(P.TS&TT – Văn Lang, 07/05/2021) - Trong tháng 4, Khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang tổ chức chuyến thực tập dành cho sinh viên khóa 25, ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành. Chuyến đi kéo dài 12 ngày 11 đêm cùng sự tham gia của hơn 250 sinh viên và 9 thầy cô giảng viên.
Chúng tôi đặt chân đến 11 tỉnh thành: Lâm Đồng, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị. Tận mắt thấy, tận tai nghe, tận tay cảm giác để cảm nhận, để nhận biết và để tự mình đánh dấu trên bản đồ những ấn tượng riêng về những mảnh đất này. Mỗi điểm đến, một sắc màu, mà có lẽ đến sau này, chúng tôi vẫn sẽ hoài nhớ khi nghĩ về quãng đời sinh viên!
Say đắm văn hóa Tây Nguyên
Đồng hồ điểm 5 giờ, 7 chiếc xe háo hức lăn bánh tiến thẳng về khu vực Tây Nguyên, đưa chúng tôi tham quan khu du lịch Buôn Đôn, Đăk Lăk, tìm hiểu lối sống sinh hoạt hằng ngày, cách xây dựng nhà ở của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Ngày thứ hai, chúng tôi tham quan Chùa Minh Thành – ngôi chùa mang phong cách kiến trúc Nhật Bản và Hàn Quốc giữa phố núi Gia Lai, như lạc vào “chốn bồng lai tiên cảnh" của “cung điện thu nhỏ nơi phố núi mù sương Pleiku”. Một điều đáng nhớ trong chuyến đi là lần đầu tiên chúng tôi được trải nghiệm “Giao lưu cồng chiêng Tây Nguyên” với đồng bào Gia Rai. Ngọn lửa hồng hừng hực giữa đại ngàn, tiếng cồng chiêng ngân vang, hương rượu cần làm say đắm lòng người,...
Tạm biệt phố núi Gia Lai, cả đoàn hào hứng với ngày thứ ba đặc biệt tại Cô nhi viện Linh Sơn, tham gia hỗ trợ các cô chú, vui chơi cùng các em nhỏ. Sinh viên và Thầy Cô Khoa Du lịch đã tặng cho mái ấm Linh Sơn một số tiền nho nhỏ, như một hoạt động thường niên của Khoa mỗi năm khi về thăm Mái ấm.
"Con đường di sản miền Trung" nắng gió
Tiếp tục di chuyển xuống TP. Đà Nẵng với một chuyến “city tour” thú vị, đám sinh viên chúng tôi không thể ngồi yên: chiêm ngưỡng Ngũ Hành Sơn, viếng thăm Linh Ứng Tự, dạo quanh bán đảo Sơn Trà ngắm toàn cảnh phố biển Đà Nẵng và dừng chân tại bãi biển Mỹ Khê để tham gia team building. Thành phố Huế mộng mơ là điểm đến đã để lại cho chúng tôi bức ảnh đẹp nhất, khi tất cả mặc đồng phục Khoa check-in trước cổng Đại nội. Nam mặc áo sơ mi trắng - quần tây, nữ mặc áo dài hồng, gần 300 sinh viên cùng tạo nên những khoảnh khắc đẹp đẽ, tự hào của sinh viên khoa Du lịch Văn Lang tại Cố đô Huế.
Ngày thứ sáu, chúng tôi viếng thăm thành cổ Quảng Trị, dâng hương cho các chiến sỹ đã hi sinh tại vùng đất này. Buổi chiều, chúng tôi tham quan một di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận - Động Phong Nha. Đứng trước vẻ đẹp hùng vĩ, làn nước trong xanh, những thạch nhũ được cấu tạo độc đáo và lạ mắt, chúng tôi vẫn không khỏi vỡ òa trong ngạc nhiên khi trước mắt hiện lên khung cảnh vô cùng tráng lệ.
Tiếp tục chuyến đi, chúng tôi ghé thăm Quảng Nam, với Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, với những kiến trúc cổ kính và những đặc sản hấp dẫn.Tạm biệt Quảng Nam, đoàn di chuyển một đoạn đường dài để đến Bình Định. Chúng tôi tham quan Eo gió – Nhơn Lý; tìm hiểu về lịch sử hình thành của nhà Tây Sơn, cùng những màn biểu diễn võ thuật cổ truyền Tây Sơn, Bình Định. Ngày thứ 10, chúng tôi gấp rút di chuyển đến thành phố Nha Trang để tham gia Gala dinner. Chương trình do chính sinh viên Khóa 25 tổ chức dưới sự hỗ trợ từ các anh chị hướng dẫn viên. Chúng tôi được nhìn lại cuộc hành trình đã trải qua trong suốt 10 ngày cùng các tiết mục văn nghệ vô cùng hoành tráng do chính sinh viên biểu diễn. Chương trình cũng có phần trao giải cho 6 sinh viên có thành tích học tập tốt trong hành trình.
Điểm đến cuối cùng là Đà Lạt – thành phố ngàn hoa. Chúng tôi cùng nhau tham quan, chiêm ngưỡng sự trang trọng, cổ kính của Dinh 1; được tự do khám phá thành phố Đà Lạt về đêm, cùng ngồi với nhau uống cốc sữa đậu nành nóng dưới thời tiết 170 C,…
12 ngày 11 đêm… không chỉ là chuyến thực tập
Khép lại hành trình 12 ngày 11 đêm, chúng tôi đã đồng hành cùng nhau với vô vàn kỉ niệm. Các Thầy, Cô hướng dẫn và đại diện công ty lữ hành đã tận tâm, chân thành giúp chúng tôi học được nhiều điều từ chuyến đi. Chúng tôi được rèn luyện những nghiệp vụ - kỹ năng mà một hướng dẫn viên chuyên nghiệp cần phải có và được tiếp cận tuyến điểm thực tế. Đó là nghiệp vụ hướng dẫn, nghiệp vụ thuyết minh tại điểm, nghiệp vụ thuyết trình trên xe, nghiệp vụ nhận – trả phòng cho khách; kỹ năng đứng cầm micro thuyết minh trên xe, kỹ năng hoạt náo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tạo thiện cảm với khách, kỹ năng chụp ảnh, kỹ năng xử lý các tình huống, kỹ năng sắp xếp bàn ăn…
Không chỉ thưởng ngoạn, mỗi người chúng tôi đều có một cuốn sổ ghi chép riêng, những góc ảnh riêng ở từng điểm đến. Đó sẽ là cẩm nang nghề nghiệp cho những năm “hành nghề” sau này. Những kỷ niệm của chuyến đi trở thành ký ức đẹp về tình bạn, tình thầy trò thời sinh viên. Với tôi, được tham quan học tập tại những địa điểm trước giờ chỉ được ngắm qua hình ảnh, tôi đã lặng người khi nghe thuyết minh ở thành cổ Quảng Trị; thích thú với vẻ đẹp cổ kính của Đại nội Huế, lăng vua Tự Đức; yên bình với cảnh trí nên thơ tại biển hồ Pleiku và Hội An; choáng ngợp với vẻ đẹp hùng vĩ của Động Phong Nha, Eo gió – Kỳ Co, ghềnh Đá dĩa... Để từ đây, chúng tôi thêm yêu những vùng đất, thêm yêu hành trình nghề nghiệp mà mai đây mình sẽ dấn thân vào.
Hoài Ân - Sinh viên Khóa 25 Khoa Du lịch
Ảnh: Nguyễn Thành Ngọc Thạch