(P.TS&TT - Văn Lang, 14/04/2021) - Với xu thế phát triển bền vững của xã hội, ngành Môi trường được xem là ngành tiên phong và dẫn lối để có thể đạt được mục tiêu của sự bền vững. Ý tưởng từ đâu và giải pháp là gì luôn là câu hỏi để các doanh nghiệp xác định con đường phát triển của mình. Với mục đích cùng nhau đưa tiếng nói của những bạn trẻ từ cộng đồng sinh viên Văn Lang đến doanh nghiệp và xã hội, Công ty TNHH Siam Cement kết hợp với Khoa Công nghệ - Bộ môn Kỹ thuật Môi trường tổ chức buổi hội thảo chuyên ngành giới thiệu cuộc thi INSEE PRIZE 2021 với ý tưởng về xây dựng bền vững.
Vài năm gần đây, cuộc thi quan tâm khá nhiều về vấn đề xây dựng, nhưng với những diễn biến cực đoan về thời tiết, cuộc thi mong muốn tìm ra những giải pháp mới trong lĩnh vực môi trường. Với sự mong muốn đó, cuộc thi đã đặt ra các chủ đề trong lĩnh vực môi trường bao gồm: (1) Tái chế, tái sử dụng chất thải; (2) Vấn đề hạn hán; (3) Xử lý nước lợ thành nước ngọt; và (4) nhà thân thiện với môi trường.
Anh Nguyễn Thanh Dũng – Trưởng phòng phát triển bền vững đã cung cấp cho các bạn những gợi ý mà xã hội đang cần câu trả lời, và thực tế cho thấy rằng, những việc rất nhỏ và gần gũi với chúng ta mỗi ngày cũng rất cần những ý tưởng để thay đổi hành vi và nhận thức của chúng ta.
Ngoài ra, hội thảo còn trình bày về hệ thống quản lý môi trường và Quy trình xử lý chất thải công nghiệp bằng phương pháp đồng xử lý của công ty Siam Cement Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Trốn – trưởng phòng quản lý Môi trường đã đem đến cho các bạn sinh viên thông tin về mức độ quan trọng của một nhân viên môi trường trong vận hành một dây chuyên sản xuất của doanh nghiệp. Với quy mô dù lớn hay nhỏ, nhân viên quản lý môi trường luôn là một mắc xích quan trọng trong việc vận hành bền vững và an toàn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thanh – Trưởng nhóm kinh doanh thương mại Eco-Cycle (cựu sinh viên Văn Lang khóa 13 ngành Kỹ thuật Môi trường) đã mô tả chi tiết về công nghệ đồng xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại. Hiện nay, Công ty Siam Cement Việt Nam là một trong những công ty có quy mô lớn nhất trong xử lý chất thải công nghiệp nguy hại, đây là một trong những công nghệ quan trọng trong việc thay thế nguyên liệu đốt và nguyên liệu sản xuất xi măng. Vì vậy, xi măng INSEE đã đạt được nhãn xanh sinh thái (Green Label) từ các tổ chức ở các quốc gia phát triển. Trong quy định về tiêu chuẩn công trình xanh LEED, việc sử dụng nguồn nguyên vật liệu xây dựng có nhãn xanh là một trong những tiêu chí quan trọng.
Hội thảo diễn ra với sự đóng góp tích cực từ các bạn sinh viên. Sướng nhất là sinh viên môi trường, hỏi cũng được quà, trả lời cũng được quà dù sai hay đúng. Hội thảo còn có sự tham gia của các bạn đến từ Khoa Quản trị Kinh Doanh và Marketing càng làm tăng tính sôi nổi của hội thảo.
Đây được xem là bước đầu trong khẳng định vị thế của ngành môi trường trong doanh nghiệp. À mà phải tự hào một việc vì sao INSEE lại tìm đến Khoa Công nghệ vì các anh chị vô tình search trên mạng và tìm ra chỉ có Khoa Công nghệ ở Văn Lang đào tạo ngành “Quản trị Môi trường doanh nghiệp” và “Thiết kế xanh” là 2 ngành mà hiện nay các doanh nghiệp đa quốc gia như INSEE luôn tìm kiếm nhân sự.
Công ty khẳng định chắc chắn, các doanh nghiệp nếu không quan tâm đến bảo vệ môi trường thì sự bền vững của công ty đó là điều không chắc chắn. Và kỹ sư môi trường là một trong những mắc xích tạo bắt buộc để tạo nên câu chuyện phát triển của xã hội.
Kỹ sư Trương Ngọc Minh Thư
Khoa Công nghệ