(VLU, ngày 03/6/2021) - Sáng ngày 24/04/2021, tại phòng A11.04 – Cơ sở chính Trường Đại học Văn Lang, Hội thảo chủ đề "Branding Communications For Future Marketers" đã được Khoa Thương mại tổ chức, với sự dẫn dắt thuyết phục của ông Nguyễn Đình Toàn, Phó Chủ tịch Marketing Suntory Pepsico Vietnam.
Tại hội thảo, diễn giả Nguyễn Đình Toàn đã nhiệt tình chia sẻ với sinh viên Khoa Thương mại nói chung và sinh viên ngành Marketing nói riêng về quản trị thương hiệu thời đại 4.0, giúp các bạn sinh viên sắp ra trường hình dung rõ hơn về khái niệm “Thương hiệu”, thế nào là làm “Branding” trong ngành Marketing.
Những năm gần đây, chúng ta thường nghe nói đến cụm từ “Branding cho doanh nghiệp”. “Brand (thương hiệu) và "Sản phẩm" có khác nhau không? Để trả lời cho câu hỏi trên, ông Nguyễn Đình Toàn đã chia sẻ về góc nhìn và quan điểm của mình bằng nhiều ví dụ thực tế: “Khi người tiêu dùng tìm đến và mua sản phẩm của Iphone, người ta đâu có mua điện thoại! Họ đến là vì sự sang trọng, thời thượng,… vì nhiều giá trị mà Iphone mang đến mà trong đó, yếu tố về công nghệ chỉ chiếm một phần. Khi đến mua sản phẩm, như một tiềm thức được ẩn giấu, câu cửa miệng của ta sẽ là "Tôi mua Iphone" chứ không phải "Tôi mua điện thoại" - Đó chính là thành công của Iphone và cũng là thành công của các Marketers làm cho thương hiệu này!”
Người tiêu dùng hiện nay thường có xu hướng tìm đến thương hiệu nhiều hơn là tìm đến sản phẩm. Nhiệm vụ của người làm Marketing là phải tạo ra sự khác biệt trong quy trình định vị cho thương hiệu của doanh nghiệp. Để tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm, thông thường người làm marketing sẽ bắt đầu với mong muốn của khách hàng nhằm gắn kết cảm xúc của người tiêu dùng với sản phẩm, từ đó cảm xúc của thương hiệu cũng dần được hình thành trong tâm trí khách hàng.
Chia sẻ với những sinh viên sắp ra trường vẫn còn mông lung về công việc của một Marketers thực thu, ông Nguyễn Đình Toàn khẳng định: “Làm Marketing là làm Thương hiệu, xoay quanh Thương Hiệu, lên chiến lược để quảng bá Thương hiệu.” Theo ông, một Marketer phải biết: Trước khi lên chiến lược Branding, điều tiên quyết cần làm là định vị thương hiệu của doanh nghiệp; hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu; nhận ra thách thức của thương hiệu ở đâu để có sự đầu tư và triển khai chiến lược một cách hợp lý nhất. Ông cũng khẳng định: “Insight khách hàng là một trong các yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một chiến dịch thành công, mỗi tệp khách hàng sẽ có insight khác nhau và không phải chỉ có duy nhất một insight nên nhiệm vụ của chúng ta là phải lọc và tìm ra insight cốt lõi nhất. Thương hiệu không tồn tại. Thương hiệu chỉ tồn tại khi nó ở trong tâm trí khách hàng!”
Trong khuôn khổ hội thảo chuyên đề, sinh viên đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề chuẩn bị kiến thức và kinh nghiệm giải quyết tình huống trong quá trình làm việc với vai trò là một marketer chuyên nghiệp. Khi một sinh viên trải lòng về kinh nghiệm thực tập tại phòng Marketing của một công ty nhỏ: “họ không yêu cầu việc lên kế hoạch cho thương hiệu như công việc chính của Marketing mà chỉ thúc tụi em làm thế nào để ra doanh số, để bán hàng cho thật nhanh”, ông Toàn đã giải thích rõ: “Ở những công ty nhỏ, khi tài chính không ổn định, họ phải xoay sở làm sao để tồn tại trên thị trường và cũng không nhiều công ty có thể hiểu rõ tầm quan trọng của việc lên chiến lược thương hiệu của phòng Marketing. Đó là một thực tế nghề nghiệp.” Chia sẻ cùng khát vọng trở thành marketer chuyên nghiệp của các bạn trẻ, ông Toàn cho biết: "Nếu muốn branding cho doanh nghiệp tốt, thì ngay bây giờ các bạn hãy branding cho bản thân mình! Chủ động tìm ra bản thân muốn gì, mạnh điểm nào để phát triển chứ không phải cứ đi hỏi những người xung quanh để nghe nhận xét nữa!”
Khép lại buổi chia sẻ thú vị và bổ ích, Khoa Thương mại đã nhận về nhiều phản hồi tích cực từ phía sinh viên, tăng thêm động lực và cảm hứng cho các Marketers tương lai để chuẩn bị cho con đường sự nghiệp.
Lê Thụy Thùy Trang
Sinh viên Khoa Thương mại