(VLU, 01/7/2021) - Trong đợt tái bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên trường Đại học Văn Lang đã có nhiều hoạt động đóng góp ý nghĩa, lan tỏa tinh thần cống hiến hết mình cho đất nước. Bên cạnh những đóng góp của tập thể, không thể không kể đến những tấm gương sinh viên Văn Lang đi đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương, được các cơ quan báo chí và truyền hình ghi nhận trong thời gian qua.
NỮ SINH "TRỐN" GIA ĐÌNH ĐI CHỐNG DỊCH VÀ PHẢN ỨNG BẤT NGỜ TỪ PHỤ HUYNH
Mới đây, chuyên mục "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một chuyện đẹp" của Quận đoàn Tân Bình - TP.HCM đã biểu dương Trần Nguyệt Quỳnh Mai (20 tuổi, ngụ quận Tân Bình) - một tình nguyện viên trẻ tuổi, năng nổ của đội tình nguyện viên phòng, chống dịch COVID-19.
Quỳnh Mai hiện là sinh viên năm 2 ngành Tâm lý học của Trường Đại học Văn Lang. Cuối tháng 5 vừa qua - thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu diễn biến phức tạp tại quận Gò Vấp, Quỳnh Mai đọc được thông báo tuyển tình nguyện viên hỗ trợ phòng, chống dịch của Thành đoàn. Không chút suy tính, cô gái trẻ nhanh tay đăng ký ngay.
"Ban đầu em cũng lo lắm vì sợ mình bị "dính" COVID-19, nhưng nghĩ đến những hình ảnh các bác sĩ, nhân viên y tế ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho mọi người, em cũng muốn góp một phần nho nhỏ sức lực vào cuộc chiến này" - Mai chia sẻ lý do tham gia đội tình nguyện.
Mai cho biết, khi bắt đầu tham gia tình nguyện tại Gò Vấp, công việc chính của các tình nguyện viên như Mai là hỗ trợ nhập liệu, điều phối, hướng dẫn người dân quy trình lấy mẫu xét nghiệm và nhắc nhở người dân giữ khoảng cách an toàn.
Mai bộc bạch: "Mỗi ngày tụi em làm việc theo ca, mỗi ca từ 6 đến 7 tiếng, công việc tuy đơn giản nhưng mất khá nhiều thời gian. Nhiều hôm mệt quá mọi người chỉ muốn uống nước chứ không ăn nổi. Dù vất vả nhưng từ các y bác sĩ đến tình nguyện viên bọn em luôn động viên nhau vui vẻ, lạc quan, cố gắng hoàn thành công việc".
Được bảo hộ cẩn thận và được trang bị các biện pháp bảo vệ bản thân nhưng lo lắng là điều khó có thể tránh khỏi, nhất là với những tình nguyện viên trẻ. Cũng vì lẽ đó mà Mai sợ gia đình lo lắng, ngăn cản, nên từ đầu khi đăng ký làm tình nguyện, Mai định "ém" luôn chuyện này, không thông báo cho người thân.
"Để đảm bảo an toàn, cứ 3 ngày thì tụi em được lấy mẫu xét nghiệm một lần. Nhưng nhiều khi lấy mẫu xong về không dám ngủ vì sợ bị gọi báo kết quả" - Mai kể.
Mãi đến khi Mai xin chuyển về làm tình nguyện gần nhà (quận Tân Bình) thì gia đình mới biết những việc bạn làm. "Cách đây vài ngày, khi cha mẹ em chuẩn bị đi xét nghiệm ở phường 6, ngay tại điểm em hỗ trợ lấy mẫu thì em mới kể cho cha mẹ biết. Cứ tưởng sẽ bị la một trận "ra trò" thì thật bất ngờ, cha mẹ rất ủng hộ việc em làm, động viên em cố gắng giữ gìn sức khỏe, bảo vệ bản thân. Đây là động lực rất lớn đối với em" - Mai chia sẻ.
Kể về kỷ niệm trong những ngày làm tình nguyện, Mai say sưa nói về những tình cảm đặc biệt của người dân dành cho lực lượng phòng chống dịch, kể về sự mạnh mẽ của các em nhỏ khi phải lấy mẫu xét nghiệm mà không hề quấy khóc.
Được biết, ngoài việc thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện, Quỳnh Mai dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã tự nguyện đăng ký hiến tạng - một nghĩa cử cao đẹp.
SINH VIÊN HỖ TRỢ CHỐNG DỊCH COVID-19
Cho đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Để ứng phó, ngoài huy động tối đa lực lượng y tế trên địa bàn tham gia lấy mẫu xét nghiệm, triển khai các công việc nhằm tầm soát trên diện rộng để đánh giá nguy cơ nhiễm bệnh tại cộng đồng, một số lượng lớn sinh viên của các trường đại học cũng được huy động tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 cho thành phố.
Sinh viên Lê Thị Thanh Xuân (khoa Quan hệ công chúng – Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang) nói rằng: Chính tình yêu với quê hương, đất nước đã thôi thúc Xuân đăng ký đi hỗ trợ tình nguyện. Ngoài ra, Xuân cảm thấy mình là người trẻ, có sức khỏe, muốn cống hiến một ít sức lực, dù là nhỏ bé để giúp đỡ nhiều người khác cùng vượt qua đại dịch này.
Thanh Xuân chia sẻ: Hàng ngày, bất cứ công việc nào được giao, em đều cố gắng hỗ trợ, làm hết mình, có khi là hỗ trợ điều phối, đo nhiệt độ cho người dân, soạn quà phát cho người dân nghèo, tuyên truyền các kiến thức cho người dân về phòng chống Covid-19.
Theo bạn Lê Thị Thanh Xuân, đa phần các sinh viên tình nguyện đều không biết nhau từ trước, tuy nhiên, khi đến các điểm chống dịch, mọi người đều rất nhiệt tình, hỗ trợ lẫn nhau.
Cả Quỳnh Mai và Thanh Xuân đều cho rằng, mỗi hoạt động hỗ trợ tại các điểm chống dịch đều mang lại cho các bạn từng cảm xúc, từng kỷ niệm khác nhau, tất cả đều rất đáng quý. Mong các thầy cô, sinh viên nói riêng, và mỗi người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói chung hãy giữ gìn sức khỏe thật tốt, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, nhằm giữ gìn sức khỏe của chính mình cũng như người xung quanh, sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Trường Đại học Văn Lang cho biết, đợt dịch Covid-19 lần này, trường có khoảng hơn 100 sinh viên tình nguyện hỗ trợ tại các điểm chống dịch. Nhiệm vụ chính của các sinh viên là lấy mẫu xét nghiệm, đo nhiệt độ, phân luồng khai báo y tế, nhập dữ liệu, hỗ trợ người dân tại các điểm chống dịch, hay vận chuyển và sắp xếp đồ đạc tại ký túc xá của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Xem thêm tại:
Sinh viên vừa hỗ trợ chống dịch covid-19 lại còn đăng ký hiến tạng - Giáo dục Việt Nam
Nữ sinh "trốn" gia đình đi chống dịch và phản ứng bất ngờ từ phụ huynh - Tuổi Trẻ Online
Tổng hợp từ Báo Giáo dục Việt Nam và Tuổi Trẻ Online