TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Học Triết học qua phim - một trải nghiệm thú vị

(VLU, 06/7/2021) – Học kỳ II (năm nhất), sinh viên khoá 26 Chương trình đào tạo đặc biệt (26-DB) học môn Triết học Mác – Lênin. Với các bạn ấy (chắc cũng là tâm lý chung của nhiều sinh viên), triết học là một môn học “khó, khô và khiếp”. Để “trấn an” của bạn, ngày đầu tiên, giảng viên nói rằng “Triết học là một môn khoa học thú vị, giúp chúng ta nhận thức vấn đề sâu sắc, biện chứng hơn, từ đó, làm việc hiệu quả hơn”. Tuy nhiên, trải qua các tuần học tiếp theo, với hình thức học online, những điều giảng viên nói dường như không đủ sức củng cố niềm tin ở các bạn. Vậy là giảng viên đề xuất cả lớp cùng đi xem phim “Bố già”, bộ phim đang được đông đảo người xem đón nhận.

vlu hoc triet hoc qua phim a

Bộ phim xoay quanh cuộc sống gia đình ông ba Sang trong xóm lao động nghèo ở Tp.HCM. Ông là thành viên của một gia đình bốn anh chị em “Giàu, Sang, Phú, Quý”. Chị hai Giàu và chú tư Phú cũng sống trong cùng con hẻm. Chị hai Giàu là chủ của một tiệm gạo, còn chú Phú làm chủ quán cơm tấm thịt nướng. Chú út Quý ở đâu không rõ, lâu lâu mới xuất hiện trong tình trạng say xỉn, quậy phá. Ông ba Sang có cậu con trai tên Quắn (đã trưởng thành) và con gái nhỏ Bù Tọt. Công việc hàng ngày là ông chở hàng thuê cho bà chị hai Giàu, lo cơm nước cho cả nhà và đưa đón đứa con gái nhỏ đi học.

Câu hỏi mà giảng viên đặt ra khi xem phim là: Ngoài mục đích giải trí, xem phim còn có thể giúp ích gì cho việc học Triết học không? Và thật sự ngạc nhiên khi sinh viên đã nhận định, đánh giá các tình huống trong phim qua lăng kính triết học.

Những trải nghiệm nhận thức từ góc nhìn triết học

Đầu tiên là những phát hiện về quy luật cơ bản và cặp phạm trù triết học được thể hiện xuyên suốt bộ phim. Nói về “mặt đối lập”, theo bạn Trần Quang Huy: “Đó là đối lập về lối sống, cách nghĩ của hai cha con. Cha Sang luôn sống vì người khác, đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của họ, bình tĩnh cho qua mọi chuyện, cho dù người ta nói xấu mình. Còn Quắn – người trẻ - sống ở thời đại mới có lối sống vì bản thân, luôn có những suy nghĩ mới, luôn phản bác khi bị nói xấu”. Bạn Quan Huệ Mẫn cũng đồng quan điểm: “Mặt đối lặp được thể hiện trong phim là sự khác biệt giữa hai thế hệ về suy nghĩ, lối sống, ông ba Sang cổ hủ, thích những thứ xưa cũ, còn Quắn sống hiện đại”.

Diễn tiến bộ phim càng về sau càng cho người xem cảm nhận sự thay đổi trong Quắn. Từ một chàng trai với lối sống chỉ nghĩ cho bản thân, đến một người con thương và lo lắng cho ba, sẵn sàng làm mọi cách để ba mình được sống, hiến thận cho ba (dù biết chứng bệnh tim khó cho phép anh làm điều đó). Bạn Nguyễn Cao Sơn Lộc chỉ rõ: “Quá trình thay đổi về lượng dẫn đến chất thay đổi được thể hiện rõ trong phân cảnh Quắn đi cầu xin người nhà trong họ hàng hiến thận để phẫu thuật cho ông ba Sang, đó là hình ảnh người đàn ông trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm và biết sống vì người khác.”

