nội dung nhận được từ bạn bè và người thân mà không đánh giá kĩ nội dung đó đúng hay sai
  • Thuyết âm mưu ngày càng phát triển mạnh mẽ trong thời kì xã hội không chắc chắn, đầy sự biến động.

Từ năm 2020 đến nay, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các quy định về giãn cách xã hội được ban hành, con người có nhiều thời gian hơn cho việc học tập và làm việc trực tuyến nên việc tiếp xúc thông tin sai lệch, tin tức giả và thuyết âm mưu trở nên phổ biến hơn.

Diễn giả đã đưa ra các phương án nhằm đẩy lùi sự gia tăng của fake news trong thời đại phát triển hiện nay, như:

  • Liên tục cập nhật kiến thức liên quan về phòng chống fake news cho người kiểm duyệt nội dung mạng xã hội, những quy định về việc xóa các nội dung không phù hợp và lưu ý về những tài khoản có khả năng lan truyền những thông tin trên. 
  • Người dùng không nên chia sẻ những liên kết được chia sẻ nhiều lần mà chưa được thông qua kiểm duyệt
  • Đội ngũ nhà báo, biên tập viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác minh, kiểm duyệt thông tin bằng phương pháp fact check trước khi thông tin tiếp cận người đọc. 
  • Người đọc nên tạo thói quen tự nghiên cứu và phân tích vấn đề, không nên phụ thuộc vào một nguồn tin, hãy chọn lọc các nguồn tin chính xác để tham khảo.
  • Trang bị kiến thức về phương tiện truyền thông, không để bản thân bị dẫn dắt bởi các thông tin được chia sẻ từ người nổi tiếng trên mạng xã hội.

vlu fake news eTS. Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng thường trực trường Đại học Văn Lang, Trưởng khoa Quan hệ Công chúng & Truyền thông chia sẻ: “Chuyên đề cũng là một định hướng cho Khoa Quan hệ Công chúng & Truyền thông, giúp sinh viên của Khoa có cơ hội học hỏi từ những bậc thầy về quan hệ công chúng & truyền thông ở khắp các trường đại học danh giá trên thế giới trong thời gian sắp tới”.

Sự kiện mang đến cho sinh viên những kiến thức mới mẻ và chuyên sâu hơn về cách phân biệt thông tin sai sự thật, tin tức giả và thuyết âm mưu. Việc áp dụng những kiến thức ấy trong đời sống, công tác học tập giúp sinh viên dễ dàng nhận biết được đâu là thông tin đúng và đáng tin cậy, góp phần tạo nền tảng vững chắc trong môi trường làm việc sau này.   

Về TS. Jay Daniel Thompson:

  • Giảng viên truyền thông chuyên nghiệp tại Đại học RMIT.
  • Thành viên Ủy ban điều hành của Hiệp hội Nghiên cứu Văn hóa Australia và ban biên tập của Tạp chí Antithesis.
  • Những nghiên cứu của tiến sĩ thường xoay quanh các chủ đề: phương tiện truyền thông số, tự do ngôn luận, đạo đức truyền thông,... Nhiều nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Nghiên cứu Truyền thông & Văn hóa Continuum - tạp chí học thuật được đánh giá ngang hàng với Hiệp hội Nghiên cứu Văn hóa của Australia.

Bài: Kim Tuyến -  Mai Thy 
Hình: Đăng Anh

.


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag