(PTS&TT - Văn Lang, 31/03/2021) - “Đến với Liên hoan phim Văn Lang, khi mọi tâm huyết đổ dồn vào kịch bản và gửi đi tham dự, quyết tâm trong lòng em dâng cao: Kịch bản này phải được nhận! Mình phải làm bộ phim này!”
Liên hoan Phim Văn Lang lần thứ nhất
Từ năm 2018, điện ảnh Việt ngày càng xuất hiện nhiều tác phẩm điện ảnh đặc sắc do người trẻ thực hiện, đoạt giải thưởng lớn, đánh dấu bước tiến mới cho thị trường phim nước nhà. Công chúng biết đến “Nhắm mắt thấy mùa hè” của Đạo diễn trẻ Cao Thúy Nhi, “Thưa mẹ con đi”, “Mùi hương nước mắm” của Trịnh Đình Lê Minh, “Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi” của Chung Chí Công hay series “Việt sử kiêu hùng” truyền cảm hứng sử Việt cho người Việt. Người trẻ cũng dần khẳng định tên tuổi với các dự án phim phát sóng trên nhiều nền tảng khác nhau.
Với phương châm “Học tập thông qua trải nghiệm”, tạo điều kiện để sinh viên yêu mến bộ môn nghệ thuật thứ bảy được trải nghiệm và tạo nên những giá trị cho riêng mình, lan tỏa năng lượng tích cực đến cộng đồng thông qua điện ảnh, Trường Đại học Văn Lang chính thức khởi động Liên hoan phim đầu tiên.
Lễ ra mắt Liên hoan phim Văn Lang (13/03/2021) với sự tham dự của nhiều khách mời uy tín trong lĩnh vực nghệ thuật, các doanh nghiệp, đơn vị truyền thông cùng gần 1.000 sinh viên.
Sự góp mặt của Ban cố vấn là các nghệ sĩ uy tín của điện ảnh Việt Nam đang công tác tại Đại học Văn Lang như: PGS.TS.NGƯT. Phan Thị Bích Hà – Trưởng khoa Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh; ThS. HS. Phan Quân Dũng – Trưởng khoa Mỹ thuật và Thiết kế; Đạo diễn, NSND. Đào Bá Sơn – Giảng viên Khoa Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh là bảo chứng cho chất lượng cuộc thi dù mới chỉ lần đầu tổ chức.
Chưa đầy 1 tháng phát động, hơn 700 thí sinh đã đăng ký 89 tác phẩm dự thi. Trải qua vòng Sơ loại, 45 tác phẩm có kịch bản thuyết phục nhất được lựa chọn để tiếp tục vào Bán kết, bắt đầu tổ chức sản xuất dưới sự trợ giúp của 5 huấn luyện viên trong các lĩnh vực phim ngắn, hoạt hình, sản xuất viral clip,…
Workshop “Tổ chức sản xuất phim chuyên nghiệp” giải đáp cho sinh viên nhiều thắc mắc về quy trình sản xuất, xây dựng kịch bản, tổ chức ekip làm phim.
Trong vòng Bán kết (03 - 04.2021), Liên hoan phim Văn Lang tổ chức 3 talkshow, workshop về Phim điện ảnh – Truyền hình và Giấc mơ người trẻ; Tổ chức sản xuất phim chuyên nghiệp và Thực hành kỹ năng diễn xuất, với các diễn giả uy tín: ĐD. NSND. Đào Bá Sơn, NSƯT. Minh Hạnh, ĐD. Trần Minh Ngân, ĐD. Trần Minh Cường, ĐD. Lý Minh Thắng, Biên kịch Ngọc Bích, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và tiếp động lực cho các bạn trẻ đam mê điện ảnh.
Vừa qua, một số đội thi được mentor - Đạo diễn Trần Minh Ngân tổ chức kiến tập ngay tại phim trường Em trai bố dượng (Truyền hình Vĩnh Long). Đăng Anh – thí sinh đến từ đội GOSSIP hào hứng: “Dù phải thức dậy từ sớm để có mặt tại trường quay nhưng em thấy rất đáng! Chúng em đã nhận được những trải nghiệm thật tuyệt vời!”
Khi người trẻ Văn Lang làm phim
“Hãy dũng cảm. Hãy sẵn sàng viết, phát triển và giải quyết vấn đề bằng tất cả nhận thức và tri thức của người xây dựng kịch bản” (ĐD. NSND. Đào Bá Sơn).
Qua những kịch bản gửi về, những câu hỏi được thí sinh đặt ra trong workshop, có thể thấy giới trẻ hôm nay nhạy cảm với cuộc sống và con người xung quanh. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng thể hiện quan điểm, sự táo bạo trong tư duy và đề xuất những kịch bản rất đời, khắc họa nhiều vấn đề nhức nhối.
Một Duy Anh muốn tạo nên những thước phim về hành trình đấu tranh giữa đam mê nghệ thuật và cuộc sống cơm áo gạo tiền; một Khóm tạo nên cuộc giằng co quyết liệt trong căn nhà chứa chật chội; hay câu chuyện về lòng bao dung của người cha kế dành cho đứa con riêng – câu chuyện đi ngược những điều cổ tích thường kể nhưng lại nhân văn, tha thiết biết bao… Tất cả tạo nên bức tranh chung của người trẻ Văn Lang khi dấn thân vào nghệ thuật: thay vì sự ngọt ngào của những câu chuyện tình cảm học đường dễ thương nhưng đơn giản, họ hòa trộn thêm vị đắng, vị chát, vị cay nồng để tái hiện xã hội thật đời. Đấy là bản lĩnh của tuổi trẻ. Nhưng cũng là thách thức lớn mà tuổi trẻ cần vượt qua.
Đại diện Three of cups – đội thi đã gửi 2 tác phẩm tham dự bảng A và B Liên hoan phim Văn Lang, thí sinh Tương Nguyên cho biết: “Em không nghĩ có một ngôi trường nào khác sẽ thực sự đổ nhiều công sức, sự đầu tư chuyên nghiệp để tạo ra một giá trị riêng cho sinh viên của mình như Liên hoan phim Văn Lang.”
Cùng với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, các đơn vị đồng hành truyền thông, sân chơi của Trường Đại học Văn Lang cung cấp cho sinh viên những hỗ trợ lớn và thiết thực trong quá trình thực hiện tác phẩm. Theo Quách Nghê Nhật Minh – cựu sinh viên Khoa Mỹ thuật và Thiết kế tham dự Liên hoan phim Văn Lang với 2 tác phẩm SOLO Adventure và Hồn của lồng đèn, đây là sân chơi lý tưởng cho những bạn trẻ đam mê nghệ thuật nhưng vẫn còn đâu đó chút mặc cảm về kinh nghiệm, sự hiểu biết chuyên môn hoặc cơ hội tiếp cận với thế giới nghệ thuật nên bấy lâu chưa dám dấn thân thực hiện sản phẩm của riêng mình.
Một buổi casting của đội thi CLB Guitar Văn Lang
Thực tế, sức lan tỏa của Liên hoan phim không dừng lại trong khuôn khổ cộng đồng sinh viên Văn Lang mà còn thu hút nhiều tài năng trẻ đến từ Đại học Sân khấu điện ảnh Tp.HCM, Đại học Hoa Sen, Tôn Đức Thắng, FPT, Hutech,… Cùng đam mê nghệ thuật, các bạn đã gặp gỡ, làm quen và kề vai sát cánh, cùng thai nghén đứa con tinh thần của mình.
11th Production với các thành viên đến từ Đại học Văn Lang, Đại học Sân khấu – Điện ảnh và Nhạc viện Tp.HCM
Làm một bộ phim ngắn dù chỉ vỏn vẹn vài phút cũng là cả một vấn đề. Trong khi đó thí sinh Liên hoan phim Văn Lang là những gương mặt trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và tài chính để đầu tư sản xuất. Đối với mỗi đội thi, từng khung hình, thước phim được tạo nên là sự cố gắng tận sức.
Có bạn bắt đầu từ xuất phát điểm: một kịch bản, một biên kịch kiêm đạo diễn. Có đội thi đã thực hiện nhiều buổi casting nhưng mãi vẫn chưa tìm được nữ chính phù hợp. Mỗi hạng mục, các bạn phải đối mặt với mỗi khó khăn khác nhau. D. Snake Team, một trong 7 nhóm dự thi hạng mục phim hoạt hình chia sẻ: “Tụi em cần có một không gian cố định để xây dựng bối cảnh, tạo hình nhân vật. Nhưng cả nhóm đều là sinh viên tỉnh, tập hợp cùng làm rất khó. Nhóm thậm chí đã nghĩ đến phương án tốn kém là góp tiền thuê nhà trọ gần trường để thực hiện dự án… May mắn thay, nhờ ban quản lý Kí túc xá Trường, tụi em có được địa điểm thuận tiện để phát triển sản phẩm.”
Những workshop, talkshow trò chuyện với chuyên gia vừa là buổi chia sẻ kiến thức, vừa là lời cảnh báo về khó khăn thí sinh phải đổi mặt khi sản xuất phim chuyên nghiệp. Trương Hoàng Đạt (đội Dây Thun) cho biết: “Nghe thầy Sơn, thầy Ngân chia sẻ, em mới biết có quá nhiều kiến thức chuyên sâu. Nhìn các bạn tích cực đặt câu hỏi với vấn đề đa dạng, em nhận thức rõ hơn về khả năng, tinh thần “chiến đấu” và sự chuẩn bị chỉn chu từ các đối thủ của mình.”
Trắc trở là thế, nhưng sinh viên Văn Lang vẫn kiên trì theo đuổi đam mê. Hai chàng trai đến từ đội thi Q&T chia sẻ: “Bản thân em đã tham dự nhiều cuộc thi làm phim trước đó nhưng hầu hết đều mang tâm lí vui là chính. Nhưng riêng với Liên hoan phim Văn Lang, khi mọi tâm huyết đổ dồn vào kịch bản và gửi đi tham dự, quyết tâm trong lòng em dâng cao: Kịch bản này phải được nhận! Mình phải làm bộ phim này!”
Một nửa chặng đường đã qua, một nửa khó khăn còn đợi chờ phía trước. Chúc 43 đội thi vững chí bền lòng, cùng nhau tạo nên những tác phẩm thật tuyệt vời không chỉ mang ý nghĩa cho riêng cá nhân, mà còn đem lại nhiều giá trị tích cực tác động đến cộng đồng.
T.A.N