Bạn Lê Thùy Minh Anh ấn tượng là câu nói của sư thầy với ông ba Sang: “Hãy trả sự cân bằng cho vạn vật. Có những nỗi đau phải xảy ra để tạo tiền đề cho những điều tốt đẹp được xảy ra” như một đúc kết cho quy luật phủ định của phủ định.

Những quy luật cơ bản của triết học hiện hữu, chi phối trong từng thước phim một cách tinh tế. Chi tiết hơn một chút, chúng ta còn bắt gặp những quy luật không cơ bản (các cặp phạm trù) trong triết học thể hiện đa dạng, phong phú và thú vị. Chẳng hạn, cặp phạm trù “Nguyên nhân – Kết quả”, theo bạn Nguyễn Cao Sơn Lộc: “Nguyên nhân ông ba Sang chết là do ông bị suy thận giai đoạn cuối, mổ ghép thận không thành công (nguyên nhân trực tiếp). Nguyên nhân sâu xa là do ông không chú ý đến sức khoẻ, không khám sức khoẻ định kỳ,… dẫn đến cái kết đau thương”. Nếu đứng ở góc nhìn của cặp phạm trù “Hiện thực – Khả năng”, các bạn đều đồng tình, với những việc Quắn đang làm (youtuber) và sự ủng hộ của cộng đồng mạng – đây là một hiện thực – sẽ tạo ra khả năng Quắn thành công, giàu có, đổi đời. Nhưng, sự xuất hiện của người yêu cũ với thông tin Bù Tọt là con gái ruột của anh với cô ấy (scandal) chính là điều kiện mới, tạo ra khả năng mới, từ đó tạo ra một hiện thực mới – Quắn thất bại.

Những cảm nhận về tâm lý, tình cảm gia đình

Bạn Lâm Trần Bảo Ngọc cho rằng: “Đây là một bộ phim tình cảm gia đình sâu sắc. Cần phải biết nói lời xin lỗi, cảm ơn bố mẹ khi còn có thể - “chúng ta có rất nhiều thời gian còn bố mẹ thì không”, “xin lỗi cha mẹ thì khó lắm nhưng nói được thì dễ thương vô cùng”… Còn bạn Lê Minh Hạnh chia sẻ: “Rất tâm lý và đời thực, bộ phim đã chạm đến trái tim và lấy đi nước mắt của người xem, khiến mọi người nhận ra một hiện thực về tình cảm gia đình dần lu mờ, những lời nói yêu thương dần trở nên rất khó nói và đến khi có thể nói ra thì tất cả đều đã quá muộn…” Bạn Nguyễn Cao Sơn Lộc chia sẻ thêm: “Đàn ông vốn ít thổ lộ tình cảm, ngại bày tỏ cảm xúc, thương nhau chỉ giấu trong dạ, chỉ khi gia đình lâm vào bi kịch, vì quá lo, quá xót cho nhau mà không biết làm gì thì họ mới thốt ra những câu chữ đơn giản nhưng đầy khó khăn (“Tao thương mày mà”, “Tui thương ba”) để biểu đạt chân tình”. Bạn Lê Thuỳ Minh Anh thổ lộ: “Sau bộ phim, em nhận thấy mình cần quan tâm gia đình nhiều hơn, lắng nghe, thấu hiểu và chấp nhận sự khác biệt giữa các thế hệ”. 

vlu hoc triet hoc qua phim c

Có thú vị không các bạn? Triết học không ở đâu xa, nó ở ngay trong cuộc sống. Hãy mở lòng đón nhận triết học và dùng nó soi rọi cuộc sống, các bạn sẽ thấy những điều mới mẻ. Lớp 26-DB đã trải nghiệm điều này với buổi xem phim Bố già, chúng ta cũng có thể làm điều tương tự, và còn có thể trải nghiệm với sự phong phú của nhiều tập phim khác, của nghệ thuật và tất cả các vấn đề, câu chuyện trong đời sống. THÚ VỊ, đó là câu trả lời chung của lớp 26-DB khi được hỏi cảm nhận về phương pháp học lần này.

ThS. Lê Thu Hằng
Phó trưởng Khoa Khoa học Cơ bản


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag